Cũng như Đức Gioan XXIII, Đức Phanxicô là một mục tử gần gũi với tín hữu

234

La Vie, Aymeric Christensen, 26-2-2014

Philippe Chenaux là giáo sư lịch sử Giáo Hội hiện đại và đương đại tại Đại học Latran, Rôma. Nhân dịp kỷ niệm năm đầu tiên cuộc bầu chọn Đức Phanxicô, ông trả lời cho chúng tôi các nét gần gũi hoặc khác nhau giữa Đức Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài.

Nếu so sách ngài với các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô có phải là một giáo hoàng khác biệt không?

Có một sự khác biệt đáng chú ý nơi Jorge Mario Bergoglio, là trước khi bầu chọn, ngài không có một kinh nghiệm nào ở Giáo triều La Mã. Các giáo hoàng khác, từ Đức Gioan XXIII đến Đức Bênêđictô XVI, tất cả đều đã học hoặc đã có sự nghiệp ở La Mã. Đức Gioan Phaolô II đã học ở đó, Đức Bênêđictô XVI đã có sự nghiệp ở đó, đáng kể là ngài làm ở Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, do đó khi ngài được bầu chọn là ngài đã quen thuộc ở đây. Không những thế, trong trường hợp của Đức Phanxicô, trước khi được bầu chọn, khi ngài còn làm Tổng giám mục Buenos Aires, ngài tránh càng nhiều càng tốt các chuyến đi qua La Mã. Điều này rất quan trọng trong cách tiếp cận hiện nay của ngài về vấn đề cải cách Giáo triều, với một tầm nhìn hoàn toàn ở bên ngoài, xa lạ và ngay cả phê phán. Ngài xuất hiện như một người hoàn toàn ở bên ngoài.

Mặt khác, ngài không những là một giáo hoàng không phải là người La Mã, lại cũng không phải là người Âu châu. Ngài đến từ «tận cùng thế giới», chính ngài nói như thế trong buổi tối được bầu chọn. Đến từ Châu Mỹ La Tinh, ngài có một kinh nghiệm khác về Giáo hội: một Giáo hội luôn luôn muốn đến gần với tín hữu. Ngài nhấn mạnh rất nhiều đến hình ảnh này của Giáo hội, một Giáo hội là dân của Chúa, dân của các tín hữu trung thành.

Tuy nhiên, theo tôi, có một điểm quan trọng, đó là trong tương quan với Công đồng Vatican II. Đức Phanxicô là một giáo hoàng không sống một cách trực tiếp với sự kiện này; đối với ngài, Công đồng là một chuyện hiển nhiên. Ngược với các vị tiền nhiệm, ngài ít trích dẫn các văn bản. Cũng có thể ngài ít biết vì không tham dự vào tiến trình phát triển của nó. Đối với ngài, điều đáng kể trước hết là tinh thần Công đồng Vatican II: thứ nhất, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo nhưng còn là một lựa chọn văn hóa của đối thoại, của gặp gỡ mà ngài nói đến rất nhiều, và cuối cùng từ chối lên án, từ chối tuyên bố các vạ tuyệt thông… Giáo Hội, với ngài, là hoàn toàn hậu Công đồng. Tôi muốn nói thêm, Đức Phanxicô là một giáo hoàng Dòng Tên, giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử. Và về điều này, ngài khác với các giáo hoàng tiền nhiệm (không chỉ khác với các giáo hoàng tiền nhiệm gần đây). Đó là một bản sắc mà ngài tự mặc lấy – nhiều hơn là bản sắc Châu Mỹ La Tinh – và được phản ánh trong cách ngài điều hành và lĩnh hội các vấn đề. 

Từ quan điểm của phong cách cá nhân, ngài khác biệt trên điểm gì?

Điều làm cho tôi ngạc nhiên ngay lập tức, đó là ngài hiểu, muốn đến gần tín hữu thì phải qua hành động, phải được tin cậy. Và độ tin cậy của thông điệp Tin Mừng phải qua chứng tá cụ thể. Điều này giải thích một phong cách mới, buông bỏ tất cả, từ chối mọi sự sang trọng, mọi hình thức bên ngoài của giàu có. Ngài nỗ lực – và tôi nghĩ rằng ngài đã thành công cho đến thời điểm này – khôi phục lại uy tín cho sứ điệp Tin Mừng, đặt Tin Mừng trước giáo điều. Điều đó không có nghĩa là ngài chối bỏ giáo điều, nhưng ngài không nói đến nhiều.

Để so sánh, Đức Bênêđictô XVI là một thần học gia lớn, các giảng dạy của ngài thật tuyệt vời, nhưng ngài chỉ chạm đến một số ít người, có lẽ vì ngài thiếu hiện thân trong giáo triều của mình.

Về khía cạnh chân dung, giáo hoàng nào gần đây gần giống với ngài?

Ngài muốn là một mục tử, điều này làm cho ngài rõ ràng khác với Đức Bênêđictô XVI, vị tiền nhiệm kế sát ngài, một nhà thần học. Từ quan điểm này, ngài có thể gần nhiều hơn với Đức Gioan XXIII là với những giáo hoàng khác, với cách tiếp cận không thiên về mặt tư tưởng đối với các vấn đề. Giáo hoàng Gioan XXIII là giáo hoàng ngài nhắc đến rất nhiều, và cũng không phải ngẫu nhiên mà Đức Gioan XXIII sẽ được phong thánh vào cuối tháng tư này, dù chưa có phép lạ thứ hai! Tuy Đức Gioan Phaolô II cũng muốn mình là mục tử, nhưng ngài là một triết gia, một nhà trí thức, Đức Phaolô VI cũng vậy. Cách Đức Phanxicô muốn gần gũi với mọi người, gần với người dân. Việc từ chối một số khoa trương, một phong cách truyền giáo đơn giản hơn, có tinh thần Phúc Âm hơn, tất cả đã làm cho ngài gần với Đức Gioan XXIII, đó là điều không chối cãi.

Mối quan hệ với Đức Phaolô VI thì ít rõ ràng hơn, ít thấy ngay lập tức, nhưng Đức Phanxicô cũng trích dẫn nhiều lời nói của Đức Phaolô VI. Ngài hay trích dẫn các văn bản tuyệt vời của Đức Phaolô VI, về chiều kích truyền giáo của Giáo Hội (đặc biệt trong Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi). 

Vào lúc bầu chọn, người ta nghe các so sánh với Đức Gioan Phaolô I …

Đúng, đó là một sự so sánh khá gần, trong chừng mực Đức Gioan Phaolô I cũng đến từ bên ngoài, theo cách của ngài, và không có kinh nghiệm giáo triều. Nhưng không so sánh được, vì triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I chỉ kéo dài một tháng… Nhưng cũng đúng, ngay từ đầu, qua một vài phương cách, qua phong thái của ngài, Đức Phanxicô cũng làm cho chúng ta nghĩ đến Đức Gioan Phaolô I.

Cuộc bầu chọn Đức Phanxicô được nhiều xem như một làn gió tươi mát. Các vị tiền nhiệm có được đón nhận nhiệt tình như vậy khi họ mới bầu chọn không?

Tại thời điểm bầu cử của họ, các giáo hoàng – cũng như hầu hết các nguyên thủ quốc gia –chung chung họ được hưởng một cái mà người ta gọi là tình trạng ân sủng… Nó có thể có ít trong trường hợp Đức Bênêđictô XVI, người thật sự là ở trong giòng liên tục của Đức Gioan Phaolô II và là người không có một hình ảnh tích cực, thì điều này là đúng với tất cả những vị tiền nhiệm của ngài. Đức Gioan XXIII, đặc biệt là sau triều giáo hoàng Piô XII, đã đại diện cho một làn gió mới lạ khác thường. Nếu chúng ta thêm vào đó là sự loan báo Công đồng, thì thật sự người ta thấy đang có một cái gì làm thay đổi, rằng Giáo hội đã bước vào một kỷ nguyên mới… Với Đức Phaolô VI có thể ít hơn, vì về cơ bản ngài được chọn để tiếp tục làm công việc của Đức Gioan XXIII đã làm, có nghĩa là dẫn dắt Công đồng về tới bến. Với Đức Gioan Phaolô I, cũng đã có những ấn tượng mới lạ, không chối cãi, nhưng rồi… triều giáo hoàng chấm dứt khá nhanh. Và với Đức Gioan Phaolô II cũng vậy: ngài từ phía Đông đến, ngay từ đầu cũng gây nhiều chú ý và đã tạo ra niềm hy vọng lớn. Nhưng rõ ràng hiện tượng này nơi Đức Phanxicô mạnh hơn so với các giáo hoàng khác… 

Những hy vọng có đi theo các cải cách thật sự không?

Một số giáo hoàng là những nhà cải cách hơn những giáo hoàng khác. Chẳng hạn Đức Phaolô VI là một nhà cải cách thật sự, mặc dù khía cạnh này ngày nay có phần nào bị lãng quên. Thay vào đó, hình ảnh giữ lại trong tâm trí chúng ta là hình ảnh một giáo hoàng khắc khoải, lo lắng bảo vệ giáo điều, giáo hoàng của Thông Điệp Sự Sống, Humanae Vitae… Nhưng chúng ta đừng quên khi bắt đầu giáo triều của ngài, ngài rất được mến chuộng và ngài muốn thay đổi mọi thứ. Chúng ta hãy nghĩ đến cải cách phụng vụ hoặc cải cách Giáo triều.

Về mặt cơ cấu, Đức Gioan Phaolô II chắc chắn ít cải cách hơn Đức Phaolô VI.

Đức Bênêđictô XVI đã cải cách nhiều chuyện đáng kể, vì quan tâm của ngài là làm minh bạch trên tất cả các tai tiếng có thể xảy ra, chẳng hạn trường hợp các vụ ấu dâm. Quyết tâm làm minh bạch là điều không thể nào nghi ngờ nơi Đức Bênêđictô XVI, dù đó không phải là một kỹ thuật cải cách cơ cấu và tổ chức. Sau này, lịch sử sẽ ghi lại, việc ngài từ nhiệm hiển nhiên là một hành vi tự riêng nó là một cuộc cách mạng, và chắc chắn nhờ thế mới có cuộc bầu chọn Đức Phanxicô.

Khi nói cải cách Giáo triều, người ta thường nêu lên tính cộng đoàn. Đức Phanxicô có thực sự phát triển các hoạt động của Giáo Hội ở cấp độ này không?

Về điểm này, đã có kỳ vọng rất lớn ở Công đồng. Nhưng đã có một sự trở lại của một hình thức tập trung trong guồng máy Giáo hội, dù thường xuyên đã có những cuộc triệu tập các thượng hội đồng. Trong các bài phát biểu và tuyên bố chính thức, người ta luôn luôn đưa ra chiều kích cộng đoàn, nhưng trong thực tế công việc được quyết định tại Rôma, và thường các giám mục không được tham khảo ý kiến nhiều. Tôi nghĩ Đức giáo hoàng hiện nay đã nhận ra và ngài mong muốn mang lại tính cộng đoàn đã bị đánh mất một chút này.

Có thể Đức Phanxicô có khuynh hướng độc đoán hơn trong tư cách cá nhân, và điều này có thể thấy trong một vài trường hợp bổ nhiệm hay trong những quyết định mà ngài đã làm từ khi được bầu chọn. Nhưng những gì có thể nói về cách ngài cai quản thì trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ báo cuả các tu sĩ Dòng Tên là khá đúng: một cách tự nhiên, ngài có thể tự mình lấy quyết định, ngài có uy quyền nhưng ngài cũng nhận ra phải hành động với đồng đội, và thực ra, các quyết định tốt nhất vẫn là các quyết định có hội ý với người khác. Khía cạnh này thấy được nơi tầm nhìn về Giáo hội của ngài, một Giáo hội là dân của Chúa, chứ không phải đơn thuần là một cơ cấu quyền lực theo thứ bậc.

Hình: Ngày 28-3-2013, khi cử hành thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh trong một bệnh viện ở Rôma, Đức Phanxicô đã rửa chân cho các thiếu niên phạm pháp.

Một phản hồi của bài viết trên: Một giáo hoàng tích cực, hạnh phúc, thanh thản, vui tươi

Cá nhân tôi, càng ngày tôi càng ngạc nhiên về cách Đức Phanxicô nhìn thế giới chúng ta và tiếp cận các vấn đề. Khi ngài nhìn vấn đề là ngài nhìn một cách tích cực. Trong hệ thống thông tin liên lạc của chúng ta, khi buổi sáng bạn mở đài ra nghe tin tức, bạn toàn nghe những tin xấu, tin buồn khắp nơi trên thế giới, thì với cái nhìn tích cực và thanh thản, cái nhìn có phẩm chất thì tôi thấy mình vui khi được là Kitô hữu. Người phát ngôn chính của chúng ta hài lòng với chính mình, nên khi ngài nhìn thế giới chúng ta, ngài nhìn với cái nhìn xây dựng, làm sao xây dựng, làm sao cải thiện, làm sao giúp người khác đi lên, cái nhìn này làm cho tôi vui rất nhiều.

Ba ví dụ cụ thể trong số các ví dụ khác, không phải ngẫu nhiên khi ngài chọn tựa đề Niềm vui loan báo Tin Mừng – cũng không phải ngẫu nhiên, khi trên máy bay từ Ba Tây trở về, ngài nói với các ký giả: đứng trước những người đồng tính, Chúa Giêsu sẽ đón nhận họ – cũng không phải ngẫu nhiên mà chúng ta thấy ngài cười cởi mở hơn các vị tiền nhiệm. Một linh mục Dòng Tên biết cười!

Nguyễn Tùng Lâm dịch