Sức mạnh của duy trì nghi thức

164

Ronald Rolheiser, 2010-07-11

Đừng bao giờ đi đường xa với người nào mà lúc nào họ cũng đòi hỏi bạn phải thú vị. Trong cuộc hành trình dài chắc chắn sẽ có đôi khi buồn chán.

Đó là châm ngôn mà Daniel Berrigan đưa ra trong cuốn Cẩm Nang Đường Dài, Commandments for the Long Haul. Câu châm ngôn này chứa đựng một minh triết mà ngày nay không còn thấy trong hôn nhân, cuộc sống gia đình, tình bằng hữu, giáo hội, và đời sống tinh thần của chúng ta.

Thời buổi này, chúng ta thường đóng đinh người khác và bản thân mình với ý tưởng không thể có được là trong các mối quan hệ, gia đình, giáo hội và đời sống cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cần phải tỉnh táo, chú tâm, nhiệt tình và về mặt cảm xúc không được hờ hững lúc nào hết. Chúng ta không bao giờ được phép lơ là, chán nản, sốt ruột muốn đổi sang cái gì khác vì bị áp lực và mệt mỏi đè nặng lên cuộc sống. Chúng ta buộc tội lẫn nhau và buộc tội chính mình với những kiểu nhận xét: nhiều khi anh/em quá lơ là, quá mệt mỏi đến nỗi không nghe em/anh nói! Anh/em ở đây mà hồn thì để chỗ khác! Anh/em chán nhà thờ! Anh/em cứ mong cho xong thật chóng! Giờ anh/em không yêu em/anh như thuo ban đầu! Anh/em không còn để tâm vào điều này như trước nữa!

Những nhận xét này chứa đựng một yêu cầu lành mạnh nhưng chúng cũng bộc lộ sự dại dột và thiếu hiểu biết về những gì thật sự duy trì chúng ta trong đời sống hàng ngày. Chúng ta nghe nhau như trâu nghe đàn.

Tôi nói như vậy nghĩa là sao? Sau đây là một ví dụ:

Một nghiên cứu gần đây về hôn nhân cho thấy các cặp vợ chồng nào có thói quen ôm hôn nhau trước khi đi làm, trước khi đi ngủ thì họ hòa hợp hơn những cặp làm như vậy chỉ vì ngẫu hứng hay lúc có tâm trạng. Nghiên cứu này kết luận rằng dù hôn một cách lơ đãng, vội vàng, chiếu lệ hay vì trách nhiệm thì nó vẫn có vai trò rất quan trọng, nghĩa là nói lên lòng chung thủy và cam kết bất chấp thăng trầm trong tình cảm, bất chấp sao lãng và mệt mỏi bất cứ lúc nào. Đó là một nghi thức, một hành động được làm thường xuyên để nói một cách chính xác những gì con

tim và trí óc của chúng ta không thể lúc nào cũng nói được, nghĩa là những phần sâu thẳm nhất trong ta vẫn tha thiết ngay cả trong những lúc chúng ta quá mệt, quá bị phân tâm, quá tức giận, quá chán nản, quá sốt ruột, quá bận tâm, hoặc không trung thành về mặt tình cảm hay trí tuệ để chú tâm và có mặt như đáng ra chúng ta phải vậy. Cử chỉ đó nói lên rằng chúng ta vẫn thương yêu nhau và tha thiết với nhau bất chấp những thay đổi và áp lực không thể tránh khỏi của cuộc sống.

Ngày nay điều này ít khi được hiểu. Việc lý tưởng hóa quá mức về tình yêu, gia đình, giáo hội và cầu nguyện thường xuyên ảnh hưởng tai hại tới thực tế. Văn hóa bình dân làm chúng ta nghĩ rằng tình yêu lúc nào cũng phải lãng mạn, đầy hứng khởi và thú vị, và rằng việc thiếu cảm xúc là dấu hiệu của tình trạng có vấn đề. Các người xướng kinh, các vị hướng dẫn giờ kinh muốn chúng ta nghĩ rằng phải tràn đầy nhiệt tình và cảm xúc trong mỗi buổi lễ, và rằng chúng ta đang có vấn đề nếu thấy mình vô cảm, chán nản, nhìn đồng hồ và cự lại với cảm xúc “chuẩn” buộc phải có trong nhà thờ hay trong lúc cầu nguyện. Đâu đâu chúng ta cũng bị cảnh giác trước mối đe dọa phải làm điều gì đó vì nghĩa vụ, rằng khi những cử chỉ yêu thương, cầu nguyện, nghi thức lễ trở nên lệ thường thì đó là có vấn đề. Tại sao phải làm điều gì đó khi quả tim mình không ở đó?

Phải nói lại là, có đôi chút chính đáng trong những lời cảnh giác đó: Nghĩa vụ và cam kết mà không thật tâm thì cuối cùng không thể duy trì mãi được. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp nhận như vậy, điều quan trọng là chấp nhận và gọi tên cái thực tế rằng bất kỳ mối quan hệ nào trong tình yêu, gia đình, giáo hội hay cầu nguyện đều chỉ có thể duy trì qua thời gian dài nhờ nghi thức và lệ thường. Nghi thức duy trì trái tim, chứ không phải là ngược lại.

Chính sự trung thành với thói quen của cuộc sống hàng ngày chứ không phải tuần trăng mật mới duy trì được một cuộc hôn nhân. Chính sự trung thành với những việc đơn giản như có mặt trong bữa ăn cuối tuần, ăn uống dù qua loa và lơ là, chứ không phải cuộc ăn mừng linh đình hay đại tiệc, mới duy trì đời sống gia đình. Gia đình nào đòi hỏi bữa ăn chung nào cũng phải là một sự kiện mà ai cũng phải tham gia một cách xúc động, khăng khăng gạt ra ngoài áp lực thì giờ và chương trình của mỗi cá nhân thì sớm hay muộn sẽ thấy người nhà mình ngày càng vắng mặt. Mà vì lý do chính đáng: không ai có đủ năng lực để ngày nào cũng dự đại tiệc. Trên thực tế, không một ai, trừ Chúa, lại miễn nhiễm với cơn mệt mỏi, sao nhãng, thờ ơ, và mối bận tậm riêng khiến trái tim khó tỉnh táo, chú tâm và cảm xúc lúc nào cũng đúng điệu đúng lúc. Tình yêu, nói như cách của chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân, Marriage Encounter (một tổ chức giúp các cặp vợ chồng cải thiện hôn nhân), được thể hiện trong quyết định.

Điều này cũng đúng đối với cầu nguyện. Người nào chỉ cầu nguyện khi  trái tim và tâm hồn dành trọn vẹn cho cầu nguyện thì sẽ không duy trì việc cầu nguyện được lâu dài. Nhưng, thói quen cầu nguyện, nghi thức, đơn thuần trung thành với hành động đó, một khi nó chứng tỏ cho thấy nó không dính dáng gì đến cảm xúc, tâm trạng thì mới có thể duy trì cầu nguyện suốt cả đời và vượt lên trên những rong ruổi của trí óc và quả  tim.

Theo triết gia Soren Kierkegaard, sự lặp đi lặp lại là cơm ăn hàng ngày của chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch