America Mag | Sean Salai, S.J.
Cha Ronald Rolheiser, OMI, là một linh mục dòng Hiến sỹ, thần học gia và ngòi bút thiêng liêng nổi tiếng. Cha là hiệu trưởng Trường Thần học Hiến sỹ ở San Antonio, Texas. Cha có bằng tiến sỹ thần học hệ thống tại Đại học Louvain, và là thành viên của Hội Thần học Công giáo tại Hoa Kỳ, Hội Thần học Canada, và Hội Nghiên cứu Tôn giáo Alberta. Cha Rolheiser, trước đây từng dạy tại Trường Thần học Newman tại Edmonton, Alberta, và đảm trách một cột báo cho tờ Sứ giả Công giáo (Catholic Herald), được đăng lại trên khoảng 60 tờ báo tại 4 quốc gia.
Ngày 13 tháng 8, tôi đã phỏng vấn cha Rolheiser qua email, về các bài viết và việc làm của cha.
Nối tiếp quyển ‘Khát khao Linh thánh’ là quyển sách với tên gọi ‘Lửa thiêng’. Vậy, với cha, đề sách này có nghĩa gì?
Chọn tên cho một quyển sách là việc tôi thường để nhà xuất bản làm, bởi họ có thạo hơn trong việc này. Khi viết một quyển sách, tôi luôn có một dự định rõ ràng, và dự định cho quyển này là cố gắng thể hiện rõ một vài thách thức đối với sự trưởng thành Kitô hữu và nhân bản sâu sắc hơn. Và mục tiêu này thể hiện nơi phần tiểu đề, nhưng các bạn luôn muốn có một tiêu đề thi vị hơn như một chìa khóa lý giải cho quyển sách. Lửa thiêng là tiêu đề mà Robert Ellsberg, chủ bút của Orbis Book, và là bạn của tôi, đề nghị. Với ý muốn nối kết quyển này với quyển Khát khao Linh thánh, mà thực sự quyển này như phần hai của quyển Khát khao Linh thánh vậy. Chúng tôi lúc đầu định cân nhắc cái tên Lửa thánh (Holy Fire), nhưng tôi tin rằng, như thế sẽ dẫn đến kiểu kết hợp từ không hay như ‘holy fire, holy smoke!’ Lửa thiêng là một tiêu đề thi vị rất hợp với quyển sách này.
Tại sao cha viết quyển sách này?
Như tôi giải thích trong phần Lời tựa, 15 năm về trước, Eric Major, người sau này làm Biên tập ở Hodder & Stoughton, đã ngỏ lời muốn tôi viết một quyển sách thiêng liêng. Đã được đào tạo theo các khóa linh đạo trong nhiều năm, tôi hăng say theo đuổi ý tưởng này, và ngay lập tức hình dung xem làm sao để chuyển một cuộc khảo sát rộng về linh đạo đương thời vào trong sách. Nhưng Eric Major lại nghĩ khác. ‘Những gì tôi muốn là anh viết một quyển sách mà tôi có thể trao cho những đứa con trưởng thành của tôi để giải thích cho chúng biết vì sao tôi vẫn tin vào Thiên Chúa và vì sao tôi vẫn đi nhà thờ, và đó cũng sẽ là quyển sách để tôi đọc những lúc không chắc chắn lắm về việc vì sao tôi vẫn giữ đức tin và đi nhà thờ.’ Và kết quả của cuộc nói chuyện này chính là quyển Khát khao Linh thánh Và Eric Major đã đúng, loại sách như thế này rất cần kíp và phù hợp. Quyển sách đã có một lượng lớn độc giả, bao gồm đủ mọi phái Kitô giáo. Nhưng trong khi quyển Khát khao Linh thánh là một quyển sách cô đọng, cho người ta một nền tảng căn bản nhất định về linh đạo Kitô giáo, thì nó vẫn, chính xác, là một quyển sách làm nền, một khóa học căn bản, chứ không phải khóa học bồi dưỡng hay cấp bằng ra trường. Khát khao Linh thánh là một quyển sách viết ra để giúp chúng ta ‘xốc lại đời mình.’ Nhưng từ đó, người ta đi được đến đâu? Ẩn sau những yếu tính căn bản, còn có gì nữa? Tôi sẽ tiến về đâu khi câu hỏi căn bản trong đời là làm sao để tôi trao ban đời mình một cách sinh sôi hơn, thuần khiết hơn, và ý nghĩa hơn?
Và mục tiêu của quyển Lửa thiêng là cố gắng xác định vấn đề này: Làm thế nào để chúng ta sống trưởng thành hơn và sinh sôi hơn? Điều gì cấu thành một sự trưởng thành chính chắn sâu sắc hơn, và làm sao chúng ta đạt đến được? Và không kém quan trọng là, điều gì cấu thành việc thực sự theo Chúa Giêsu và sinh hoa trái? Đây chính là mục tiêu của quyển Lửa thiêng. Về căn bản, quyển này cố gắng thực hiện những hứa hẹn trong phần tiểu đề, là cho chúng ta cái nhìn về sự trưởng thành nhân bản và Kitô hữu sâu sắc hơn.
Và độc giả của cha là những ai?
Có hai khía cạnh cần nói trong câu hỏi này: Thứ nhất, về mặt tôn giáo và các phái, mục tiêu của Lửa thiêng là hướng trực tiếp hơn về các Kitô hữu thuộc mọi phái Kitô giáo. Tôi là một linh mục Công giáo La Mã và tôi viết, không mang tính biện giáo, từ quan điểm này, vậy nên có thể tôi đang viết một cách vô thức cho các độc giả Công giáo La Mã, nhưng quyển sách này, cũng như các quyển khác, đều hướng đến cả những độc giả Tin Lành và phái Phúc âm, những người cũng đã hưởng ứng nhiều cho các tác phẩm trước đây của tôi. Rộng hơn, thậm chí quyển này còn hướng đến bất kỳ ai chân thành tìm kiếm một sự trưởng thành sâu sắc hơn, về nhân bản lẫn thiêng liêng. Thứ hai, các độc giả mà quyển này hướng đến, nói theo kiểu phân loại kinh điển của Gioan Thánh Giá, không chỉ là những người thành thạo trong cuộc lữ hành nhân bản và Kitô hữu của mình, mà đúng hơn, là những ai đang chập chững bước trong cuộc lữ hành đó. Thật vậy, những chương đầu của quyển này, cố gắng trình bày rõ ràng đặc nét này, bằng cách nêu lên rằng có 3 giai đoạn căn bản để đạt đến sự trưởng thành nhân bản và cương vị môn đệ Kitô hữu: Đầu tiên, là nỗ lực để xốc lại đời mình, nỗ lực hướng đến sự trưởng thành căn bản, tiếp đến, là nỗ lực để trao ban đời mình, nỗ lực cho một sự trưởng thành sâu sắc và sinh sôi hơn, cuối cùng, là nỗ lực để cho đi cái chết của mình, một nỗ lực hướng đến sự trưởng thành triệt để. Lửa thiêng, với mục tiêu là quyển sách giữa trong bộ 3 quyển, muốn nhắm đến những người đang ở giai đoạn giữa, cụ thể là, những người đang nỗ lực để sống trưởng thành và sinh sôi hơn. Tôi hi vọng, sẽ có được quyển sách thứ ba, nói đến nỗ lực cho đi cái chết của mình. Và chương cuối của quyển Lửa thiêng đã cố gắng đặt nền móng cho quyển sách tương lai này.
Tiểu đề ‘Cái nhìn về sự Trưởng thành Nhân bản và Kitô hữu Sâu sắc hơn’, có nghĩa là gì?
Toàn bộ mục tiêu của quyển Lửa thiêng là cố gắng đưa ra một cái nhìn, được rút ra chính yếu từ quan điểm mà Chúa Giêsu đã cho chúng ta, nhưng có bổ sung quan điểm của một trong những nhà thần nghiệm cơ cấu vĩ đại nhất trong lịch sử Kitô giáo, Gioan Thánh Giá. Một mặt nào đó, tôi đang cố để thực hành các phạm trù của Gioan Thánh Giá, và tái lập chúng trong một ngôn ngữ dễ hiểu hơn đối với các Kitô hữu thời nay. Cũng vậy, tôi cố gắng góp thêm vào một vài thấu suốt quan trọng từ nhân học về các giai đoạn phát triển nhân bản, những thấu suốt mà tôi tin là có thể giúp chúng ta hiểu sâu hơn về lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, quyển Lửa thiêng cố gắng chỉ ra một vài phạm trù nhân học có tiếp điểm chung tuyệt vời thế nào với các phạm trù của Gioan Thánh Giá, và tất nhiên là với lời kêu gọi của Chúa Giêsu. Đặc biệt, về điều này, tôi muốn nhấn mạnh chương về Phúc lành, kín múc từ nhân học nhiều không kém kinh thánh, và là chương mà tôi tin rằng sẽ thách thức chúng ta hướng đến một sự sâu sắc hoàn toàn triệt để về sự trưởng thành nhân bản.
Cha hi vọng các độc giả sẽ rút tỉa được điều gì từ quyển sách này?
Nói gọn, là hai điều: Thứ nhất là mọt cái nhìn tổng hợp về đời sống thiêng liêng. Ngày nay, chúng ta sống trong một sự quá đỗi phong phú, và có quá nhiều thấu suốt về nhiều điều. Nhưng chúng ta lại yếu ớt, rất yếu, về mặt tổng hợp. Chúng ta không còn nhìn thấy được cái toàn bộ, mà chỉ chú tâm đến những mảnh miếng và không biết cách để lắp chúng lại với nhau. Tôi hi vọng những ai sau khi đọc quyển Lửa thiêng, sẽ có được một quan điểm tổng hợp hơn về linh đạo Kitô giáo, một chuỗi duy nhất gắn kết các mảnh riêng lẻ. Thứ hai, tôi hi vọng các độc giả có thể rút được một vài kêu gọi cụ thể từ Chúa Giêsu để đối diện với việc lớn lên đạt đến sự trưởng thành sâu sắc hơn và sinh sôi hơn trong đời. Tôi cố gắng đưa ra một số kêu gọi cụ thể trong Tin mừng về mục tiêu này.
Cha là một tu sỹ Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ và một thần học gia hệ thống. Vậy cha mô tả linh đạo của mình với một người không biết bất kỳ điều gì về gốc gác của cha, như thế nào?
Tôi ở trong một Dòng Truyền giáo, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ, và tôi rất tự hào vì được mang cái tên đó. Chúng tôi có lịch sử đáng tự hào và hiện tại đầy sinh lực. Chúng tôi được lập nên để phục vụ người nghèo và để sống và làm việc nơi vùng ven, nơi ở của người nghèo. Xét chung, chúng tôi đã và đang làm điều này. Ví dụ như, tôi đến từ miền Tây Canada. Dòng Hiến sỹ không thành lập tất cả nhưng chỉ 2 giáo phận trong toàn vùng Tây Canada. Ngày nay, đó là một giáo hội địa phương đầy sinh lực, cho dù chỉ còn số ít Hiến sỹ ở đó. Về phần mình, chúng tôi dời đến những vùng tiền tuyến khác, đến những vùng rìa khác, nhưng đã để lại một giáo hội đầy sinh lực. Và chúng tôi vẫn ở nơi nào có người nghèo. Ngày nay, nếu bạn đến những thành phố như Luân Đôn, Leeds, Edinburgh, và Dublin, và đến những vùng trong thành phố mà cảnh sát ngại đến, bạn sẽ gặp được các Hiến sỹ ở đó. Và cũng như vậy ở vùng biên giới Texas và California, cũng như ở những vùng tại Philippine nơi chịu đe dọa lớn nhất từ Hồi giáo. Bạn sẽ thấy các Hiến sỹ ở đó, sống với người dân, đối thoại với chiến binh Hồi giáo, giúp họ thoát khỏi những vấn đề nghèo đói. Trong suốt 6 năm tôi phục vụ tại Công hội Dòng ở Roma, chúng tôi đã lập 2 sứ mạng mới dù cho hết sức khó khăn về nhân lực, nhưng những sứ mạng mới này vẫn được thiết lập bởi đó là hai nước nghèo nhất ở châu Phi. Tôi mục vụ và viết bài từ bối cảnh truyền giáo này.
Về linh đạo của Dòng, đấng sáng lập, thánh Eugene de Mazenod, là một người theo chủ nghĩa thực dụng và chiết trung. Ngài đã rút ra linh đạo của mình từ nhiều nguồn phong phú đa dạng: Trong số đó, có từ Dòng Xuân bích, những người đã đào tạo cho ngài trong thời gian chủng viện, từ thánh Anphonsô thành Liguori, vị sáng lập dòng Chúa Cứu Thế, từ thánh Inhaxiô thành Loyola về thiết lập cơ cấu cho đời sống đạo và tu đoàn tông đồ, và từ truyền thống Carmen về cầu nguyện, chiêm niệm và khổ hạnh. Ngài là người khiêm nhượng, muốn dựa vào những vĩ nhân này, hơn là chỉ dựa vào ý riêng của mình. Và xét cách nào đó, đây cũng là cách thức của các Hiến sỹ chúng tôi. Chúng tôi là những nhà truyền giáo bình thường, mãn nguyện khi được dựa vào những người khổng lồ. Đó cũng là cách sống của tôi. Tôi là một người chiết trung không biện giáo. Linh đạo của tôi, cả cho đời sống riêng và việc giảng dạy cũng như viết lách, đã được định hình sâu sắc nhờ: thánh Augustino, Tôma Aquinô, Gioan Thánh Giá, Karl Rahner, Henri Nouwen, Robert L. Moore, và nhiều tiểu thuyết gia khác. Và còn có một tu sỹ dòng Âu Tinh, một tu sỹ dòng Đa Minh, một thuộc dòng Carmen, một tu sỹ Dòng Tên, một linh mục giáo phận, và một giáo dân hội Giám lý.
Cha đã viết nhiều về cầu nguyện. Vậy cha cầu nguyện thế nào?
Mỗi ngày, tôi đều cố gắng có được 2 dạng cầu nguyện: Thứ nhất, là một Kitô hữu được rửa tội và một linh mục được truyền chức, tôi cầu nguyện mỗi ngày theo phụng vụ, cụ thể là cầu nguyện bằng các lời kinh của Giáo hội, qua Chúa Kitô cầu cho thế giới này. Và điều này, đơn giản là, cử hành Phép Thánh Thể và cầu nguyện theo Kinh của Giáo hội, cụ thể là Kinh sáng và Kinh chiều. Khi cầu nguyện như thế, tôi luôn cố gắng làm rõ ý của mình rằng: Đây là lời cầu nguyện của linh mục cho thế giới, chứ không phải lời cầu của riêng cá nhân tôi.
Thứ hai, tôi cố gắng cầu nguyện riêng mỗi ngày. Qua năm tháng, cầu nguyện có nhiều kiểu: từ lần hạt gia đình và lời kinh thuộc lòng đọc lúc thức dậy và đi ngủ khi còn nhỏ, cho đến những thời gian suy niệm và tâm nguyện dành riêng cho chúng tôi trong thời gian chủng viện, cho đến nhiều năm tôi theo đủ kiểu Ngẫm đọc Lời Chúa (Lectio Divina), thường nghiêng về những sách thiêng liêng để chỉ hướng cho các suy niệm và bài giảng của mình. Gần đây, tôi hầu như tập trung vào chiêm niệm, nghĩa là Cầu nguyện Quy thần, và tin rằng ở quãng đời này, những gì tôi thực sự cần phải làm là ngồi thinh lặng trước Chúa, cưỡng lại cái thúc giục trong lòng là nói ra những phiền muộn đau khổ của mình. Câu châm ngôn cho việc cầu nguyện của tôi lúc này đơn giản là: ‘Dừng lại và hãy biết Ta đây là Thiên Chúa.’ (Tv 46, 11) Tôi sống khá là áp lực, và trong ngày, thời gian trôi rất nhanh. Trong quy thần niệm, thời gian trôi như rùa, rất chậm, và liên tục thử thách sự kiên nhẫn của tôi. Đó là một trong những lý do mà tôi tin rằng quy thần niệm sẽ tốt cho tôi ngay lúc này. Tôi cũng thích đi dạo mỗi ngày, và qua đó, tôi có được thời gian thoải mái để lần hạt, cũng là dạng quy thần niệm của tôi lúc đi dạo. Cũng vậy, tôi bắt đầu mỗi ngày sống, trước khi đọc Kinh sáng, bằng việc đọc các bài đọc cho thánh lễ trong ngày, đặc biệt là bài Tin mừng, và cố gắng lấy đó là thái độ sống cho ngày hôm đó.
Trường Thần học Hiến sỹ ngay lúc này như thế nào?
Cũng như tất cả các trường học thần học khác, dù là thuộc Công giáo La Mã hay các phái khác, chúng tôi luôn luôn bận tâm về việc ghi danh theo học, cho dù ít nhất thì con số của chúng tôi vẫn ổn định. Chúng tôi vừa hoàn tất một dự án xây dựng lớn, xây một khối phức hợp gồm giảng đường, các phòng học tân thời, và một trung tâm sinh viên mới. Công trình này đã hiện đại hóa triệt để cơ sở của chúng tôi. Và quan trọng hơn nữa, là cuối cùng, sau 10 năm làm việc, chúng tôi đã thành lập hoàn chỉnh một Viện Nghiên cứu Linh đạo Đương đại, cho các chương trình ở 3 tầm mức: Đào tạo nâng cao, mức Cử nhân, và Tiến sỹ (Ph.D hay D.Min). Để củng cố ban giảng dạy cho Viện, chúng tôi đã tuyển một số giảng viên có tiếng về linh đạo, là Philip Scheldrake làm việc toàn thời gian, cũng như các giảng viên liên kết khác là Berni McGinn, Wendy Wright, Peter Tyler, Michael Higgins, và những người khác nữa.
Và quan trọng hơn, trung thành với đặc sủng của Dòng Hiến sỹ, chúng tôi đang nỗ lực tiếp tục vươn đến người nghèo. Do đó, trong vòng 5 năm qua, chúng tôi đã khởi xướng các chương trình vươn đến vùng nông thôn nghèo ở San Antonio, đưa chương trình đào tạo cấp bằng vào hệ thống nhà tù Texas, và giúp các giáo hội người Mỹ gốc Phi.
Cũng như mọi viện thần học khác, chúng tôi không bao giờ có quá nhiều sinh viên hay tiền bạc, và chúng tôi sống tín thác vào sự quan phòng của Chúa.
Cha là tiếng nói ôn hòa trong Giáo hội Công giáo. Cha có thấy dấu hiệu nào cho thấy rằng Đạo Công giáo ở Hoa Kỳ, cuói cùng cũng thoát ra khỏi sự phân cực hóa của các thập kỷ gần đây hay không?
Đúng, tôi thấy rằng những chuyện tồi tệ nhất của sự phân cực hóa đã bị bỏ lại đàng sau. Giáo hoàng Phanxicô đang giúp nắn lại con đường, nhưng còn quan trọng hơn giáo hoàng, đó chính là thời gian. Sự phân cực hóa chua cay, cũng như một thứ vi rút tệ hại, xét tận cùng, theo đúng quy trình của nó. Tôi thấy thật đúng trong khái niệm lâu đời của Hegen về việc các quan niệm vận động qua 3 giai đoạn: chính đề, phản đề, tổng hòa. Tôi nghĩ rằng, áp lực căng thẳng (ở đây, tôi mạo hiểm với một số phân loại đơn giản) giữa thế hệ Vatican II và thế hệ Gioan Phaolô II, chúng ta đang tiến vè một tổng hòa, và sự chua cay cũng theo đúng quy trình của nó. Ngoài ra, chúng ta cũng đang nhìn thấy một thế hệ mới, không phải theo Vatican II hay Gioan Phaolô II. Tôi cho rằng thế hệ này ít kiên nhẫn với các xung đột cũ trong giáo hội.
Từ quan điểm của mình, cha thấy chúng ta cần điều gì nhất trong Giáo hội Công giáo thời nay?
Tôi tin rằng có 4 điều
1- Chúng ta cần thoát khỏi sự phân cực hóa diễn ra trong thời gian vừa qua, với việc cả 2 bên biết coi trọng những gì mình theo đuổi hơn là những gì mình chống lại.
2- Tất cả chúng ta cần phải có một nền tảng đức tin nội tâm, riêng và sâu sắc hơn, hãy nhìn nhận sự thật trong nhận định nổi tiếng của Rahner rằng thế hệ này sẽ hoặc là các nhà thần nghiệm hoặc là những kẻ không có đức tin.
3- Chúng ta cần thổi bùng trở lại trí tưởng lãng mạn của mình về đức tin và giáo hội. Chúng ta có nhiều học giả kinh thánh, nhiều thần học hay, và nhiều linh đạo tốt. Chúng ta có thể vận dụng tri thức tri thức, nhưng không còn biết cách để làm cho người ta (ít nhất là con cái chúng ta) yêu mến đức tin và giáo hội, cũng là cách mà các câu chuyện và đời sống các thánh đã đánh động tôi lúc còn nhỏ.
4- Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, tất cả chúng ta phải hết sức với những căn tính mà chúng ta thường có xu hướng đánh đồng hay loại bỏ trong những năm vừa qua, cụ thể là, khoan dung, nhân từ, và tôn trọng … với tất cả mọi người!
Cha có ấn tượng gì về giáo hoàng Phanxicô?
Nói một từ thôi, tuyệt vời! Tôi nghĩ ngài thật tuyệt vời, là ơn Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta. Tôi thấy ngài đang lắng nghe cả Thiên Chúa và thế giới , và ngài đang hướng chúng ta đến đúng chính xác những gì chúng ta nên làm. Ngài sâu sắc và đậm chất mục tử, và toàn thế giới chứ không chỉ Công giáo La Mã cảm nhận được điều này. Và ngài đang dẫn dắt với ân sủng, chính xác là với lòng khoan dung, nhân từ và tôn trọng tất cả.
Cha hi vọng các độc giả sẽ rút tỉa được điều gì từ việc mục vụ và các bài viết của mình?
Nói tóm tại: Tôi hi vọng rằng việc mục vụ và các bài viết của tôi sẽ giúp người khác nhìn ra rằng đức tin và giáo hội là những sự khả tín, và gắn kết bất phân ly với tất cả mọi sự đang vần chuyển thâm sâu nhất trong chúng ta, là những khát khao, những nhức nhối, những tham vọng, tính dục, và thậm chí là những cảm thức ngoại đạo và bất kính của chúng ta, và cả ‘khát khao linh thánh’ của chúng ta nữa. Theo thánh Augustinô, tôi tin rằng Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta cho Ngài và lòng chúng ta khắc khoải không ngừng cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài. Và theo Karl Rahner, tôi tin rằng linh hồn con người là một khoang khát nước được tạo dựng để được lấp đầy bởi vô hạn thần thiêng, và khoang này đang nhức nhối không ngừng chờ mong điều đó. Tôi hi vọng việc mục vụ và các bài viết của mình sẽ giúp mọi người cá nhân hóa những chân lý thâm sâu này, đi theo những khát mong và nhức nhối trong lòng, họ sẽ tìm được đường vào đức tin, vào giáo hội chúng ta, và quan trọng nhất, là vào sự thân mật riêng mình với Chúa Giêsu.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch