Ronald Rolheiser, 2009-07-05
Hãy yêu thương nhau như Cha trên trời yêu thương các con. Đức Giêsu muốn thử thách chúng ta qua câu nói này. Có nhiều điều ẩn chứa trong câu nói này hơn chúng ta tưởng. Thiên Chúa yêu thương như thế nào?
Đức Giêsu định nghĩa giúp chúng ta: Thiên Chúa để cho mặt trời chiếu tỏa trên người lành cũng như người dữ. Chúa yêu thương không kỳ thị, đơn giản ôm vào lòng tất cả mọi sự. Mặt trời không chiếu sáng một cách chọn lọc, tỏa nắng ấm trên hoa màu vì chúng tốt, không tỏa nắng ấm trên cỏ dại vì chúng xấu. Mặt trời cứ chiếu sáng và mọi vật tùy theo điều kiện của mình mà hấp thụ nắng ấm.
Đó là sự thật đáng ngạc nhiên: Thiên Chúa yêu khi chúng ta tốt cũng như lúc chúng ta xấu. Thiên Chúa yêu các thánh trên trời cũng như kẻ dữ ở hỏa ngục. Họ chỉ đáp trả khác nhau mà thôi. Người cha nhân từ yêu cả hai người con, người con hoang đàng và người anh cả, yêu cái yếu đuối của đứa này và tính đố kỵ của đứa kia. Lòng bao dung của người cha không còn lệ thuộc vào việc chúng có hoán cải hay không. Ông yêu chúng ngay cả khi chúng rời bỏ ông.
Và Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta yêu thương theo cách này.
Chúng ta làm điều đó bằng cách nào? Trước hết, phải đặt câu hỏi này: Nếu Thiên Chúa yêu chúng ta lúc xấu cũng như lúc tốt, vậy tại sao phải trở nên tốt? Đây là một câu hỏi rất hay, dù không sâu sắc lắm. Đương nhiên được yêu thương không bao giờ được hiểu đó là phần thưởng vì mình tốt. Thay vào đó, trở nên tốt, luôn luôn là kết quả của người được yêu. Chúng ta không được yêu bởi vì chúng ta tốt, nhưng chúng ta hy vọng sẽ trở nên tốt vì chúng ta trải nghiệm được tình yêu.
Nhưng bằng cách nào để chúng ta dang tay ôm mọi người vào lòng một cách không kỳ thị như Chúa? Bằng cách nào để tình yêu chúng ta tỏa ra với người tốt cũng như với người xấu, mà không cần phải giải thích sống cách nào, làm bất cứ gì là chuyện bình thường? Bằng cách nào để chúng ta yêu thương như Thiên Chúa và vẫn giữ được con người thật và giá trị thật của mình?
Chúng ta làm điều đó bằng cách giữ vững lập trường và đạo đức của mình một cách đầy yêu thương và độ lượng. Đức Giêsu có cho một ví dụ về điều này. Ngài yêu thương mọi người, những người tội lỗi cũng như các thánh, và không bao giờ cho bên nào quan trọng hơn bên nào. Quả thật, một lòng bao dung đầy yêu thương ôm lấy cả đối nghịch.
Lấy ví dụ: Thử tưởng tượng vào một dịp cuối tuần nào đó, đứa con gái đang học đại học của bạn đi với bạn trai về thăm nhà. Mặc dù biết chúng đã sống với nhau, nhưng bạn vẫn lúng túng: Bạn có bắt chúng ngủ riêng khi chúng ở nhà không? Câu trả lời của bạn là có và rõ ràng, bạn nói với con gái, từ tốn nhưng dứt khoát, rằng khi chưa lập gia đình và đang ở dưới mái nhà của bạn, chúng sẽ phải ngủ phòng riêng. Con gái bạn sẽ phản đối: “Đạo đức giả, giá trị của con không giống ba mẹ, và con tin điều này chẳng có gì sai cả!”
Phản ứng của bạn là không kỳ thị, loại vòng ôm nhưng có phân biệt của Đức Giêsu: Bạn ôm con vào lòng và nói rằng bạn yêu nó, bạn biết hai đứa đã ngủ chung với nhau, nhưng hai đứa không thể làm điều đó trong nhà bạn, dưới mái nhà này. Mọi chuyện diễn ra trong ngôn ngữ của vòng tay ôm bao dung, vòng tay ôm và con người bạn lúc đó, nói với con gái bạn hai điều rõ ràng sau: “Mẹ yêu con, con là con của mẹ, dù con thế nào chăng nữa, mẹ lúc nào cũng yêu con. Tuy nhiên mẹ không đồng ý với con chuyện này.”
Vòng tay ôm của bạn không nói, “Mẹ đồng ý với con!”, nhưng đơn giản nói lên rằng, “Mẹ yêu con!” và khẳng định tình yêu của bạn, trong khi bạn vẫn giữ vững lập trường cá nhân và đạo đức của mình, có lẽ hơn bất cứ điều gì bạn trao tặng cho con, điều này sẽ giúp con bạn suy nghĩ nhiều hơn về lập trường đạo đức của bạn và lý do tại sao bạn giữ vững nó một cách sâu đậm.
Vòng tay ôm có sức tỏa ra yêu thương và thông hiểu rộng lớn ngay cả khi bạn cần giữ vững lập trường đạo đức của bạn; cách này là cách cần thiết không những đối với gia đình và cộng đoàn, nhưng còn ở các lãnh vực khác của cuộc sống – nhà thờ, đạo đức, tư tưởng, mỹ học. Công Giáo Tin Lành, người thuộc phái Phúc Âm và người theo thuyết Nhất Thể, Ki-tô hữu và tín đồ Do-Thái, tín đồ Do-Thái và tín đồ Hồi giáo, tín đồ Ki-tô và tín đồ Hồi giáo, nhóm chống phá thai và nhóm ủng hộ phá thai, người tự do và bảo thủ, người bất đồng quan điểm về hôn nhân và giới tính, người theo thị hiệu cổ điển và theo thị hiếu phổ thông, tất cả phải tìm thấy yêu thương và đồng cảm đủ để có thể ôm nhau, biểu lộ yêu thương và thông hiểu ngay cả khi vòng ôm này không có ý muốn nói các khác biệt là không quan trọng.
Có một thời bảo vệ đức tin, có một thời nói tiên tri, có một thời vẻ trên cát, có một thời vạch ra các khác biệt và hệ quả của nó, có một thời đứng về phía đối lập gay gắt khi các giá trị và thế lực đe dọa những gì thân thiết đối với chúng ta. Nhưng cũng có một thời để yêu thương qua các khác biệt, để nhận biết là chúng ta có thể yêu thương và tôn trọng nhau khi chúng ta không có chung giá trị, khi những điểm chung che khuất các khác biệt.
Có một thời để thương xót như Chúa thương xót, để mặt trời của chúng ta chiếu cả trên hoa màu và cỏ dại mà không từ chối ai với ai.
J.B. Thái Hòa dịch