Đức Phanxicô đứng trước các kẻ thù của ngài

680

la-croix.com, Nicolas Senèze, 2017-02-09

Ba tác phẩm vừa làm sáng tỏ các chống đối mãnh liệt mà Đức Giáo hoàng phải đối phó trong hành động của ngài.

Giáo hoàng này làm phiền quá (Ce pape qui dérange, Virginie Riva, Nhà xuất bản Atelier)

Phanxicô, một mình chống tất cả (François seul contre tous, Arnaud Bédat, nhà xuất bản Flammarion)

Phanxicô trong cơn bão (François dans la tempête, Jean-Louis de La Vaissière, nhà xuất bản Salvator)

Đêm thứ sáu rạng thứ bảy 4 tháng 2, các áp-phích chống Đức Phanxicô dán đầy ở trung tâm thành phố Rôma. Nữ ký giả Virginie Riva ghi nhận “đây là dấu hiệu cho thấy Đức Giáo hoàng làm phiền”, bà muốn ám chỉ đến tựa quyển sách của bà vừa xuất bản.

Với cách giải thích theo mô phạm, nữ phóng viên đài Âu châu 1 (Europe 1) ở Rôma đưa ra nhiều công trình, theo đó Đức Phanxicô bị tấn công từ khi ngài được bầu chọn năm 2013: gia đình và luân lý, tài chánh Vatican, kinh tế thế giới, đấu tranh chống nạn ấu dâm, vấn đề quản trị Giáo hội.

Bao nhiêu là hồ sơ Đức Giáo hoàng phải nắm, ngài phá vỡ nhiều thông lệ của Vatican và vì thế tạo ra sự không thấu hiểu và oán hận. Vì giáo hoàng tươi cười và trìu mến của công chúng lại cũng tỏ ra “độc tài, đanh thép, đôi khi làm tổn thương” và cũng cho thấy các “phương pháp giải quyết chóng vánh” trước những ai cự với ngài; ký giả Arnaud Bédat cho biết, ở Vatican, nơi “các nhân viên không còn được giao trách nhiệm, họ nhắc đi nhắc lại ý muốn báo thù của mình”.

Với một nghệ thuật kể chuyện hoàn hảo, tác giả Bédat mô tả nhiều thế lực mạnh trong Giáo hội đã tấn công Đức Phanxicô gần bốn năm qua, nhưng cũng cả những thế lực bên ngoài. Ký giả Thụy Sĩ Arnaud Bédat nhấn mạnh, đó có thể là những thế lực trong giới mafia hay tài chánh, có khi còn đe dọa đến cả tính mệnh của ngài, ký giả tiếp xúc cả trong giới bảo vệ Đức Giáo hoàng.

Còn về cựu ký giả ở Vatican của hãng tin AFP, ông Jean-Louis de La Vaissière , tác giả quyển Phanxicô trong cơn bão, thì “Đức Phanxicô không phải là người hiền lành nhu nhược, phát biểu những lời nói vô hại như người ta nghĩ. Mỗi ngày, ngài nổi giận với những người mà ngài ngăn trở tham vọng xấu xa của họ, vì các lời kêu gọi của ngài nói lên tính cách của một cha xứ trẻ của thành phố ổ chuột, một nghị sĩ ở nghị trường, một lãnh đạo cấp cao trong công ty đa quốc gia của mình.

Một vài người ngủ không yên và chuẩn bị tấn công chống kẻ phá đám: từ những người buôn bán vũ khí cho đến những người khai thác khoáng chất hiếm; từ các công ty vứt vật liệu phế thải nơi người nghèo đến những người cực kỳ tự do, mạnh mẽ bãi bỏ mọi quy định; từ những công ty bất động sản khai thác người nghèo đến những người bắt trẻ con, phụ nữ yếu thế làm việc.

Dĩ nhiên Đức Phanxicô thấy các điểm khác. Arnaud Bédat người am tường những năm tháng ở Buenos Aires của Đức Jorge Mario Bergoglio, ông cho thấy thế nào các tranh đấu ở Argentina của ngài thời đó bây giờ là đất mùn cho các đấu tranh hiện nay của ngài. Nhưng ông cũng nhấn mạnh, công việc kẻ thù của ngài bây giờ bắt đầu được tổ chức.

Ông viết: “Các người chống đối trong hàng ngủ tín hữu của ngài thì thiểu số, nhưng họ rất tích cực và không buông tay”, ông ghi lại các thống kê của nhà Vatican học Marco Politi người Ý: “20 % Giáo triều ủng hộ Bergoglio, 10 % hoàn toàn chống ngài, và 70 % còn lại là những người chính thống không đánh giá cao công việc của ngài, họ chờ giáo hoàng kế tiếp.”

Khi đọc ba tác phẩm này, vấn đề trong phần thứ hai của triều giáo hoàng sẽ là hình ảnh. Dưới khía cạnh này, các áp-phích chống ngài gần đây không phải là không quan trọng. Nữ ký giả Virginie Riva nhấn mạnh: “Sự cách biệt giữa hình ảnh Đức Phanxicô trên báo chí và thực tế của những cuộc tấn công ngài ở Ý là khá lớn. Khó mà tưởng tượng những gì người ta thì thầm khi đi lễ ra, trong các tòa đại sứ, ở dinh tông toà và ở các nơi thường trú ở Vatican.” Bây giờ ở thành phố Vĩnh cửu này, cuộc chiến thông tin này truyền đi trên thế giới, làm cho một số người công giáo lo lắng cho hành động của Đức Phanxicô.

Sau năm năm làm việc cho hãng tin AFP ở Rôma, ký giả Jean-Louis de La Vaissière bây giờ tiếp tục làm việc cho AFP ở Rennes. Sự thay đổi bối cảnh này làm cho ông thấy được “cơn giận”, “những lo lắng cố nén” của một “nhóm nhỏ tín hữu phương Tây”.

Ông ghi nhận: “Các cha xứ bỏ một phần thì giờ ra để giải thích và cố gắng giải quyết các lo lắng của họ, họ sợ mình bị bỏ rơi trong việc đấu tranh chống “chủ nghĩa khoan hòa” và sự “suy đồi”, họ cảm thấy mình ít được nâng đỡ hơn thời Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Đôi khi trong vài giới công giáo, tên Đức Phanxicô không được nhắc tới, một kiểu như khinh khi. Đôi khi ngài bị chỉ trích công khai như người gieo hoang mang. Một vài người im lặng, một vài người làm ra vẻ vâng lời.

Trước bối cảnh căng thẳng, nhất là ở Pháp, nơi các trang mạng xã hội chia phe, người theo, người không theo Đức Phanxicô, nhà cựu Vatican học ghi nhận có một sự “hiểu lầm rất lớn, nhiều ganh tị và nhiều bất mãn”.

Ông giải thích: “Đức Phanxicô là một ngôn sứ đích thực, ngài đặt hết tất cả sức lực của mình để thông tin, với một tài năng đáng kinh ngạc để mang sứ mệnh của phẩm giá và của hội nhập đến cho giáo dân. Trong khi đó, những trận chiến phía sau hậu trường là chung quanh các văn bản, các lời nói và chống lại hành động của ngài.”

Ở những dòng cuối, nữ ký giả Virginie Riva tự hỏi: “Liệu tinh thần của Đức Phanxicô có kéo dài sau triều giáo hoàng của ngài không? (…) Làm thế nào sự thay đổi này tiếp tục sau triều giáo hoàng của ngài? Đức Phanxicô vừa mừng sinh nhật 80 tuổi và cho đến thời điểm này, ngài chưa “hợp thức hóa” được sự thay đổi mà ngài đã thúc đẩy bằng cử chỉ, bằng biểu tượng mạnh mẽ, thời gian bây giờ lại là yếu tố quyết định.

Đức Phanxicô trong lần tiếp Giáo triều tháng 12 năm 2014

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch