Đức Phanxicô tin vào khả năng “hội nhập” của Âu châu

113

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-09-01

Trong quyển sách “Chính trị và xã hội”, Đức Phanxicô nói đến cơn khủng hoảng di dân của thế giới và ngài tin tưởng vào khả năng “hội nhập” của Âu châu.

Quyển sách phỏng vấn của Đức Phanxicô và học giả Dominique Wolton (Nxb Observatoire) sẽ phát hành tại Pháp ngày 6 tháng 9-2017, các trích đoạn được đăng trên báo Figaro Magazine ngày 1 tháng 9 với phần giới thiệu của ký giả Jean-Marie Guénois. Đây là thành quả của mười hai buổi gặp gỡ trải dài trên hai năm từ tháng 2 2016 đến tháng 2-2017.

“Chúng ta tất cả đều là người tị nạn, chúng ta tất cả đều là người di dân”, học giả Dominique Wolton trích câu trên của Đức Phanxicô khi ngài phát biểu ở trại tị nạn Moria ở đảo Lesbos, Hy Lạp, trong lần ngài đến đây ngày 16 tháng 4 năm 2016. Tháp tùng ngài có Đức Thượng phụ đại kết Bartholomew và Tổng Giám mục Athena Hiéronyme. Tại đây các vị đã ký một bản thông cáo chung.

Nhưng Đức Phanxicô thích trích một câu khác mà các người tị nạn mặc trên áo t-shirt của họ: “Tôi không phải là một nguy hiểm. Tôi đang bị nguy hiểm”. Ngài đi lại từ đầu “lịch sử thánh”: Abraham, những người di dân của dân tộc Israel. Thêm nữa: “Chính Chúa Giêsu cũng là người tị nạn, người di dân”, để rồi ngài khẳng định: “Một cách hiện sinh, bằng đức tin, chúng ta là người di dân”.

Có một phong cảnh của sách Sáng Thế trong các lời nói của Đức Giáo hoàng: thiên đàng đã mất, Adong và Evà bị lưu đày, di cư trên mặt đất. Và hoài niệm của một sự trở về.

Một trong các hình ảnh ưa thích của ngài trở lại ở đây – con đường, tiến bước – : “Khi một người nam, một người nữ không đang trên đường, họ là xác chết. Đó là một vật của viện bảo tàng. Người đó không còn sống”.

Học giả Dominique Wolton nhấn mạnh, tình trạng người di dân càng ngày càng tệ kể từ ngày ngài đến thăm Lesbos, nhưng Đức Phanxicô nói thẳng: “Tại sao họ lại rời đất đai của họ? Do thiếu công việc, hoặc do chiến tranh. Đây là hai lý do chính. Việc thiếu việc làm, bởi vì họ bị khai thác – tôi nghĩ đến người Châu Phi. Châu Âu đã khai thác Châu Phi… Tôi không biết liệu chúng ta có thể nói như vậy! Nhưng ở một vài thuộc địa Âu châu… đúng, họ khai thác người Châu Phi”.

Ngài nhắc đến một nguyên thủ quốc gia Phi Châu quyết định trồng rừng lại: “Các quyền lực kinh tế thế giới đã đốn tất cả cây”.  Và với hệ quả tất nhiên: “Đất khô cằn vì bị khai thác quá mức, và không còn việc làm”.

Câu trả lời nào mang lại ở đây? Trước khi có quyền di dân thì cũng phải có quyền không di dân, một chủ đề thiết thân của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô nhắc lại dưới một hình thức khác: “Điều đầu tiên phải làm, như tôi đã nói trước Liên Hiệp Quốc, trước Hội đồng Âu châu, khắp mọi nơi, là phải tìm ở đó các nguồn tạo công ăn việc làm, và phải đầu tư vào đó”.

Và ngài nói thêm ngay lập tức, rất thực tế: “Và Âu châu cũng phải đầu tư tại châu của mình. Ở đây, cũng có vấn đề về thất nghiệp.”

Một lý do lớn khác để người dân ra đi đó là các cuộc xung đột. Đức Phanxicô rất rõ ràng ở đây: “Một lý do khác để người dân ra đi, đó là chiến tranh. Chúng ta có thể đầu tư, mọi người sẽ có công ăn việc làm và họ không cần phải ra đi, nhưng còn chiến tranh, họ cũng phải đi trốn. Vậy thì ai gây chiến tranh? Ai cung cấp vũ khí? Chúng ta.”

Đức Phanxicô mơ một Âu châu khác, một Âu châu không sợ mình trở lại là “mẹ”. Ngài nhắc lại tình trạng dân số giảm và hệ quả của nó: “Châu Âu có thể đánh mất ý nghĩa văn hóa và truyền thống của mình. Tôi nhấn mạnh, Âu châu là đại lục duy nhất có một nền văn hóa rất phong phú. Âu châu phải tìm thấy mình trong gốc rễ của mình. Và không được sợ. Không được sợ mới có thể thành Âu châu mẹ.”

Ngài ghi nhận: “Giờ đây Âu châu đang sợ. Âu châu đóng cửa, đóng, đóng…” Nhưng ngài nhắc lại, lịch sử của những lần di dân đã tạo thành Âu châu và khả năng “hội nhập” của châu lục: “Và rồi châu Âu, đó là lịch sử của một hội nhập văn hóa, đa văn hóa như ông nói, rất mạnh. Những Longobards, các Lombards của chúng ta ngày nay, là những người man rợ đã đến đây từ rất lâu… Và rồi tất cả đến trộn lẫn và chúng ta có văn hóa của mình. Nhưng đâu là văn hóa Âu châu? Làm thế nào để tôi xác định văn hóa châu Âu ngày hôm nay? Đúng, Âu châu có gốc rễ kitô giáo rất quan trọng, và đúng vậy. Nhưng chưa đủ để xác nhận nó, Có tất cả khả năng của chúng ta. Khả năng hội nhập, khả năng tiếp nhận người khác.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch