Các ngón tay

470

Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

Các ngón tay

Đây là câu chuyện của thời buổi chúng ta. Các yếu tố là: Giáo hoàng Phanxicô, đam mê của ngài đối với văn chương, nước Argentina và Facebook. Một tháng rưỡi sau khi được bầu chọn, nhờ các trang mạng xã hội, một lời cầu nguyện từ Argentina “bay” qua Ý. Lời cầu nguyện được dịch qua tiếng Ý, ký tên Bergoglio.

Một lời cầu nguyện? Một bài thơ? Dù sao thì đây cũng là một bài viết ngắn, rất hay, đúng là từ tay của một người đam mê văn chương, qua ngòi bút của hồng y Dòng Tên nêu bật lên cho thấy. Đề tựa là: “Mỗi ngón tay, một lời cầu nguyện”.

Ngón cái là ngón gần mình nhất. Vậy bắt đầu cầu nguyện cho những người ở gần mình nhất. Những người mình nhớ đến họ dễ dàng nhất. Cầu nguyện cho người thân yêu là một “bổn phận nhẹ nhàng”.

Ngón kế là ngón trỏ. Cầu nguyện cho những người dạy dỗ, giáo dục, săn sóc mình. Đó là các thầy giáo, các giáo sư, các bác sĩ, các linh mục. Luôn nhớ đến họ trong lời cầu nguyện mỗi ngày của bạn.

Ngón kế tiếp là ngón dài nhất. Ngón này nhắc chúng ta nhớ đến các nhà cầm quyền. Chúng ta cầu nguyện cho tổng thống, các nghị sĩ, các nhà lãnh đạo, các giám đốc. Đó là những người cai quản vận mệnh xứ sở, hướng dẫn dư luận… Họ cần được Chúa hướng dẫn.

Ngón kế tiếp là ngón đeo nhẫn. Điều ngạc nhiên ngón này gần như là ngón yếu nhất, các giáo sư dạy dương cầm có thể xác định chuyện này. Như vậy ngón này nhắc chúng ta cầu nguyện cho những người yếu nhất, những người phải chịu đựng thử thách, những người bệnh. Họ cần chúng ta cầu nguyện ngày đêm cho họ. Chúng ta không bao giờ cầu nguyện đủ cho họ. Và nó cũng nhắc chúng ta cầu nguyện cho vợ, chồng mình.

Cuối cùng là ngón út, ngón nhỏ nhất. Chúng ta phải cảm thấy mình là trẻ con trước mặt Chúa, trước mặt tha nhân. Như Thánh Kinh đã nói, “những người cuối cùng là những người đầu tiên”. Ngón nhỏ nhất nhắc chúng ta nhớ cầu nguyện cho mình… Sau khi cầu nguyện cho người khác, đến lúc mình phải hiểu mình, đâu là những điều mình cần và phải giữ chúng trong đúng bối cảnh..

Không cần phải bình luận gì thêm. Tôi chỉ nói thêm, lời cầu nguyện này đã được in trong một quyển sách minh họa và nó trở thành quyển sách bán chạy ở Ý. Đây là lần đầu tiên một quyển sách về cầu nguyện có mặt trong bản sắp hạng.

Các ông bác

Đó là các ông bác, anh của ông nội, họ đã di dân đến Argentina từ năm 1922.

Cha Bergoglio đưa ra như gương mẫu của sức mạnh mà gia đình có thể làm được.

Các ông bác làm việc cực nhọc ở Argentina và đã xây được căn nhà bốn tầng cho họ ở Paranà. Căn nhà đầu tiên có thang máy của cả thành phố mà gia đình tự hào gọi là “Cơ dinh Bergoglio!” (Palazzo Bergoglio)

Sau đó là cơn khủng hoảng kinh tế năm 1932, họ buộc lòng phải bán hết và khởi sự lại từ số không.

Ông nội của ngài phải mượn tiền để bắt đầu gầy dựng lại, thân sinh của ngài mất việc, nhưng ngài cho biết, họ không mất lòng can đảm.

Jorge, đứa con của thế hệ mới, một thế hệ ít gay go hơn nhưng ngài thích nhắc lại khả năng vượt khó của cha ông: “Đó chứng tỏ cho thấy sức mạnh của giống nòi”, trước mắt ngài là các hình ảnh, các tên mà ngài học khi còn nhỏ.

Vượt lên khó khăn. Đó là những gì người ta chờ ngài ngày hôm nay.

 

Các phép lạ của cha Bergoglio

Ngày hôm đó, ngày 19-12-1985, người bán báo chờ cha Bergoglio với một nụ cười đặc biệt. Anh dành riêng tờ báo El Litoral và hy vọng cha sẽ không thấy các quảng cáo đăng ở trang ngoài. Vì sáng hôm đó có một tít nghe buồn cười: “Các phép lạ của cha Bergoglio”. Phép lạ? Phép lạ nào? Từ năm năm này ngài làm việc cật lực, nhưng “phép lạ” là một chữ to lớn.

Khi ngài đến sạp báo, anh đưa cho ngài tờ báo duy nhất còn lại. Ngài đọc và rất ngạc nhiên. Hai phép lạ đầu tiên là khánh thành hai nhà thờ ở một trong những khu phố bị bỏ rơi nhất ở phía Bắc-Tây thành phố Buenos Aires và thêm hai cái nữa đang được dự trù xây.

Phép lạ thứ ba: các sinh hoạt xã hội cho gia đình và trẻ con, tờ báo viết, thì “không còn do những người hung dữ làm, mà chỉ mới gần đây họ đã đón tiếp không đàng hoàng các người nước ngoài”.

Phép lạ thứ tư: khánh thành thư viện thần học và triết học lớn nhất Châu Mỹ La Tinh, thư viện của trường Colegio Maximo.

Phép lạ thứ năm: hội thảo thần học quốc tế.

Các phản hồi của giáo hoàng tương lai, đương nhiên là rất mạnh, đã không đến tai chúng tôi!

 

Các thánh được sùng kính

Một trong các thánh được người Argentina tôn kính là thánh Gaétan, bổn mạng của bánh mì và lao động. Bergoglio có rất nhiều chuyện để kể về lòng sùng kính này, một lòng sùng kính được tăng trưởng từ mười lăm năm nay.

Năm 1997, sáu mươi bốn ngày sau khi trở thành giám mục phụ tá của địa phận Buenos Aires, ngài tham dự vào cuộc rước kiệu Thánh Gaétan. Đó là ngày 7 tháng 8, một ngày lễ trọng. Ngày hôm đó, nữ ký giả Evangelina Himitian viết bài tường trình, có 600 000 ngàn người đi rước kiệu theo sau giám mục Dòng Tên: một đoàn người dài bất tận muốn cầu nguyện để có được bánh mì và việc làm, nhưng lại trở thành, ngoài ý muốn, một dấu hiệu báo cho nhà cầm quyền để họ can thiệp, không tạo ra cơn khủng hoảng đang ảnh hưởng đến tất cả các gia đình ở Argentina.

Trước đền thờ Liniers có hai hàng: bên mặt là những người muốn hôn thánh tích, bên trái là những người muốn làm phép các tượng thánh của họ. Bergoglio giảng bài giảng đầu tiên trong cương vị giám mục phụ tá: “Việc làm là điều thiêng liêng. Nếu Chúa là bánh và sự sống của chúng ta thì không ai có thể tước đi quyền kiếm bánh và sự sống của chúng ta. Việc làm, cũng như bánh, phải được chia sẻ giữa tất cả chúng ta.”

Từ đó, mỗi năm, lễ Thánh Gaétan là dịp để nhắc lại sự công chính nhân danh Thiên Chúa. Chưa bao giờ chính quyền ưa được điều này.

 Cải cách

Với một độ lùi chúng ta mới thấy được những gì đã xảy ra trong Giáo triều của Đức Phanxicô. Nhưng có một chỉ dẫn mà đa số không để ý, nhưng nói lên rõ ràng đâu là ‘hợp dồng’ mà các hồng y đã giao phó, không phải riêng cho Đức Bergoglio nhưng một cách chung là cho giáo hoàng tương lai. Một chỉ dẫn đưa chúng ta vào trong các buổi họp  khoáng đại, các buổi họp trước mật nghị, giúp chúng ta hiểu được nội dung các thảo luận của các hồng y. và chính Đức Bergoglio đã nêu ra.

Ngày 16 tháng 3, ba ngày sau khi được bầu chọn, trong một buổi tiếp kiến với giới truyền thông, Đức Phanxicô kể vì sao ngài chọn tên Phanxicô. Ngài kể lại các lời nói đùa của các bạn hồng y. một hồng y nói: “Nhưng anh phải chọn tên Adrien vì Adrien VI là giáo hoàng cải cách, phải cải cách…” Nếu, sau cuộc bầu chọn, các hồng y vẫn đang còn ở trong Nhà nguyện Sixtine, chủ đề cải cách đã là chủ đề nói đùa giữa các hồng y và tân giáo hoàng, thì điều này đã nói lên một cái gì rồi.

Cái chết

Năm 21 tuổi, Bergoglio đã xém chết, ngài chứng kiến cái chết của cha mẹ và ba trong bốn anh em của mình. Ngài đã biết thế nào là đau khổ trong cuộc đời cũng như trong gia đình. Có những giây phút đau đớn mà từ đó này rút ra một bài học cho mình, ngài đã thổ lộ với giáo sĩ Skorka qua những lời không cường điệu như sau: “Tôi đã thấy những người chết trước tôi. Và bây giờ đến lượt tôi. Nhưng tôi không biết lúc nào.”

Bergoglio xem cái chết như “người bạn đồng hành hàng ngày”, vì thế ngài nghĩ, sống ngày nào phải mang lại cho ngày đó một giá trị, tương đối hóa với chính mình nhưng cũng phải nhận biết giá trị tuyệt đối của thời gian mình sống vì đó là một ơn. Cái chết có làm cho ngài sợ? Có, đó là bình thường vì đó là một sự tách rời. Nhưng khi chúng ta ở trên điểm phải từ bỏ thì Chúa đưa tay ra. Ngài giải thích, vì Chúa là “Chúa của sự sống chứ không phải của cái chết, cái chết đến trong thế gian với con quỷ.”

Căn hộ

Cho đến ngày 28 tháng 2 năm 1998, ngày cha được phong làm Tổng giám mục địa phận Buenos Aires thì Tổng giám mục ở trong một khu vực rất đẹp, cách Nhà thờ chính tòa và Tòa Tổng giám mục hai mươi cây số. Một nơi yên tỉnh, lịch sự, ở khu phố Olivos ngoại ô thành phố, cách hai bước là tư dinh Tổng thống. Đúng vậy, ở Buenos Aires, quyền lực thế gian và quyền lực trên trời gần nhau, sống chung thoải mái trong những khu phố sang trọng. Và rồi Bergoglio đến. Cha không bao giờ thích ở Olivos, quá cách biệt, quá trưởng giả, qua xa giáo dân. Ngài chọn về ở tại Tòa Giám mục, chỉ cách Quảng trường Tháng Năm hai bước, thuộc trung tâm Buenos Aires, nơi cả thành phố quay cuồng sinh sống, làm việc và cũng vì ngài muốn giáo dân biết ngài ở đây, cùng với họ. “Tôi ở trung tâm thành phố vì thành phố ở trong lòng tôi”, đó có thể là câu khẩu hiệu hợp với chọn lựa của ngài. Từ đó, không biết bao nhiêu người bị thu hút bởi ánh sáng này, đã đẩy cửa bước vào Tòa Giám mục, họ để lại tin nhắn, họ đến gặp ngài, nói chuyện với ngài.

Khi còn làm linh mục tổng đại diện, ngài ở khu phố Flores, ngài cũng sống như vậy. Căn phòng nghèo hèn nhất là căn phòng của ngài: một cái giường, một cái bàn nhỏ, một tủ sách, một cây thập giá, vài bức tượng các thánh, trong đó có tượng thánh Giuse. Một máy vi tính? Ngài không có. Một máy truyền hình? Cũng không.

Ở Buenos Aires, sau khi chọn phòng ngủ thì phải chọn văn phòng. Một phòng tiếp tân lớn tiện nghi, có ghế bành êm ái, có cửa sổ lớn, có màn đẹp. Bên cạnh là một căn phòng nhỏ gồm một cái bàn, một tủ sách chỉ có một nửa đựng sách và một cái ghế. Cha Bergoglio sẽ chọn cái nào? Văn phòng tiện nghi hay văn phòng nhỏ? Tôi nghĩ không cần phải nói chính xác ra đây.

Cầu nguyện

Đức Phanxicô cầu nguyện như thế nào? Mỗi ngày mấy lần? Ngài sung kính ai? Ai biết ngài thì biết ngài là con người của cầu nguyện, hoàn toàn thấm nhập vào Chúa. Trước khi dâng thánh lễ, chúng ta thấy ngài ngồi, dáng suy gẫm, thấm nhập: ngài đã thuộc trọn về Chúa. Sau thánh lễ, nếu có thì giờ, ngài ra đàng sau ngồi thinh lặng cầu nguyện thêm. Ngài ngủ ít, không quá năm giờ mỗi đêm và khi thức dậy thì tinh thần sảng khoái. Những giờ đầu tiên, ngài chầu Thánh Thể. Đôi khi ngài ngủ thêm ở bàn quỳ. Trong lịch làm việc hàng ngày, phụng vụ giờ kinh là kinh đầu tiên và kinh cuối cùng trong ngày của ngài. Giữa ngày là chuỗi Mân côi. Ngài không bao giờ sợ tỏ ra mình có lòng mộ đạo bình dân; ngài sùng kính và cũng làm tỏa ra lòng sùng kính này, đặc biệt là với Đức Mẹ Tháo gỡ nút thắt. Đối với ngài, cầu nguyện không phải là đọc công thức nhưng là gặp gỡ Chúa. Ngài nói một câu rất hay về cầu nguyện: “Giống như Chúa cầm tay mình.”

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch