Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello
Nấu ăn
Chúa nhật là ngày nghỉ ở trường Colegio Maximo. Cho tất cả mọi người. Kể cả bà nấu bếp, dĩ nhiên, vì theo hợp đồng nên bà ở nhà. Vậy thì ai nấu ăn cho sinh viên? Chuyện nhỏ, đó là cha Bergoglio. Chuyện cũng nhỏ, vì phục vụ là bản chất tự nhiên của cha, chuyện càng nhỏ hơn, vì cha biết nấu ăn lại nấu ăn ngon! Chính mẹ ngài đã dạy cho ngài. Không phải lúc nào cũng thích nấu nhưng đôi khi trong những lúc kẹt thì quá quý!
Mẹ của ngài, bà Regina, sau khi sinh, bà di chuyển khó khăn: bà phải ngồi một chỗ và chỉ bảo để con cái nấu ăn, nhất là giờ ăn trưa và ăn tối. “Thêm bột, để nhỏ lửa, trộn bột cho đều…”
Tôi gặp rất nhiều sinh viên trẻ ăn ngày chúa nhật ở trường Colegio Maximo. Tôi hỏi các em cha Bergoglio nấu ăn như thế nào. Câu trả lời: “Gần như ăn ngon hơn ngày trong tuần!” còn cha Bergoglio, trả lời phỏng vấn với nữ ký giả Francesca Ambrogetti, ngài nói đùa: “Cha chưa đầu độc ai.”
Dù đã là hồng y, Bergoglio có khi nào đi nghỉ hè không? Không, không bao giờ. Khi ngài còn làm hiệu trưởng trường Colegio Maximo, các học sinh cũ của ngài kể cho tôi nghe, nghỉ hè của ngài là ở một mình thanh tịnh ở trường “không có học sinh vì các em về nhà”. Ngài nghỉ ngơi, cầu nguyện và tiếp xúc với giáo dân. Ngài hạnh phúc như vậy: ngài không cần gì khác. Đó là con người của Chúa, nhưng để hiểu rõ chúng ta phải đến Argentina.
“Ở nước tôi, người dân làm việc 16 giờ mỗi ngày, từ chúa nhật này đến chúa nhật kia, người ta giải thích cho tôi biết. Nếu mình có việc làm, thì đó là ơn Chúa, mình phải làm việc. Một ngày nọ, Đức Bergoglio nói với chúng tôi: ‘Các tu sĩ Dòng Tên có phải là họ đã khấn đức khó nghèo không? Vậy, người nghèo họ làm gì? Người nghèo họ phải làm việc. Bạn đã khấn đức khó nghèo, bạn phải làm việc. Dân Argentina không có nghỉ hè, vậy bạn phải giống như những người khác dù bạn có là hồng y đi chăng nữa. Vì tôn trọng người khác, bạn không đi nghỉ hè.’ Đương nhiên nếu ngài lên núi nghỉ hai tuần, chẳng ai coi đó là chuyện chướng mắt, nhưng ngài không làm vì ngài muốn chia sẻ cuộc sống với tất cả mọi người.”
Jorge sinh ra tại Argentina và chỉ biết nước Ý qua lời ông bà kể, họ rời nước Ý để đi đoàn tụ gia đình với những người đã qua đây trước. Ngược lại, thân sinh của cha Jorge là ông Mario đến Buenos Aires lúc 21 tuổi. Và năm 1934 ông gặp Regina, năm sau ông kết hôn với bà, xây dựng cuộc sống và sự nghiệp, nhưng nước Ý, ông cất giữ trong lòng, ông rất đau lòng khi phải xa nước Ý.
Bergoglio kể, thân sinh cha đã phản ứng một cách kỳ lạ khi nhắc đến Piémont, từ ngôn ngữ, từ những kỷ niệm ở Ý. Rời quê cha đất tổ, nỗi nhớ nhung quê nhà vẫn là căn bệnh của suốt đời ông. Đó là số phận của nhiều người di dân. Nhưng Mario là người có thể bắt đầu xây dựng lại từ đầu khi mọi sự không suông sẻ. Chính ông đã thúc đẩy Jorge làm việc ngay năm thứ ba trung học. Và cũng có thể chính ông quyết định để Jorge học lên cao và ông cũng là người đầu tiên Jorge đến thổ lộ khi ngài muốn đi tu.
Jorge đã học để quý mến sự thinh lặng của cha mình và học để tôn trọng nỗi đau của ông. Đó là những khía cạnh thô tháp của một con người đã dạy cho ngài sự quên mình, ý nghĩa của gia đình và luân lý của lao động.
Tại sao gia đình Bergoglio lại quyết định rời Portacomaro thuộc bang Asti nước Ý để di dân qua Argentina? Vì thiếu tiền? Thời đó là vào đầu năm 1929, năm của cơn suy thoái kinh tế toàn cầu rất lớn, cơn suy thoái đã làm nền kinh tế thế giới suy sụp. Hàng triệu người Ý bị đói phải di dân. Nhưng gia đình Bergoglio không đói. Gia đình Bergoglio đi vì tình gia đình, vì tình yêu thương, vì lòng trìu mến. Các giá trị này người cháu giáo hoàng của họ đã kể ra trong các bài giảng của mình như những nền tảng của mình đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đúng, họ đi vì nhớ thân nhân.
Đúng vậy, ba trong năm anh em của ông nội Giovanni đã ở Argentina, hai người em trai khác còn ở Ý, vậy cha mẹ của Đức Bergoglio quyết định đi theo anh của mình. Ông nội Giovanni và bà nội Rosa bán tiệm bánh và một ít tài sản của họ, với tiền bạc gom được, họ lên tàu Giulio Cesare để đi Argentina. Hai câu chuyện gia đình mà Đức Bergoglio kể bây giờ trở thành nổi tiếng.
Câu chuyện đầu tiên là ngài sẽ không có mặt trên cuộc đời này nếu không có những việc bất ngờ xảy ra khi ông nội bán tiệm bánh. Nếu không vì sự chậm trễ này thì gia đình Bergoglio đã lên đường trước năm 1929 và sẽ lên chiếc tàu Princesse Mafalda, chiếc tàu nổi tiếng của hàng hải Ý. Năm 1927, trên đường đi từ Gênes đến Buenos Aires, chiếc tàu này đã bị vỡ làm đôi ở ngoài khơi biển Ba Tây, làm thiệt mạng hơn ba trăm người. Các vé không dùng của chiếc tàu này ở trong túi của ông nội Giovanni. Đó là thời gian những người di dân Ý bị đắm ở biển. Với vòng hoa Đức Phanxicô ném xuống biển ở Lampedusa ngày 8 tháng 7-2013, Đức Phanxicô muốn tưởng niệm đến tất cả nạn nhân của tất cả mọi chuyến di dân trong toàn lịch sử nhân loại.
Một câu chuyện khác vui hơn là câu chuyện của bà nội Rosa. Bà dấu tiền bạc bán được ở Piémont, Ý, trong lớp áo măng tô mà bà cất kỹ trong chuyến đi. Khổ thay khi đến Argentina là vào tháng giêng, tháng mùa hè ở Nam Mỹ. Trời nóng như thiêu nhưng bà không rời chiếc măng tô có cổ lông chồn.
Đức giáo hoàng sinh ra tại Argentina nhưng ngài biết thổ ngữ vùng Piémont nhờ từ nhỏ ngài ở rất gần với bà nội.
Người trẻ
Đối với hàng ngàn người trẻ ở giáo xứ San José, cha Bergoglio cha xứ của họ là người phát minh ra phim ảnh. Trong những năm 80, khu phố chưa có một rạp chiếu phim nào. Trẻ con lớn lên mà chưa được xem một phim nào. Bergoglio đau lòng khi thấy trẻ con thiếu thốn đủ chuyện. Trường Colegio Maximo của các tu sĩ Dòng Tên gắn liền với giáo xứ, trường có một phòng chiếu phim lớn và tiện nghi. Cha có một quyết định nhanh chóng: mở phòng chiếu phim ra cho trẻ em trong khu phố. Mỗi chúa nhật, theo thời khóa biểu khác nhau của lớp giáo lý, một cuốn phim sẽ được chiếu. Cả một công việc nặng nhọc cho các chủng sinh trường Colegio, phải chuẩn bị phòng trước khi chiếu, phải chùi dọn phòng sau khi chiếu. Nhưng đó là một công việc họ vui vẻ làm.
“Làm cho trẻ con được hạnh phúc; làm cho chúng cười, giải trí cho chúng, cha Bergoglio nói với các linh mục tương lai khi họ làm các công việc này. Ngài không nói: hãy rao giảng Phúc Âm cho chúng nhưng ngài nói, làm cho chúng hạnh phúc. Các trẻ em này bây giờ vào độ tuổi bốn mươi, họ là những người cha gia đình. Con của họ được rửa tội và đó là niềm tự hào của cha Bergoglio.
Jorge Bergoglio không sinh tại Ý, ngoài giòng máu Ý mang trong người, ngài là người Argentina 100%. Tuy vậy ngài nói về mình thật lạ lùng như sau: “Tôi là người Ý nhất gia đình.” Ngài muốn nói gì? Để giải thích chuyện này, chúng ta phải đi vào nhà ông bà nội của ngài.
Mới 13 tháng tuổi, Jorge đã sống với ông bà vì mẹ của ngài mang thai em bé khác. Ở nhà ông bà nội, ngài đã đến trường thần học và nhân loại học của cả một đời của mình: đó là bà nội Rosa. Nhưng ở đây ngài cũng được học tiếng Ý mang bản chất Ý nhất. Nghe ông bà nội nói chuyện, ngài học tiếng Ý vùng Piémont. Đối với thân phụ của Đức Bergoglio, nước Ý là một vết thương đau nhức (ngài không bao giờ nói chuyện với cha về nước Ý được, mỗi lần nói không những bị từ chối mà còn như một cuộc chạy trốn, như một quê hương xa cách, bị bỏ lại trong tuổi thơ ấu và vẫn còn là một vết thương chưa lành). Với ông bà nội thì bình thản hơn.
Chữ nói, truyền thống, văn hóa, đức tin, ái quốc: Bergoglio được thỏa thuê như em bé ở trong lòng mẹ. Cọng thêm sở thích xem phim Ý mà ngài quen xem với gia đình thì rõ ràng giáo hoàng Argentina là giáo hoàng Ý, một pha trộn mà ngày nay không còn ở Ý. Đó là nước Ý xưa cũ, ít thành phố lớn và nhiều tâm hồn hơn. Một hình ảnh trong sáng về chính mình làm mờ đi hình ảnh của Nam Mỹ với các cảnh bạo động của những năm tháng khủng hoảng giáo dục và thường là thiếu căn tính.
Một buổi sáng chúa nhật ngày 2 tháng 6 năm 2013. Trên con đường Forums Impériaux ở Rôma, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc kiểm tra của quân đội. Các xe vệ sinh thành phố đi rửa đường một lần chót. Đèn xanh đèn đỏ vừa được thay mới. Thành phố ồn ào, mọi người đang cập rập chuẩn bị.
Cách đó vài trăm mét đường chim bay, một bầu khí thinh lặng sâu đậm ở Nhà nguyện Thánh Mácta.
Tám mươi người trong tâm tình xúc động đang chờ dự thánh lễ của giáo hoàng. Đa số họ là thân nhân của binh sĩ Ý chết trong các chiến dịch phục vụ hòa bình, nhưng cũng có 13 thương binh mà chúng ta đã nghe tên họ trong các tin tức về các cuộc ám sát trong các năm vừa qua ở Afghanistan, các tên mà chúng ta đã quên.
Đức giáo hoàng đến, bước chân thinh lặng. Ngài bắt đầu dâng thánh lễ.
Trong bài giảng, ngài có những lời cứng rắn chống chiến tranh, ngài dằn từng tiếng: “Thật là điên cuồng, đó là cuộc tự tử của nhân loại.”
Sau khi ban phép lành, ngài chào từng người một tham dự thánh lễ: ngài đến gần một người to cao có vẻ vui tính, to cao nhưng ngồi xe lăn. Vì ngồi nên anh nhìn giáo hoàng từ dưới thấp. Anh khóc. Một người đàn ông khóc như một đứa con nít. Người đàn ông ba mươi tuổi bị cụt chân, trong đầu anh diễn ra một loạt các hình ảnh đau đớn của bạo lực mà anh đã hứng chịu, hòa lẩn trong các hình ảnh này là hình ảnh dịu hiền của giáo hoàng. Người này cúi xuống anh.
Tiếp đó là một người con trai khác: anh cao hơn Đức Phanxicô, một mắt anh bị băng lại, mắt bên kia lành, anh khóc sướt mướt. Hai người ôm nhau trong nước mắt. Giáo hoàng vuốt khuôn mặt anh và họ lại ôm nhau. Một giáo hoàng được người khác hôn là chuyện chưa bao giờ có. Chắc chắn các giáo hoàng có hôn trẻ con nhưng cảnh như thế này thì chưa bao giờ xảy ra.
Chính ngài đã làm gương. Ngài đã bắt đầu bằng cách hôn các bạn mình trong những lần tiếp kiến. Ngài cũng hôn cả Nữ tổng thống Argentina, bà Cristina Fernandez de Kirchner. Mỗi sáng thứ tư, trong buổi tiếp kiến chung, ngài đã ôm hôn không biết bao nhiêu trẻ em. Với một em khóc mãi không nín, ngài lấy cái nuốm vú nhựa đeo nơi cổ em để bỏ vào miệng cho em. Trên chiếc xe mui trần, ngài thường đưa ngón tay trỏ lên để chào. Ngài còn dùng tay để hôn gió. Ngài nói: “Các con đừng sợ khi biểu lộ sự dịu dàng”. Ngài nói và ngài làm.