Con người có tùy thuộc vào Thiên Chúa không?

392

Tạo dựng Adong, tác phẩm của Michel-Ange ở Nhà Nguyện Sixtine, Rôma

fr.aleteia.org, Sébastien Morgan, 2017-07-12

Trong các bản văn truyền thống kitô giáo, người ta thường cho rằng, thời buổi chúng ta là thời buổi khó bảo: “Bằng tự chính sức mình, cá nhân con người không thể hoàn tựu một cách trọn vẹn, cả về mặt bản thể học.”

Lời khẳng định này muốn nói con người tùy thuộc vào Thiên Chúa? Điều này có nghĩa là gì? Thiên Chúa thắng thế trên con người, Ngài muốn con người vâng lời mình như người lính vâng lời cai đội? Có đúng là các phát minh tôn giáo cuồng tín luôn sẵn sàng hạ thấp con người, bỏ hết mọi phẩm cách, mọi cá nhân tính để vâng phục một Thiên Chúa độc tài không?

Thiên Chúa không phải là ông cai đội, cũng không phải là người chướng khí tranh quyền lực với người mà Ngài muốn họ phục vụ mình. Quan điểm này mang tính quyền uy, lạc giáo hoặc lương dân là quan điểm cổ xưa, tuy nhiên đôi khi lại được công cụ hóa như công cụ của quyền lực, loại quan điểm này không dính gì đến công giáo.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, chúng ta quen với các phương cách phát triển cá nhân, cách của các người tự-làm-mọi chuyện (selfs made-men) “hãy là người mà bạn muốn, tất cả mọi sự đều có thể!” Tất cả những chuyện này đều tích cực và nằm trong tiến trình của một sự cá nhân hóa về mặt ý thức và về mặt xã hội được truyền qua Thần Khí. Mỗi người có một tiềm năng sáng tạo vô tận, chỉ cần con người được giải thoát và được phát triển, vì con người được tạo dựng để sáng tạo, để khai phá, để thực hiện.

Nhưng các phương pháp phát triển cá nhân này không được phục vụ cho một thế giới buôn bán tham lam hay một ước muốn ích kỷ nhằm nắm chiếm lĩnh thế giới.

Chỉ duy nhất Chúa là cùng đích tối hậu của cuộc hành trình của chúng ta trên trần thế này. Chỉ duy nhất Chúa là nguồn hạnh phúc sung mãn. Chúa chỉ muốn một chuyện: chúng ta hoàn toàn quân bình, hoàn toàn tự lập và hoàn toàn là chính mình.

Tự lập? Đó là cả một nghịch lý hiếm khi được hiểu thấu, đó là lý do của bao nhiêu ngộ nhận, của các khuynh hướng xấu của triết lý: sự tự lập của chúng ta tùy thuôc vào sự gắn kết của chúng ta vào Chúa.

Nghịch lý tối hậu của một đời sống treo trên vực thẳm bằng sợi chỉ vàng là sự hiện diện thần thánh. Vì Chúa không muốn có bù nhìn nô lệ. Cha mẹ lành mạnh nào lại muốn con mình dính dính vào móc xích của mình? Cha mẹ lành mạnh nào lại muốn con mình không thể quyết định một mình, không thể đi đứng một mình, không có được ý kiến riêng của mình? Cha mẹ lành mạnh nào không mơ con mình hoàn toàn tự lập, hoàn toàn tự do?

Vậy thì Chúa cũng muốn những chuyện như vậy. Nhưng là Chúa, Chúa thấy các chuyện này với tầm cao cả vô cùng của Ngài, Chúa muốn con người tự lập và tự do vượt lên tất cả những gì chúng ta có thể hình dung. Chúa muốn con cái mình là các sinh vật được thánh hóa, được chiếu sáng như các ngôi sao, rạng rỡ như mặt trời và hoàn toàn tự đáp ứng nhu cầu của mình.

Và mọi sinh vật sống động được tạo dựng bởi Chúa và cho Chúa. Không có Chúa, hành động của chúng ta bị tù túng, bị giới hạn, chúng ta bị giam hãm trong chiếc lồng của các giới hạn, của những hỗn độn, của những thói quen, của những nỗi sợ và các phong tục tập quán cổ truyền.

Câu của Thánh Phaolô “không phải tôi sống mà Chúa sống trong tôi” không phải là hình ảnh của một thiết bị điều khiển từ xa của Chúa, như trong trường hợp của sự chiếm giữ hay trong quan điểm của lương dân về số phận, nhưng là hình ảnh của một người đón nhận nơi mình Ánh Sáng đã được cá nhân hóa. Ánh Sáng-Kitô này sẽ bứt các xiềng xích ràng buộc, sẽ làm vỡ tung các vòng xích nặng nề, sẽ làm giãn con người ra, vượt quá những gì có thể tưởng tượng được. Chúa Kitô không kiểm soát tư tưởng, lời nói, hành động con cái của Ngài, nhưng Chúa rọi sáng, chuyển biến và mang đến cho chúng trọn vẹn giá trị của Vĩnh Cửu. 

“Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).

Chính trong sự hiệp nhất với Chúa mà con người loại bỏ được các chướng ngại bên trong và trở nên hoàn toàn tự do để có thể cảm nghiệm, cho và nhận tất cả những gì cần thiết để trọn vẹn mình là chính mình, trọn vẹn tự lập, không thỏa hiệp với bất cứ cái gì nhưng trong tương quan tình yêu trọn hảo với mọi Tạo Dựng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch