lavie.fr, Constance de Buor, 2015-05-18
Thánh lễ Hiện Xuống nhắc đến các ơn của Chúa Thánh Thần xuống cho các tông đồ như trong sách Công Vụ Tông đồ đã nói đến: Cv 2, 1-11.
Chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của lễ này
Mong chờ sau ngày Chúa Lên Trời
50 ngày sau lễ Phục Sinh là lễ Hiện Xuống. Các tông đồ và Mẹ Maria tề tựu ở phòng tiệc ly là phòng Chúa Giêsu ăn bữa ăn cuối. Các người Do Thái ăn mừng ngày Shabouot để tạ ơn Chúa đã ban Mười Điều Răn cho ông Môsê.
Mười ngày trước đó, các tông đồ đã chứng kiến Chúa Giêsu lên trời; sau khi hiện ra nhiều lần trong thân thể của người được sống lại, Chúa Giêsu về với Chúa Cha nhưng Ngài hứa sẽ gởi xuống cho các tông đồ “một sức mạnh, sức mạnh của Thần Khí”.
Một loại lửa
“Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Do thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2, 1-11)
Và huyền nhiệm thay, ai nghe cũng hiểu trong ngôn ngữ của mình. Thần Khí mà tín hữu kitô nhận lúc rửa tội đã mở lòng, mở trí họ. Tân Ước nói, Thần Khí làm lớn lên trong chúng ta tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng nhân hậu, đức tin, khiêm tốn…
Bước đầu của Giáo hội
Bài Tin mừng nói, các tông đồ và Mẹ Maria “tề tựu chung với nhau”. Các tông đồ trước đây sợ bị nhận ra mình là bằng hữu với Chúa Kitô, bây giờ họ đi rao giảng việc Chúa sống lại và rửa tội Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
Người ta gọi họ là nhóm nhỏ Giáo hội: có nghĩa là các tín hữu kitô tiếp tục sống trong gia đình mình, trong giáo xứ mình, trong nhóm cầu nguyện của mình, bất cứ nơi nào họ tề tựu chung quanh Chúa Giêsu.
Sống lễ Hiện Xuống trong gia đình
Để mừng lễ Hiện Xuống tốt hơn, nhân dịp này giáo dân mừng trong gia đình, cùng với con cái chung quanh bữa ăn. Biểu tượng ở đây là gì? Sau đây là một vài ý tưởng để mang đến cho lễ Hiện Xuống một sắc thái và làm cho trẻ em khám phá được ý nghĩa sâu xa của lễ Hiện Xuống.
- Chim bồ câu
Bánh ngọt này còn được gọi là “bánh hòa bình”, một truyền thống của các tỉnh miền quê. Bánh làm với hạt hạnh nhân và mứt trái cây theo truyền thống các bữa ăn tráng miệng trong dịp lễ Giáng Sinh, các bánh này được làm từ Noel đến ngày lễ Hiện Xuống. Người ta giấu trong bánh một hạt mức có hình chim bồ câu, biểu tượng của Chúa Thánh Thần. Trong dịp này các bà mẹ trang trí phòng ăn, khăn bàn với hình ảnh của chim bồ câu.
Nến cũng là hình ảnh tượng trưng cho Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ, dưới hình thức lưỡi lửa. Các tông đồ nhận ơn “nói tiếng ngoại ngữ” để đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân trên thế giới.
- Hoa hồng
Vào thời Trung Cổ, lễ Hiện Xuống còn được gọi là “Phục Sinh của hoa hồng”. Cánh hoa hồng thường được trải trong nhà thờ, khi linh mục cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, cánh hoa hồng được thả từ vòm trên cao xuống giáo dân… Màu đỏ của hoa hồng và hương thơm của hoa nhắc đến các lưỡi lửa đã xuống trên các tông đồ. Màu đỏ cũng là màu phụng vụ của lễ Hiện Xuống: linh mục mặc áo đỏ và trang trí phụng vụ cũng mang màu đỏ. Người ta cũng có thể dùng hoa mẫu đơn.
- Ảnh tượng Chúa Ba Ngôi
Lễ Chúa Ba Ngôi được cử hành chúa nhật sau chúa nhật lễ Hiện Xuống, cũng cùng ngày với các tín hữu chính thống. Chúng ta kính Thiên Chúa duy nhất trong ba bản vị. Chính khi nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần mà các tông đồ đi rửa tội cho muôn dân trên con đường truyền giáo của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch