Ăn trưa với Đức Giáo hoàng

361

Brian C. Stiller

Chắc chắn khi biết tôi đã được ngồi chung với giáo hoàng, thế nào người ta cũng hỏi rằng, ‘Mà ngài như thế nào?’

Đây là một vài lời nhận xét riêng của một người vừa được gặp giáo hoàng Phanxicô.

Đức Phanxicô ăn trưa với các linh mục

Ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên vẽ lên cách chúng ta nhìn nhận một người nào đó. Và đây, lần gặp thứ hai của tôi với Đức Giáo hoàng Phanxicô, một bữa ăn trưa trò chuyện trong gần 3 tiếng, đã cho tôi có những ấn tượng hoàn bị hơn.

Ngay từ đầu, nét dễ thương của ngài cho tất cả chúng tôi thấy thật dễ chịu. Khi chúng tôi đi từ sảnh đến phòng bàn chuyện, ngài đứng lại bên cửa để bật công tắc đèn. Tôi để ý thấy, ngài không mang giày của giáo hoàng mà thay vào đó là đôi giày cột dây. Bữa trưa, ăn ở phòng ăn tự phục vụ, không có bồi bàn tiếp nước, mà chính Đức Phanxicô phục vụ cho Geoff Tunnicliffe, tổng thư ký của Liên minh phái Phúc âm Toàn cầu WEA và tôi. Sự hiện diện của ngài đã xóa mờ đi vẻ hào nhoáng hay hình thức. Người ta phải tự nhắc nhở mình rằng, ngồi bên kia bàn ăn với nụ cười vui sướng, chính là một trong những người có ảnh hưởng nhất thế giới. Sự nổi tiếng đã bị xóa tan bởi tính bình dị ân cần của ngài. Ảnh hưởng của ngài có được là nhờ tình thương yêu ngài dành cho mọi người. Quyền lực của ngài hướng về người nghèo, những người bị chà đạp.

Tôi đã thấy được hai ơn trọng. Thứ nhất, là những bản năng và ơn mục vụ quá rõ ràng nơi ngài. Tôi đã hỏi, ‘Khi cha xuất hiện trên ban công ở quảng trường thánh Phêrô sau khi được bầu, cha có tính trước chuyện xin mọi người cầu nguyện cho mình rồi quỳ gối thinh lặng, hay không?’ Ngài cười lớn. ‘Không, lúc đó tôi thấy Thần Khí đã dẫn dắt tôi làm thế.’ Vậy nên tôi mới hỏi thêm, ‘Khi làm như vậy, cha cảm thấy thế nào?’ Ngài nhìn tôi và cười, ‘Tôi rất bình an.’

Chúng tôi nói về các Kitô hữu bị đẩy ra ngoài rìa xã hội, bị chèn ép bởi chính quyền chế độ hay do là nhóm thiểu số trong đa số dân theo những đức tin khác. Cha lắng nghe, và rồi kể lại một chuyện đáng nhớ rằng: Trong thời ngài thỉnh thoảng có ghé Roma, ngài đã kết bạn với một mục sư người Ý. Rồi đến một lúc, ngài nhận thấy vị mục sư này và giáo hội của ông đang cảm thấy quyền thế và sự hiện diện của Giáo hội Công giáo, với sức nặng của mình, đã chặn đứng khao khát lớn lên và làm chứng của họ. Vậy nên, ngài quyết định đến thăm giáo hội đó và xin lỗi vì những khó khăn đã gây nên cho giáo đoàn của họ.

Ơn mục vụ đầy yêu thương và đáng mến của ngài chính là ơn ngôn sứ, không phải đoán chuyện tương lai nhưng là nói ra những lời của Chúa.

Bữa ăn tối của chúng tôi diễn ra chỉ một ngày sau khi ngài tuyên bố lời luận tội gây sốc ở Calabria, Nam Ý, lên án mafia là ‘thờ ma quỷ,’ tuyên bố rằng tất cả người trong băng đảng bị cắt phép thông công khỏi Giáo hội Công giáo.  Tuyên bố động trời này chắc chắn sẽ khuấy động các cộng đồng nơi Giáo hội Công giáo và các băng đảng đã sống chung với nhau trong nhiều thế kỷ. Người ta đang thấy Đức Phanxicô còn hơn cả một linh mục mục tử nhân từ đến từ Nam Mỹ.

Những ngày sắp tới, chúng ta sẽ được nghe thấy sự kiên quyết của ngài muốn đưa hệ thống điều hành của Vatican vào tầm kiểm soát, thay thế lãnh đạo, làm sạch sẽ Ngân hàng Vatican, và nói về những vấn đề không thể nói ra trong chuyện xâm phạm tình dục. Nhãn quan ngôn sứ của ngài nhìn xuyên thấu những gì mơ hồ, và nghe xa hơn những gì quen thuộc, cắt vào cho lộ ra kiểu giả hình của thứ lòng đạo tự mãn.

Tôi biết một số người sẽ tự hỏi liệu chúng tôi có kém nhận thức, khi ăn tối với người đứng đầu một giáo hội bị nhiều người xem là dị giáo. Là một người theo phái Phúc âm, tôi thấy rõ ràng tầm quan trọng của Cuộc Kháng cách và vai trò của cộng đoàn chúng tôi trong việc tuyên xưng Tin Mừng. Tôi xem nhận thức Thánh Kinh của chúng tôi là thẩm quyền độc nhất và tối cùng của mình, là chức linh mục của tất cả mọi tín hữu, thời khắc ban sự sống của tái sinh và tự do cho các giáo hội và nhà truyền giáo, để được sinh ra dưới ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần. Không một ai thích vặn ngược kim đồng hồ. Và cũng không ai thích xây dựng một giáo hội hiệp nhất vốn không thể có và cũng không có lợi cho mình. Những dự định kiểu đó không cho chúng ta chu toàn lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong phúc âm thánh Gioan chương 17, là chúng ta được nên một trong Chúa Kitô.

Đó là lập luận của tôi chống lại những người không chịu kết bạn với giáo hoàng. Với những người phái Phúc âm và Tin Lành, dù theo phái nào, lớn hay nhỏ, thì đều có liên hệ với tình trạng của Giáo hội Công giáo La Mã. Trong số hơn 2 tỉ Kitô hữu, một nửa có liên hệ với Vatican. Khoảng 600 triệu theo phái Phúc âm và 550 triệu khác theo Hội đồng Giáo hội Thế giới (bao gồm cả Giáo hội Chính thống) Là một thân thể trải khắp toàn cầu, chúng ta được mời gọi có liên hệ với các cộng đoàn Kitô giáo lớn và các đức tin khác. Hội bàn với Roma, không phải là thỏa hiệp những kết ước giáo lý của chúng ta, nhưng là việc gặp gỡ giao tình với các lãnh đạo của các tôn giáo khác. Chúng ta làm điều này theo đường lối tự nhiên và hệ trọng trong ơn gọi của chúng ta. Ở những nơi người của phái Phúc âm bị đẩy ra ngoài rìa, thì những mối quan hệ như thế này cho chúng ta có thể nêu lên vấn đề và yêu cần một lời đáp, mà có thể chúng ta sẽ chẳng có được nếu không có liên hệ như thế.

Trong cộng đoàn đức tin toàn thế giới, công việc và vai trò của mỗi cộng đoàn Kitô hữu đều có giá trị. Hãy xem 50% những người tự nhận mình là Kitô hữu, đều có liên hệ gốc gác với Roma, khi vị thế tinh thần và đạo đức của Roma đã bị thu hẹp, cũng như bớt tầm ảnh hưởng lên toàn thể thế giới. Khi Roma mất đường hướng, khi các giao dịch tài chính của họ bị tham nhũng, khi các vụ tai tiếng tình dục làm yếu đi tầm ảnh hưởng về đạo đức, khi Roma mờ dần trong việc tuyên xưng mạnh mẽ bản chất đức tin, thì đó cũng là lúc tất cả chúng ta đều mất mát.

Thật công tâm khi hỏi xem liệu chúng ta, những người phái Phúc âm, muốn nhìn thấy một Giáo hội Công giáo như thế nào. Lúc ăn trưa với Đức Phanxicô, tôi đã hỏi xem lòng ngài dành cho phái Phúc âm ra làm sao. Ngài mỉm cười, biết ẩn ý sau câu hỏi này, và trả lời rằng, ‘Tôi không thích cải đạo người phái Phúc âm sang Công giáo. Tôi muốn người ta tìm Chúa Giêsu trong cộng đoàn của mình.  Có quá nhiều giáo lý mà chúng ta sẽ không bao giờ đồng thuận được. Hãy cứ biểu hiện tình yêu của Chúa Giêsu. Thế đi.’ (Tất nhiên thì, người phái Phúc âm đi phúc âm hóa cho người Công giáo, và ngược lại. Nhưng, chúng ta sẽ nói đến chuyện này sau.)

Chúng tôi còn nói về cách có thể tìm ra sự hiệp nhất và sức mạnh trong đa dạng. Mượn lời của thần học gia Tin Lành Oscar Cullman, chúng tôi suy tư làm sao để ‘sự đa dạng tương hợp’ cho phép chúng ta cùng chung nhau nhận thức về cách Chúa Kitô đem lại ơn cứu độ. Và rồi chúng tôi bàn đến các vấn đề toàn cầu như tự do tôn giáo và công lý, cũng như nhiều vấn đề khác đang day dứt trong lòng.

Chúng ta đang ở trong một cơn chấn động lớn về tôn giáo trên khắp toàn cầu. Trung Đông đang ở trên bờ vực nguy hiểm, một tình trạng mà chúng ta không biết được. Hồi giáo đang lên. Chứng tá Tin mừng đã lan tỏa nhiều ở vùng nam bán cầu. Vậy còn tương lai thì sao?

Một giáo hoàng mạnh mẽ, đầy khí lực, cứng rắn trong vai trò lãnh đạo đầy đạo đức, và trình độ trong việc coi sóc cộng đoàn toàn cầu của mình, đó là điều quan trọng thiết yếu.  Những gì ngài nói và làm có một tác động sâu sắc trên tất cả chúng ta.

Những người phái Phúc âm không cần phải giấu mình sau nỗi e ngại sợ phải chung tay cộng sức.  Chung sức làm việc vì những đau khổ của nhân loại và vì các vấn đề bất công, cùng với các Kitô hữu, những người theo một truyền thống khác biệt với cách đọc kinh thánh khác chúng ta, việc này không xâm hại bản chất và những gì chúng ta tin tưởng.

Làm việc trên tầm vóc thế giới, rõ ràng cần có sự tôn trọng đối với thông điệp đặc thù của phái Phúc âm chúng ta, cũng như chúng ta cần có trách nhiệm và ơn gọi đại diện cho cộng đoàn Kitô giáo của mình. Hợp tác quốc tế giữa các Kitô hữu được xây dựng trên sự tôn trọng đó.

Brian C. Stiller

Đại sứ Toàn cầu

Liên minh phái Phúc âm Toàn cầu

Tháng 7 2014

J.B. Thái Hòa chuyển dịch