Đối diện với thảm kịch

339

Ronald Rolheiser, 2007-11-04

Cách đây mấy năm, vào một đêm chúa nhật đã khuya, tôi nhận bức thư điện tử của một đứa cháu nói rằng ba trong số những đứa bạn thân nhất của nó vừa mới mất trong một vụ tai nạn xe hơi phi lý. Giờ nó đang sống trong thương tiếc và đang tự đặt ra các câu hỏi: «Tại sao» «Nói gì trong hoàn cảnh này?» «Nói gì với gia đình họ bây giờ?»

Tôi đủ già dặn để hiểu rằng để trả lời cho những câu hỏi đó trong tình huống này là không hề đơn giản; khi những người thân vừa qua đời, người đã sống với mình lâu ngày, trọn vẹn, đã là hình bóng quen thuộc, bây giờ buông tay để ra đi vĩnh viễn. Họ gần như chết điếng khi đối mặt với thảm kịch này, một vụ tai nạn không đáng xảy ra chỉ vì do ai đó sơ suất làm cho ba người trẻ tuổi phải lìa xa cuộc đời.

Vậy phải nói gì trong trường hợp này?

Trong những giây phút đầu tiên, sau một thảm kịch như vậy, hầu như chúng ta chẳng có lời nào để nói. Chúng ta có những câu nói xuất phát từ niềm tin để an ủi thân nhân người xấu số: “Giờ họ đang ở với Chúa. Chúng ta tin sự sống lại. Giờ họ ở trong vòng tay tốt lành hơn vòng tay chúng ta. Họ đang sống ở một nơi khác và chúng ta sẽ gặp lại họ vào ngày sau”, tuy nhiên trong những giờ, những ngày đầu, những câu này không có sức mạnh hoặc có thể không có sức mạnh, không phải vì nó sai, nhưng như những hạt giống, nó cần thời giờ để bén rễ và lớn lên.

Tuy vậy không có nghĩa là chúng ta không có gì khác hơn để làm. Cái cần thiết hơn lời nói lúc này là sự hiện diện của chúng ta, quan tâm chia sẻ, giúp đỡ của chúng ta. Trong những giây phút đầu tiên, những ngày đầu tiên, chúng ta không cần nói nhiều, chỉ cần gần gũi họ. Chỉ đơn giản hiện diện ở đó.

Hơn thế nữa lời nói của chúng ta phải có sức truyền cảm và có chiều sâu để an ủi tâm hồn đang bị tổn thương. Không dùng sáo ngữ và phải nói đúng lúc. Phải chân thành và phải hiểu khó mà an ủi được trong những trường hợp này. Tôi thích các câu của thi sĩ Rainier Marie Rilke gởi cho người bạn đang gặp buồn phiền: «Bạn hãy trả sức nặng trọng lực này cho quả đất; đại dương nặng nề, núi non nặng nề, quả đất nặng nề.»

Khi chúng ta đang gặp bão tố thì không nên giả vờ tưởng tượng rằng mặt trời vẫn chiếu. Không có cách nào để chấm dứt cơn bão. Việc chúng ta có thể và nên làm là chờ đợi, là sát cánh cùng nhau để tạo nên sức mạnh và mỗi người không còn cảm thấy đơn độc.

Chờ đợi là điều đúng nhất chúng ta nên làm. Cuốn sách Than Khóc nói những gì chúng ta có thể làm là: “Im lặng và chờ đợi”. Đó là lời khuyên cứng rắn, hào hùng, ẩn chứa hy vọng chân thật hơn là lạc quan ảo tưởng. Những gì lời khuyên đó nhắc nhở, hướng dẫn chúng ta trong thời gian trước mắt là cố gắng chịu đựng. Không làm gì khác hơn được. An ủi sẽ đến vào lúc cuối cùng, tuy nhiên chúng ta phải chờ đợi và trong khi chờ đợi chúng ta phải tỉnh thức. Đó là lý do tại sao trước mỗi buổi lễ an táng đều có nghi thức “canh thức”. Chúng ta đến với nhau không chỉ để tổ chức tang lễ nhưng còn để “im lặng và chờ đợi”.

Chờ đợi trong im lặng này có thể rất đau khổ. Khoảng thời gian mà chúng ta nhìn mọi thứ qua một lăng kính tối tăm, tưởng như chẳng bao giờ lấy lại được niềm vui sống. Sự chờ đợi này mang lại cảm giác sợ hãi cô đơn, nó chứng tỏ một điều là tất cả chúng ta rất mỏng manh và dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên chính xác đó là điều chúng ta cần chấp nhận và tiến hành. Vì vậy chúng ta không nên sợ cảm giác sợ hãi, cũng như thất vọng với cảm giác thất vọng. Cũng không phủ nhận can đảm, phủ nhận niềm tin. Như Kierkegaard đã nói: “Can đảm không có nghĩa là vắng bóng sợ hãi và thất vọng nhưng là tiến về phía trước bất chấp sợ hãi và thất vọng.”

Tất cả chúng ta đều tin rằng sau khi chết chúng ta sẽ sống lại, sẽ hiệp thông cùng với các thánh, sẽ sống trong tình thương yêu vô bờ bến của Thiên chúa. Những gì niềm tin mang lại cho chúng ta là thật. Cuối cùng sẽ có niềm an ủi. Tuy nhiên không phải lúc nào Thiên Chúa cũng che chở cho chúng ta khỏi bi kịch, nhưng sau thảm kịch, chúng ta sẽ được cứu rỗi. Chúa Giêsu đã không cứu La-da-rô khỏi phải chết nhưng làm cho ông sống lại từ cõi chết. Cuối cùng, hãy tin tưởng rằng: “Mọi chuyện sẽ đâu vào đó, mọi chuyện sẽ đâu vào đó, mỗi chuyện có một cách.” Tuy thế, trong khi chờ đợi, đặc biệt là ngay sau những giây phút phi lý của thảm kịch: tai nạn phi lý, cái chết phi lý; chúng ta tay trong tay sát cánh với nhau và phó thác mọi sự trong tay Chúa.

J.B. Thái Hòa dịch