Nhà xã hội học, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) kể mười hai buổi làm việc kín đáo với Đức Thánh Cha để viết quyển sách.
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2017-08-31
Le Figaro. – Làm sao ông thuyết phục được Đức Phanxicô?
Dominique Wolton. – Tôi là nhà nghiên cứu trong lãnh vực truyền thông chính trị chứ không phải chuyên gia về tôn giáo. Tôi chỉ có đúng kinh nghiệm này khi làm quyển sách phỏng vấn với Đức Hồng y Lustiger. Được đánh động bởi tác động truyền thông của Đức Phanxicô, tôi gởi dự án cho ngài. Ngài chấp nhận. Tôi không thể tưởng tượng được!
Điều gì nơi ngài đã đánh động ông nhiều nhất?
Tôi ấn tượng với đức tin, niềm vui, lòng nhân lành, sự khiêm tốn, sự sáng suốt của ngài. Về bản chất con người, ngài không ngây thơ cũng không bị lừa. Lại còn không đối với các cơ chế quyền lực và thống trị… Ngược lại, ngài ít nói về Chúa. Ngài rất kiệm lời về từ vựng tôn giáo. Và ngài là giáo dân trong lãnh vực này. Có rất nhiều giám chức thích thú trong lọ mứt thần học-khái niệm. Ngài, ngài bình thường, và đó là cả một nghệ thuật thiên tài của ngài. Thêm nữa, không có một vấn đề nào là cấm kỵ, là kiểm duyệt đối với ngài.
Ông đã yêu ngài?
Tôi là người Pháp thế tục, theo luật 1905, học thuật, nghiên cứu gia… Tôi có văn hóa kitô, công giáo nhưng tôi là người theo thuyết bất khả tri. Đức Phanxicô có một chiều kích thiêng liêng thấy rõ qua niềm vui, qua đức tin của ngài, nhưng ngài hoàn toàn thế tục trong cách điều hành của mình. Vì thế chúng tôi khác nhau và gần nhau. Ngài có thể thảo luận không có vấn đề với bất cứ ai. Tôi ngạc nhiên với sự xen lẫn liên tục nơi ngài, con người của đức tin và con người của thế tục.
Một giáo hoàng thế tục!
Một cách ngẫu phát, ngài tách Giáo hội và Quốc gia. Cả hai có những ảnh hưởng qua về với nhau, nhưng theo ngài, quyền lực chính trị không được dựa trên quyền lực tôn giáo. Và tôn giáo phải ở đúng vị trí của mình. Vấn đề này không những chỉ là vấn đề của luật 1905 nhưng còn là vấn đề trọng tâm của thế kỷ sắp tới, nhất là với hồi giáo. Hòa bình hay chiến tranh trong tương lai sẽ tùy thuộc vào sự tách ra của các quyền lực này.
Dù vậy thế giới thế tục không mong chờ gì ở Giáo hội công giáo…
Có một kết hiệp truyền thông giữa một người thế tục và một tu sĩ. Chúng tôi chứng nghiệm điều này trong các buổi nói chuyện. Người thế tục, người tu sĩ đều có lý vì không có tính thế tục nào nguyên tuyền 100 %. Đức Phanxicô có tinh thần cởi mở trên các vấn đề thiêng liêng. Người thế tục chỉ có thể tồn tại vì có tôn giáo. Mặt khác, ngài lấy cảm hứng từ đó và không phải lúc nào cũng nhận ra nó… Một người có thể là vô thần, nhưng phải ngây thơ mới nghĩ người ta có thể loại bỏ các vấn đề tâm linh. Bởi vì các vấn đề này là các vấn đề siêu hình học. Và không ai thoát được vấn đề này. Vì không ai có thể nói, mình không tự hỏi mình là ai, mình đi đâu, về cái chết… Giải pháp là cùng sống chung, nơi mỗi người tôn trọng nhau.
Nhiều người nói giáo hoàng này cánh tả…
Tiêu chuẩn tả-hữu không áp dụng trong lãnh vực tôn giáo. Nó phiếm diện và không đầy đủ. Tả-hữu, có tồn tại, cũng như người thống trị, kẻ bị trị, nhưng sức mạnh của tâm linh và của tôn giáo là chứng tỏ có các chiều kích khác. Giảm thiểu tôn giáo vào tính cách tả-hữu là làm nghèo đi một cách nguy hiểm cho tất cả mọi người. Tôi có thể nói, đúng hơn ngài ở phía hữu trong sự đào tạo Dòng Tên ở Argentina của ngài. Nhưng vì ngài rất gần với người nghèo, nên ngài bị cho là ở cánh tả. Ngài bị ám ảnh bởi các bất bình đẳng ở bắc-nam. Ngài phẫn nộ dù ngài rất kiềm chế.
Trên thực tế, ngài là người như thế nào?
Ngài là người không có khuôn khổ! Người ta không thể khép ngài vào trong một khuôn. Giáo hoàng này là người của người nghèo, của người bị trị, của người ngoài lề. Ngài thương dân và ở với dân. Ngài hạnh phúc khi tiếp xúc với người dân. Ngài đặt mình “dưới chân” Phúc Âm. Ngài thể hiện lời Phúc Âm. Một sức mạnh đáng kinh ngạc…
Ở Âu châu, các quan điểm của ngài về việc mở rộng nhập cư không được tiếp nhận…
Trong hai mươi năm nữa, người ta sẽ nói, may quá ngài đã nói như vậy, nếu không chúng ta sẽ bị chiến tranh, chúng ta, các thể chế dân chủ. Chúng ta ở trong một thế giới minh bạch. Các nước nghèo thấy người chết ở biển Địa Trung Hải và sự dửng dưng của các nước giàu. Nếu không ai nói gì, không ai làm gì, bạo lực sẽ là khủng khiếp. Vì vậy ngài đã đúng ngàn lần. Ngài nghĩ, đó là một trong các tai tiếng lớn nhất của toàn cầu hóa. Các Quốc gia giàu có đã tạo nên tình huống này qua các cuộc chiến tranh. Chủ nghĩa tư bản man rợ đã đẩy nhanh tất cả các chuyện này từ ba mươi năm nay. Ngày nay, các nạn nhân kinh tế và chính trị của các vấn đề này đến các nước dân chủ giàu có, và các nước này nói với họ, đi ra đi! Sự giận dữ Đức Phanxicô khơi dậy có nghĩa là ngài đã chạm đúng. Có một hận thù chống lại những gì ngài nói về người di dân. Nhưng chúng ta sẽ không thoát ra được vấn đề với đường lối chính trị không dám nhìn thẳng. Vì thế, ngài đã làm một điều phi thường cho nhân loại, khi ngài nói những gì không ai muốn nghe.
Liệu Đức Phanxicô có ý thức có sự chống đối trong nội bộ Giáo hội không?Mục đích của quyển sách này không phải là các cuộc cãi vả trong Giáo hội công giáo. Ngài rất quan tâm đến tín hữu kitô và đến sự hiệp thông trong Giáo hội, ngài không muốn có sự đứt đoạn. Ngài muốn kết nối, không ngừng nghỉ. Ngài muốn xây cầu chứ không muốn xây tường.
Marta An Nguyễn dịch