Chín mươi chín và một

270

Ronald Rolheiser, 2007-02-04

Suốt trong các năm viết lách của tôi, tôi nhận nhiều góp ý phê bình khác nhau. Thỉnh thoảng đó là những lời cay nghiệt, xét nét, những lúc đó tôi thường không trả lời, tin rằng nói chuyện trong vòng thân tình gia đình sẽ tốt hơn là chống cự nhau.

Thỉnh thoảng, dù đó là những góp ý thành thật, ân cần, nhưng thật sự một cái gì đó hơi thách thức. Một lời phê bình như thế này làm tôi phải tiếp cận một cách chung chung: “Tại sao,” thỉnh thoảng có người hỏi tôi: “Tại sao cha chỉ hay viết theo cách của cha, luôn luôn không thay đổi, với các đề tài có khuynh hướng thế tục? Tại sao cha không tập trung nhiều hơn vào các chủ đề huấn giáo, giáo điều của Giáo hội, giải thích các tín điều, bảo vệ cho vị trí Giáo hội trong những vấn đề như phá thai, và biện hộ cho Giáo Hội?”

Công bằng mà nói thì cộng đoàn Công giáo cần những chuyện này, đặc biệt ngày nay tín hữu Công giáo, kể cả những người thường xuyên đi nhà thờ, đều thiếu đi sự rõ ràng về những gì họ cho là họ tin tưởng, và thiếu những công cụ để lý giải và bảo vệ niềm tin khi đối mặt với những làn sóng phê bình nhiều hơn bao giờ hết.

Vậy, tại sao tôi viết theo cách của tôi? Tại sao, giống như những người phê bình tôi đã nói “không thay đổi về những chủ đề có khuynh hướng thế tục?”

Câu trả lời của tôi: Vì tôi cố gắng làm sứ giả truyền giáo và các sứ giả truyền giáo được chính Đức Giê-su yêu cầu rời bỏ chín mươi chín người kia để đi theo một người còn lại.

Cho phép tôi dẫn ra đây một hình ảnh:

Vào khoảng giữa đời tông vụ giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô đệ nhị đã lập ra Ngày Thanh Niên Thế Giới. Khi lần đầu tiên đề xuất ý tưởng này, các cố vấn của ngài tỏ vẻ không tin tưởng lắm, cho rằng: “Giới trẻ sẽ không đến gặp ông già.” Nhưng lời chỉ trích của họ đã sai, hoàn toàn sai. Những cuộc gặp gỡ của ngài với thanh niên đã nối kết giới trẻ đông chưa từng có. Hàng triệu thanh niên đến cầu nguyện với ngài.

Tôi ở Toronto năm 2002 khi Ngày Thanh Niên Thế Giới được tổ chức ở đây và tôi tham gia với gần một triệu thanh niên khắp nơi trên thế giới qui tụ về để gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng. Và đó là một sự kiện tuyệt vời, đầy ân sủng.

Tuy nhiên, trong khi gần một triệu thanh niên đến để tham gia Ngày Thanh Niên Thế Giới thì năm mươi triệu thanh niên còn lại đã không đến – không phải chỉ vì họ không có phương tiện hay khả năng tài chính để đến Toronto. Đối với mỗi thanh niên hăng hái tham gia sự kiện thì năm mươi triệu thanh niên còn lại là những người thờ ơ, không quan tâm, những người quay lưng lại với sự kiện đó.

Đây không phải là lời bình phẩm về sự kiện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, hay về Giáo hội, nhưng đây là lời bình phẩm về thực tế đang diễn ra, về thái độ của một số người, kể cả tín hữu Công giáo ngày nay, ít nhất là trong nền văn hóa có tính thế tục cao của chúng ta. Những người hững hờ, làm ngơ với Ngày Thanh Niên Thế Giới là “những người lạc đường” mà Đức Giê-su bảo chúng ta phải kiếm tìm trong hoang mạc vì lòng yêu thương, mặc dù điều đó có nghĩa là không thể quan tâm nhiều như lòng chúng ta mong muốn đến chín mươi chín người có lòng trung thành kia.

Xin đừng hiểu sai về điều đó: Những cá nhân có lòng tin và chuyên tâm với đời sống đạo, một triệu người đã tham gia vào Ngày Thanh Niên Thế Giới cần được chăm sóc và nuôi dưỡng bằng giáo lý, giáo huấn của Giáo Hội, bài học đạo đức, và các công cụ biện giải mà họ cần để lý giải cho đức tin của họ.

Tuy nhiên, lời tín thác của Đức Giê-su vẫn còn đó: bỏ lại chín mươi chín người đi đúng đường để đi theo người lạc đường. Tuy vậy, ngày nay người đi lạc đó dường như đã bị thay đổi và có lẽ trường hợp bỏ lại một người và đi theo chín mươi chín người kia đã diễn ra nhiều hơn.

Và điều này đòi hỏi việc giảng dạy, thuyết giảng, tiếp cận của chúng ta với thế giới nói chung, phải bao gồm nhiều vấn đề, chứ không phải chỉ giáo lý, giải thích lòng tin, sự rõ ràng của tín điều và luân lý, và thậm chí lặp đi lặp lại (tuy đúng đắn, cần thiết, và vô tận) ngôn ngữ Thánh Kinh và tín ngưỡng. Những điều này cần phải được thực hiện, nhưng đó chỉ mới là một phần của nhiệm vụ. Một phần khác, một cách tương tự và có lẽ còn khó khăn hơn nhiều, đó là nhiệm vụ phải liên kết những điều này (Thánh Kinh, tín ngưỡng, tín điều, luân lý đạo đức của chúng ta) với năng lượng, màu sắc, nỗ lực, mong mỏi, sức khỏe, bệnh tật, đức hạnh, tội lỗi, cái đẹp, và cảm hứng của thế giới chúng ta đang sống.

Càng ngày càng có nhiều người cảm thấy mình mất liên kết với môi trường và ngôn ngữ của giáo hội, lỗi không phải hoàn toàn do họ. Chúng ta cần sứ giả truyền giáo đến với thế giới, như cha Henri Nouwen, cha có thể hiên ngang đứng giữa Giáo hội, và chào đón thế giới với tất cả mong muốn và tầm cao cả của cha, để chúng ta cùng tham gia, không phải như là một kẻ địch nhưng như người cùng một nhà.

Và ngôn ngữ chúng ta cần để làm điều này không phải đơn giản ở trong giáo lý và tín điều, chỉ cần lấy ra và đem trải rộng. Chúng ta cần tạo ra một ngôn ngữ mới cho chính thế hệ chúng ta, như tất cả mọi thế hệ đều cần đến để tiếp nhận lời Chúa, hấp thụ và tiêu hóa, để biến thành máu thịt của ta, để lời của Thiên Chúa trở thành lời hằng sống bên trong chúng ta.

Tôi không quả quyết mình đã làm được điều này, cũng không phải là chuyên gia, nhưng tôi biết rằng lời tín thác của Đấng Ki-tô là phải kêu gọi mọi người chứ không phải chỉ những người đến với Giáo hội chúng ta.

J.B. Thái Hòa dịch