Trong cõi riêng tư của một nguyên thủ Quốc gia

485

La Vie hors-série, 2-2014, Jean Mercier

Một ngày trong đời của nguyên thủ Quốc gia nhỏ nhất thế giới như thế nào? Điều tra trong hành lang của Vatican

Không có gì qua mắt được giáo hoàng. Ngài để mắt khắp nơi. Nhưng chính trong cô tịch mà ngài thanh lọc đâu là sự thúc đẩy của Thiên Chúa, đâu là do… quỷ thúc đẩy.

Ngay từ lúc được bầu chọn, ngài đã dứt khoát mình là người tự do, có nghĩa là ngài sẽ không để mình khép kín trong guồng máy Vatican, một guồng máy được thừa hưởng từ các vị tiền nhiệm. Đảo ngược các thói quen tê cứng, ngài áp đặt luật lệ của mình, thiện hướng phát đi từ khát vọng gặp gỡ người này người kia và tính đơn sơ của mình, trung thành giữ đức tu luyện khổ hạnh của Dòng Tên nên đã tạo cho ngài một cột sống thiêng liêng vững chải. Và thế là đô thị Vatican sống theo nhịp của Phanxicô. Cuộc sống hàng ngày của ngài như thế nào? Thời khóa biểu, nhịp làm việc, cách điều hành… Câu chuyện một ngày tiêu biểu của Jorge Mario Bergoglio.

 4h30, người cầu nguyện thức dậy

Màn đêm vẫn còn bao phủ Vatican, đêm tĩnh mịch vừa bị tiếng còi hụ của xe cảnh sát vọng từ bờ sông Tibre gần đó tạm thời làm xáo động. Trong bóng đêm dày đặc của Đền Thờ Thánh Phêrô, một ánh đèn vừa bật lên trên một trong các cửa sổ trên bức tường khô cứng của Nhà trọ Thánh Mácta, ngôi nhà trọ ở gần tường phía Nam của Quốc gia nhỏ nhất thế giới. Mỗi ngày, từ 60 năm nay, Jorge Mario Bergoglio thức dậy rất sớm. Không có chuyện ngủ nướng. Ồ, còn cơn đau thần kinh tọa? – cơn đau lan xuống chân… nhưng ông cụ người Argentina 77 tuổi ra khỏi giường, đi vào phòng tắm. «Một đức tính khổ hạnh đối với chúng ta như một hành vi anh hùng, nhưng đối với ngài, đó là một bản chất thứ nhì. Bergoglio tự đặt cho mình một kỹ luật sắt, cọng thêm một tinh thần thép. Đó là một chiến sĩ của Chúa, một tu sĩ theo kiểu xưa», một người bạn thân của ngài giải thích. Ngài đã xong phần vệ sinh buổi sáng. Không bao giờ người ta thấy ngài coi thường dáng vẻ bên ngoài. Sau đó, trong vòng hai giờ, Đức Phanxicô đắm mình trong suy niệm ở văn phòng của ngài, một căn phòng ở bên cạnh, nơi ngài đã chọn làm nơi thường trú của mình sau khi được bầu chọn. Cầu nguyện là cuống rún nối ngài với Thiên Chúa. Ngài đọc sách nhật tụng và suy niệm các bài trong phần phụng vụ của ngày hôm đó giống như tất cả các linh mục trên toàn cầu.

Chiến sĩ Phanxicô mặc đồng phục ra trận, nép mình theo truyền thống là áo chùng trắng, được giáo hoàng Piô V khởi đầu từ thế kỷ  XVI. Ngài mặc quần tây đen dài (hình như Đức Bênêđictô XVI thích mặc vớ dài vì truyền thống xưa cấm các tu sĩ mặc quần tây vì cho rằng quá thế tục). Ngài mang cây thánh giá do nghệ sĩ Antonio Vedele vẽ, tượng trưng cho Mục tử Kitô Nhân lành, vừa chăn một đàn chiên vừa vác một con trên lưng, một con chim bồ câu bay tượng trưng cho Thần Khí. Một cây thánh giá bằng sắt mà với 10 ơrô ai cũng có thể mua được ở các tiệm đầy dẫy trên đường ở Vatican, nếu muốn bắt chước giáo hoàng (điều mà một vài giám mục đã làm!). Để xong bộ giáp, ngài mang đôi giày đen, loại giày chỉnh hình vì hai bàn chân của ngài bị đau.

7 giờ, thánh lễ ở Nhà nguyện Thánh Mácta

Bốn buổi sáng mỗi tuần (thứ hai, ba, năm và sáu), có  khoảng sáu mươi người được ưu tiên tham dự thánh lễ ở nhà nguyện tầng một của Nhà trọ Thánh Mácta. Một giây phút dành cho những người được may mắn. Có đến 2000 người trên danh sách chờ! Đức Phanxicô sẵn sàng đồng tế với các hồng y hay giám mục có dịp ghé Rôma trước các tín hữu, trong số này có một vài nhân viên của Vatican. Và ngài giảng không cần giấy. «Tôi có hỏi vì sao ngài buộc phải giảng mỗi ngày, trong khi ngài có bao nhiêu việc phải làm, một trong các bạn của ngài kể. Ngài trả lời thẳng: ‘Bạn nghĩ sau khi suy niệm Phúc Âm hai tiếng đồng hồ, tôi có cái gì để nói với những người ở trước mặt tôi mà tôi không nói sao!’»

Các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta là những dịp để ngài giáng những cú không thể quên được để chống các chuyện trái tai gai mắt của hàng tu sĩ (các cha xứ «mặt buồn rười rượi»), và những câu gây sốc tạo tiếng vang ngay (thánh Phêrô có chương mục ngân hàng không ?»). Đức Phanxicô không muốn truyền hình trực tiếp thánh lễ buổi sáng này vì muốn giữ tính cách thân mật của nó. «Biết tính của mình, ngài cũng cẩn thận với những câu nói ngoài lề của mình, ngài muốn bài giảng được tổng hợp lại và đăng dưới dạng viết trên trang mạng của Radio Vatican», một người thân cận với ngài giải thích, ngầm cho biết có kiểm duyệt một chút!

Cuối thánh lễ, ngài ngồi thịnh lặng khá lâu, giây phút thông hiệp với Chúa. Sau đó, nơi sân trong của Nhà trọ Thánh Mácta là hiệu ứng Bergoglio. Ôm hôn, thúc nhau, giáo hoàng trở nên một người khác khi ngài chào các khách đến dự thánh lễ. «Rất lạ. Giáo hoàng có một gương mặt rất cục mịch khi ngài dâng thánh lễ. Nhưng một khi ra ngoài thì ngài toát ra một lòng chân tình thật nồng ấm. Đó là một con người khác», một giám chức sống ở Rôma cho biết. Theo một người thân cận khác, «giáo hoàng không cục mịch khi dâng thánh lễ, ngài chỉ rất tập trung và rất hướng nội.»

8 giờ sáng, giờ điểm tâm làm việc

Phòng ăn của Nhà trọ Thánh Mácta rất rộng. Đức Phanxicô bắt đầu ngày làm việc của mình với bữa ăn sáng chung với những người đang trọ ở đó. Ngôi nhà được xây năm 1996 để đón các giám chức làm việc ở Vatican và là nơi ở của các hồng y trong thời gian Mật nghị. Căn nhà giống một khách sạn ba sao kiểu vùng Địa Trung Hải, với đá hoa cương thẩm mỹ, nhiều ánh sáng và cây xanh ở quầy đón khách. Một khung cảnh trau chuốt kỹ lưỡng nhưng không sang trọng gì đối với người Ý. Cả ngày Đức Phanxicô làm việc ở đây, tiếp kiến, gặp gỡ ở phòng ăn cũng như ở văn phòng bên cạnh phòng ngài ở, trên một chiếc bàn chất đủ thứ tài liệu. «Đó là con người của làm việc!» một người thân cận nói. Người ta không thể nói tất cả những người làm việc ở đây đều làm việc như ngài. Hàng tuần các nhân viên làm việc hai buổi chiều và sáu buổi sáng. Có một ngày Đức Gioan XXIII đã hóm hỉnh trả lời khi có người hỏi có bao nhiêu người làm việc ở Vatican: «Thì ít nhất cũng có một nửa!» Trước đây, vào tháng 7, tháng 8, các giáo hoàng chạy trốn tháng nóng nảy ở Rôma để về Castel Gandolfo mát mẻ hơn. Nhưng, rụng rời thấy các vị quan chức thích hội hè nhàn hạ mùa hè, Đức Phanxicô từ chối không đi nghỉ hè, chuyện này cũng làm cho một vài người áy náy lương tâm.

«Ngài không bao giờ nghỉ hè, một người bạn kể. Ở Buenos Aires, các cộng sự viên thân cận nhất cố gắng thuyết phục ngài lấy vài ngày nghỉ ngơi. Ngài lắng nghe họ nói các lý lẽ dễ thương của ho, nghe xong, ngài chỉ cười và nói với họ: ‘các con thật dễ thương, nhưng xin các con để cha yên!’»

Điều làm cho ngài nổi giận là khi người ta nói với ngài chẳng có gì thay đổi được.

Đức Phanxicô đã áp đặt những phương pháp làm việc mới. Ngay từ khi mới đầu, ngài đã chỉ định rất rõ cho phủ Quốc Vụ Khanh, mà quyền lực trở nên tuyệt đối dười thời Đức Bênêđictô XVI, rằng phủ không bao giờ được ấn định lịch làm việc của ngài. Chính giáo hoàng sẽ quyết định ai là người mình sẽ tiếp, giờ nào mình sẽ làm. Ghi tất cả vào quyển sổ nhỏ, ngài tự lo lịch làm việc trong ngày của mình với sự trợ giúp của thư ký riêng của ngài, một linh mục người Maltais, cha Alfred Xuereb. Nếu ngài phải gặp một nguyên thủ Quốc gia hay một bậc đáng kính trong hàng tu sĩ, ngài sẽ đến nơi có «năm cửa» ở Dinh Giáo hoàng, một dinh thự cổ nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô nơi các giáo hoàng ở cho đến người cuối là Đức Bênêđictô XVI.

Không ở Dinh Giáo hoàng, Đức Phanxicô muốn làm gương cho các giám mục trên khắp thế giới bị cám dỗ vì vẻ bên ngoài hào nhoáng, họ đông hơn người ta nghĩ. Ngài thú nhận ngài sẽ bị suy thoái tinh thần nếu ở Dinh Giáo hoàng. Nhưng nhất là ở Nhà trọ Thánh Mácta, một nơi thoáng mở, gần mọi cửa thuận tiện trong vùng đấy Ý này. Từ một năm nay, các cận vệ Thụy sĩ thay phiên nhau gác ở đây, sự hiện diện của giáo hoàng là bắt buộc! Họ có vẻ như ít lỗi thời hơn nếu ở Dinh Giáo hoàng vì cũng như bộ y phục của họ, họ đã có mặt từ thời xưa cổ của thế kỷ thứ 16.

Tự do, Đức Phanxicô muốn giảm thiểu tối đa vòng «thân cận» của mình, cái vòng mà trong những năm vừa qua đã cho thấy như chết ngộp dưới thời của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, với Đức ông Georg Ganswein nhiều quyền, Ganswein vừa là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI vừa là Chủ tịch Phủ Giáo hoàng. Đức Phanxicô không có văn phòng bộ trưởng, kiểu một ê-kíp quản lý trong một cơ quan. Nhưng rõ rệt là ngài có một đội hình dưới hình thức một mạng lưới. «Qua các cuộc điện thoại, qua những trao đổi khi mới về, Đức Phanxicô giao tiếp và tham khảo rất nhiều… một trong những người thân của ngài cho biết. Ngài có tai mắt khắp nơi.» Sau khi nhận định, ngài quyết định một mình, một tu sĩ Dòng Tên chính hiệu đã quen thanh lọc các thúc đẩy nội tâm, xem điều gì là do Chúa thúc đẩy, điều gì do ma quỷ đẩy đưa, vì thế ngài không phức tạp trong cuộc sống. «Đức Phanxicô cai trị theo kiểu Dòng Tên, một tu sĩ Dòng Tên giải thích. Mọi tu sĩ Dòng Tên ở chức vị có quyền, họ tham khảo rất nhiều, nhưng cuối cùng, chỉ một mình họ là người quyết định tối thượng và hành động một mình. Không có một chút gì giống các dòng khác, những dòng này thường quyết định chung, trong một tu nghị dưới hình thức đồng ý hay bỏ phiếu lấy đa số».

Trên thực tế, có một số quyết định của ngài rất riêng tư. Trong lần phong hồng y đầu tiên của ngài, các đương sự không biết mình sẽ được phong nên đã tạo một sự cắt đứt với các thói quen cũ. Đức Phanxicô muốn cho mọi người biết chính tự ngài chọn lựa.

Đức giáo hoàng là người cương quyết và cải cách, ngài thường hay sốt ruột. «Điều duy nhất làm ngài giận là khi các người trong giáo triều nói với ngài: ‘Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng con thường hay làm như vậy, mình không thể thay đổi!’ một nhà phân tích giải thích. Nhưng thực tế, giáo hoàng thật sự không cần giáo triều. Ngài có thể cai quản với các guồng mà ngài đã thiết lập lên song song và ngài đặt tin tưởng nơi họ. Ngài ngắt mạch các trung gian của hệ thống thứ bậc La Mã làm cho hệ thống trở nên mất thăng bằng. Trước đây, người ta biết nhấn nút nào thì mình sẽ được điều mình muốn, nhưng bây giờ trung tâm đầu não này không còn quyền lực nữa.»

10h30, tiếp kiến chung

Tất cả các ngày thứ tư, giáo hoàng gặp các giáo hữu từ khắp nơi trên thế giới đổ về La Mã. Nhưng thường thường là giáo dân Ý. Ngài đi xe jeep mui trần trong tiếng hoan hô vỗ tay của giáo dân. Đức Phanxicô đã hoàn toàn đổi lại nguyên tắc của thói quen của các vị tiền nhiệm. Đức Bênêđictô XVI thường đọc một bài giáo lý dài còn Đức Phanxicô thì nói ngắn, ngài chỉ triển khai một hoặc hai ý. Ngài phát biểu trong hai thứ tiếng, Tây Ban Nha hoặc Ý, sẽ có thông dịch qua các thứ tiếng khác. Chính sau đó mọi sự mới bắt đầu. Đi xuống khỏi bục lễ đài, ngài đi theo kiểu đi của «Chúa Giêsu». Trong gần một tiếng rưỡi đồng hồ, ngài chào người khuyết tật, trẻ em và gia đình họ. Ngài cúi xuống từng người, ôm hôn họ trên hai má, bỏ thì giờ để nói chuyện với những người đi theo các người bệnh này. Ngài chào từng nhóm hành hương, nhóm người nhiệt thành sôi động từ Argentina đến, nhóm các cô dâu mới cưới trong bộ đầm trắng, hạnh phúc bên các ông chồng. Vị mục tử gần như không mệt mỏi. Nhờ vào trí nhớ phi thường của mình, ngài chinh phục lòng người, «một hồng y có dịp về Rôma, cha ra Quảng trường Thánh Phêrô dự buổi tiếp kiến để gặp Đức Phanxicô, một cách bất ngờ không hẹn trước. Đức Phanxicô thấy cha và la lên: ‘Sinh nhật 70 tuổi của anh cách đây ba ngày đúng không?’ Hồng y ngạc nhiên ngây người, vì cha không thâân với Đức giáo hoàng mà vì sao ngài lại nhớ sinh nhật và tuổi của mình. Đức giáo hoàng nói tiếp: ‘Đến gặp tôi nhé!’ Hồng y nghĩ đây chỉ là lời mời xã giao. Nhưng ngày hôm sau, điện thoại cầm tay của cha reo. Đức Phanxicô ở đầu giây bên kia và xin hẹp gặp cha. Quá đỗi ngạc nhiên!»

Ở Vatican, từ nay gặp Đức giáo hoàng dễ hơn

13 giờ, giờ ăn trưa

Trở về nhà ăn Thánh Mácta. Đây là giờ nghỉ nhưng Đức Phanxicô tiếp tục làm việc với ai đến gặp ngài. Thức ăn của ngài bình thường. «Giáo hoàng nhớ thịt bò bít-tếch thơm ngon của những con bò được nuôi ở đồng cỏ Argentina. Thịt bò ở Ý không ngon bằng», một người thân cho biết.

Ăn xong, ngài về phòng ngủ trưa khoảng nửa giờ để lấy sức. «Ngài cần ngủ trưa, một người bạn giải thích. Một hôm tôi thấy ngài kiệt sức, tôi nói ngài cần nghỉ ngơi. Ngài trả lời liền: ‘Con đừng lo. Cha không mệt, dạo gần đây cha thiếu ngủ trưa. Cha sẽ ngủ để lấy lại sức.’»

Sau đó là theo guồng nước cũ, các cuộc hẹn, cuộc sinh hoạt của một người thích tiếp xúc. Bây giờ người ta có thể đến gặp giáo hoàng dễ hơn, dưới thời Đức Joseph Ratzinger đó là chuyện không thể nghĩ tới được. Sự khó khăn này đã nuôi dưỡng một vài kiểu tham nhũng: vụ tai tiếng Vatileaks (rò rỉ các hồ sơ mật) bị bật mí năm 2012 cho biết một vài ân nhân triệu phú đã ký những chi phiếu khổng lồ cho Vatican để có được một buổi gặp với Đức Bênêđictô XVI mà ngài không biết gì hết. Một sai trệch mà bây giờ không thể xảy ra.

19 giờ, giờ chầu

Thì giờ qua như tên bay. Đức Phanxicô lại cầu nguyện. Ngài hướng về Đức Mẹ, cũng giống như Đức Gioan-Phaolô II, ngài có lòng kính mến Đức Mẹ đặc biệt. Sau đó ngài chầu thánh thể một giờ. Ngài thú nhận cứ ngồi chầu như thế, không có một hình thức đặc biệt nào khác.

22h30, tắt đèn

Sau một ngày làm việc, Đức Phanxicô về ăn tối ở Nhà trọ Thánh Mácta, ngài đi ngủ sớm để sáng mai dậy sớm lúc 4h 30 như thường lệ.

20 giờ, ngài vào phòng ăn, lúc nào cũng có người cùng đi ăn chung. Sau đó ngài về phòng. Đọc thư hay gọi cho những người đã viết thư cho mình. Có tin đồn bịa đặt về ‘sinh hoạt ban đêm’ của ngài. Vì ngài muốn có một Giáo hội «nghèo của người nghèo» nên một vài tin tức Ý nói ngài giả trang ban đêm để đi gặp những người vô gia cư, ngài đi theo cha tuyên úy Konrad Krajewski, cha Konrad là cha lo cho những người này, hai người đi phát thức ăn và mền chiếu cho họ. «Đúng là chuyện bịa đặt!» một người thân thiết với Đức Phanxicô cho biết. Nhưng cũng có lúc Đức Phanxicô âm thầm đến thăm bạn của ngài ở La Mã và về sớm như thường lệ để ngủ ở căn nhà Thánh Mácta dưới vòm thánh Phêrô! «Không bao giờ ngài đi ngủ trễ hơn 22h30», một người bạn cho biết. Trước khi đi ngủ, ngài không quên làm phút hồi tâm. Có lẽ để dâng lên ba chữ «cám ơn, tha thứ và xin vui lòng» theo truyền thống xưa cũ của con cái thánh Inhatiô.

Hình: Đức Phanxicô và linh mục Lombardi: Đức Phanxicô nói rất nhiều và đôi khi bị giới truyền thông truyền đi sai. Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Vatican phải đính chính lại.

Nguyễn Tùng Lâm dịch