Hiểu quy tắc y phục trong các buổi tiếp kiến với Đức Giáo hoàng

964

fr.aleteia.org, Ban biên tập, 2017-06-01

Tuân theo nghi thức là cách chứng tỏ sự kính trọng người tiếp mình. Chính nó nói lên lòng khiêm nhường và lịch sự trước một người còn quan trọng hơn về mặt thứ bậc, người đại diện cho hơn một tỷ người công giáo.

Dù từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã giảm đi nhiều nghi thức, nhưng các quy tắc căn bản của phép lịch sự và tôn trọng vẫn còn được giữ tại Vatican. Đó là trường hợp quy tắc y phục không nên xem thường khi được may mắn gặp Đức Giáo hoàng trong một buổi tiếp kiến tại Vatican. Quy tắc này áp dụng đầu tiên là cho các nguyên thủ Quốc gia và ấn định các khác biệt giữa tiếp kiến chính thức hay tiếp kiến riêng.

Đối với phụ nữ

Phần vai và cổ phải che kín. Áo đầm và váy phải dài quá đầu gối. Phải đi giày bít. Nên mang voan đen hoặc khăn đội trên đầu màu đen. Nữ trang phải kín đáo. Hiện nay chỉ có 7 phụ nữ trên thế giới có “ưu tiên mặc áo trắng”: vai trò hoặc địa vị của họ cho phép họ mặc áo trắng. Ưu tiên này dành cho các nữ hoàng của các nước công giáo, hay trong một vài trường hợp (được Đức Giáo hoàng kín đáo cho phép) của phu nhân các nhà lãnh đạo công giáo.

Vì thế, ngày 24 tháng 5-2017, phu nhân Tổng thống Mỹ Melania Trump đã mặc áo đen và mang khăn đen nhẹ, cũng như cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng đã mặc như vậy. Còn về nữ hoàng Mathilde của nước Bỉ thì bà mặc áo trắng và mang voan trắng trong lần tiếp kiến gần nhất với Đức Phanxicô.

Với các ông

Quy tắc y phục nới lỏng hơn trong mấy mươi năm qua. Trước đây họ phải mặc lễ phục, được ủy ban nghi lễ gọi là “cà-vạt trắng”, áo đuôi tôm, đường viền bằng vải lụa, không gài nút ở ngang bụng. Thường họ đội mũ cao và mang giày đen. Sơ mi trắng, cổ đặc biệt và mang nơ bươm bướm, áo gi-lê bằng vải và mang găng tay. Quần đen có hai dãi xa-tanh đen chạy dài bên hông. Các huy chương được gài vào lễ phục này. Bây giờ, chỉ cần y phục và cà vạt sẫm màu là được. Ngoài ra khách cũng có thể mặc y phục cổ truyền của nước mình.

Với tất cả

Trước khi đến gần Đức Giáo hoàng thì nghiêng đầu, ngang tầm với tay mang nhẫn của ngài, nhẫn là dấu hiệu quyền uy của người kế vị Thánh Phêrô, sau đó hôn nhẫn ngài. Những người không phải là tín hữu có thể không hôn nhẫn, nhưng có thể bắt tay ngài để tỏ lòng kính trọng. Không nên hôn má Đức Giáo hoàng dù đó là thủ tục thông thường của nước gốc của khách (và của chính Đức Giáo hoàng). Khi gặp Đức Giáo hoàng thì gọi ngài là “Đức Thánh Cha”.

Cũng nên biết cách nào để nói với các nhân vật tháp tùng theo Đức Giáo hoàng. Các hồng y được nhận qua mũ đỏ của họ và được gọi là “Đức Hồng y”. Các hồng y tháp tùng Đức Giáo hoàng thường theo thứ tự: hồng y lớn tuổi nhất sẽ đi gần Đức Giáo hoàng nhất. Còn các giám mục thì gọi là “Đức Giám mục”.

Và dĩ nhiên, các quy tắc và thủ tục này tiến triển và thay đổi theo thời gian, ngay cả với Đức Giáo hoàng. Chẳng hạn, chính Đức Phanxicô đã mang giày đen (thay vì đôi hài đỏ) và thích bắt tay thay vì hôn nhẫn. Là người Argentina, ngài có khuynh hướng chào bằng nụ hôn, nhất là khi ngài gặp người bệnh, người lớn tuổi và những người ngài quen biết. còn khi nói về chính mình trong các bài giảng hay trong các buổi nói chuyện, ngài đơn giản tự xưng mình là “Cha” như bất cứ một linh mục nào khác.

“Ưu tiên mặc áo trắng” bây giờ cũng khó áp dụng như trước. Nguyên thủy, đó là dấu hiệu biết ơn đối với các nước trung thành với Giáo hội. Nhưng các thể chế hiện nay không còn gắn bó với tôn giáo gì nhiều và chính các nhà lãnh đạo các nước công giáo cũng không còn gắn bó. Vì thế các quy tắc có thể thay đổi, nhưng thủ tục và cách ăn mặc vẫn là một hình thức lịch sự, khiêm tốn, lễ phép và kính trọng.

Marta An Nguyễn dịch

 

  1. Hoàng tử Rainier III và phu nhân Grace Kelly, vương quốc Monaco trong lần gặp Đức Piô XII ở Vatican ngày 30 tháng 4-1957. Đức Giáo hoàng mặc áo chùng trắng. Áo chùng trắng đã trở thành phẩm phục truyền thống của các giáo hoàng kể từ thời Giáo hoàng Piô V (1566-1572). Hoàng tử Rainier mặc phẩm phục và mang các huy hiệu của vương quốc Monaco. Bà Grace Kelly mặc áo màu đen và đội khăn đen truyền thống.
  1. Đức Piô XII tiếp vua Buganda Edward Frederick Mutesa (bị biệt xứ) và hoàng hậu Damali tháng 8-1951.

 

  1. Bà Jacqueline Kennedy bên cạnh Đức Gioan XXIII ngày 11 tháng 3-1962. Bên trái là Đức Ông Pio Benincasa, bên phải là Hồng y Mỹ Martin O’Connor.

 

  1. Đức Gioan-Phaolô II và Tổng thống Gabon Omar Bongo ngày 17 tháng 2-1982 ở Libreville. Áo và cà-vạt của đàn ông dần dần đi vào quy thức.

 

  1. Đức Gioan-Phaolô II tiếp Tổng thống Pháp Jacques Chirac ngày 20 tháng 1-1996.

 

  1. Đức Gioan-Phaolô II tiếp Chủ tịch Fidel Castro trong y phục chiến binh ngày 19 tháng 11-1996 tại Vatican.

 

  1. Đức Bênêđictô XVI tiếp vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf tại Vatican ngày 24 tháng 4 năm 2005 trong thánh lễ đăng quang của ngài ở Đền thờ Thánh Phêrô.

 

  1. Đức Phanxicô tiếp vua Tây Ban Nha Philippe VI và vợ là nữ hoàng Letizia ngày 30 tháng 6-2014. Bà được “ưu tiên mặc áo trắng”.

 

  1. Đức Bênêđictô XVI tiếp nữ hoàng Rania nước Giócđani ngày 12 tháng 9-2005 tại dinh thự mùa hè Castel Gandolfo.

 

  1. Đức Phanxicô tiếp vua Tây Ban Nha Juan Carlos và hoàng hậu Sofia, đàng sau là vua nước Bỉ Albert II và nữ hoàng Paola trong thánh lễ phong thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Giáo hoàng Gioan XXIII. Các nữ hoàng mặc áo trắng và che khăn trắng.

 

  1. Đức Phanxicô trao đổi quà với nhà cầm quyền Bahrẹn, Hamed ben Issa Al Khalifa tại Vatican ngày 19 tháng 5-2014. Ông Khalifa mặc áo truyền thống của nước mình.

 

  1. Đức Phanxicô tiếp ông bà Tổng thống Donald Trump ngày 24 tháng 5-2017 tại Vatican.

 

  1. Đức Phanxicô tiếp Thủ tướng Justin Trudeau và vợ ngày 29 tháng 5-2017 tại Vatican.

 

  1. Đức Phanxicô đội mũ truyền thống Mêhicô của một ký giả tặng ngài trên chuyến bay đi La Havana, Cuba ngày 12 tháng 2-2016. Tuy không bình thường nhưng quà tặng của báo chí cũng nằm trong phần nghi lễ!

  1. Các ký giả, đặc biệt những ai đi theo Đức Giáo hoàng trên chuyến bay với ngài cũng phải theo một nghi thức đặc biệt: phải mặc áo sẫm, phải cạo râu (nếu để râu hàm thì phải cạo đàng hoàng) và không được rời phái đoàn một tấc! Vì lý do an ninh, các ký giả một khi đã lên máy bay giáo hoàng thì không được rời phái đoàn giáo hoàng! Giá vé máy bay của họ dùng để thuê máy bay cũng như trả vé cho Đức Giáo hoàng và các cộng sự của ngài. Giám đốc văn phòng báo chí Tòa Thánh, ông Greg Burke (bên mặt bức hình) sẽ nhường lời cho ký giả đại diện cho nhóm ngôn ngữ của mình. Thường các ký giả có mặt ở Vatican để tường trình trong các buổi tiếp kiến sẽ chỉ định người đại diện của mình để nhân danh tất cả đặt câu hỏi và chụp hình chung cho nhóm, trong trường hợp không đủ chỗ cho tất cả trong phòng hội. Một ký giả được chọn làm đại diện lần đầu tiên sẽ được giới thiệu với Đức Giáo hoàng để trao đổi vài chữ… cũng như người nào hôm đó mừng sinh nhật của họ!