Danh vọng và phù phiếm: Các tội của Giáo hội

434

Nguồn: Vatican Insider, Andrea Tornielli, Roma, 24-2-2012

Tổng Giám mục Buenos Aires, Jorge Mario Bergoglio, đã trả lời phỏng vấn báo Vatican Insider về Hội nghị các Hồng y và những lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI

Trong Hội nghị của các Hồng y gần đây (2-2012), giữa những tranh cãi về các tài liệu bị rò rỉ từ phủ Quốc vụ khanh Vatican, Đức Bênêđictô XVI đã mời các Hồng y nói về công cuộc tân-phúc-âm-hóa. Ngài nhắc nhở các Hồng y về tinh thần phục vụ và tầm quan trọng của lòng khiêm tốn. Tổng Giám mục Buenos Aires, Jorge Mario Bergoglio, tu sĩ Dòng Tên gốc Turin, là nhân vật xuất chúng trong Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh. Ở giáo phận Buenos Aires của ngài, Giáo hội đã đi ra các ngả đường, quảng trường và ga tàu để phúc-âm-hóa và cử hành các bí tích. Vatican Insider đã phỏng vấn ngài, muốn ngài bình luận về những thảo luận trong Hội nghị và về những lời của giáo hoàng.

Cha nghĩ gì về quyết định ban bố năm đức tin và quyết tâm tân phúc-âm-hóa của giáo hoàng?

“Đức Bênêđictô XVI đã kiên quyết nhấn mạnh, canh tân đức tin là việc ưu tiên hàng đầu và giải thích rằng đức tin là một ơn ban phải được trao truyền, phải được trao tặng cho người khác và được chia sẻ nhưng không. Đức tin không phải là một vật để sở hữu, đức tin là một sứ mạng. Sự ưu tiên hàng đầu này là để chúng ta ghi nhớ: qua Năm Đức tin, chúng ta nhớ về ơn ban mà chúng ta đã lãnh nhận. Và có ba cột trụ cho điều này, nhớ về việc mình đã được chọn, nhớ về lời hứa đã được ban cho chúng ta và nhớ về mối giao tình mà Thiên Chúa đã lập với chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để canh tân mối giao tình này, việc chúng ta đang ở trong cộng đoàn tín hữu của Thiên Chúa.”

Trong bối cảnh xã hội như Châu Mỹ La Tinh thì phúc-âm-hóa mang ý nghĩa như thế nào?

“Bối cảnh của chúng tôi đã được trình bày trong Hội nghị Giám mục Châu Mỹ La Tinh tổ chức lần thứ V tại Aparecida năm 2007. Đúc kết của hội nghị mời gọi chúng tôi gánh vác lấy sứ mạng mang tầm châu lục, nghĩa là toàn châu lục là một vùng truyền giáo. Các kế hoạch đã và đang được vạch ra, nhưng chiều kích nguyên mẫu vẫn là: tất cả mọi hoạt động bình thường của Giáo hội được thực hiện nhắm đến sứ mạng này. Hội nghị đã thấy sự căng thẳng rất dữ dội giữa vùng trung tâm và vùng ven, giữa giáo xứ và giáo khu. Chúng tôi cần phải ra khỏi bản thân và hướng đến các vùng ven. Chúng tôi cần tránh tâm trạng bệnh hoạn của một Giáo hội đóng kín trong thế giới riêng của mình, khi Giáo hội trở thành như thế thì nó đã mang bệnh. Sư thật là việc đi ra các ngã đường tiềm ẩn một rủi ro có thể xảy ra. Nhưng nếu Giáo hội cứ đóng kín cửa thì nó sẽ trở nên già cỗi. Và nếu tôi phải chọn giữa một Giáo hội mang thương tích để đi ra các ngả đường với một Giáo hội bệnh hoạn khép kín, thì chắc chắn tôi sẽ chọn cái đầu tiên.”

Cha đã có kinh nghiệm gì về chuyện này ở Argentina, và đặc biệt là ở Buenos Aires không?

“Chúng tôi tìm cách liên hệ với các gia đình không ở trong giáo xứ. Thay vì một Giáo hội chào mừng và đón nhận, chúng tôi cố gắng thành Giáo hội đi ra khỏi bản thân và đến với những người không tham dự vào đời sống giáo xứ, không biết nhiều về giáo xứ, lãnh đạm với Giáo hội. Chúng tôi tổ chức việc truyền giáo trên các quảng trường công cộng, nơi có nhiều người tụ tập, chúng tôi cầu nguyện, cử hành thánh lễ, làm phép rửa tội sau khi đã dọn lòng vắn tắt. Đây là phong cách của các giáo xứ và của giáo phận. Hơn nữa, chúng tôi cũng cố gắng vươn đến những người đang ở xa, bằng các kỹ thuật số, các trang mạng và các thông điệp ngắn gọn.

Trong bài giảng ở Hội nghị và bài giảng ngày chúa nhật 19 tháng 2, giáo hoàng đã nhấn mạnh một điều, chức Hồng y là một chức để phục vụ và Giáo hội không thể tự xây dựng trên bản thân mình được. Cha nghĩ gì về những lời này của Giáo hoàng Bênêđictô XVI?

“Tôi đã được đánh động bởi hình ảnh mà Giáo hoàng gợi lên, ngài nói về thánh Giacôbê và thánh Gioan và những căng thẳng giữa các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu về việc ai là người đứng đầu. Điều này cho chúng ta thấy đã có một thái độ và luận điệu nào đó ngay từ khi Giáo hội mới thành hình. Và đừng kinh ngạc vì điều đó. Chức Hồng y là chức vụ để phục vụ,  không phải là phần thưởng để khoe khoang. Thói phù phiếm, trưng diện, là thái độ biến những gì thiêng liêng thành trần tục, và là tội xấu nhất mà Giáo hội có thể mắc phải. Điều này đã được khẳng định trong các trang cuối của quyển Suy tư về Giáo hội (Méditation sur l’Église) của thần học gia Henri De Lubac. Sự trần tục tâm linh là hình thức của một loại chủ thuyết đặt trọng tâm vào con người với những yếu tố theo thuyết trực tri (hiểu biết là nguyên nhân cứu độ). Chủ nghĩa danh vọng và việc tìm cách thăng quan tiến chức là những thứ thuộc về trần tục tâm linh này. Một ví dụ mà tôi thường dùng để mô tả thực tế phù phiếm là: hãy nhìn vào con công, nó đẹp nếu bạn nhìn nó từ phía trước. Nhưng nếu bạn nhìn nó từ phía sau, bạn sẽ khám phá ra sự thật… Bất kỳ ai rơi vào thói phù phiếm chỉ nghĩ đến mình đều mang một nỗi bất hạnh lớn trong họ.”

Vậy thì vai trò thực sự của một Hồng y là gì?

“Các Hồng y không phải là đại diện của tổ chức phi chính phủ (NGO), mà là tôi tớ của Chúa, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần là Đấng thực sự có thể phân biệt các đoàn sủng, và hợp nhất chúng trong Giáo hội. Một Hồng y phải có thể vừa nổi lên khác biệt giữa những người có đoàn sủng và vừa hướng đến sự hiệp nhất. Nhận thức rằng chính Chúa Thánh Thần là Đấng tạo nên sự khác biệt và sự hiệp nhất. Theo tôi, các hồng y không có gương mẫu này trong đầu thì không phải là hồng y theo cách Đức Bênêđictô XVI mong muốn.”

Hội nghị này được tổ chức trong hoàn cảnh khó khăn và căng thẳng của vụ rò rỉ tài liệu Vatican. Vậy giáo hoàng có lời gì giúp chúng tôi nhìn nhận thực tế này?

“Những lời của Đức Bênêđictô XVI giúp chúng ta sống hiện thực này từ góc nhìn của lòng hoán cải. Tôi thích việc Hội nghị vừa qua được tổ chức ngay trước Mùa Chay. Đó là lời mời gọi hãy nhìn vào Giáo hội, thánh thiện và tội lỗi, để nhìn ra những thiếu sót và tội lỗi của mình, mà vẫn không bỏ qua sự thánh thiện của rất nhiều người đang làm việc trong Giáo hội ngày nay. Tôi không có gì phải thấy tai tiếng khi nhìn nhận Giáo hội là mẹ của tôi: Tôi phải thấy những tội lỗi và thiếu sót của Giáo hội cũng như tôi thấy các thiếu sót và tội lỗi của mẹ tôi vậy. Rồi khi tôi nghĩ về mẹ mình, tôi nhớ lại những điều tốt đẹp bà đã có, hơn là những yếu đuối và khiếm khuyết của bà. Một bà mẹ sẽ tự giải bày cho mình bằng một trái tim đầy tình yêu trước khi biện hộ bằng lời nói. Tôi tự hỏi liệu những người đang quá mải mê tập trung vào các vụ tai tiếng, họ có chút tình yêu nào dành cho Giáo hội hay không.

Cha có thể cho chúng tôi biết về cách nhìn của người ngoài về Giáo triều Rôma hay không?

“Tôi thấy Giáo triều Rôma là một cơ chế phục vụ, một cơ chế giúp tôi và phục vụ cho tôi. Đôi khi có những tin tức tiêu cực xảy ra, nhưng thường là những tin thổi phồng quá mức và bị lạm dụng để gây tai tiếng. Đôi khi các nhà báo dễ mắc chứng thích ăn bẩn (từ chính xác là coprophilia: chứng thích ăn phân) và rồi kích thích người khác ăn bẩn, một thứ tội làm hư hoại tất cả mọi người, nói một cách dễ hiểu thì đó là khuynh hướng tập trung vào những khía cạnh tiêu cực hơn là tích cực. Giáo triều Rôma có những mặt xấu, nhưng tôi nghĩ người ta quá nhấn mạnh vào các khía cạnh tiêu cực mà không nhấn mạnh đủ sự thánh thiện của vô số giáo dân và những người được hiến thánh đang làm việc trong đó.”

Bản dịch của J.B. Thái Hòa