Ăn chay

337

Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

Ăn chay

Mỗi lần tôi hỏi ai đó xem họ biết Đức Bergoglio có thói quen ăn chay không thì câu trả lời có vẻ mơ hồ. Sự im lặng cần suy nghĩ để trả lời có thể là để nhớ một thời kỳ nào đó. Bởi vì sau khi suy nghĩ thì không ai nhớ lời nào ngài nói về chuyện ăn chay, nếu không là vào thời kỳ mà phụng vụ của Giáo hội còn ràng buộc, người ta cũng không thấy khi nào ngài quá chén ở bàn ăn. Ngài thích nấu ăn và ăn ngon nhưng có chừng mực, kín đáo, về chuyện này thì có nhiều chuyện để nói. Nhất là vào dịp lễ Giáng sinh.

Mỗi năm đến dịp lễ Giáng sinh ở Buenos Aires, Đức Bergoglio tổ chức một buổi ăn với các ký giả. Ngài chỉ nói vài lời về Chúa Giêsu Hài đồng theo cách nói nhanh và hiệu quả của ngài, ngài chúc mừng và sau đó là ăn búp phê. Trong khi mọi người vội vã cầm đĩa, hồng y Bergoglio cầm ly nước lạnh trên tay đi đầu này đầu kia, nhẹ nhàng nói chuyện, chào hỏi, cười đùa, gặp gỡ, đối thoại. Một ly nước để vui với mọi người, để ở giữa mọi người, để là mục tử. Cả một phong cách của Bergoglio!

Bà nội

Chính ngài tự thú nhận, bà nội là người quan trọng nhất trong cuộc đời của ngài, chắc chắn như vậy. Jorge lớn lên với bà nội khi cha mẹ bận săn sóc đứa em thứ nhì. Bà nội Rosa là người có lòng đạo sâu, bà có thể làm cho các cháu ngồi yên nghe bà dạy giáo lý và nói về Chúa Giêsu. Bài học khai tâm về đạo của ngài là qua các cử chỉ, lời nói và cách cầu nguyện của bà.

Mỗi năm vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, bà dắt các cháu đi kiệu nến và khi đến bức tượng Chúa Kitô bị chết, bà nói với các cháu: “Các con nhìn kỹ nhé. Chúa đã chết nhưng ngày mai Chúa sống lại!”

Khi Jorge muốn đi tu làm linh mục, bà nội làm ra vẻ ngạc nhiên nhưng trong lòng, bà đã hiểu hết. Những lời bà nói Đức Phanxicô còn giữ trong kinh nhật tụng của mình; đó là lời bà trấn an cháu trong những năm ở chủng viện, khuyến khích lựa chọn của cháu nhưng cũng nhắc cháu, cánh cửa gia đình luôn mở nếu có ngày nào cháu thay đổi quyết định. Trong khi thân mẫu của ngài thì im lặng như chưa muốn chấp nhận.

Bài giảng

Bergoglio đã phát minh ra một cách mới để làm giáo hoàng, đó là làm như một cha xứ. Thánh lễ buổi sáng không còn là thánh lễ riêng tư mà thánh lễ mở ra cho giáo dân và truyền thông.

Đức Phanxicô dâng thánh lễ mỗi ngày trước một nhóm lúc nào cũng mới, trước máy quay phim và các bài giảng của ngài được tóm lại. Có nghĩa là mỗi ngày, trong phong cảnh đơn sơ của nhà nguyện, một nhà nguyện không phải dành riêng cho giáo hoàng, Đức Phanxicô đã đưa ra một thông điệp cho đời sống Kitô tốt lành và mở một cánh cửa cho lối cầu nguyện hoàn toàn lạ thường.

Ngài có đọc bài giảng đã soạn sẵn? Không bao giờ. Ngài chỉ đơn giản nói như một cha xứ, không có ghi chú. Ngài bình giải lời Phụng vụ hôm đó, rút ra «một lời dạy nhỏ nhưng không bao giờ nhỏ», mà mọi người có thể nhớ lại trong ngày. Đôi khi ngài lặp lại, ngài biết và ngài nhấn mạnh. Bởi vì biểu tượng của bài giảng này như cơn mưa, một cơn mưa đào xới cả đá. Đó là xác quyết vào Kinh Thánh mà Lời Chúa không khi nào mất. Bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta giống như hạt giống nhỏ, ẩn giấu, thường xuyên và đơn sơ. Từ ngôi nhà nguyện nhỏ này mà Đức Phanxicô nắm thế giới trong lòng bàn tay.

Bệnh tật

Giáo hoàng mất phần bên trên của lá phổi bên mặt. Năm 1957, lúc ngài 21 tuổi, sau một cơn đau nặng, ngài bị cắt một lá phổi. Ngài kể cho nữ ký giả Francesca Ambrogetti biết, lúc đó ngài nửa sống nửa chết trong vòng 3 ngày. Một ngày nọ, ngài bị sốt và bị những cơn co giật không thể chịu thấu, ngài níu lấy tay mẹ và khóc như đứa con nít: “Mẹ, mẹ nói cho con biết, con bị bệnh gì vậy?” Các bác sĩ tìm thấy ba cục bướu trong phổi. Nữ tu Dolores, người biết ngài khi còn nhỏ và là nữ tu dạy giáo lý lớp rước lễ lần đầu, xơ đến thăm và an ủi ngài: “Em đang noi gương Chúa Giêsu.” Bác sĩ cứu được thể xác ngài nhưng nữ tu Dolores là người cứu tâm hồn ngài, câu này đã mở ra cho ngài một con đường mới, một cái nhìn mới, cái nhìn từ “trên cao”, cái nhìn mà lúc đó ngài chưa thấy.

Bây giờ ngài bước đi hơi nhanh, đôi khi như đi khập khiểng, có cảm tưởng như ngài hơi khuyết tật thì không đúng nhưng những ai ở gần ngài thì biết, sau khi cố gắng lâu thì ngài cần nghỉ một chút. Mặt khác, nhiều người không biết làm sao ngài có thể cố gắng được như vậy.

Bí tích thứ tám (bí tích mục vụ hải quan)

Chúng ta đều biết có bảy bí tích. Nhưng trong kỷ niệm làm cha xứ, làm giám mục của Đức Phanxicô, ngài khám phá có một bí tích thứ tám. Ngài nói một cách nghiêm túc nhưng nội dung thì mang nét châm biếm sắc nhọn. Để giải thích, ngài kể câu chuyện của một cô gái trẻ tạm gọi là Maria.

Maria là một cô gái trẻ nhưng đã là mẹ, cô có một đứa con, chúng ta không biết đứa bé con ai. Cô ở một mình, cô có nhiều vấn đề nhưng cô muốn rửa tội cho con mình. Cô làm gì? Cô đến văn phòng giáo xứ và nói: «Tôi muốn rửa tội cho con của tôi.» Ngồi ở bàn giấy, thư ký của cha xứ nhìn cô từ đầu đến chân, không giao động, ông trả lời cô: «Không, con của cô không thể rửa tội được vì cô chưa lập gia đình!»

Đứng trước hoàn cảnh này, Đức Phanxicô không giữ được kiên nhẫn: «Nhưng anh có thấy không: cô gái này đã có can đảm giữ bào thai, cô không từ chối đứa con, vậy bây giờ cô phải làm gì? Cánh cửa bị đóng sao? Giữ đạo kiểu này chỉ làm giáo dân xa Chúa! Cửa không mở cho giáo dân! Khi chúng ta đi trên con đường này, có thái độ này thì chúng ta không phục vụ tốt cho giáo dân, cho dân Chúa.» Và ngài kết luận: «Chúa Giêsu lập ra bảy bí tích, còn chúng ta với thái độ này, chúng ta lập ra bí tích thứ tám: bí tích mục vụ kiểu hải quan!».

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch