Bản chất của đức tin

662

Ronald Rolheiser, 2008-02-17

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh và chân dung Người; và chúng ta chưa bao giờ ngưng để quay về ân huệ này.

Chúng ta đang mãi tạo Thiên Chúa bằng chính hình ảnh và chân dung của mình. Mô tả Thiên Chúa theo những gì chúng ta tưởng tượng đáng lẽ Chúa nên như vậy. Đôi khi đó là hình ảnh tốt đẹp nhất và đôi khi thì ngược lại. Ở bất cứ trường hợp nào, chúng ta đã luôn đi quá xa với những gì Đức Giê-su mạc khải về Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta thường tin và thuyết giảng về Thiên Chúa là Người như chúng ta cũng có đố kị, độc đoán, bất công, lo sợ, thủ thân, thù hận, không khoan dung, và hung bạo.

Không phải là chuyện ngẫu nhiên khi mọi thời đại, ngay cả thời đại chúng ta, những cuộc bạo lực nghiêm trọng nhất, mù quáng tồi tệ nhất, tàn sát nhẫn tâm nhất đều nhân danh Thượng Đế, ngay cả khi nó lấy danh nghĩa vô thần hay thế tục. Ngày nay có lẽ chúng ta thấy điều này rõ ràng nhất nơi những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, họ luôn viện dẫn danh nghĩa và sứ vụ Thượng Đế khi gây ra bất cứ vụ giết người nào. Tuy nhiên, với cái nhìn tinh ý hơn, chúng ta thấy điều này tiêm ẩn nơi mọi tôn giáo và nơi các hệ tư tưởng mang tính thế tục. Vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, luôn luôn có những lời bào chữa thần thánh cho những hành động sai trái dựa vào một “Thiên Chúa” được nhào nặn theo trí tưởng tượng của con người với những giới hạn, lệch lạc, thương tổn, và bản năng tự vệ của nó.

May mắn thay, trong lòng chúng ta có những động cơ bẩm sinh cho điều lành và bất cứ lúc nào chúng ta lạc lối thì có một cái gì trong lòng chúng ta phản ứng lại. Điều đó không chỉ đúng với thể lý mà còn đúng với tinh thần. Đức tin vốn có hệ thống miễn dịch của nó. Chúng ta muốn có một Thiên Chúa theo tiêu chuẩn của chúng ta, nhưng rốt cùng không phải như vậy. Tình yêu và những mạc khải thiêng liêng là những món quà thuần khiết và động lực bên trong của đức tin đảm bảo rằng chúng phải được nhận thuần túy như những món quà, hoặc là không được nhận gì cả.

Đó là lý do tại sao chúng ta thấy trong Kinh Thánh, những lần mạc khải thực sự về việc can thiệp của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta, luôn luôn đến trong bất ngờ, trong lúc chúng ta không đoán trước, lên chương trình hay hình dung ra được. Vì vậy Kinh Thánh dạy chúng ta, trong cuộc sống, hãy dành sẵn một nơi đặc biệt cho những người không quen biết, cho người lạ và dân ngoại, những người hoàn toàn khác biệt với chúng ta. Những gì lạ chính là những gì mang chúng ta đến với mạc khải của Thiên Chúa. Một trong những biểu hiện của mạc khải đích thực là nó dẫn dắt chúng ta đến những vùng đất mới và cho chúng ta thấy được những sự thật mà chúng ta không thể nào hình dung ra được.

Và đó là lý do tại sao thỉnh thoảng chúng ta trải qua những đêm tăm tối thử thách của đức tin và lòng tin tôn giáo trong tâm hồn. Những gì xảy đến là vỏ bọc an toàn tôn giáo, kể cả khả năng tưởng tượng về sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ biến mất, và chúng ta không những bị bỏ lại trong tâm trạng bất an mới lạ và đầy kinh ngạc, mà còn đau đớn hơn nữa, đó là mất khả năng tưởng tượng về sự hiện hữu và bản chất của Thiên Chúa. Nội lực cảm nhận, tưởng tượng về sự hiện hữu của Thiên Chúa vắt kiệt chúng ta và bỏ lại chúng ta trong một trạng thái “bất khả tri” nào đó.

Các nhà thần bí gọi đây là đêm tối tâm hồn và quả quyết với chúng ta hai điều: Thứ nhất, Thiên Chúa không biến mất, nhưng đúng hơn những gì phải biến mất là cách nhận biết ích kỷ và giữ chặt Thiên Chúa của chúng ta. Thứ hai, vỏ bọc an toàn tôn giáo của chúng ta cần biến mất bởi vì quá nhiều người trong chúng ta bị chúng che lấp. Trạng thái bất khả tri mà chúng ta cảm nhận là một bất khả tri lành mạnh, một bất khả tri mở ra cho chúng ta cách trải nghiệm trong sáng và sâu sắc hơn về Thiên Chúa. Một cách thiết yếu, những gì đêm tối thử thách trong thực hiện là dọn đi những mảnh vụn, những vỏ bọc an toàn không thật, những hình ảnh trần tục về Thiên Chúa mà chúng ta đã tạo ra cho mình.

Lúc văn sĩ C.S Lewis bị giằng co trước khi trở lại đạo Công giáo, một trong những do dự chính của ông là ông không thể hình dung ra huyền nhiệm của ơn cứu rỗi, làm sao cái chết của Chúa Giê-su lại có mãnh lực cứu độ con người như vậy. Và một trong những thay đổi quyết định của ông là do J.R.R. Tolkien thách thức, Tolkien là tác giả tác phẩm Chúa Tể Chiếc Nhẫn. Khi nghe Lewis giải bày hoài nghi của mình, Tolkien đơn giản nói: “Đó là do trí tưởng tượng của anh nghèo nàn.” Không có gì là tuyệt đối đúng. Thiên Chúa và các huyền nhiệm lớn lao quả thật cách xa trí tưởng tượng của chúng ta và thỉnh thoảng khi chúng ta cố gắng tìm hiểu những huyền nhiêm cả thể ấy, chính xác chúng ta trải nghiêm trạng thái bất khả tri bởi vì cuối cùng chúng ta gặp gỡ chính chúng ta hơn là gặp Thiên Chúa thật. Nếu vậy thì chúng ta không nên cả tin vào chính mình!

 

Paul Tillich một lần đã định nghĩa tôn giáo chân chính là cái chúng ta chỉ có thể đạt tới khi, trong cuộc tìm kiếm tôn giáo của mình, chúng ta hòa hợp được sự thật và ý thức, cái mà ở ngoài những gì chúng ta có thể chạm đến được, ở ngoài những gì cao xa nhất trong tâm thức tập thể của nhân loại. Trong tôn giáo đích thực, chúng ta gặp Thiên Chúa chứ không phải gặp chính ta.

Chúng ta phải đấu tranh mãnh liệt để thích ứng với tôn giáo đích thực, không được tạo Thiên Chúa theo hình ảnh và chân dung chúng ta. Và đó là vì sao đức tin thường được cảm nhận như bóng tối hơn là ánh sáng, như khao khát hơn là thỏa mãn, như cảm giác vắng bóng đau buồn hơn là hiện diện hân hoan.

J.B. Thái Hòa dịch