Thiên Chúa ở đâu trong vô số các bi kịch xảy ra trên thế giới? Thiên Chúa ở đâu khi người hiền gặp chuyện dữ? Thiên Chúa ở đâu trong các trại cải tạo?
Đây là những câu hỏi được lặp đi lặp lại không ngừng, khi chúng gom lại với nhau thì chúng mang tính thần học, câu hỏi về Thiên Chúa và về nỗi đau con người.
Thường thường câu hỏi này gây nhức nhối cho chúng ta, giống như trận động đất ở Haiti tuần trước. Ước tính có trên 200 000 người chết, hàng ngàn người bị thương, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa, hàng ngàn người đối diện với nguy cơ mắc bệnh do thiếu nước sạch, thực phẩm, nhà ở, vệ sinh. Thủ đô Haiti gần như hoàn toàn bị hư hại, và ai ai trong đất nước này đều cũng có một người thân yêu bị chết. Và tất cả chuyện này đã xảy ra cho một trong các quốc gia nghèo nhất thế giới – một dân tộc có đức tin sâu đậm vào Thiên Chúa.
Thiên Chúa ở đâu trong tất cả chuyện này? Làm cách nào có một cái nhìn đức tin để hiểu tất cả chuyện này? Thật không dễ dàng.
Khi tìm câu trả lời trong Kinh Thánh, các bản văn của Do thái hay của Đức Giê-su không tìm cách xử lý vấn đề theo cái nhìn triết học như các tác giả chú giải Ki-tô và Do thái thường hay làm. Thay vào đó, Thánh Kinh và Đức Giê-su chỉ làm hai điều: Trước hết, đặt nỗi đau và bi kịch vào trong một cái nhìn rộng lớn hơn nơi Thiên Chúa được hiểu là đấng cứu chuộc nỗi đau hơn là giải thoát nó ra khỏi chúng ta. Thứ hai, quả quyết với chúng ta rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta, cùng chịu nỗi đau với chúng ta, trong mọi bi kịch.
Chẳng hạn, bất cứ ai theo dõi các bài đọc phụng vụ hàng ngày ở nhà thờ, đều không thể không chú ý rằng, từng có một sự kiện ám ảnh tương tự như những gì xảy ra ở Haiti và những gì được mô tả trong Thánh Thư trích từ Sách Samuen. Sau đây là một trích đoạn Thánh Thư của bài đọc phụng vụ sau trận động đất:
Dân sai người đi Si-lô; từ đó họ mang về Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên các thần hộ giá; ở đó, bên cạnh Hòm Bia Giao Ước của Thiên Chúa, có hai con ông Ê-li là Khóp-ni và Pin-khát. Khi Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa xuống trại, toàn thể Ít-ra-en hò reo vang dội khiến đất rung chuyển… (Và bằng đức tin và sự tin tưởng như thế, dân Ít-ra-en đã đi vào cuộc chiến, song)… Ít-ra-en bị đánh bại và ai nấy chạy trốn về lều của mình. Đó là một đòn rất đau: về phía Ít-ra-en có ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm Bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt, và hai con ông Ê-li là Khóp-ni và Pin-khát bị giết.
Tác giả nào đó đã không quá sức tưởng tượng để viết một sự kiện ám ảnh tương tự:
Cũng thế người dân Haiti đã sống tin tưởng và chân thành theo đức tin Ki-tô. Họ đi nhà thờ, chịu Mình Thánh Chúa, thắp lên ngọn nến canh thức cho Thiên Chúa. Họ tin tưởng Chúa sẽ bảo vệ họ. Nhưng ở đó vừa xảy ra một trận động đất kinh hoàng. Hàng trăm ngàn người chết, các tòa nhà lớn bị san bằng, các nhà thờ bị phá hủy, nhà thờ chánh tòa thì tan hoang, và vị Tổng giám mục bị chết.
Vậy Thiên Chúa ở đâu trong tất cả chuyện này?
Sách Samuen không tìm cách giải thích sự kiện ngày hôm đó, ngày mà dân tộc chưa kịp vui mừng về đức tin và sự tin tưởng của mình vào Thiên Chúa thì đã bị thua trận. Sách Samuen không tìm cách giải thích Thiên Chúa đã ở đâu khi chuyện này xảy ra. Sách chỉ đơn giản kể tiếp câu chuyện và, cuối cùng, chúng ta thấy cách Thiên Chúa cứu chuộc bi kịch từ chính cái bi kịch mà người đã không giải thoát các nạn nhân trong đó. Sách Samuen nói rõ Thiên Chúa luôn ở với dân Ít-ra-en, ngay cả khi họ bị đánh bại.
Chúa Giêsu cũng cho chúng ta cái nhìn tương tự: Khi ông La-da-rô hấp hối, Người không vội vã đến cứu ông. Người đợi cho đến khi La-za-rô chết mới đến thăm. Người được hai người chị của La-za-rô là Matta và Maria ra đón và hỏi Người câu hỏi nhức nhối: Thầy đã ở đâu khi em con hấp hối? Tại sao Thầy không đến cứu em con?
Chúa Giêsu không trả lời. Người chỉ nói: “Các con để xác anh ở đâu?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem!” Họ dẫn Đức Giê-su ra nghĩa trang và khi thấy ngôi mộ táng anh La-da-rô, Người ngồi xuống và liền khóc. Người đi vào và chia sẻ nỗi buồn với hai người chị. Rồi sau đó Người mới làm cho La-da-rô sống lại.
Thiên Chúa ở đâu khi động đất xảy ra ở Haiti?
Chúa đang khóc với họ, đau buồn bên các ngôi mộ, buồn bã bên cạnh những tòa nhà đổ nát. Người đã ở đó, Người không giải cứu theo kiểu phim Hollywood hay Siêu Nhân. Nhưng Người bảo đảm Người sẽ chuộc lại những gì đã mất. Trong thời gian của Chúa, rốt cùng, không một cuộc đời hay một giấc mơ nào chết đi ở Haiti mà không được cứu chuộc. Cuối cùng, tất cả rồi sẽ đâu vào đấy.
J.B. Thái Hòa dịch