Hồng y Rodriguez Maradiaga: “Tập trung quyền lực là điều không tốt đối với Giáo hội”
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2017-06-27
Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga, 70 tuổi, Tổng Giám mục giáo phận Tegucigalpa, Honduras là một trong những người có ảnh hưởng nhất của giáo triều Đức Phanxicô. Hồng y là thành viên của Hội đồng C9, nhóm cố vấn thân cận Đức Phanxicô.
Báo Figaro. – Khi triệu tập công nghị để phong năm tân hồng y (công nghị lần thứ tư trong bốn năm), Đức Phanxicô tạo một cảm giác vội vàng. Ngài làm hai lần nhanh hơn Đức Bênêđictô XVI. Vì sao?
Hồng y Rodriguez Maradiaga. – Không có một sự vội vàng nào nơi Đức Phanxicô. Phải hiểu Đức Phanxicô xem các hồng y thể hiện tất cả các thực tế văn hóa của Giáo hội công giáo có tầm quan trọng đến như thế nào. Đó là chìa khóa để hiểu “tiểu” công nghị này. Đức Phanxicô muốn hội đồng các hồng y có tính quốc tế hơn, ít tính cách Ý và Âu châu hơn. Chính vì thế ngài bổ nhiệm các hồng y ở những nước chưa bao giờ có hồng y.
Đâu là tiêu chuẩn chọn lựa của ngài?
Bối cảnh toàn cầu đã thay đổi: chức hồng y không còn là danh xưng vinh dự khi mình nhận. Cũng không còn dính vào một ghế ở tòa giám mục. Đức Phanxicô chọn trên hết, đó là một con người, một mục tử giữa đàn chiên của mình. Người “ngữi” mùi chiên mình như ngài thường hay nhắc.
Nhưng điều gì đã không còn như trước?
Trước mật nghị 2013, rất nhiều người trong chúng tôi than phiền rất khó gặp Đức Giáo hoàng. Các sàng lọc đã giới hạn các thông tin, và khi thông tin đến được Đức Bênêđictô XVI thì nó lại không đúng. Vì thế mới có ý kiến thành lập một hồng y đoàn đến từ cơ sở và ở nhiều chọn lựa khác nhau. Hồng y đoàn này giúp Đức Giáo hoàng kiểm lại các thông tin theo thực tế của Giáo hội được những người sống tại chỗ chứng thực. Điều này giải thích cho việc Đức Phanxicô chọn các hồng y ở những nước xa xuôi và khiêm tốn. Còn ở giáo triều La Mã thì gần như tất cả là người Ý ở mọi cấp bực. Đức Phaolô VI đã muốn quốc tế hóa, Đức Phanxicô tiếp tục đi trên con đường này.
Cha là thành viên của hội đồng C9 thu hẹp, nhóm 9 hồng y ở trên các châu lục khác nhau, được thành lập để cố vấn cho Đức Giáo hoàng. Vì sao có sự sắp xếp này?
Khi chúng tôi được đề cử vào tháng 3 năm 2013, chỉ một thời gian ngắn sau khi ngài được bầu chọn, chúng tôi chờ ngài triệu tập một cuộc họp ngay ở Rôma. Nhưng ngài muốn chờ đến mùa thu, ngài xin chúng tôi gom lại các thông tin cần thiết và quan trọng về tình trạng Giáo hội hiện nay để trình bày cho ngài. Đó là tinh thần mà cuộc họp diễn ra gần như ba tháng mỗi lần. Đức Phanxicô chờ chúng tôi cho các thông tin thật, không sàng lọc về đời sống ở các châu lục mà chúng tôi đại diện.
Cha có tham dự vào trong việc quản trị Giáo hội không?
Phủ Quốc Vụ Khanh lo việc quản trị bình thường và thường lệ của Giáo hội với các ban bộ phục vụ của giáo triều La Mã. Hội đồng C9 không can dự trong các việc này. Chúng tôi suy nghĩ về lâu dài, chúng tôi đề nghị với Đức Giáo hoàng nhưng chúng tôi không quản trị Giáo hội. Đức Phanxicô tham dự vào các buổi họp của chúng tôi, các buổi họp thường kéo dài ba ngày. Dù sao, chúng tôi chỉ là một hội đồng cố vấn. Chúng tôi không thể quyết định. Giữa các lần họp, chúng tôi có một máy vi tính cá nhân hóa, được trang bị chế độ bảo mật để chống tin tặc, giúp chúng tôi trao đổi giữa nhau. Còn Đức Phanxicô thì ngài cập nhật các thông tin này. Sự việc chúng tôi họp ở Nhà Thánh Mácta, chứ không họp ở Dinh Tông Tòa đã góp phần củng cố cho bầu khí làm việc. Đó thật sự là những buổi họp làm việc, theo một thể thức không quy định, xa mọi thủ tục chính thức và nhiều khi chỉ mặc sơ-mi!
Một hồng y có thể chống Giáo hoàng không?
Nếu Giáo hoàng đề cử chúng tôi thì không phải để nghe những gì ngài muốn nghe. Ngược lại, ngài muốn nghe các ý kiến khác nhau về các tình huống. Đức Phanxicô rất cởi mở và tôn trọng ý kiến của người khác. Trước kia, muốn nói chuyện với Giáo hoàng thì phải viết một thư trước cho phủ giáo hoàng, chờ thư trả lời và lần lượt lấy hẹn theo phiên. Còn bây giờ thì Đức Phanxicô ở trong một căn nhà chung, ngài hoàn toàn tự do tiếp chúng tôi, kể cả ngoài giờ hành chánh. Ngài luôn cởi mở khi chúng tôi cần nói chuyện với ngài. Chúng tôi có thể ăn cơm chung với ngài, trao đổi không cần theo thủ tục, đi dạo một vòng, nói đủ chuyện… Cách quan hệ không quy cách như thế này rất phong phú.
Đức Phanxicô có vào trong chi tiết của các hồ sơ không?
Ngài đặt tin tưởng vào các cộng sự của ngài, nhưng ngài không phải là người xa hồ sơ và xa các vấn đề. Ngài vào trong các vấn đề và xử lý nó. Ngài là người thi hành.
Theo một vài người, có vẻ như ngài là người độc tài?
Tuyệt đối không! Những ai nói như vậy thì họ không hiểu ngài. Đôi khi ngài có những quyết định mạnh nhưng hoàn toàn không độc tài. Đó là một con người, ngài phản ứng. Nhưng ngài không phải là người nóng nảy. Nếu có xảy ra thì cũng không lâu. Đúng hơn, ngài trả lời qua cầu nguyện, vì ngài là người rất nhân hậu. Gần đây có người đề nghị ngài phản ứng như Đức Piô XI làm với một hồng y: vị giám chức đi vào văn phòng giáo hoàng với tư cách là hồng y, khi đi ra chỉ còn là một linh mục bình thường! Đức Phanxicô trả lời ngay: “Không, hồng y đó là một người tốt”.
Cách quản trị vừa đồng đội vừa rất cá nhân đã tạo nên các kháng cự mạnh ở Vatican…
Các kháng cự với cải cách, Đức Phanxicô đã nói vào tháng 12 năm 2016. Tôi không nói lại. Còn về công việc của chúng tôi, chúng tôi đã hoàn thành vài bước, nhưng phong cách của giáo triều không thể thay đổi đầu hôm sớm mai. Tuy nhiên chúng tôi khi nào cũng đi tới hơn trong tinh thần đồng đội và công nghị.
Nhưng quá giải trọng tâm hóa, Giáo hội có bị đe dọa không?
Ngược lại là đàng khác! Điều cần thiết là phải giải trọng tâm hóa vì tập trung quyền lực là chuyện không tốt cho Giáo hội. Khi làm việc trên các tiêu chuẩn cải cách, chúng tôi xin các ban bộ khác nhau ở Vatican cho biết, đâu là công việc có thể giải trọng tâm hóa để đưa về cho các hội đồng giám mục địa phương. Sự giải trọng tâm hóa là tiêu chuẩn chủ yếu trong việc cải cách của Đức Phanxicô. Chúng tôi tất cả không thể nào suy nghĩ cùng một cách trong Giáo hội. Nhưng Đức Giáo hoàng là giáo hoàng cho tất cả mọi nước, và đơn vị hiệp nhất không có nghĩa là độc dạng.
Và đó là cả thách đố của cuộc cải cách Tông hiến Mục tử Nhân lành (Pastor Bonus) của Giáo hội. Khi nào tông hiến sẽ ra đời?
Tông hiến sẽ được viết nhưng chưa phai ngày mai. Chúng tôi cần thì giờ. Một phần lớn các cải cách này đã có trong dự án. Đây không phải là sửa đổi tông hiến đã có sẵn, nhưng là viết một cái mới. Chúng tôi đi trên con đường đồng đội và công nghị cho Giáo hội công giáo. Chúng tôi đi trên con đường đồng đội và công nghị của Giáo hội công giáo. Sự giải trọng tâm là tiêu chuẩn chính trong công việc cải cách của Đức Phanxicô. Chúng tôi tất cả không thể nào suy nghĩ cùng một cách trong Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch