Quan niệm đúng sai về tự do

489

Quan niệm đúng sai về tự do

Ronald Rolheiser, 2003-08-03

Trong quyển tự truyện Kinh Ngạc Vì Hân Hoan, văn sĩ C.S. Lewis kể lại câu chuyện trở lại của ông. Hành trình trở lại của ông có một vài điều đáng để chúng ta học hỏi.

Trong nhiều năm, ông bị kẹt không thực hiện được lời hứa về đức tin của mình là vì trí thông minh của ông sắc sảo một cách không nhân nhượng. Xuất sắc, thấu triệt, hoài nghi với những câu trả lời đơn giản, ông đã không thể tự mình hình dung được các sự kiện lớn trong cuộc đời của Đức Ki-tô và sự phục sinh của Người đã diễn ra như thế nào. Hơn nữa, ông còn thấy lời hứa với đức tin, bằng cách này hay cách khác, tựa như việc bán khống tự do của ông. Trong tất cả mọi chuyện, ông thường bị bạn của ông là văn sĩ J.R.R Tolkien, tín hữu Công giáo, tác giả quyển sách Chúa Tể Của Những Chiếc Nhẫn thử thách. Lewis nhớ lại nhiều đêm, sau khi ăn tối, hai người đi đàm đạo hàng giờ trên các nẻo đường thành phố Oxford để bàn về đức tin và tôn giáo. Vào một đêm như thế, không lâu trước khi trở lại, Tolkien đã thách thức ông như sau: “Anh không tự mình hình dung được huyền nhiệm cuộc đời Đức Giêsu là vì trí tưởng tượng của anh kém quá!” Lời nhận xét này châm chích Lewis, nhưng cùng một lúc ông nhận ra đó là sự thật.

Không lâu sau, C.S. Lewis trở lại với đức tin. Ông kể lại trong quyển Kinh Ngạc Vì Hân Hoan, cuối cùng, đêm hôm đó, đầu tiên hết ông đã quỳ xuống để tuyên xưng đức tin, ông làm không phải vì lòng bừng lên hân hoan và nhiệt thành, nhưng là “hành động trở lại bất đắc dĩ nhất trong lịch sử Ki-tô giáo.” Trọn con người ông lúc đó vẫn muốn cự lại, nhưng ông biết ông cần quỳ xuống trước một uy quyền phục tùng nào đó bởi vì, như ông đã nói, ông nhận ra rằng “cứng rắn của Thiên Chúa thì tốt hơn là dịu mềm của con người và ép buộc của Thiên Chúa chính là sự giải thoát của chúng ta.” Ông nhận ra rằng, hạnh phúc và tự do là vô cùng nghịch lý. Bạn chỉ có thể có được tự do bằng cách cho nó đi. Cho đi tự do là làm cho chúng ta tự do, cũng như tích trữ ghen tương cuối cùng trở thành nô lệ cho chúng.

Kinh Thánh có nói đến những sự thật “bị giấu kín từ thời tạo thiên lập địa.” Những gì Đức Giêsu biểu lộ về mối liên hệ giữa tình yêu và tự do là một trong những sự thật này. Đức Giêsu đã biểu lộ những gì? Đó là, tinh hoa của tình yêu là một loại vâng lời nào đó, một quy phục tự nguyện, một hành động cho đi tự do của mình, một sự nằm xuống vì tình yêu, đạo nghĩa và sứ vụ. Tự do không đạt được mục đích của nó khi đòi hỏi tự do vì tự do, tự do chỉ có được khi cho đi tự do.

Có một nghịch lý lớn lao trong ý nghĩa đó và điều này được mô tả thật sinh động ở phiên tòa khi Đức Giêsu đứng trước quan tổng trấn Phi-la-tô. Với cái nhìn thiển cận, Đức Giêsu là người không còn tự do. Đứng trước Phi-la-tô và đám đông, Người bị xiềng xích như tù nhân. Tuy nhiên, không ở đâu nhân loại có thể tìm thấy hình ảnh của một người tự do hơn Đức Giêsu trong giây phút này. Khi Phi-la-tô nói: “Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?” Đức Giêsu đáp lại: “Ngài không có quyền gì đối với tôi. Không ai có thể lấy đi mạng sống của tôi. Ý chí tự do của tôi sẽ tự thực hiện điều đó.” Phi-la-tô hiểu rõ Chúa Giêsu muốn nói gì, bạn không thể làm cho người thánh thiện thành nạn nhân hay làm cho người tử đạo thành người bung xung. Bạn không thể áp đặt được người đã có tự do.

Triết học kinh viện thường bàn thảo các khác biệt về quan niệm tự do, nhưng nó chỉ nắm bắt được một phần trong trường hợp này. Họ nói về một tự do theo kiểu “tự do-khỏi” và “tự do-vì”. Người đời xưa thường cho non dại khi tự do có nghĩa là khỏi kiềm chế, khỏi trách nhiệm, khỏi hạn chế tinh thần, khả năng làm bất cứ điều gì mình muốn. Người đời nay gọi mục đích của tự do là, khả năng tự hiến mình vì tình yêu, vì lòng vị tha, vì đạo lý, vì trách nhiệm và phục vụ.

Đây không phải là một điều gì mà chúng ta hiểu hay chấp thuận một cách dễ dàng. Chúng ta quá dễ bị quyến rũ bởi ý tưởng tự do có nghĩa là “tự do khỏi” – khỏi trách nhiệm, khỏi kiềm chế tinh thần, khỏi bất cứ điều gì hạn chế hay trói buộc chúng ta lại. Trách nhiệm, đạo lý và tôn giáo khi đó được xem là gánh nặng không lành mạnh, xiềng xích cần phải tháo bỏ. Nhưng đó là quan niệm sai lầm và nguy hiểm.

Trong Phúc âm thánh Mác-cô, các môn đệ của Đức Giêsu bị đẩy vào tình cảnh đặc biệt tăm tối. Họ không những bỏ rơi Đức Giêsu trong suốt cuộc thương khó và tử nạn, họ còn hiểu lầm, phản bội, và có những hành động không đúng nữa. Nhưng đó chỉ là một phần trong quan điểm của Phúc âm thánh Mác-cô. Đối với thánh Mác-cô, rất khó, gần như không thể được, là trung thành với Đức Giêsu, nếu chúng ta không chia sẻ với nhau trong tinh thần thập giá bằng cách cho đi tự do như Đức Giêsu đã làm, tự do mà không oán giận. Cái nhìn của Phúc âm thánh Mác-cô là rằng, tình môn đệ chỉ có thể giữ được bằng cách dự phần vào tâm điểm sứ mệnh của Đức Giêsu, Người đã hi sinh tự do của mình vì Chúa Cha.

Nữ triết gia Simone Weil, một người có tinh thần tự do rất mạnh, người đã chết để chiến đấu cho tự do, khi được hỏi: “Bà đang tìm kiếm điều gì?” Bà trả lời đại ý: “Tôi đang tìm một ai đó để vâng phục, vì  không vâng phục thì chúng ta sẽ mãi tự mãn và lớn lên một cách ngớ ngẩn, dù với chính mình.”

Đó chính là nhận thức đã khiến C.S. Lewis bất đắc dĩ quỳ xuống để quy phục. Cứng rắn của Thiên Chúa thì dịu dàng hơn lòng tử tế của chúng ta và vâng phục trong yêu thương chính là những gì làm cho chúng ta tự do.

J.B. Thái Hòa dịch