theguardian.com, Ban biên tập, 01-01-2017
Thách thức hùng hồn của Đức Giáo hoàng đối với các thế lực tham lam, bất bình đẳng và phá hủy môi trường, bắt nguồn từ tinh thần bảo thủ sáng suốt của ngài.
Đức Phanxicô lãnh đạo một tổ chức đã từng đấu tranh chống lại nền dân chủ, tự do, bình đẳng, nam nữ bình quyền suốt gần 200 năm kể từ sau cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Thật là nghịch lý, khi ngay lúc này ở nhiều nơi, ngài lại được xem là chiến sĩ toàn cầu chiến đấu vì những vấn đề này vốn đang bị bức bách ở khắp mọi nơi. Chìa khóa để hiểu được mâu thuẫn này là chính Đức Giáo hoàng lại không phải là người tự do cấp tiến. Ngài là nhà bảo thủ nhưng không phải kiểu bảo thủ cực cùng, ngài nghi ngờ mọi dự tính lớn nhằm cải thiện con người, dù là theo kiểu xã hội chủ nghĩa hay tự do chủ nghĩa. Và như hầu hết 1,2 tỷ giáo dân của mình, ngài tin chuyện tội lỗi và ma quỷ. Nếu bảo thủ chẳng là gì ngoài việc tàn nhẫn giữ cho mình thế của kẻ mạnh trên kẻ yếu, thì thật đáng hoài nghi sâu sắc về khả năng tốt lành của con người, một niềm tin như Milton đã từng nói, chúng ta sẽ không bao giờ ngừng “nện búa từ các quả tim không biết cảm động của mình những hạt giống vung vãi của các đau khổ mới cho chính mình”. Đây không phải là toàn bộ sự thật, nhưng vào một thời mà trật tự thế giới dường như dựa trên lý trí tư lợi chìm đắm trong tham lam và giận dữ – kể cả “nạn dịch khủng bố” mà Đức Phanxicô đã kêu gọi mọi người hãy đương đầu với nó lúc Thỗ Nhĩ Kỳ vừa bị tấn công lần nữa – thì một chút hoài nghi nghiệt ngã của Milton là bổ ích; thậm chí, hầu như là đáng hy vọng.
Đối với Đức Giáo Hoàng, một trật tự thế giới dựa trên sự thỏa mãn vô giới hạn và các ước muốn cá nhân là chuyện không thể đạt được, và cố gắng để đạt được nó thì phá hoại thế giới xung quanh chúng ta, và phá hoại cả sự bình an của cõi nội tâm chúng ta. Như ngài đã viết trong Thông điệp Chúc tụng Chúa 18 tháng trước đây về môi trường: “Khi mọi người trở nên tự quy và tự khép kín, thì lòng tham của họ tăng lên. Tâm hồn của một người càng trống rỗng thì họ càng có nhu cầu mua sắm, sở hữu và tiêu thụ. Gần như họ không thể chấp nhận các giới hạn mà thực tế áp đặt.” Lời công kích này không giới hạn trong một thông điệp, nhưng là một trong các chủ đề quan trọng nhất của tất cả giáo huấn của Đức Phanxicô, gần đây nhất là trong bài giảng đầu năm mới của ngài: “Sự thiếu tiếp xúc về mặt cơ thể (không phải tiếp xúc ảo) sẽ làm chai cứng tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta mất khả năng trìu mến, kinh ngạc, trắc ẩn và thương xót. Nhưng chúng ta không phải là hàng hóa có thể hoán chuyển qua về hay chỉ là một loạt tiến trình thông tin. Chúng ta là con cái, chúng ta là gia đình, chúng ta là dân Chúa”.
Đây là sự phát triển của một dòng nhất quán phê phán Công giáo về thế giới kinh tế, ít nhất là từ thời Thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum) của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII năm 1891, và chắc chắn xuất phát từ gốc rễ nền văn minh phương Tây của Aristotle và Aquinas. Giáo huấn xã hội Công giáo có một quan điểm thống nhất về cách cá nhân hội nhập trong xã hội. Nó trực tiếp đề cập đến hai vấn đề lớn của thời đại chúng ta: nền kinh tế nên được tổ chức thế nào để có lợi cho tất cả mọi người, và xã hội chúng ta nên đối xử với môi trường tự nhiên như thế nào. Đức Phanxicô đã là người ủng hộ đáng kinh ngạc hùng hồn cho nhân quyền, cho môi trường, cho hòa bình và chống lại sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản. Ngài không dịu giọng. Trên thực tế, đôi khi ngài có vẻ như một nhà cách mạng thuần túy.
“Chúng ta cần phải căm phẫn trước các bất bình đẳng khổng lồ giữa chúng ta”, ngài viết trong thông điệp năm 2015 của mình. “Chúng ta không thấy có một số người đang bị sa lầy trong nghèo khổ mất phẩm giá và không có lối thoát, trong khi có những người không có lấy một khái niệm gì về những gì họ nên làm với tài sản của mình, họ kêu căng khoe khoang cái gọi là thượng đẳng của họ, và kéo theo là rất nhiều lãng phí. Và nếu đâu đâu cũng như thế, thì đấy chính là nguyên do hủy hoại thế giới… Chúng ta tiếp tục dung dưỡng cho việc một số người tự xem mình có nhân phẩm hơn những người khác.”
Với niềm đam mê có lẽ chỉ có thể có nơi một người Nam Mỹ, ngài ghét mô hình chủ nghĩa đại tư bản Mỹ do Tổng thống Ronald Reagan tạo ra: ngài hoàn toàn bác bỏ ý tưởng cho rằng chỉ có lòng tham được giới hạn, nhờ vận hành tư lợi thông qua thị trường sẽ làm cho thế giới công bằng hoặc tốt đẹp. Tinh thần công giáo của ngài gần như trái ngược với các dòng tư tưởng phổ biến của Kitô giáo phái phúc âm Mỹ trắng. Ngài dứt khoát phản đối nạn tra tấn, việc ngược đãi người tị nạn, thậm chí là cả án tử hình. Nhiều người Mỹ ủng hộ tra tấn như một công cụ của chính sách nhà nước đối với người dân ở Iraq, Sudan và Afghanistan. Với một loạt các cử chỉ dữ dội – thăm các trại tị nạn; đưa người tị nạn về Vatican; công khai rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo – Đức Phanxicô cho thấy mình muốn Giáo hội của mình cùng đứng chung với những người tị nạn và người di cư. Khi còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, ngài tới thăm các khu nhà ổ chuột và đi xe buýt để đến đó.
Đây là những cử chỉ hùng hồn của một ý định thâm sâu hơn nhiều. Chúng khiến ngài trở thành người chống lại phần lớn thế giới hiện đại và cả hai chế độ Mỹ và Nga. Nhưng các cử chỉ này cũng đã dấy lên sự phản đối gay gắt và được hỗ trợ nhiều trong chính Giáo hội của mình. Vatican là một tổ chức phản động (phản động nghĩa là chống lại dòng chảy lịch sử, chống lại sự vận động chứ không phải theo nghĩa mà nó thường bị gán cho ở Việt Nam) sâu sắc và có khi là cần thiết, nhưng một người bảo thủ thông minh như Đức Phanxicô biết khi thời thế đã thay đổi và khi phải thích nghi. Một phản động trộn lẫn hiện tại với vĩnh cửu, vì thế không thể chấp nhận bất kì một sự thay đổi nào.
Các kẻ thù xung quanh mình
Về lâu về dài các người phản động luôn bị thất bại. Thế giới thay đổi, và không thể nào chối bỏ sự thay đổi mãi được. Nhưng trong Giáo hội công giáo, họ có thể và đôi khi lại thành công để giữ địa vị của họ trong nhiều thế kỷ. Đây là tiến thoái lưỡng nan mà Đức Giáo hoàng phải đối diện khi ngài cố gắng giúp Giáo hội dàn xếp với chủ nghĩa nữ quyền. Giáo hội công giáo là một tổ chức vô cùng gia trưởng: không ai được gọi giáo hoàng là Đức Thánh Mẹ (mà Đức Thánh Cha); nhưng đồng thời Giáo hội lại phụ thuộc vào phụ nữ, những người nâng đỡ toàn bộ Giáo hội qua công việc và sự tận hiến của mình. Các nhân nhượng cho chủ nghĩa nữ quyền mà ngài đề xuất không đi xa như mong muốn. Ngài duy trì lệnh cấm các linh mục phụ nữ, và hoàn toàn chống việc phá thai – mặc dù bây giờ tất cả các linh mục có thể tha thứ cho phụ nữ khi họ đi xưng tội. Và ngài dứt khoát quyết định cho phép các giáo xứ chấp nhận một số cuộc hôn nhân lần hai cũng được xem như những hôn nhân thật sự.
Vì thế ngài bị những người phản động trong Giáo hội tố cáo là kẻ dị giáo, người cấp tiến phá hoại, người mà đường lối chính sách dẫn đến chia rẽ lịch sử và phá vỡ truyền thống. Đồng thời, ngài lại làm cho nhiều người cấp tiến thất vọng, những người đã hy vọng có một thay đổi thực chất về việc chấp nhận trọn vẹn người đồng tính và về vai trò của phụ nữ trong hàng giáo phẩm của Giáo hội.
Một chiến sĩ đấu tranh cho nhân loại
Thêm một lần nữa, cái có vẻ nghịch lý này bị xóa tan khi nhìn vào thực tế rằng đây là một người bảo thủ tin rằng tội lỗi có thể làm xói mòn, thoái hóa bất cứ điều gì, thậm chí, và có thể nhất là, giáo hội mà ngài lãnh đạo. Lề luật của Giáo hội và các quy tắc của nhà thờ có thể là những kế hoạch không thực tế cho tổ chức xã hội, và áp dụng giáo điều như thế cũng hủy hoại không kém gì những châm ngôn của Ayn Rand. Các kẻ thù phản động của ngài đã cầu nguyện và đã âm mưu tìm người kế nhiệm ngài, họ muốn có một giáo hoàng công bố “chuẩn mực đạo đức tuyệt đối, nghiêm cấm các hành vi xấu xa tự bản chất, và không có ngoại lệ” – một điều nghe có vẻ hợp lý cho đến khi bạn nhận ra đây không phải là lời tố cáo chiến tranh hay chế độ nô lệ, nhưng là lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tố cáo việc tránh thai.
Tuy nhiên, trong một thế giới đầy những thay đổi kinh hoàng, cấp tiến cũng như bảo thủ cần phải nhớ rằng, các tuyệt đối về mặt đạo đức vẫn tồn tại, có những sự dữ không thể thỏa hiệp. Và sự dữ thay hình đổi dạng. Cách đây một phần tư thế kỷ, chế độ Xô-viết đã sụp đổ. Những thái độ định hình Giáo hội hồi đó sẽ không còn hữu ích cho giáo hội lúc này. Nạn đói nghèo toàn cầu, tham lam toàn cầu, và tàn phá môi sinh là những gì đe dọa chúng ta hôm nay, và Đức Phanxicô là chiến sĩ của nhân loại chống lại các tệ nạn này.
Hình: Đức Phanxicô bắt tay giáo dân sau Kinh chiều ở Đền thờ Thánh Phêrô ngày 31 tháng 12-2016. Ảnh: Andrew Medichini / AP
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch