Sách

158

Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

Sách

Manzoni, Dostọevski, Dante và Borges: đó là các tác giả văn học yêu thích của ngài. Niên khóa 1964-1965, ngài dạy môn văn chương ở trường Đức Mẹ Vô Nhiễm ở Santa Fe. Học sinh thời đó còn nhớ một giáo sư trẻ, chưa thụ phong linh mục, rất mê văn chương, bề trên yêu cầu ngài dạy môn văn trong khi ngài lại đang học khoa học. Và họ còn nhớ cái ngày  giáo sư văn loan báo, lúc đó họ ngạc nhiên chứ chưa biết để tự hào, rằng nhà văn nổi tiếng Jorge Luis Borges nhận lời mời đến lớp gặp họ. Văn hào ở lại với học sinh năm ngày. Học sinh quá hạnh phúc trong câu chuyện này: trước mặt họ, một trong những văn hào lớn nhất thế kỷ 20 và một là giáo hoàng tương lai.

Tôi luôn tưởng tượng thiên đàng như một thư viện. Jorge Luis Borges

Sai lầm

Đâu là sai lầm ngài hay vấp nhất? Chính ngài đã thổ lộ và đây không phải là chuyện tình cờ. Trong lần viếng thăm nhà tù Casal del Marmo của trẻ vị thành niên ở Rôma, nơi ngài dâng thánh lễ Ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2013, ngài đã kể lỗi của ngài như sau.

Ngài nói ở ngôi thứ nhất nhưng không phải nói về chính ngài: «Đôi khi tôi cũng có giận người này người kia… Tôi bỏ qua cái giận và nếu họ có xin mình làm gì, mình cứ làm…» Ngài nói với các em khi ngài rửa chân và hôn chân mười hai em, lặp lại việc Chúa Giêsu đã làm cho các tông đồ trong buổi Tiệc Ly.

Chắc chắn đây là lời khuyên tốt nhất người ta có thể khuyên một đứa con trai nhưng đây cũng là lỗi mà ngài tự trách mình nhiều nhất: «Không phải lúc nào tôi cũng luôn thông hiểu và công chính, điều này làm cho tôi buồn», ngài tuyên bố.

Mỗi buổi sáng, Đức Phanxicô đều cầu nguyện để xin cái mà Đức Gioan XXIII gọi là «khôn ngoan của quả tim», biết xử lý người và việc với tấm lòng nhân từ nhưng sau đó, khi ngài đối diện với một vấn đề, ngài thú nhận với sự chân thành của một đứa trẻ con: «Tôi lầm, tôi cư xử không đúng và tôi phải đi trở lại để xin lỗi.»

Và đúng vậy, trách nhiệm của một giám mục là rất lớn. Phải quyết định, phải phối hợp, phải hướng dẫn, phải thực thi quyền uy. Nhưng Đức Bergoglio công nhận lỗi lầm là có ích vì nó giúp mình hiểu các sai lầm của người khác. Như ngài đã nói: tất cả chúng ta đều lầm; tôi cố gắng học qua các lỗi lầm của tôi và của người khác, như thế tôi sẽ hiểu họ hơn.

 Sinh nhật

Đức Phanxicô sinh ngày 17-12-1936. Nếu bạn nghĩ phải tặng quà sinh nhật cho cha thì bạn nên quên chuyện này. Cha rất thích tổ chức các ngày lễ hội nhưng để cho người khác chứ không phải để cho mình. Ngài nói, đối với ngài, chuyện tặng quà là không cần thiết.

Sở thích

Sở thích của Đức giáo hoàng là gì? Ngài có thích âm nhạc, văn chương, phim ảnh không? Ngài có thích xem truyền hình không? Ngài có nghe đài phát thanh không? Còn Internet? Bây giờ chúng ta xem từng chuyện một.

Đó là người rất mê sách. Thích nhạc cổ điển, thích điệu nhảy tango, điệu milonga. Trong thời trẻ, ngài thích nhảy.

Hình như trong phòng của ngài ở Argentina không có máy tryền hình: ngài thích đọc báo để biết tin tức, ngài đích thân đi mua báo ở quầy báo. Ngài không mê các kỹ thuật mới, cũng không thích internet.

Nhưng ngược lại ngài là chuyên gia phim ảnh: còn nhỏ, ngài cùng với các em đi xem phim ở rạp trong khu phố, có khi đi xem ba phim khác nhau trong một ngày. Cha mẹ ngài giới thiệu các tài tử Anna Magnani và Aldo Fabrizi cho ngài và ngài mê các phim siêu hiện thực. Ngài thích nhất phim Bữa tiệc của Babette (Festin de Babette). Trả lời cho một em bé ở Hội trường Phaolô VI, em hỏi ngài có đến đảo Sicile lần nào chưa, ngài cho biết ngài biết vùng này nhờ phim của anh em Taviani, Kaos.

Với các sinh viên ở Colegio Maximo, ngài chỉ khuyên họ xem vài chương trình đã được tuyển chọn và cho họ vé đi xem opéra, “vì, ngài nói, các con phải biết những chuyện này, nó rất quan trọng để biết vì đó là văn hóa: âm nhạc cổ điển, văn chương cổ điển, đó là văn hóa.”

Đối với ngài, điệu nhảy tango không phải chỉ là âm nhạc. Thỉnh thoảng ngài nhắc đến tác giả này, tác giả kia như người ta nhắc đến các văn sĩ hay các triết gia. Còn đài phát thanh: ngài nghe đài nhưng chỉ để nghe nhạc cổ điển. Ngài vừa làm việc vừa nghe nhạc, có khi ngài ngủ theo nhạc, như nữ ký giả Evangelina Himitian đã kể lại.

 Sùng kính

Một quyển sách có màu sậm được linh mục Bergoglio tự tay làm và xuất bản cách đây ba mươi năm khi ngài còn làm giám đốc trường Colegio Maximo ở Argentina. Quyển sách này tiếng Tây Ban Nha có tên là Devocionaro. Chúng tôi tạm dịch là “quyển sách cầu nguyện” hay “quyển sách sùng kính” vì không có chữ tương đương trong từ vựng của chúng tôi. Ý tưởng của giáo hoàng tương lai rất đơn giản: mang đến cho các linh mục Dòng Tên tương lai một tuyển tập các lời cầu nguyện chính và tâm tình sùng kính. Đó là những tâm tình nào? Tâm tình đầu tiên và quan trọng nhất của linh mục Bergoglio là sùng kính Thánh Tâm: “Đây không phải là biểu tượng có tính cách tưởng tượng nhưng là một biểu tượng thực tế, tượng trưng cho trọng tâm, nguồn gốc từ đó nảy sinh ra ơn cứu chuộc cho toàn nhân loại.” Nhưng không một lời cầu nguyện nào của Dân Chúa mà thiếu: Tràng chuỗi Mân Côi, Kinh Truyền Tin, lời cầu nguyện “Con kính thờ Chúa, Chúa của con…”, nói lại lời hứa khi rửa tội, Đàng Thánh Giá, Tuần Cữu Nhật, các lời sùng kính các thánh trong đó có Thánh Giuse, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Thánh Gaetan, bổn mạng của bánh mì và lao công.

Tôi có trong tay quyển sách này. Tôi có thể nói đùa, đây là lần đầu tiên chúng tôi đối diện với một giáo hoàng là nhà xuất bản. Quyển sách  được chăm sóc trong từng chi tiết, nhẹ, dễ lật, được chia thành từng chương, in trên giấy thường nhưng bền, với các hình minh họa trắng đen. Đó là thành quả công việc của một người quan tâm đến việc trao truyền cho các chủng sinh kho tàng lớn nhất mà mình nhận, mình muốn truyền lại: lời cầu nguyện cá nhân, mật thiết và liên lĩ.

 

Thánh Gaetan, Thánh Giuse, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch