Đức Phanxicô đã được đánh dấu từ thời “Bergoglio”

485

Đức Phanxicô trong Ngày Thế Giới Trẻ tháng 7 năm 2013 ở Ba Tây / Alessia Giuliani/Cpp/Ciric

la-croix.com, Nicolas Senèze, 2017-11-16

Quyển tiểu sử. Tác phẩm hấp dẫn này phân tích làm thế nào mà các năm tháng ở đất nước Argentina của Jorge Mario Bergoglio đã chuẩn bị cho triều giáo hoàng của Đức Phanxicô.

Nhà xuất bản Emmanuel vừa xuất bản quyển tiểu sử này để bù cho thiếu sót quan trọng của bản dịch tiếng Pháp quyển Nhà Cải cách Vĩ đại: Phanxicô và việc tạo ra một Giáo hoàng triệt để (The Great Reformer: Francis and the Making of a Radical Pope) xuất bản từ năm 2014 bằng tiếng Anh, dù ba năm sau khi phát hành, tác phẩm đã được xem lại năm sau đó, tác phẩm này vẫn là một trong các tác phẩm viết về tiểu sử của Đức Phanxicô hay nhất, đặc biệt là các năm tháng ở Argentina.

Tác giả là ký giả người Anh Austen Ivereigh, người am tường tinh tế thể chế giáo sĩ (ông làm việc trong lãnh vực truyền thông của hồng y Cormac Murphy O’Connor, cựu Tổng Giám mục giáo phận Westminster, hồng y đã hợp tác rất nhiều trong việc bầu chọn Đức Phanxicô), tác giả lại là chuyên gia về nước Argentina (năm 1993, ông trình luận án ở đại học Anh Oxford, phân khoa khoa học chính trị, đề tài về Giáo hội và chính trị ở Argentina). Như thế, không ai hơn ông trong việc giải mã các năm tháng Argentina của Đức Phanxicô, những năm tháng đã chuẩn bị cho ngài từ khi còn là linh mục, đến giám mục, rồi đến hồng y Bergoglio và cuối cùng là Giáo hoàng Phanxicô.

Austen Ivereigh là tác giả xuất sắc trong việc làm cho dễ hiểu, ông biết độc giả anglo-saxon ít nắm được các tinh tế về mặt chính trị, cũng như về hàng giáo sĩ ở Châu Mỹ La Tinh: vì thế ông bỏ thì giờ ra để giải thích sự việc, sắp đặt chúng lại, đặt chúng vào bối cảnh của chúng. Đôi khi các đoạn bàn luận hơi dài nhưng cuối cùng thì nó lại luôn làm sáng tỏ. Vì vậy, các bước khởi đầu xáo động chính trị ở Argentina, giữa các phe tự do và quốc gia, lại giúp cho độc giả hiểu tầm nhìn chính trị của giáo hoàng tương lai, sự chú ý của ngài đối với chủ thuyết peron và khuynh hướng hướng về “dân chúng” của ngài. Một trong các chủ đề hàm súc nhất của triều giáo hoàng, làm bật lên sự đào tạo về mặt triết lý và thần học của ngài.

Các trang lý thú khi ngài làm bề trên tỉnh dòng Dòng Tên giúp cho độc giả hiểu hơn linh mục Bergoglio lúc đó bị kẹt giữa khuynh hướng rất mác-xít của Dòng Tên và một khuynh hướng khác rất bảo thủ. Vì những lý do hoàn toàn đối lập nhau, người này người kia loại bỏ ý muốn của bề trên tỉnh dòng của họ, linh mục Bergoglio muốn các tu sĩ Dòng Tên gần với thực tế của xã hội Argentina hơn. Tuy nhiên tác phẩm buộc phải tránh hết sức đưa Đức Phanxicô về khuynh hướng Châu Mỹ La Tinh: ngược lại, tác giả nhấn mạnh, các tranh luận mà giáo hoàng Argentina tham dự đã trở thành thách thức phổ quát cho toàn Giáo hội.

Ngài từ chối không để mình bị công cụ hóa

Những gì diễn ra là các nỗ lực của Jorge Mario Bergoglio để luôn tập hợp, vượt ra khuôn khổ của một phía. Ngay từ đầu, ngài đã muốn vượt lên – không phải là không vụng về vì lý do tuổi trẻ – sự tách biệt tiến bộ-bảo thủ, một tiến trình mà ngài đeo đuổi không ngừng khi ngài là giám mục và sau đó là hồng y. Kể cả năm 2005, ngài từ chối không để mình bị khai thác bởi những hồng y muốn làm cho họ thành “vô địch” trước mặt Đức Bênêđictô XVI.

Ngay từ năm 1980, ngài đã viết: “Các người tái cấu trúc và những người lý tưởng hóa, những người bảo thủ và những người có tinh thần cách mạng luôn bỏ hết thì giờ của mình để đấu tranh, tạo cho mình có quyền lực, kiểm soát và điều khiển thể chế”, ngài cảnh báo chống hiểm họa “trở thành các xưởng tái phục hồi hay các phòng thí nghiệm vô trùng”, quên đi “phong trào đích thực đang trải rộng ra trong lòng tín hữu dân Chúa”. “Như thế, họ cho thấy họ không có khả năng tham gia vào tiến trình lịch sử, nơi Thiên Chúa cứu độ chúng ta, nơi Thiên Chúa làm cho chúng ta thành một chi thể, một thể chế”, ngài kết luận. Ngài bảo vệ cho một “cuộc cải cách đích thực cho Giáo hội”, theo cách diễn đạt của linh mục Yves Congar Dòng Đa Minh, người có tác động rất nhiều đến ngài.

Gần như bốn mươi năm sau nội dung của ngài vẫn không thay đổi, ngay cả khi ngài xuất hiện như một người tiến bộ đáng ngại đối với một số người, hoặc như một người bảo thủ hóa trang đối với người khác. Chúng ta hiểu, ngài “đã nhìn thấy người khác”, ngài không để mình bị lay chuyển bởi nghịch cảnh hay bởi các lời chỉ trích. Và nhất là ngài không để “chủ nghĩa tiến bộ vị thành niên” mà ngài đã thấy nổi lên ở Châu Mỹ La Tinh lay chuyển, trong đó ngài nhận thức Giáo hội chỉ có thể đáp lại bằng một sự cải cách sâu đậm.

Marta An Nguyễn dịch

Phanxicô, Nhà cải cách, Austen Ivereigh, Nxb. Emmanuel, 536 trang