Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello
Hình ảnh
Vì ngài thích văn chương nghệ thuật, ngài thích đọc sách nên Đức Phanxicô lúc nào cũng sử dụng chữ một cách tài tình. Ngài có khiếu phát minh ra hình ảnh, cấu trúc các ẩn dụ vừa lịch sự vừa đại chúng, vừa phong phú ý nghĩa vừa dễ nhớ. Giữa rất nhiều chuyện, tôi xin ghi lại đây 10 chuyện để suy niệm.
Vuốt ve trong đêm: “Giữa “đêm”, giữa bao nhiêu là ‘đêm”, giữa bao nhiêu là tội chúng ta đã phạm, luôn luôn có bàn tay vuốt ve của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta nói: “Đó là vinh quang của tôi” (bài giảng ngày 26 tháng 3-2013 ở Nhà nguyện Thánh Mácta).
Nước mắt? Đó là những cặp kiếng: “Đôi khi trong cuộc sống, con mắt để nhìn Chúa Giêsu là nước mắt. Chúng ta khóc là điều tốt, khóc vì tội của mình, khóc vì ơn đã nhận được, khóc vì vui. Chúng ta hãy xin: chúng ta có biết điều tốt của những giọt nước mắt, những giọt nước mắt chuẩn bị cho đôi mắt chúng ta nhìn Chúa không? (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 2 tháng 4-2013).
Giao động thiêng liêng: “Chúng ta cầu xin Đức Mẹ che chở chúng ta và trong những lúc giao động này, nơi ẩn núp an toàn nhất là dưới áo Mẹ (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 2 tháng 4-2013).
Giáo hội là nhà trẻ: “Loan báo Chúa Giêsu với cuộc sống của mình! Khi chúng ta làm như vậy, Giáo hội trở thành Giáo hội từ mẫu nuôi nấng con cái, và khi chúng ta không làm thì Giáo hội không phải còn là từ mẫu nhưng là bảo mẫu chỉ lo dỗ cho em bé ngủ. Đó là Giáo hội thiu thiu ngủ! Chúng ta hãy nghĩ đến trách nhiệm của phép rửa của chúng ta” (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 17 tháng 4-2013).
Một Thiên Chúa như thuốc xịt: “Bạn tin vào Chúa nào? Một Thiên Chúa như “bình xịt”, xịt khắp nơi nhưng không ai biết xịt cái gì. Chúng ta tin ở Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta tin ở con người và khi chúng ta nói với Chúa là chúng ta nói với con người: hay tôi nói với Chúa Cha, với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là đức tin” (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 18 tháng 4-2013)
Chúa Giêsu không phải là tiệm nhuộm: “Tòa giải tội không phải là tiệm nhuộm: đó là nơi gặp gỡ Chúa Giêsu, Chúa Giêsu đang chờ chúng ta ở đó, chờ con người thật của chúng ta. “Lạy Chúa, con biết, con là như vậy…” Con xấu hổ khi con nói sự thật: “Con đã làm như vậy, con đã suy nghĩ như vậy…” Xấu hổ là đức tính tinh thần Kitô đích thực nhưng cũng là một đức tính của loài người… biết xấu hổ! Ở Argentina chúng tôi, ai không biết xấu hổ người đó bị cho là người “vô liêm sỉ”. Vô liêm sỉ vì người đó không biết xấu hổ, xấu hổ là đức tính của người khiêm tốn (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 29 tháng 4-2013).
Người hay than: “Khi gặp khó khăn thì có rất nhiều lời than thở. Chẳng hạn như: “Này xem tôi phải bị như vậy…” Một lời than! Và một tín hữu cứ than liên tục thì không phải là tín hữu tốt: đó là ông/bà than thở, đúng không? Tại sao khi nào cũng than đủ chuyện? Thinh lặng để chịu đựng, thinh lặng trong kiên nhẫn. Thinh lặng này của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu trong sự thương khó của mình không nói nhiều, chỉ hai hoặc ba chữ cần thiết… Nhưng cũng không phải là một thinh lặng buồn bã: thinh lặng gánh thập giá không phải là một thinh lặng buồn. Tâm hồn bình an. Thánh Phaolô và Silas cầu nguyện với tâm hồn bình an. Họ đau vì theo bản văn cho biết, ông cai tù rửa vết thương cho họ nhưng họ chịu đựng với một tâm hồn bình an. Con đường kiên nhẫn đào sâu để chúng ta có bình an của Chúa, một bình an làm cho chúng ta mạnh trong Chúa Giêsu” (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 7 tháng 5-2013)
Dưa ngâm dấm: “Nếu chúng ta muốn giữ niềm vui chỉ cho riêng mình, thì cuối cùng tâm hồn chúng ta như miếng giẻ lau, gương mặt chúng ta không tỏa ra niềm vui nhưng là niềm nhớ nhung, một nhớ nhung không lành mạnh. Đôi khi các tín hữu nhớ nhung này tựa như dưa ngâm giấm hơn là người vui vẻ thấy cuộc đời đẹp. Niềm vui không ngừng ở đó, nó phải đi tiếp” (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 10 tháng 5-2013)
Tín hữu của viện bảo tàng: “Muối chỉ hữu ích khi dùng để nêm nấu. Nhưng tôi nghĩ muối mà giữ trong bình để tránh ẩm thì chẳng dùng vào việc gì. Nhờ thờ phượng Chúa và loan báo Tin Mừng, tôi đi ra khỏi con người của mình để làm chứng. Nếu chúng ta không làm như vậy, muối vẫn để trong bình và chúng ta trở nên tín hữu của viện bảo tàng. Chúng ta đưa ra cho người khác thấy: đây là muối của tôi. Thật đẹp biết bao. Muối tôi nhận lúc rửa tội, muối tôi nhận lúc thêm sức, muối tôi nhận khi học giáo lý… Nhưng cẩn thận, giáo dân của viện bảo tàng! Muối không vị, muối không làm gì hết là muối vô tích sự” (bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta ngày 23 tháng 5-2013).
Ánh sáng ở sân vận động: “Thực tế đôi khi u ám, bị hằn do sự dữ, nhưng thực tế có thể thay đổi nếu những người đầu tiên là chúng ta mang ánh sáng Phúc Âm đến bằng kinh nghiệm riêng của chúng ta. Tưởng tượng trong một sân vận động khi đêm còn tối, một người thắp lên ngọn đèn thì sẽ không thấy gì nhưng nếu tất cả mọi người cùng thắp thì toàn sân vận động sẽ sáng lên. Chúng ta phải làm sao để cuộc đời của mình là ánh sáng của Chúa Kitô; cùng nhau chúng ta mang ánh sáng Phúc Âm đến cho nhân loại” (buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 12 tháng 6-2013).
Friedrich Holderlin là thi sĩ yêu chuộng của Bergoglio, ngài nói ông là «bậc thầy của lòng nhớ nhung». Thi sĩ người Đức chết năm 1843, là một trong những đại diện của trào lưu lãng mạn. Sự yêu thích đặc biệt này đã tạo nên một niềm tự hào nào đó nơi người Đức nên Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel khi viếng thăm Đức Phanxicô sau ngày ngài được bầu chọn đã tặng ngài ba tuyển tập thơ của Holderlin trong ấn bản đặc biệt năm 1905. Khi tặng ngài, với niềm tự hào của người Tơ-tông, bà đã nhấn mạnh: «Nhưng cha đã biết rõ Holderlin.» Đức giáo hoàng chỉ biết xác nhận.
Khi giáo xứ lên danh sách giá cả
Anh cầm tay chị và đỡ chị xuống bậc thang ở cửa ra vào. Bên trong thì tối và mát. Họ nhìn chuang quanh để tìm cha xứ nhưng cha không có ở đây. Có một cánh cửa mở, trên cửa có ghi hàng chữ viết tay: “Văn phòng giáo xứ”. Họ rụt rè bước vào:
– Chúng tôi… chúng tôi sắp đám cưới. Một bà không ngẫng đầu lên cũng không nhìn họ, bà hỏi:
– Anh chị đã chọn ngày chưa?
– Dạ, chúng tôi chọn ngày 12 tháng 7 năm nay.
– Được, ngày này được. Đây là bảng giá, anh chị có thể xem…
– Xin lỗi, bảng giá gì ạ?
– Bảng giá chi phí. Ngày chúa nhật thì phải trả thêm tiền. Đây là bảng giá cơ bản.
– Dạ, xin lỗi, đây là bảng giá gì ạ?
– Anh chị muốn làm đám cưới, đúng không? Đây là giá cả để làm lễ cưới ở nhà thờ. Ngày thường hay ngày lễ? Sáng hay chiều? Có thảm đỏ hay không? Tất cả đều có giá của nó ở đây.
Juan và Manila nhìn nhau. Họ bị tổn thương vì tông giọng hơn là giá cả vì dù sao họ cũng chọn mức giá căn bản. Trả tiền, đưa biên lai, cám ơn và chào ra về. Những tình cảnh như thế này thì hàng tá và Đức Bergoglio không chấp nhận cảnh này: “Như cái chợ buôn bán thờ phượng.” Hồng y đã cố gắng làm cho các linh mục của mình và các nhân viên giáo xứ hiểu, không được phép mua bán bằng tiền trong Giáo hội: đóng góp dựa trên tinh thần tùy hỷ và trên khả năng của giáo dân. Ngài nhắc đến gương bà góa trong Phúc Âm, bà cho một đồng xu nhưng đó là cả gia tài của bà, dưới mắt Chúa Giêsu bà đã cho rất nhiều. Trong Giáo hội, tiền dâng cúng là sự tham dự chứ không phải việc mua bán mà người ta có quyền như khi mua bán một món đồ ngoài tiệm.
Điện thoại reo không ngừng ở Tòa Tổng giám mục Buenos Aires, thường thường đó là giáo dân nam nữ nói họ «nhận được ơn của Chúa». Ơn nào? Ơn nói tiên tri, ơn được chữa lành cần tiết lộ.
Và Đức Bergoglio biết lịch sử của Giáo hội đi qua những ơn này và ngài không ngạc nhiên nhưng ngài phải tìm cách để đặt những việc này vào đúng chỗ của nó. Khi những người này khiêm tốn, thì ơn này đến từ Chúa. Nhưng khi thay vì khiêm tốn họ lại huênh hoang, có ý muốn phô trương thì Chúa không hiện diện ở đây: đây chỉ là một cách để quảng cáo công việc của họ.
Đức Bergoglio biết rõ, lòng khiêm tốn là con đường dẫn đến Chúa. Phải học, phải tránh đặt điều, tránh nói xấu. Và đây không phải là chuyện tình cờ khi hỏi giáo dân, điều gì họ thấy nổi bật nơi Đức Phanxicô, họ đều trả lời: Đức khiêm tốn!
Nói về chuyện ‘du lịch’, không phải chỉ có những chuyến đi Rôma. Chuyến đi thiết thân của ngài là chuyến buýt 70 ngài đi mỗi ngày để đến
Villas Miseria, một khu phố ổ chuột ở Buenos Aires, nơi có 45 000 người sống. Đường là đường đất, mỗi khi mưa xuống, đất thành bùn, dây điện treo lủng lẳng trên đầu, chuột gián chạy khắp nơi, tất cả cho cảm tưởng sẽ có một chuyện không hay xảy ra đâu đây. Dơ bẩn và tình trạng hổn độn là cảnh hàng ngày. Người dân cũng không có được an ủi là có tên các thánh trên con đường của mình, thật ra, các con đường ở đây không có tên, nó chỉ mang số, từ số 21 đến số 24.
Khi Đức Bergoglio đến đây, ngài ăn mặc như một linh mục bình thường, dù ngài đã là hồng y. Ngài vào nhà, nói chuyện với người lớn, cười đùa với trẻ con. Ngài là bạn của tất cả mọi người. Đó là công việc của ngài, là trận chiến ngài phải đương đầu để trẻ em được rửa tội dù hoàn cảnh của cha mẹ chúng như thế nào. Một ý tưởng khác của ngài, đó là kiệu các thánh, cử hành thánh lễ ở nhà thờ dâng hiến cho Đức Mẹ Caacupé.
Ngài là điểm tựa an toàn cho các linh mục bị chường mặt, bị đe dọa nhiều nhất. Ngài cũng là mộc khiên của người nghèo, họ thích có một tấm hình trìu mến chụp chung với ngài. Bây giờ chân dung của ngài vẫn là chân dung phổ biến nhất, treo trên tường ở những căn nhà lá của người nghèo ở Buenos Aires.
Kiên nhẫn
Một đức tính khác của Đức Phanxicô: Giáo hoàng của lòng kiên nhẫn. Những người trẻ cảm thấy cần phải thay đổi thế giới gấp và đúng là cũng nên thay đổi nhanh. Nhưng khi lớn lên, họ thấy việc thay đổi này không thể làm nhanh được mà chỉ làm với tính kiên nhẫn. Các cha mẹ biết rõ điều này: họ hiểu và họ sống làm gương cho con cái mình, họ phải học chờ, chờ con cái mình xây dựng cuộc sống của chúng và đương nhiên là với các sai lầm của chúng. Một trong những đoạn Tin Mừng mà Đức Bergoglio thích là đoạn Tin Mừng người cha nhân hậu: người con xin phần gia tài của mình và ra đi, cuối cùng thì người con trở về. Còn người cha? Từ đàng xa, người cha đã thấy bóng dáng người con, chứng tỏ người cha lúc nào cũng ở cửa để ngóng trông người con. Và để minh họa cho dễ hiểu, ngài lấy ví dụ của chiếc diều đang bay lên cao, nó bắt đầu lung lay. Lúc đó, phản xạ của người chơi diều là kéo sợi dây lại để kiểm soát, nhưng đó là sai lầm: khi chiếc diều “quẫy đuôi” thì phải nới dây, phải buông, phải cho nó thì giờ. Chúng ta có thể gọi đó là Tin Mừng của lòng kiên nhẫn.