Theo Massimo Borghesi, giáo sư Triết Luân lý ở Phân khoa Văn chương và Triết lý Đại học Perugia thì hành trang văn hóa và tri thức của Đức Phanxicô mang ảnh hưởng Pháp.
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-11-12
Theo giáo sư Massimo Borghesi, Đức Phanxicô có một hành trang văn hóa và tri thức hàng đầu, nhưng ngài chọn cách diễn tả rất đơn giản: một chọn lựa tiêu biểu theo tinh thần Tin Mừng, giáo sư nhấn mạnh trong tác phẩm của mình, làm nổi bật các ảnh hưởng Pháp trong thời gian đào tạo của thanh niên trẻ Bergoglio.
Giáo sư Massimo Borghesi tìm tòi về nguồn gốc và sự phát triển tư tưởng của Đức Phanxicô, ông viết quyển sách tiếng Ý có tựa “Jorge Mario Bergoglio, một tiểu sử tri thức” (Jorge Mario Bergoglio, una biografia intellettuale ) và đã được phát hành ngày ngày 9 tháng 11 – 2017. Giáo sư Massimo Borghesi dạy triết luân lý ở phân khoa văn chương và triết lý của đại học Perugia,
Tác giả nêu lên các năm tháng Jorge Mario Bergoglio học ở đại học, ông lần theo các giai đoạn của tiến trình đào sâu văn hóa, tư tưởng của Đức Phanxicô, các ảnh hưởng tri thức đã làm cho ngài có một kiến thức phong phú.
Ký giả Fabio Colagrande, phó giám đốc đài Radio Vatican tiếng Ý nêu lên, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên đã đồng hóa linh đạo của Thánh I-Nhã, cũng như với việc đọc tác phẩm của triết gia Dòng Tên người Pháp Gaston Fessard (1897-1978) mà khái niệm Giáo hội như “đơn vị hợp nhất của những đối lập” đã hướng ngài về tư tưởng của thần học gia Ý-Đức Romano Guardini (1885-1968).
Tác giả cũng trích dẫn các ảnh hưởng Đức: linh mục Dòng Tên Erich Przywara (1889-1972) sinh tại Katowice, Ba Lan. Tác giả nhắc đến Aloïs Müller, một trong các tác giả được Đức Hồng y Joseph Ratzinger nói đến về giáo hội học của Vatican II ngày 27 tháng 2 năm 2000, nêu lên sự hiệp nhất giữa Maria và Giáo hội (A. Müller, Ecclesia-Maria. Di Einheit Marias und der Kirche, Fribourg, 1955).
Tác giả có được các yếu tố trong tay mình do chính Đức Phanxicô thực hiện trong bốn lần trao đổi qua ghi âm.
“Tôi không biết thanh niên trẻ Bergoglio rút từ đâu cảm hứng của mình, tác giả nào ngài đọc, đã khởi đi từ khái niệm rất độc đáo, mà sau này sẽ dẫn ngài đến việc chạm trán với triết lý đối cực của các sự đối nghịch nhau của thần học gia Romano Guardini. Vì vậy, tôi không thể làm gì khác hơn là trực tiếp hỏi ngài. Tôi gởi cho ngài một loạt câu hỏi và ngài, tôi phải nói, tôi quá ngạc nhiên trước sự nhã nhặn của ngài, ngài đã tin vào công việc của tôi và chấp nhận trả lời. Và thế là ngài gởi đến cho tôi những câu trả lời chưa từng có, rất đặc biệt giúp tôi hoàn thành công việc của tôi, và nhất là khám phá chìa khóa chính trong sự đào tạo của ngài, từ một linh mục thế giá Dòng Tên người Pháp. Chúng ta biết, ngài thường bị cho là chỉ nhận được duy nhất sự đào tạo latinô-mỹ, nhưng trên thực tế, một phần lớn sự đào tạo của ngài là nhờ các linh mục Dòng Tên người Pháp”.
Từ sự kiện có được thông tin “chưa từng có”, tác giả nói tiếp: “Thanh niên trẻ Bergoglio, dưới sự hướng dẫn của giáo sư triết Miguel Angel Fiorito, đã đọc nhiều lần tác phẩm “Phép biện chứng của các Bài tập linh thao của Thánh I-Nhã” của tác giả Gaston Fessard (La dialectique des Exercices spirituels de Saint Ignace de Loyola, Aubier-Montaigne, 1956). Ngài đọc Bài tập linh thao như một sức căng, có nghĩa là một tư tưởng lay chuyển giữa các trái ngược, giữa ân sủng và tự do, giữa vô cùng lớn và vô cùng nhỏ. Nói cách khác, đời sống kitô không phải là một đời sống “hài hòa” nhưng là một đời sống lay chuyển giữa môi trường của các trái ngược, và thống nhất tất cả lại trong một tổng hợp cao hơn, như nơi triết gia Hegel, một tổng hợp không được ban cho qua suy nghĩ nhưng được ban cho qua Mầu nhiệm, có nghĩa là qua tác động của Chúa. Vì thế, giữa Chúa vô cùng lớn và con người trong tình trạng thật của nó, có một sức căng đối cực liên tục mà Bergoglio nhận thức đó là chìa khóa linh đạo của Thánh I-Nhã, và trong những năm 70/80, ngài đã áp dụng cho toàn xã hội, Giáo hội, cho môi trường chia rẽ đặc trưng của nước Argentina bi thảm và tang thương” của những năm tháng đó.
Theo tác giả Massimo Borghesi, đó là vì sao theo thanh niên trẻ Bergoglio “Giáo hội được gọi để giải hòa giữa các trái ngược, được gọi để là tổng hợp, cũng như tu sĩ Dòng Tên là tổng hợp và gặp gỡ giữa các cực đối ngược”.
Quyển sách có thêm tựa phụ là “Phép biện chứng và thần nghiệm”, tác giả giải thích để hiểu hơn vì sao Đức Phanxicô đã phong thánh cho linh mục Dòng Tên người vùng Savoie nước Pháp Pierre Favre (1506-1546) vào chính ngày sinh nhật của mình, 17 tháng 12 – 2013, năm đầu tiên triều giáo hoàng của mình: “Theo ngài, linh đạo đích thực của Thánh I-Nhã là linh đạo thần nghiệm: trong sự tranh chấp giữa các tu sĩ Dòng Tên, ngài chọn quan điểm của trào lưu Pháp, chứ không chọn trào lưu Tây Ban Nha. Trào lưu Pháp là thần nghiệm và được tìm thấy nơi linh mục Pierre Favre, người bạn của Thánh I-Nhã và là gương mẫu lý tưởng của Đức Phanxicô. Linh mục Favre là tu sĩ Dòng Tên và là tín hữu kitô mà Bergoglio muốn được là. Linh mục Favre nhà chiêm nghiệm trong hành động, vừa là nhà thần nghiệm, vừa là người hoạt động cho người nghèo, cho sự thống nhất Âu châu bị chia rẽ giữa người công giáo, người theo giáo phái luther, calvin, có nghĩa là tổng hợp sống động của những đối ngược. Và những gì Bergoglio, trong cương vị Giáo hoàng, ngài đã làm một cái gì để đề nghị, để cổ động cho những việc này”.
Và đó là điều làm sáng tỏ về sự đào tạo sâu xa của giáo hoàng Bergoglio, đã làm cho giáo sư người Uruguay Guzman Carriquiry viết trong lời tựa quyển sách, “Giáo hoàng nói đơn giản vì ngài muốn nói đơn giản” và tác giả giải thích như sau: “Thật rõ ràng. Chính vì vậy mà tôi trích Pierre Favre. Pierre Favre có một nền đào tạo hàn lâm rất vững chắc. Thánh Favre học ở đại học Sorbonne, nhưng cách ngài diễn tả, cách ngài nói rất đơn giản. Bergoglio cũng vậy. Đức Phanxicô có một hành trang văn hóa và tri thức hàng đầu, nhưng ngài chọn cách diễn tả rất đơn giản: một chọn lựa tiêu biểu theo tinh thần Tin Mừng”.
Marta An Nguyễn dịch