leparisien.fr, Vincent Mongaillard, 2017-10-14
Vatican, tháng 1 vừa qua. Nhà xã hội học Dominique Wolton ghi lại các lời thổ lộ của Đức Giáo hoàng qua mười bai buổi gặp gỡ.
Dominique Wolton, nhà xã hội học 70 tuổi, tác giả quyển sách Chính trị và Xã hội vừa phát hành dựa trên một năm tâm tình với Đức Giáo hoàng. Theo ông, Đức Phanxicô là “giáo hoàng thế tục”, điều làm cho ngài được những người vô thần mến chuộng.
Chưa bao giờ một giáo hoàng lại thổ lộ nhiều như thế với một nhà trí thức Pháp! Trong vòng một năm, nhà xã hội học Dominique Wolton, giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) về khoa học truyền thông đã ghi chép lại các lời tâm tình của Đức Phanxicô. Không dưới mười hai buổi gặp gỡ, mỗi buổi hai giờ diện đối diện ở Vatican. Các lời thổ lộ chưa từng có về chiến tranh, toàn cầu hóa, di dân, môi sinh, các bất bình đẳng cũng như các đề tài rất riêng tư như việc ngài đi tư vấn khoa phân tâm học khi ngài 42 tuổi. Tất cả thổ lộ này đã viết thành quyển sách vừa được xuất bản.
Đức Phanxicô khác với các vị tiền nhiệm của ngài ở điểm nào?
Đó là một giáo hoàng thế tục. Ngài không đặt từ ngữ tôn giáo lên hàng đầu, ngài dùng từ ngữ xã hội và chính trị đã được ghi khắc vào các giá trị tôn giáo. Vì thế ngài được những người vô thần mến chuộng và tạo nhiều phản ứng nơi một số người công giáo. Ngài nói trực tiếp, dễ hiểu ngay lập tức với tất cả mọi người.
Trên nền tảng, ngài không làm xáo trộn các giáo điều của Giáo hội…
Ngài khoan dung với các phong tục. Ngài có quan điểm của mình về đồng tính, phụ nữ trong giáo triều, các cặp vợ chồng ly dị có thể trở về với giáo hội… Nhưng người ta không thể đòi hỏi Giáo hội có một tầm nhìn hiện đại trên mọi vấn đề. Dĩ nhiên là trên một vài giá trị, giáo hội không đi song song với tinh thần của thời đại, đó là chuyện bình thường.
Có phần nào khiêu khích trong các tuyên bố chính trị của ngài không?
Người đàn ông 80 tuổi này biết mình không ở đây lâu, ngài không nghĩ như người khác, ngài biết quyền lực của mình có giới hạn, ngay cả trong lòng Giáo hội. Vì thế, ngài không ngần ngại! Có thể ngài có một ít khía cạnh khiêu khích, nhưng tôi nghĩ một cách ngây thơ, dù sao ngài cũng ở trong tất cả những chuyện này và ngài đi tới. Đây là người latinô, không phải người Âu châu. Trong phong cách của ngài, ngài ít sùng đạo hơn các vị tiền nhiệm của ngài.
Và có thể tạo rạn nứt trong lòng cộng đoàn các tín hữu không?
Một mặt ngài không muốn cắt đứt. Nỗi ám ảnh của ngài luôn là các cây cầu, các cây cầu, các cây cầu và nhất là không có các bức tường. Mặt khác, ngài muốn đặt Giáo hội ở trọng tâm các đấu tranh lớn chính trị. Nhưng ngài cũng muốn mình là giáo hoàng của tất cả mọi người, người giàu cũng như người nghèo, dù chính tự trong thâm tâm, ngài ghét những người quyền thế. Thực tế, trong đầu ngài chỉ có ý tưởng hợp nhất.
Ngài có ý thức quan điểm về vấn đề di dân của ngài có thể gây rạn nứt không?
Nhất là ở Ý, các lời nói của ngài gây thù nghịch rõ rệt. Kể cả trong hàng giáo phẩm, dù điều này có thể ít thấy hơn vì Giáo hội nương dịu. Nhưng dù phản ứng của các quốc gia có như thế nào, ngài cũng lặp lại, Âu châu đã phản bội các giá trị của mình. Về vấn đề người di dân, ngài không buông, ngài nhắc lại chính Chúa Giêsu cũng là người di dân.
Ngài có đi ra khỏi vai trò giáo hoàng của mình khi ngài đi trên con đường này không?
Tôi không nghĩ. Đức Gioan-Phaolô II có đi ra khỏi vai trò của ngài khi ngài cho biết quan điểm của ngài là làm cho chế độ cộng sản không còn không? Tôi không nghĩ vậy. Các giáo hoàng luôn làm chính trị, nhiều ít một cách rõ ràng. Quyền lực duy nhất của họ là lời nói và ảnh hưởng của họ. Đức Phanxicô ném ra các quả banh thử nghiệm. Giáo triều, ngài không đem lại được cải cách, vậy thì ngài dùng ý kiến quần chúng quốc tế.
Ngài có cánh tả không?
Một phần, có. Nhất là những gì đụng đến vấn đề xã hội, chính trị, đó là điều không thể chối cãi. Về việc định nghĩa sự sống, về sự chống đối phá thai chẳng hạn, thì chúng ta có thể nghĩ ngài ở cánh hữu, nhưng trên thực tế, đúng hơn ngài trung thành với các giá trị tôn giáo chính yếu, các giáo điều thì đó là những điều không tả, không hữu.
Ông có nghĩ ngài cách mạng không?
Chính phúc âm có một nội dung cách mạng trong nghĩa, phúc âm đòi hỏi người giàu và người quyền thế phải quảng đại, phải cực kỳ quan tâm đến những người bị loại trừ. Đọc phúc âm trong tinh thần tiến bộ, chất vấn, Đức Phanxicô rút ra các hệ quả trực tiếp của xã hội. Ngài càng già, ngài càng nhạy cảm với chiều kích xã hội-chính trị trong con đường dấn thân của ngài, vì ngài thấy rõ các chuyện không nhúc nhích dễ dàng và toàn cầu hóa là một yếu tố của những việc mất cân đối.
Ông có cảm nhận đây là một người đơn độc ở Vatican không?
Ngài gieo rắc, nhưng ngài hơi một mình, có. Nhưng ngài có bình an nội tâm, ngài rất hạnh phúc được là giáo hoàng.
Một vài tín hữu trách ngài đôi khi nói quá nhanh. Sự tự phát của ngài có phản lại ngài không?
Những người trách ngài nói quá nhanh, trên thực tế thường là những người không đồng ý với ngài. Vấn đề chính của ngài, là ngài nói một cách dễ dàng và ngài tự nhiên, với vẻ như ngây thơ, người ta dùng những lời của ngài trong các lời nói dầu, lời kết… nhiều đến mức ngài như có mặt rất nhiều trên truyền thông. Tôi nói với ngài nhiều lần: Nhưng cha phải ngưng ‘bay cao’ như vậy, cha không phải là một nhân vật như các nhân vật có một chỗ đứng quần chúng trên toàn thế giới, mình phải có một mức độ hiếm hoi nào đó, nếu không cha sẽ mất sự chính đáng!
Các “khiếm khuyết” khác của ngài?
Người ta nói ngài bướng bỉnh, thiển cận, độc đoán, không giữ độ cách cần thiết. Nhưng khi họ cho đó là khiếm khuyết thì tôi lại thấy đây là các đức tính. Ngài độc đoán vì ngài muốn đi nhanh. Ngài từ chối hình thức vì ngài muốn đến với giáo dân nhiều hơn.
Ngài sẽ đi vào lịch sử hơn các giáo hoàng khác không?
Còn hơi sớm để biết. Điều chắc chắn, giáo hoàng Dòng Tên đến từ Châu Mỹ La Tinh này, ngài được cả thế giới biết đến, ngài cho chúng ta một bài học mở ra.
Marta An Nguyễn dịch