Max Gallo: “Vì sao tôi cầu nguyện”
lavie.fr, Laurent Grzybowski, 2017-07-19
Ngày 19 tháng 7-2017, sử gia, nhà hàn lâm Max Gallo qua đời, hưởng thọ 85 tuổi. Năm 2002, sau khi xuất bản quyển sách kể lại làm thế nào ông tìm lại đức tin của thời trẻ, báo La Vie có bài phỏng vấn ông về sự quay về này. Hôm nay chúng tôi đăng bài này để tưởng niệm ông.
“Nước Pháp cần tìm lại gốc rễ kitô giáo của mình!” Ai khẳng định như thế? Max Gallo, văn sĩ, người nhiệt tình bảo vệ các giá trị của thế tục và của nước Cộng hòa Pháp. Sau khi viết tiểu sử của Hoàng đế Napoléon, của Đại tướng De Gaulle và của văn hào Victor Hugo, cựu phát ngôn viên của Tổng thống Pháp François Mitterrand, người ủng hộ ông Jean-Pierre Chevènement trong kỳ tranh cử Tổng thống Pháp năm 2002, qua ba quyển sách mơ mộng của mình, ông kể câu chuyện của các kitô hữu đầu tiên. Một dịp để ông tuyên xưng đức tin của mình trong lời nói đầu thật xúc động, chúng tôi đăng một vài trích đoạn.
Qua kinh nghiệm ông tả trong lời nói đầu, chúng tôi có thể nói đây là một cuộc trở lại không?
Theo tôi chữ trở lại quá mạnh. Tôi luôn cho mình là người công giáo, dù tôi không đi nhà thờ. Tôi được rửa tội trong một gia đình giáo dân công giáo. Cuộc gặp gỡ với một sự kiện bất ngờ ở nhà thờ Saint-Sulpice đã đột ngột buộc tôi phải suy nghĩ về chỗ đứng của kitô giáo trong các xã hội phương Tây. Chuyện này đã làm cho tôi viết một bức khảm lớn của lịch sử chung quanh ba nhân vật đã đánh dấu lịch sử của nước chúng ta: Martin de Tours, Clovis và Bernard de Clairvaux.
Dù sao thì đó cũng là tiếng hét tự đáy lòng: “Tôi là người tin!” Ông có dịp nào để nói lên xác tín này không?
Đã có lúc, nhưng chưa bao giờ tôi nói một cách chính xác như vậy. Có thể có một cái gì khởi động trong tôi thúc tôi phải làm. Có thể các vấn đề tôn giáo liên hệ đến biến cố 11 tháng 9 và thái độ của một tôn giáo như tôn giáo hồi giáo, đã, ngày hôm nay dẫn tôi đến việc khẳng định sự thuộc về của tôi một cách mạnh mẽ hơn. Không phải để nói rằng, tôi không biết dựa trên ưu thế nào, nhưng để diễn tả một căn tính khác hơn là một sự trống rỗng hoặc vắng mặt.
Là nhà văn, công việc của tôi là chính xác cố gắng mang lại một hình ảnh đầy đủ nhất có thể và tính đa dạng trong lịch sử quốc gia của chúng ta.
Nhưng nước cộng hòa thế tục mà ông nhiệt thành bảo vệ đã không thể thay thế căn tính sao?
Chuyện này không mâu thuẫn với nhau. Vừa là người thế tục và cộng hòa, nhưng tôi cũng là người công giáo. Sẽ là ngu ngốc nếu muốn chống đối hai thuộc về này. Những ai không rung cảm khi tưởng niệm thành phố Reims bị hủy hoại hoàn toàn trong Thế Chiến Thứ Nhất và những ai không xúc động khi đọc câu chuyện ngày lễ Liên Bang thì sẽ không bao giờ hiểu lịch sử nước Pháp. Từ vài năm nay, công việc nhà văn của tôi là thử mang lại một hình ảnh đầy đủ nhất có thể về nét đa dạng của lịch sử quốc gia chúng ta. Tinh thần Kitô là một phần trong đời sống của Hoàng đế Napoléon, của Đại tướng De Gaulle và của văn hào Victor Hugo. Tất cả quay chung quanh chất vấn về các nền tảng của tinh thần tập thể quốc gia và căn tính nước Pháp.
Theo cách của mình, con đường của ông có giống con đường của Régis Debray, người được bộ Giáo dục Quốc gia giao cho đặc trách nghiên cứu vấn đề văn hóa tôn giáo ở nhà trường không?
Trên thực tế, không có một sự bàn tính nào giữa chúng tôi, nhưng các con đường của chúng tôi thì cùng một hướng. Phải xem lại lịch sử của chúng ta. Nước Pháp không phải sinh ra năm 1789. Nó trước hết là đầu tàu của Giáo hội. Nếu chúng ta không xem trọng chiều kích này thì chúng ta không thể nào hiểu quá khứ của mình. Dù thế tục, lại đôi khi bài giáo sĩ, mô hình nước Cộng hòa Pháp chúng ta nợ truyền thống công giáo rất nhiều. Người ta không thể tuyệt đối phân chia hai thực thể này, dù chúng ta có thể hiểu, đã có những chống đối trong các thời kỳ căng thẳng. Đó là nghịch lý của xã hội chúng ta. Một công việc phải thực hiện trên mặt tri thức để giải hòa với lịch sử của mình, với trọn lịch sử của mình, để dòng ký ức không bị đứt đoạn. Bởi vì bệnh quên là bi kịch cho cá nhân cũng như cho tập thể.
Trong quyển tiểu thuyết mới của ông, vì sao ông chọn ba nhân vật Martin de Tours, Clovis và Bernard de Clairvaux?
Ba nhân vật này phù hợp cho ba giai đoạn chính yếu của lịch sử chúng ta. Martin, là người rao giảng Tin Mừng đầu tiên cho người Pháp, người mà vào cuối thế kỷ thứ 4 đã góp phần làm cho kitô giáo được nhiều người biết đến, đúng hơn là làm cho thành phần ưu tú và các công chức được biết đến. Martin nổi bật trong lịch sử chúng ta đến mức tên Martin là tên được đặt nhiều nhất ở Pháp, là tên họ của gia đình, tên của một cộng đồng. Clovis là trưởng thị tộc người Franc, những người sẽ cho tên của họ cho nước Pháp. Lễ rửa tội của ông năm 499 đưa nước Pháp vào một kỷ nguyên mới. Năm trăm năm sau, với Thánh Bernard, chúng ta thấy sự lên ngôi của kitô giáo trong khắp Âu châu với việc xây dựng hơn 200 tu viện trong vòng không đến 50 năm. Ba hình ảnh này giúp chúng ta tìm hiểu các nền tảng của Quốc gia chúng ta.
(…)
Người Pháp có cần tìm lại gốc rễ của mình không?
Nước Pháp chịu một sự phá sản lớn về ý nghĩa, không biết mình sẽ đi về đâu, không biết mình là ai, có thể vì nước Pháp không còn biết mình đến từ đâu. Thế kỷ 20 với các cuộc chiến tranh, các chủ nghĩa độc tài mà không một ai tránh được tác hại của nó. Nhưng trong khi đó là dịp để các nước khác tìm một đà vươn lên mới thì nước chúng ta gần như bị kẹt bến, các nước Mỹ, nước Anh, Trung quốc, nước Đức thống nhất đều xây dựng lại được. Trong tất cả các nước lớn, nước chúng ta là nước bị tổn thương một cách biểu tượng nhất. Chúng ta không còn kế hoạch lớn. Vấn đề của nước Pháp ngày nay không tóm gọn trong vấn đề rút quân hay an ninh nhưng là vấn đề bản sắc. Chúng ta thuộc về cộng đồng nào? Đâu là dự án tập thể của chúng ta? Các câu hỏi này xứng đáng có câu trả lời mang tính thiêng liêng.
Tôi tìm lại được ý nghĩa của kinh nguyện, các kinh mà tôi đã đọc khi còn nhỏ.
Sự ý thức lại này có làm thay đổi gì trong đời sống của ông không?
Một cách kỳ lạ, tôi tìm lại được ý nghĩa của kinh nguyện, các kinh tôi đọc khi còn nhỏ. Với tôi, đó là giây phút yên bình riêng tư. Tất cả chúng ta đều có những căng thẳng trong ngày, buổi sáng, buổi chiều cầu nguyện làm tâm hồn tôi dịu xuống lại. Một cách sâu xa hơn, đứng trước tất cả những chuyện cuồng tín, tất cả cám dỗ theo bè phái, theo tôi, cần thiết là phải bỏ thì giờ ra để ngừng lại, để đặt vài câu hỏi nền tảng, thiêng liêng, những câu hỏi chạm vào cốt lõi của cuộc sống. Với cái nhìn này, kitô giáo là tôn giáo mà theo tôi, vừa cố gắng tránh các cánh cửa khép kín, vừa xem trọng nhu cầu thiêng liêng rất mạnh của người đương thời của chúng ta. Tôn giáo này dựa trên xác tín rất mạnh và rất khai phá: có thần thánh, có thiêng liêng trong mỗi con người. Xác tín này cũng là xác tín của tôi.
Trích sách: Cái ngày mà tất cả mọi sự đều đảo lộn…
Trong trích đoạn này, Max Gallo kể một sự kiện thiêng liêng đã mở đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời của ông. Trích đoạn lời nói đầu của Các kitô hữu, tập 1, Chiếc áo măng-tô của người lính.
“Ngày thứ bảy 20 tháng 10 năm 2001, tôi chờ ở bậc cấp nhà thờ Saint-Sulpice. Lễ rửa tội của cháu Antoine, con trai của Rémi và của Angela được ấn định vào 4 giờ chiều. Tôi đi theo cha mẹ và em bé mới sinh, tôi trao đổi vài câu với cha V. Dòng Đa Minh, người sắp làm lễ rửa tội. Đó là một người cao lớn, gương mặt linh động, có cái nhìn bao trùm. Cha ôm tay tôi và kéo tôi lên bực thềm chung quanh giếng rửa tội.
Cha nói với tôi – Tôi có đọc các sách của ông. Ông đang đi đúng đường. Ông tìm một đơn vị hiệp nhất. Vì sao ông không viết một quyển sách lớn về các kitô hữu? Theo cách mà nước Pháp đã được rao giảng Phúc Âm, cho đến bây giờ vẫn chưa được biết đến, bí ẩn, mờ mờ ngay cả với đa số người Pháp. Có ai biết đời sống của Thánh Martin, các bối cảnh khi Clovis được rửa tội, hoặc công trình của đất đá và lời của Thánh Bernard de Clairvaux? Đó là ba trụ cột nâng đỡ tòa nhà đức tin của đất nước chúng ta. Ông hãy suy nghĩ về chuyện này!
(…) Tôi thích thềm nhà thờ Saint-Sulpice, trải rộng mênh mông trước nơi thờ phượng, một khoảng không gian đầy ánh sáng. (…) Một phần của đời tôi (…) đã diễn ra ở đây, ở một trong các tòa nhà góc (…). Và nơi này (…) trong một buổi chiều thảm họa cách đây ba mươi năm, người ta vừa cho tôi hay, con gái 16 tuổi của tôi tự tử. (…) Không suy nghĩ, như một bản năng, tôi chạy đến nhà thờ, tôi quỳ gối xuống.
Tôi đọc các kinh tôi thuộc từ khi còn nhỏ, những kinh mà lúc đó đến trong đầu tôi ngay lập tức như những lời duy nhất, không những xoa dịu được nỗi đau của tôi, mà còn giúp tôi chấp nhận chuyện không thể tưởng tượng được. Tôi những muốn nằm dài trên các tấm đan trong nhà thờ, trước mặt bàn thờ, tay chắp chữ thập trước ngực và nằm yên đó, bất động. Lúc đó tôi nghĩ – vết thương chưa bao giờ lành – tôi đã không rửa tội cho con gái tôi, đứa con mà khi sinh ra, cả tôi, cả vợ tôi đều không muốn có nó trên cõi đời. Thậm chí chúng tôi nhiều lần nói đến chuyện chúng tôi có thể – chúng tôi phải – ngưng vụ mang thai này sớm hơn, chúng tôi lúc đó chỉ là các sinh viên mới qua tuổi vị thành niên. Nhưng, vào thời đó, phá thai là cả một chuyện bất trắc và chúng tôi bị xáo trộn. Và chúng tôi không nghĩ đến chuyện phá thai.
Dù vậy, trong nhà thờ Saint-Sulpice này, ngày con gái tôi chết, tôi biết – tôi tin – là Chúa đã cất con gái chúng tôi ra khỏi tay chúng tôi vì chúng tôi đã không mong muốn cháu đủ, để vui sướng khi cháu sinh ra và chúng tôi đã khinh suất không rửa tội cho cháu.
Lúc mà tôi khuỵu trên sàn đá trong nhà thờ, một người bạn theo tôi từ văn phòng đến ôm vai tôi, đỡ tôi dậy, đưa tôi ra khỏi nhà thờ. Tôi choáng mắt vì ánh sáng của ngày hè đến sớm năm đó. Tôi dừng lại rất lâu trên bực thềm trước nhà thờ, tôi không bước đi được một bước, tôi không làm sao quay lại cuộc sống sau cái chết này.
Và ba mươi năm sau, tôi ở đây, cũng trên bực thềm này, cũng với vết thương này, vết thương đã làm tan nát lòng tôi. Nhưng tôi không nằm bẹp, trong suốt những năm này, tôi khéo léo thích ứng. (…) Tôi giấu vụ con gái tôi tự tử; tôi có mặc cảm tội lỗi, ở đây, trong nhà thờ này, đã dấy lên trong tôi tất cả những gì tôi còn giữ về lòng tin, nhưng, qua những năm tháng này, vết thương vẫn còn mở, tôi lại đuổi Chúa ra khỏi các suy nghĩ của tôi, tôi tiếp tục chiến đấu, tiếp tục tranh luận sát ván các đề tài lấp đầy cuộc sống ồn ào giận dữ của chúng ta.
Tôi viết hết sách này đến sách khác như người ta dựng hết ụ này đến ụ khác. Tôi không thể nhớ có lúc nào đã nói đến đức tin, đến tôn giáo của rất nhiều người, hay phác họa lên hình ảnh của Chúa. Bầu trời của tôi trống rỗng. Và các bạn tôi lúc đó – những người tôi quen, trong ngày tháng mười này, họ đi vào nhà thờ Saint-Sulpice – họ cũng quên sự gắn kết vào tôn giáo, tôn giáo của gốc rễ của họ. (…)
Chúng tôi được thuyết phục, tương lai không còn thuộc về các tôn giáo xưa cổ đã chết. Và trước hết là tôn giáo của chúng tôi, công giáo. Chúng tôi không khóc cho nó, ngược lại là đàng khác. Tôn giáo phải bị chôn vùi dưới các thỏa hiệp với quyền lực, nhà thờ trống vắng phải được biến thành phòng nhảy, phòng diễn thuyết! Và các linh mục phải lập gia đình, phải trở thành xám xịt như giáo dân! Amen!
Chúng tôi cười khẩy khi có ai nhắc lời tiên tri của Malraux cho rằng thế kỷ 21 phải là hoặc không là thế kỷ thiêng liêng.
Vào ngày thứ bảy 20 tháng 10 năm 2001 này, trong khi các nhà bình luận nói lên bước khởi đầu của chiến tranh tôn giáo, đã được tuyên bố, đã được các quân khủng bố hồi giáo tổ chức, Rémi, người chúng tôi xem là vững mạnh nhất trong đám chúng tôi, sẽ giao con trai mình cho linh mục V. để cha vạch trên trán cháu Antoine dấu thánh giá, rồi rảy nước thánh ba lần cho cháu. Và các cuộc sống đã bắt đầu như thế.
Đứng bên ngoài, tôi thấy các khách mời đến sau, Gisèle, Claude, Sami. Họ rụt rè vẫy tay chào tôi như xin lỗi vì mình cũng mặt ở đây. Gisèle đến gần tôi.
– Tôi chưa bao giờ dự lễ rửa tội, cô thì thầm với tôi. Rồi cô hỏi với một giọng lo lắng:
– Anh có vào không? (…)
Có thể cô nghĩ tôi ở đây như thử một hình thức chống đối, một sự hiện diện thân tình kèm theo lập trường bài hàng giáo sĩ, như những người vô thần dữ dội, họ đi theo quan tài người bạn quá cố nhưng khi đưa quan tài vào nhà thờ thì họ không vào. Tôi đoán cô Gisèle ngần ngại, muốn ở với tôi.
– Tôi vào nhà thờ. Tôi là người có đạo. Tôi trả lời với cô.
Cô có vẻ sững sờ, lắc đầu, cười to, rồi bỏ đi xa, cô lặp lại:
– Vậy thì anh cũng như Rémi… Có một chút khinh khi, ngạc nhiên và cả một chút hoảng sợ trong giọng nói của cô. Tôi quay đi. Tôi nghĩ đến tất cả những người sẽ không đến. Bỗng nhiên tôi nhớ lại một tư tưởng của Thánh Âugutinô (…) Tôi thì thầm, tôi xúc động chảy nước mắt. Câu nói về con gái tôi nhưng cũng nói với Nikos, Pierre, Louis, những người bạn sẽ không đến dự lễ rửa tội của cháu Antoine.
Nikos tự tử trong những năm 70 như thử anh thấy được tất cả sự phá sản của thế kỷ này, thế kỷ của chúng ta. Pierre bị ám sát chết, nhưng cũng như nhiều lần, những tên giết người đã báo trước cái chết của anh; chắc chắn là anh chẳng mong cái chết này. Còn Louis, anh cứ nghĩ thế giới này trở nên điên cuồng và phạm tội ác, rồi thì cuối cùng đầu óc anh bị vỡ tung. Còn thiếu những người không đến dự lễ rửa tội hôm nay là những người đã tự nguyện lạc trong u mê của quyền lực con người, của sự việc, chỉ còn là những người đầy tham vọng, những người mù quáng điếc đặc, những người tham lam.
Tôi bắt đầu đi lên các bậc thềm, ngẫm lại tư tưởng của Thánh Âugutinô: “Nhìn xem các thế hệ đàn ông đàn bà trên quả đất này như lá trên cây, những cây ô-liu, nguyệt quế luôn giữ lá của chúng trên cành. Đất mang con người cũng như mang cây cối. Cây này mọc lên, cây khác chết. Cây này cũng không bao giờ trút bỏ màu xanh của nó. Hãy nhìn phía dưới, bạn đi trên tấm thảm đầy lá chết”.
Tôi vào nhà thờ. Linh mục V. bắt đầu cử hành nghi lễ. Khi thấy tôi, cha ngưng một chút. Theo tôi, có vẻ như cha muốn hướng về tôi để nói, cha nói tất cả chúng ta phải chiêm niệm bài giảng của Thánh Bernard. Giọng nói của cha chắc nịch, cha tách ra từng chữ, tôi có cảm tưởng như cha đặt tay vào gáy của tôi, cha buộc tôi phải cúi đầu.
– “Lời đến với tôi, và rất thường. Thường lời đến với tôi và tôi không nhận ra nó đến lúc nào, nhưng tôi biết nó có ở đó và tôi nhớ sự hiện diện của nó. Dù tôi không biết khi nào nó đi vào, tôi không bao giờ có cảm nhận, cũng như tôi không cảm nhận khi nào nó ra đi. Từ đâu nó đến trong tâm hồn tôi? Rồi nó đi đâu khi nó rời tâm hồn tôi?”
Tôi nhìn lên. Tôi không bỏ sót một hành vi nào của linh mục V. Và tôi để nước mắt tuôn tràn trên mắt tôi, rồi rơi xuống mặt tôi, tôi không tìm cách che giấu.
Tôi là người đầu tiên đi ra khỏi giếng rửa tội, tôi vẫn ở trong bóng tối nhà thờ.
Linh mục V. (…) đến với tôi. (…)
Chúng tôi nói chuyện đến đêm, đây đó qua ánh nến lung linh tràn ngập nhà thờ. (…) Đúng, bây giờ là thời khắc nối lại các sợi chỉ bên trong tâm hồn, trong mọi người chúng ta, và cũng có thể trong lòng những người khác. (…) Rồi cha đứng dậy và chúng tôi đến gần bàn thờ. (…) Cha V. quỳ xuống và tôi bắt chước cha.
Có thể tôi đã không còn cầu nguyện, thật sự cầu nguyện, từ sau cái chết của con gái tôi”.
Marta An Nguyễn dịch