Linh mục Leonardo Boff nghĩ Đức Giáo hoàng sẽ cải cách vấn đề độc thân của linh mục

783

Linh mục Leonardo Boff là một trong các linh mục sáng lập thần học giải phóng

cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-12-27

Nhà thần học Ba Tây Leonardo Boff mong chờ các cựu linh mục đã lập gia đình sẽ được phục vụ lại trong công việc mục vụ. Cựu linh mục Dòng Phan Sinh phát biểu với nhật báo Đức Kölner Stadt-Anzeiger: “Các giám mục Ba Tây đã chính thức xin Đức Giáo hoàng xét lại chuyện này”.

Theo các tin tức từ giới thân cận Đức Phanxicô thì cựu linh mục Leonardo Boff tin rằng Đức Phanxicô sẽ trả lời tích cực cho lời xin này, ít nhất là với giai đoạn thử nghiệm ở Ba Tây. Biện pháp này nhằm đáp ứng cho nạn thiếu linh mục trên toàn thế giới. Trong cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 12, nhà thần học cho biết, “cùng lúc, đây là một xung động để Giáo hội bỏ đi gánh nặng bắt buộc độc thân”. Cha nhấn mạnh đến vấn đề thiếu linh mục, nhất là ở Ba Tây. Cha nhận xét, “không ngạc nhiên khi thấy tín hữu bỏ đi hàng loạt qua các giáo phái Phúc Âm và Hiện Xuống để bù đắp cho khoảng trống tháp tùng thiêng liêng này”.

“Đức Phanxicô là người của chúng tôi”

Cựu linh mục Dòng Phan Sinh thú nhận, sau khi từ bỏ chức linh mục năm 1992, cha vẫn tiếp tục làm mục vụ. Điều này với sự đồng ý rõ ràng của các giám mục ở đây. Cha nói: “Cho đến bây giờ, theo chỗ tôi biết, không bao giờ có giám mục nào cấm hay lên tiếng phản bác”. Theo cha Leonardo Boff, các giám chức còn bằng lòng và nói với tôi: “Giáo dân có quyền nhận Mình Thánh Chúa. Cha cứ tiếp tục âm thầm làm!”

Sự trở về của thần học giải phóng?

Theo linh mục Leonardo Boff, thần học giải phóng bị Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI lên án vì sự gần gũi với chủ nghĩa mác-xít, nhưng lại được Đức Giáo hoàng Argentina tái phục hồi. Linh mục Leonardo Boff khẳng định qua việc Đức Giáo hoàng muốn cứu tạo vật, “Đức Phanxicô là người của chúng tôi. Ngài làm cho thần học giải phóng thành một lợi ích chung của Giáo hội và muốn mở rộng vòng tay của mình”. Theo nhà thần học, trong khi thảo Thông điệp Chúc tụng Chúa, ngài đã xin linh mục gởi các bài viết của mình qua Vatican cho ngài. Theo một người thân của Đức Phanxicô, Đức Phanxicô dặn linh mục Boff không nên gởi qua ban quản trị Vatican, họ thường chận lại các sách “bị cấm” này, nhưng nên qua đại sứ Argentina ở Tòa Thánh.

Linh mục Boff cũng cho biết, Đức Phanxicô đã có các hành vi giải hòa với một vài thần học gia giải phóng khi họ đến Vatican gặp ngài. Cha cũng cho biết chính mình cũng được mời đến Vatican, nhưng giờ chót Đức Phanxicô không có thì giờ gặp vì có một chuyện khẩn cấp ở Thượng hội đồng Giám mục.

Hồng y Burke, “Donald Trump của Giáo hội”

Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Đức Kölner Stadt-Anzeiger, cha Leonardo Boff bảo vệ Đức Phanxicô để chống với “các làn gió thổi ngược” trong chính hàng ngũ của mình. Cha nói, theo tư cách đối nghịch của hồng y Mỹ Raymond Leo Burke, thì cha xem hồng y Burke là “Donald Trump của Giáo hội công giáo”. Cha mãnh liệt chỉ trích các ý định của người đứng đầu Hội đoàn Malta muốn “sửa sai” Đức Giáo hoàng trong một vài quan điểm giáo điều của ngài. Cha cho đây là thái độ “chưa từng có” trong lịch sử Giáo hội, một người dám “lăng nhục” Đức Giáo hoàng. Linh mục Leonardo Boff nhấn mạnh: “Không được lên án Đức Giáo hoàng, đó là luật của Giáo hội”.

Theo cha, ưu tiên hàng đầu của Đức Phanxicô không phải là chính Giáo hội, lại càng không phải là các chuyện nội bộ, nhưng là sự sống còn của nhân loại và tương lai của trái đất. “Cả hai đang gặp nguy hiểm và phải tự hỏi xem kitô giáo có góp phần của mình vào để vượt lên cơn khủng hoảng lớn lao đang đe dọa các nền tảng của nhân loại này không”.

Leonardo Boff

Leonardo Boff sinh năm 1938 là một trong các nhà sáng lập thần học giải phóng, một nền thần học ra đời trong những năm 1960 ở Châu Mỹ La Tinh. Trào lưu tư tưởng này chủ trương đặc biệt lo cho người nghèo.

Năm 1985, cha bị những người cầm quyền về giáo điều ở Vatican phạt vì sự gần gũi của thần học giải phóng với chủ nghĩa mác-xít. Bộ Tín lý thời đó do Đức Hồng y Joseph Ratzinger đứng đầu đã truyền đạt cha phải  “im lặng và vâng lời”, cấm cha không được giảng và dạy học. Năm 1992, sau các vụ “không vâng lời” và sau các tấn công lập đi lập lại chống Đức Gioan-Phaolô II, cha rời chức thánh cũng như ra khỏi Dòng Phan Sinh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch