Bảy giấc mơ của Đức Phanxicô

314

pelerin.com, Philippe Demenet, số báo đặc biệt tháng 10-2016

Lạ lùng! Qua cử chỉ cũng như lời nói của mình, không một dự định nào trước, Đức Phanxicô đã không ngừng thách thức, mời gọi chúng ta phải đi ra khỏi con người mình, cho người khác thấy niềm vui của mình, mở lòng, mở bàn tay ra, liên tục đối thoại và ngay cả… làm thế giới thay đổi! Đâu là các giấc mơ của ngài cho Giáo hội, cho người tin lẫn người không tin, cho tất cả những ai có thiện tâm? Chúng tôi chọn bảy giấc mơ như bảy hòn sỏi nhỏ mở ra con đường hy vọng.

Các lời tuyên bố đầu tiên, các cử chỉ đầu tiên của ngài làm nhiều người bỡ ngỡ. Ngày 13 tháng 3-2013, từ ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, khách lạ đến từ Argentina, giáo hoàng đầu tiên không phải là người Âu châu, giáo hoàng đầu tiên Dòng Tên nghiêng mình chào và xin giáo dân cầu nguyện cho mình. Với tất cả sự tự nhiên, ngài trả tiền khách sạn nơi ngài ở trong thời gian mật nghị, sau đó ngài về ở Nhà Thánh Mácta thay vì ở Dinh Tông Tòa rộng mênh mông. Ngày hôm sau ngài đến Đền thờ Đức Bà Cả, quỳ trước tượng Đức Mẹ Bảo vệ dân La Mã và ngài sờ vào tượng như cách của giáo dân hành hương quê hương của ngài hay làm. Ngày chúa nhật kế tiếp, ngài dâng thánh lễ 10 giờ sáng ở giáo xứ Thánh Annà trong khu vực Borgo Pio, ngài giảng về lòng thương xót: “Sứ điệp của Chúa Giêsu là thương xót. Theo tôi, và tôi nói với hết cả tấm lòng khiêm tốn, đó là sứ điệp mạnh nhất của Chúa.” Vài phút sau, trong giờ Kinh Truyền Tin, từ cửa sổ của Dinh Tông Tòa mà từ nay bỏ trống, ngài cảm thấy cần phải lặp lại: “Gương mặt của Chúa là gương mặt của Người Cha thương xót, Đấng luôn kiên nhẫn.”

Phải nghĩ gì về những lời, những cử chỉ lạ lùng này? Ngày 7 tháng 3-2013, sáu ngày trước ngày bầu chọn, Jorge Mario Bergoglio, Hồng y giáo phận Buenos Aires, thủ đô Argentina đã không trình bày một “chương trình”  nào. Trong ba phút, cha đề cao việc “vui vẻ loan báo tình yêu và lòng thương xót Chúa”, ngài trình bày với các hồng y trong tư cách người mục tử, chứ không trong tư cách người quản trị đặt lại thứ trật giáo triều như nhiều người mong muốn. Như thế là không có “chương trình” trước. Nhưng khi thực hiện vài bước đầu tiên của mình, Đức Phanxicô đã gieo các hòn sỏi trắng, nhỏ sẽ hướng dẫn suốt triều giáo hoàng của mình trong đường hướng được nuôi dưỡng bởi Công đồng Vatican II.

Vì thế khi nhìn Đức Phanxicô “sờ” tượng Đức Mẹ Bảo vệ dân La Mã, các người thân cận với ngài như linh mục Dòng Tên Juar Carlos Scannone, cựu giáo sư chủng viện của ngài đã không ngạc nhiên: cả đời của ngài, Jorge Mario Bergoglio tôn trọng lòng tin sốt sắng của những người bình thường, lòng mộ đạo bình dân mà đối với ngài là nguồn của một thần học nhạy cảm, một sự “hiểu biết có được bởi tình yêu”, xác thực hơn sự tôn kính của những nhà thông thái. Trong quyển nhật tụng của ngài, ngài còn giữ bức thư bà nội viết cho ngài trong ngày ngài chịu chức đó sao? Bà viết cho các cháu của mình: “… Các con nhớ, một tiếng thở dài trước nhà tạm, nơi có người tử đạo lớn nhất và tôn nghiêm nhất và một ánh nhìn hướng về Mẹ Maria ở dưới chân thập giá, có thể mang đến niềm an ủi cho những vết thương sâu đậm nhất, đau đớn nhất.”

Vì thế ngài đã đặt những hòn sỏi trắng, nhỏ trên những ngày đầu tiên của mình: từ chối “đóng kín” trong các căn hộ của Dinh Tông Tòa, ngài đánh dấu sự quyết tâm “đi ra khỏi con người mình, các xác quyết riêng bất di bất dịch”. Ngài mở các cánh cửa của một Giáo hội đôi khi quá tự tập trung vào chính mình. Và rồi từ ban-công, ngài xin giáo dân cầu nguyện cho mình, ngài cũng thú nhận mình là kẻ có tội, người yếu đuối giữa các người yếu đuối, ngài dám thú nhận sự xấu hổ của mình để mở lòng ra hơn với sự dịu dàng của Chúa. Ngài lặp lại hai lần trong bài giảng ngày chúa nhật đầu tiên triều giáo hoàng của mình, ngài mong muốn có một Giáo hội thương cảm, không lên án ai, nhưng đón nhận như Chúa đón nhận trong lòng thương xót của Ngài, như nhà Vatican học Andrea Tornielli sau này đã viết trong quyển sách “Giáo hoàng của người nghèo”, như thế ngài đã đưa ra “thông điệp đầu tiên chưa thành văn” của mình.

Ba ngày sau khi bầu chọn, lần đầu tiên Đức Giáo hoàng gặp đại diện giới truyền thông. Thêm một lần nữa, ngài làm họ chưng hửng vì tính đơn sơ và chiều sâu của mình. Vì sao ngài chọn tên Phanxicô? Ngài trả lời theo kiểu nói chuyện: “Đối với tôi, Thánh Phanxicô là con người của tinh thần khó nghèo, của hòa bình, người yêu và bảo vệ Tạo dựng; ngày nay chúng ta có một quan hệ với Tạo dựng không được tốt phải không? Đây là con người cho chúng ta tinh thần hòa bình này, con người khó nghèo… A, tôi muốn một Giáo hội nghèo cho người nghèo!” Trong thời nước Argentina bị khủng hoảng, Jorge Mario Bergoglio đã có những bữa cháo bình dân, đã dâng rất nhiều thánh lễ ở các khu vực nghèo, nơi những người khốn cùng đến nhặt giấy vụn để về bán lại, đã không ngần ngại quở mắng tổng thống vì chủ trương tự do quá đáng và chế độ tham nhũng của ông. Ngài gởi các linh mục đến các thành phố ổ chuột, các khu phố nghèo, ngài nâng đỡ một tổ chức chống nạn nô lệ. Được bầu chọn lên ngôi Thánh Phêrô khi đã 76 tuổi, trong túi Đức Phanxicô có đầy các hòn sỏi trắng, nhỏ ngài nhặt đây đó trong suốt đời mình.

Đây có phải là hoa trái của kinh nghiệm này không? Không một giáo hoàng nào có lời nói cứng rắn với thế giới chúng ta, một thế giới bị chủ nghĩa cá nhân trấn áp, bị “ám ảnh phải tiêu thụ” , vướng vào “văn hóa chủ trương phế thải”, một thế giới với các đường lối chính trị ngắn hạn, các lợi nhuận không giới hạn, một toàn cầu hóa san bằng các văn hóa và làm lợi cho các bất bình đẳng, báo hiệu cho một sự nổ bùng mà ngài cho là khó tránh được, nếu chúng ta không làm gì để bảo vệ “Đất Mẹ” và các người dân nghèo nhất. Dù vậy, ngài vẫn tin một khả thể thay đổi được thế giới chúng ta. Ngài viết trong Thông điệp Chúc tụng Chúa: “Con người có khả năng hủy hoại đến cực kỳ và cũng có khả năng vượt lên, chọn lựa lại điều tốt và tái phục hồi lại.” Sự vui vẻ tin tưởng trong sự Sống Lại, niềm vui của người tín hữu, ngài tỏa niềm vui đó ra nơi chính mình và ngài không ngừng mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui đó. Theo nhà Vatican học Jean-Louis de La Vaissière trong quyển sách “Phanxicô, một chiến đấu cho niềm vui” thì Đức Phanxicô đề nghị một “trị liệu theo kiểu “bergoglio” đích thực, không mù quáng trước các thách thức phải vực lên, trước các khó khăn khi loan truyền sứ điệp của Chúa Kitô trong xã hội “cá nhân” của chúng ta. Ký giả viết: “Thế giới hiện đại cảm thấy cần được nâng đỡ, cần tìm lại lòng tin tưởng, cần hy vọng trong niềm vui và Jorge Mario Bergoglio muốn đem lại lòng tin tưởng này vào trọng tâm các thách thức hiện nay, mà chủ thuyết xiníc và siêu tự do đặt ra. Đối với ngài, đó là hình ảnh lân tuất của Chúa Giêsu…” Ông viết thêm: “Nơi Đức Phanxicô có một lòng từ tâm cho tất cả các chuyện mang lại niềm vui, ánh sáng, sự dịu dàng và quan hệ.” Ký giả La Vaissière là phóng viên của hãng AFP ở Rôma, người đi theo Đức Phanxicô từ khi ngài được bầu chọn cho đến cuối năm 2016.

Sức mạnh này đến từ đâu? Ở đâu ngài có khả năng diệu kỳ này, kinh ngạc trước cái nhìn của Chúa trên mỗi người chúng ta, “sững sờ” cảm nhận mình được yêu, được tha thứ bởi Đấng không mệt mỏi chờ chúng ta? Câu “Đấng không mệt mỏi chờ chúng ta” là câu ngài lặp đi lặp lại hoài. Jorge Mario Bergoglio trả lời cho chúng ta câu hỏi này trong quyển sách “Dưới đất cũng như trên trời”, một quyển sách dưới dạng đối thoại với giáo sĩ Abraham Skorka, bạn của ngài: “Kinh nghiệm thiêng liêng trong sự gặp gỡ với Chúa mình không nắm được. Mình cảm nhận Chúa ở đó, mình xác tin như vậy, nhưng không kiểm soát được.” Lần đầu tiên ngài có cảm nhận này khi ngài chưa được 17 tuổi. Ngài định đến nhà bạn bè để “mừng mùa xuân”, nhưng vì một lý do không giải thích được, ngài ngừng ở nhà thờ San José de Flores, Buenos Aires để xưng tội với một linh mục mà ngài không quen biết. “Tôi không biết chuyện gì xảy ra… nhưng sự thật là có một người đã chờ tôi rất lâu.” Ngày 21 tháng 9 năm 1953, ngày lễ Thánh Máthêu, ngài nghe tiếng gọi để trở thành linh mục, nhưng nhất là, ngài ngạc nhiên thấy mình “được chọn vì lòng thương xót của Chúa”, ngài thố lộ với ký giả Andrea Tornielli trong quyển sách “Danh Ngài là thương xót” như trên. Lúc đó ngài cảm thấy “mình xấu hổ với chính mình, với tội lỗi của mình”, nhưng cũng ngạc nhiên vì mình được chọn. Chúa Giêsu nhìn ngài “miserando atque eligando”, vừa thương xót ngài và vừa chọn ngài. Câu khẩu hiệu bằng tiếng la tinh, cảm hứng từ bài giảng của Thánh Bède Đáng kính chú giải ơn gọi của Thánh Máthêu đã trở thành câu khẩu hiệu giám mục của ngài.

Đối với Đức Phanxicô, “thực tế thì cao hơn ý tưởng”. Kinh nghiệm của giác quan chứng thực cho suy tư. Lời nói của ngài đôi khi được tô điểm thêm bằng các thành ngữ mặn mà, kèm theo các cử chỉ bất ngờ làm khẳng định thêm cho nội dung. Khi ngài ôm một người khuyết tật, khi ngài rửa chân, khi ngài nghiêng mình trước bức tường cao tám mét ngăn vùng đất Palestina, khi ngài  chọn đảo Lampedusa của Ý để đi chuyến tông du đầu tiên, linh mục Juan Carlos Scannone cho biết: “Giáo dân nhận ra ngay có một cái gì mang tính phúc âm, còn hơn là khi họ nghe giảng”, thậm chí linh mục còn so sánh “các cử chỉ của ngài là thần học thể hiện”.

Đôi khi các người thân cận Đức Giáo hoàng lại là những người cuối cùng biết các sáng kiến của ngài, là vì chính ngài cũng không nói cho họ biết trước. Trong một lần suy niệm buổi sáng ở Nhà nguyện Thánh Mácta, Đức Phanxicô khuyên các tín hữu: “Đừng lên chương trình cho tất cả công việc của anh chị em, có nghĩa là phải phục vụ, phải sẵn sàng cho những chuyện bất ngờ.” Là đồ đệ theo sát Thánh I-Nhã, Jorge Mario Bergoglio là người chờ lúc “thuận lợi”. Ngài cẩn thận với cảm nhận đầu tiên của mình. Ngài tham khảo, lắng nghe, có nhiều chuyến thăm bất ngờ, điện thoại mừng sinh nhật, nói với đám đông, thảo luận, ôm hôn… Ngắn gọn, ngài cần “cảm nhận và nếm” trước khi quyết định.  Theo giáo sư Scannone ở chủng viện của ngài: “Đối với ngài, lý tính không phải là lý do hợp lý theo thuyết Đề-cát, nhưng là lý tính của quả tim theo triết gia Pascal, lý của quả tim, lý của các xúc động sâu xa”. Cũng theo giáo sư Scannone, dù đó là cải cách Giáo triều, là tổ chức Thượng hội đồng gia đình, là Năm Thánh lòng thương xót, ngài đi tới đàng trước theo sự nhạy bén, đánh hơi sự việc”. Quyết định đúng của ngài dựa trên ”phân định”, nói cách khác, dựa trên ý Chúa, được kiểm nhận cuối cùng bằng niềm vui và bằng bình an nội tâm. Thực tế có phải là cao hơn ý tưởng không?

Làm thế nào ngài quyết định từ lương tâm mình, từ tâm hồn mình “Năm Thánh lòng thương xót này”? Đức Phanxicô đã trả lời với ký giả Andréa Tornielli: “Tôi nghĩ quyết định này đến từ lời cầu nguyện và tôi nghĩ đến sự giảng dạy và các chứng từ của các giáo hoàng đi trước tôi, và tôi ý thức Giáo hội như một bệnh viện làng quê, nơi các vết thương nặng nhất phải được săn sóc trước nhất. Một Giáo hội sưởi ấm tâm hồn của giáo dân qua sự chú tâm và gần gũi của mình.” Như ông Andréa Riccardi, người thân cận với Đức Phanxicô, nhà sáng lập Cộng đoàn Sant’Egidio đã viết trong quyển sách “Hiểu Đức Phanxicô”: “Dù Đức Phanxicô không phải là người soạn thảo lên các chương trình, nhưng tân giáo hoàng cho thấy ngài có một giấc mơ cho Giáo hội”. Năm Thánh là để cho Giáo hội nhưng cũng để cho những người tin và những người không tin, cho thế giới và cho toàn nhân loại… Đó là một trong các hòn sỏi trắng ngài gieo không mệt mỏi, cũng như các lời ước nguyện, các mệnh lệnh phải hành động.

Chụp hình với các bạn trẻ ở giáo phận Ý “Piacenza-Bobbio (Vatican, 28 tháng 8-2013).

Marta An Nguyễn chuyển dịch