“Cha không phán xét ai trước khi lắng nghe người đó nói chuyện”

812

Vatican Insider | Andrea Tornielli

Họp báo trên chuyến bay từ Fatima về Roma

Trả lời các ký giả trên chuyến bay từ Fatima về Roma, Đức Phanxicô nói về cuộc tiếp kiến sắp tới với Tổng thống Trump, việc xác minh những lần Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, tinh thần đại kết, và vấn đề di dân.

Những lần hiện ra tại Fatima để lại gì cho Giáo hội và toàn thế giới? Và chúng con có thể trông đợi gì từ buổi tiếp kiến Tổng thống Trump vào ngày 24-5? 

Fatima là một thông điệp hòa bình đem đến cho nhân loại qua ba người truyền tin chưa đầy 13 tuổi. Việc phong thánh cho các trẻ mục đồng này là chuyện không được tính trước, bởi tiến trình xác minh phép lạ tiến triển chậm, rồi đến lúc có được báo cáo đánh giá thì cha vô cùng vui mừng. Thế giới có thể hy vọng có hòa bình. Cha nói về chuyện hòa bình với tất cả mọi người. Trước khi lên đường từ Roma, cha đã tiếp các nhà khoa học thuộc nhiều tôn giáo khác nhau tham gia một hội nghị ở đài thiên văn Vatican. Một người vô thần, không biết từ nước nào, đã nói với cha thế này: “Tôi là người vô thần. Tôi xin cha một điều, xin bảo các Kitô hữu hãy yêu mến người Hồi giáo hơn nữa.” Đây đúng là một thông điệp hòa bình!

Ngày hôm qua, cha đã yêu cầu hãy “phá đổ mọi bức tường” nhưng trong vài ngày nữa, cha sẽ tiếp Tổng thống Trump, người muốn xây những bức tường và không đồng ý với cha về những vấn đề di dân. Trước cuộc tiếp kiến này, cha nghĩ thế nào về chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ và cha kỳ vọng điều gì trong buổi hội kiến này? 

Tôi không bao giờ phán xét một con người khi chưa lắng nghe họ nói. Mọi chuyện sẽ phát xuất từ cuộc nói chuyện của chúng tôi, ông ấy sẽ nói điều ông nghĩ và cha sẽ nói điều cha nghĩ. Về vấn đề di dân, anh chị em đã biết ý kiến của cha rồi. Luôn có những cánh cửa không bao giờ khép lại hoàn toàn, người ta phải tìm ra những cánh cửa dù chỉ mở hé một chút, phải đi vào và nói về những điểm chung của nhau, rồi tiến tới, từng bước một. Hòa bình được tạo dựng bằng đôi tay từng ngày một. Tình thân giữa mọi người, những hiểu biết chung, sự quý trọng dành cho nhau, là những gì phải bắt tay xây dựng, từng ngày một. Phải tôn trọng nhau, nói lên những gì mình nghĩ một cách trung thực.

Cha có hy vọng sau cuộc tiếp kiến, Tổng thống Trump sẽ giảm nhẹ các chính sách của ông không? 

Đây là một tính toán chính trị, cha không cho phép mình làm… Và cha biết rằng cha không làm kiểu chiêu mộ về mặt tôn giáo.

Ở Fatima, cha đã xem mình là “giám mục áo trắng,” dùng những lời của xơ Lucia trong Bí mật Thứ ba của Fatima. Đến giờ, cách nói này được dùng cho Đức Gioan Phaolô II, với vụ ám sát đó, và cho các bậc tử đạo trong thế kỷ XX. Ngày nay, điều này có ý nghĩa gì?  

Cha không viết lời nguyện đó, mà là do các linh mục ở Fatima. Có một mối liên hệ giữa giám mục áo trắng, Đức Mẹ mặc áo trắng, và chiếc áo trắng khoác trên những trẻ sơ sinh khi nhận phép rửa. Cha tin rằng, qua màu trắng, Giáo hội cố gắng thể hiện ý muốn hòa bình, trong trắng ngây thơ, không muốn gây chiến tranh với ai. Và Đức Ratzinger khi còn là Hồng y đã giải thích về Bí mật Thứ ba này rất rõ ràng rồi.

Ngày 13-5 là một ngày đặc biệt với cha, bởi vào năm 1992, cha đã được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá Buenos Aires. Cha liên hệ sự kiện này với Fatima như thế nào? Cha có suy nghĩ gì về những ngày này không. 

Cha đã không nghĩ gì về chuyện tình cờ này. Hôm qua, khi đang cầu nguyện với Đức Mẹ, cha mới nhớ ra là 25 năm trước, vào ngày 13-5, cha nhận được cuộc gọi từ sứ thần tòa thánh thông báo cha được tấn phong làm giám mục. Cha đã xin Đức Mẹ tha thứ cho cha vì lỗi không nhận ra, và cũng cho những lỗi lầm khi chọn người…

Cộng đoàn San Pius X rất sùng kính Đức Mẹ Fatima. Đã có tin là sắp có một thỏa thuận chung, và mọi người kỳ vọng nó sẽ đến ngay trong dịp này. Sẽ có thỏa thuận này chứ, và cha thấy sự hòa giải này có ý nghĩa thế nào? Nó có kiểu chủ nghĩa chiến thắng không? 

Cha tránh mọi kiểu chủ nghĩa chiến thắng. Vài ngày trước, hội đồng Feria IV của Thánh bộ Giáo lý Đức tin đã nghiên cứu một văn kiện, và cha vẫn chưa đọc văn kiện đó. Mối quan hệ hiện giờ rât thân ái, năm ngoái cha đã cho mọi linh mục được giải tội cho các vấn đề hôn phối. Cha có mối quan hệ tốt với Giám mục Fellay, cha đã nói chuyện với ngài ấy vài lần rồi. Cha không thích những chuyện gấp gáp, cha muốn đồng hành và bước đi, rồi chúng ta sẽ thấy. Với cha, đây không phải là chuyện thắng thua, mà là chuyện anh em một nhà tìm đến với nhau.

Những người Tin Lành và Công giáo có thể bước chung một con đường? Họ có thể tham dự Phép Thánh Thể được không? 

Đang có những bước tiến lớn. Chuyến đi Thụy Điển có vai trò rất quan trọng. Giúp sự đại kết tiến tới, cùng nhau, trong lời cầu nguyện, trong tình tử đạo, trong những việc làm vì đức mến và lòng thương xót. Và các tổ chức Caritas của Công giáo và Tin Lành đã có thỏa thuận làm việc chung. Thiên Chúa là Đấng đầy kinh ngạc, chúng ta không được dừng lại, phải cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau làm việc vì lòng thương xót, xác tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất và ơn cứu độ chỉ có nơi Ngài. Các thần học gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, chúng ta sẽ vận động và tiến tới.

Ở Fatima, cha đã thấy một chứng tá lớn của đức tin bình dân, cũng giống như ở Medjugorje. Cha nghĩ gì về những lần hiện ra và về lòng nhiệt thành sống đạo phát xuất từ đó, khi cha quyết định chỉ định một giám mục ủy quyền lo về các khía cạnh mục vụ của những sự kiện này? 

Mọi lần hiện ra hay được cho là hiện ra, thuộc về cảm thức riêng, không phải thuộc huấn quyền chung. Về Medjugorje, Đức Bênêđictô XVI đã lập một ủy ban do Hồng y Ruini chủ trì. Cha đã nhận được kết quả, ủy ban này có các thần học gia, giám mục và hồng y giỏi. Báo cáo của ủy ban rất tốt. Trong Thánh bộ Giáo lý Đức tin có một số hoài nghi, và Thánh bộ nghĩ nên gởi cho hội đồng Feria IV (hội nghị hàng tháng của Thánh bộ) những ý kiến, văn bản đối lập với báo của của Hồng y Ruini. Cha đã nhận được thông báo vào tối muộn ngày thứ Bảy.  Sáng Chúa nhật, cha đã gởi thư cho Trưởng Thánh bộ yêu cầu thay vì đưa những quan điểm đối lập đến hội đồng Feria IV, họ nên gởi thẳng cho cha. Những ý kiến này đã được nghiên cứu kỹ, và cha muốn xem xét kỹ lại tất cả chúng. Báo cáo của Hồng y Ruini cho biết những lần hiện ra đầu tiên khi các thì nhân còn trẻ, phải tách riêng khỏi những lần hiện ra sau này, và nói rằng phải điều tra dựa trên những lần đầu tiên này. Báo cáo cũng đưa ra những hoài nghi về những thị kiến đang diễn ra. Riêng cha thì trung dung hơn. Cha thích nghĩ Đức Mẹ như tổng đài điện tín, gởi đi thông điệp mỗi ngày. Những lần được cho là hiện ra này không có nhiều giá trị như thế. Cha nói từ quan điểm riêng của mình thôi. Có những người nghĩ rằng Đức Mẹ đang nói chuyện. Rồi một ngày nào đó cha sẽ gởi thông điệp cho những thị nhân đó. Và còn có những sự kiện thiêng liêng và mục vụ, những người trở lại đạo, những người gặp được Chúa, thay đổi đời sống. Và đây không phải là kiểu phép thần. Không thể bác bỏ chuyện này. Để xem xét chuyện này, cha đã bổ nhiệm một giám mục giỏi (giám mục Hoser), có kính nghiệm trong những vấn đề mục vụ. Và rồi chúng ta sẽ có kết quả thôi.

Các NGO giải cứu di dân trên biển, bị cáo buộc là đang thông đồng với bọn buôn người. Cha nghĩ sao? 

Cha đã đọc trên báo về chuyện này, nhưng cha vẫn chưa biết rõ chi tiết, nên không thể nói ra ý kiến được. Cha biết là có vấn đề và đang được điều tra. Cha hy vọng việc điều tra sẽ tốt đẹp và phơi bày được sự thật.

Marie Collins là thành viên cuối cùng trong Ủy ban Bảo vệ Trẻ em, đã từ chức với lời giải thích là bởi các viên chức Vatican không áp dụng những lời khuyên của ủy ban. Ai chịu trách nhiệm cho việc này? Và cha đang làm gì để thi thành đường hướng này? 

Cha đã nói chuyện với Marie Collins và bà giải thích với cha về tình hình, bà là người tốt. Bà sẽ tiếp tục làm việc với các linh mục để đào tạo về vấn đề này. Bà có lời cáo buộc này, và với vài lý do đúng là có những trường hợp bị trì hoãn. Trì hoãn là vì đang có quá nhiều việc. Lúc này, cần phải có một pháp chế, ngày nay hầu hết các giáo phận đều có một tiến trình chuẩn để làm theo, và các hồ sơ được xử lý tốt, thế là tiến bộ lớn. Cần có thêm người có khả năng theo sát việc này. Quốc vụ khanh và Hồng y Muller đang tìm thêm người. Có thay đổi vị trí giám đốc văn phòng kỷ luật của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, cha ấy rất giỏi nhưng hơi mệt mỏi, nên đã trở về quê hương và làm cùng công việc này ở đó. Giám đốc mới là giám mục Kennedy người Ireland, rất giỏi và hiệu quả. Rồi còn có vấn đề khác, đôi khi các giám mục gởi đến một vụ, và nếu nó phù hợp với tiến trình làm việc, thì sẽ được gởi thẳng đến hội đồng Feria IV, nếu không thì phải gởi trả lại, vì thế cha đang nghĩ đến lâọ các tòa án cấp lục địa để hỗ trợ. Khi Feria IV cách chức một linh mục về lại tình trạng giáo dân, mà linh mục đó kháng cáo, thì Feria IV cũng là người xem xét lại vụ đó. Cha đã lập một tòa án khác, với thẩm phán là Tổng Giám mục Scicluna của Malta, một trong những người cương quyết chống lại nạn lạm dụng tình dục. Nếu bản án đầu tiên được duyệt, nghĩa là vụ đó khép lại, linh mục đó chỉ có thể thỉnh cầu lên Đức Giáo hoàng. Và cha không bao giờ duyệt cho một ai như thế. Marie Collin nói đúng, nhưng chúng ta vẫn đang trên đường, có đến 2000 vụ đang chờ.

Ở nước Bồ Đào Nha Công giáo, đang chuẩn bị thông qua luật cho hôn nhân đồng tính, hủy bỏ luật cấm phá thai, và đồng ý cho trợ tử chủ động… 

Đây là vấn đề chính trị, và lương tâm Công giáo đôi khi không hoàn toàn thuộc về thẩm quyền Giáo hội. Sau chuyện này là sự thiếu sót giáo lý căn bản. Ví dụ như có những vùng ở Ý và Châu Mỹ La tinh, có nhiều người Công giáo nhưng đồng thời lại rất bài giáo sỹ. Cha lo lắng, nhưng cha bảo các linh mục rằng chính chủ nghĩa giáo quyền đã đẩy mọi người ra xa. Chủ nghĩa giáo quyền là một dịch bệnh đối với Giáo hội.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch