cath.ch, 2016-11-21
Theo Đức Phanxicô,
“Lòng thương xót không thể để qua một bên trong đời sống Giáo hội”
Đức Phanxicô ký Tông thư Thương xót và Khốn cùng. Trong ý muốn của Đức Giáo hoàng, đây là một cách để kéo dài trải nghiệm đã sống suốt Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa qua. Ngài mong Năm Thánh Lòng Thương Xót này không phải là một “dấu ngoặc đơn” trong đời sống Giáo hội.
Sau đây là những điểm chính:
1. Phá thai
Để không có một trở ngại nào ngăn chận giữa lời xin giải hòa và sự tha thứ của Chúa, tôi ủy nhiệm cho tất cả các linh mục, ngay từ bây giờ trong sứ vụ của mình được năng quyền giải tội vạ cho những người đã phạm tội phá thai. Điều mà tôi đã ban trước đây trong khuôn khổ Năm Thánh nay được nới rộng ra trong thời gian, bất chấp điều gì trái ngược. Tôi muốn lặp lại với tất cả sức mạnh của tôi, rằng phá thai là một tội nặng, vì nó chấm dứt một sinh mạng vô tội. Tuy nhiên, tôi có thể và tôi phải mạnh mẽ khẳng định không có một tội nào có thể ngăn và hủy lòng thương xót Chúa, khi lòng thương xót ở trong quả tim của người ăn năn, xin được giải hòa với Chúa Cha
2. Huynh đoàn Thánh Piô X
Trong Năm Thánh vừa qua, tôi cũng đã ban cho các tín hữu, vì nhiều lý do khác nhau, đã đến các nhà thờ do các linh mục thuộc huynh đoàn thánh Piô X, để một cách hợp pháp và hữu hiệu, lãnh nhận bí tích giải tội. Vì thiện ích của các tín hữu đó và tin tưởng nơi thiện chí của các linh mục của huynh đoàn, để cùng với sự trợ giúp của Chúa, các linh mục ấy có thể phục hồi sự hiệp thông trọn vẹn trong Giáo Hội Công Giáo, do quyết định riêng của tôi, tôi quyết định nới rộng năng quyền này vượt qua thời kỳ Năm Thánh, cho đến khi có quyết định mới về vấn đề này, để không ai bị thiếu dấu chỉ bí tích về ơn hòa giải, qua sự tha thứ của Giáo Hội.
3. Hôn nhân
Ơn sủng của bí tích hôn nhân, không những củng cố gia đình để gia đình trở nên nơi chốn tiêu biểu thực thi lòng thương xót, nhưng cũng còn là ơn để cộng đoàn kitô cam kết hành động cho tầm cao cả của gia đình. Tuy nhiên trong Năm Thánh này, chúng ta không đánh mất cái nhìn về sự phức tạp trong đời sống gia đình hiện nay. Kinh nghiệm lòng thương xót giúp chúng ta có khả năng nhìn được mọi khó khăn của con người với thái độ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng không mệt mỏi trong việc tiếp đón và đồng hành
4. Ngày Thế giới Người nghèo
Theo ánh sáng của ‘ngày Năm Thánh cho những người bị loại trừ’, khi trong tất cả các vương cung thánh đường, các đền thánh trên thế giới, các Cánh cửa của lòng thương xót đã đóng, tôi có ý tưởng, như dấu hiệu cụ thể cho Năm Thánh Lòng thương xót tiếp tục, Ngày Thế giới Người nghèo sẽ được tổ chức ngày chúa nhật thứ 33 hàng năm vào tháng 11, trước khi kết thúc năm phụng vụ. Sẽ là một cách chuẩn bị tốt nhất cho ngày Lễ Chúa Kitô Vua, Đấng nhận mình nơi những người thấp bé, người nghèo và sẽ phán xét chúng ta về các việc làm của lòng thương xót. Ngày này sẽ giúp cho các cộng đoàn, cho tín hữu đã được rửa tội suy nghĩ về cách mà tinh thần nghèo khó là trọng tâm của Phúc Âm.
5. Người đàn bà ngoại tình
Thương khó và khốn cùng (Misericordia et misera) là hai chữ mà Thánh Âugutinô đã dùng để kể cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà ngoại tình. Thánh Âugutinô không thể tìm được thành ngữ nào đẹp và phù hợp hơn từ đó để hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa khi gặp người tội lỗi: “Chỉ còn sự khốn cùng của người đàn bà tội lỗi đứng trước lòng thương xót nhân hậu của Chúa”. Vì thế lòng thương xót không thể nào là “ngoặc đơn” trong đời sống Giáo hội, nhưng nó chính là cuộc sống của Giáo hội, cho thấy được chiều sâu đích thực của Phúc Âm. Tất cả thể hiện nơi lòng thương xót; giải quyết trong tình thương xót của Chúa Cha.
6. Thiên đàng giả tạo
Trong một nền văn hóa thường bị thống trị bởi kỹ thuật, càng ngày càng có không biết bao nhiêu người và ngay cả những người trẻ rơi vào tình trạng buồn bã, cô đơn. Tương lai gần như không có một cái gì ổn định. Vì thế thường có các cảm nhận như u sầu, buồn bã, chán nản dần dần dẫn đến tình trạng tuyệt vọng. Chúng ta cần các chứng nhân của hy vọng, của niềm vui đích thực để đuổi đi các quái vật hứa hẹn một hạnh phúc dễ dàng của thiên đàng giả tạo. Sự trống rỗng sâu xa mà nhiều người cảm nhận có thể lấp đầy bằng niềm hy vọng mà chúng ta mang trong lòng, bằng niềm vui tuôn tràn. Chúng ta cần biết bao để nhận ra niềm vui trong một quả tim được lòng thương xót đánh động.
7. Hoán cải mục vụ
Giờ đây, khi Năm Thánh đã kết thúc, đây là lúc nhìn về đằng trước và hiểu xem làm thế nào để tiếp tục cảm nghiệm sự phong phú của lòng Chúa thương xót, trong niềm trung thành và hăng say. Các cộng đoàn của chúng ta có thể tiếp tục sinh động và năng nổ trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng tùy theo mức độ “hoán cải mục vụ” mà chúng ta được kêu gọi sống thực, được uốn nắn hằng ngày thế nào nhờ sức mạnh đổi mới của lòng thương xót. Chúng ta đừng giới hạn hoạt động của lòng thương xót; đừng làm cho Thánh Linh sầu muộn, Đấng luôn chỉ dẫn những con đường mới phải theo để mang Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi người.
8. Kín đáo
Trong Năm Thánh, đặc biệt là “những ngày thứ sáu thương xót”, tôi đã có thể chạm ngón tay đến bao nhiêu là điều tôt lành trong thế giới. Nhiều khi những điều tốt lành này không được biết đến vì nó được làm một cách âm thầm kín đáo mỗi ngày. Dù không được đăng trên trang đầu báo chí, nhưng có rất nhiều hành vi cụ thể của lòng tốt, của tình dịu dàng âu yếm hướng về những người thấp kém, những người yếu đuối nhất, những người cô độc và bị bỏ rơi nhất.
9. Văn hóa của lòng thương xót
Chúng ta được kêu gọi để làm tăng trưởng một nền văn hóa của lòng thương xót, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ với tha nhân: một nền văn hóa trong đó không ai dửng dưng nhìn người khác, hoặc quay mặt đi khi thấy sự đau khổ của người anh em mình. Những công việc thương xót là những công việc làm “tay chân”, không việc nào giống việc nào; bàn tay chúng ta có thể nhào nặn nó bằng nhiều cách, cho dù chỉ có một mình Thiên Chúa soi sáng gợi hứng, và chất liệu duy nhất vẫn là một, đó là chính lòng thương xót.
10. Tôn vinh lòng thương xót
Chúng ta được kêu gọi để tôn vinh lòng thương xót. Bao nhiêu là điều phong phú trong phụng vụ Giáo hội nói lên Chúa là người Cha nhân hậu! Trong phụng vụ, tuy lòng thương xót không những được nhắc đến nhiều lần: lòng thương xót thật sự được nhận và được sống. Từ đầu cho đến cuối nghi thức cử hành Thánh Thể, lòng thương xót được nhắc đến nhiều trong đối thoại giữa cộng đoàn dân Chúa và quả tim của Người Cha, Đấng vui mừng khi ban lòng thương xót của mình. Sau khi xin Chúa tha thứ qua lời cầu nguyện “Xin Chúa thương xót chúng con”, ngay lập tức chúng ta được an lòng: “Xin Thiên Chúa là Cha toàn năng thương xót chúng con, tha thứ mọi tội lỗi cho chúng con và đưa chúng con về cõi trường sinh”.
11. Bài giảng
Bài giảng có một tầm quan trọng đặc biệt, nơi “chân lý đi cùng với cái đẹp và cái tốt”, để làm rung động quả tim tín hữu trước tầm cao cả của lòng thương xót! Tôi khuyên các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng và chăm sóc bài giảng. Bài giảng càng mang lại thành quả, nếu linh mục càng cảm nghiệm nơi mình lòng thương xót Chúa. Truyền được xác tín Chúa yêu thương mình không phải là chuyện lý thuyết, nhưng là điều kiện khả tín cho chức thánh của mình. Vì thế, sống lòng thương xót chính là con đường tốt nhất để biến lòng thương xót thành lời loan báo đích thực về sự an ủi và hoán cải trong đời sống mục vụ. Bài giảng cũng như việc huấn giáo, luôn cần được nâng đỡ nhờ quả tim sinh động này của đời sống Kitô.
12. Lời Chúa
Một ngày chúa nhật trong năm phụng vụ, mỗi cộng đoàn tái cam kết lại sự dấn thân của mình để loan báo, để hiểu và để đào sâu Kinh Thánh: một chúa nhật hoàn toàn dành cho Lời Chúa để hiểu nguồn phong phú vô tận đến từ việc đối thoại thường xuyên giữa Chúa và dân của Ngài. Sự sáng tạo sẽ không thiếu để làm phong phú cho lúc này, thúc đẩy tín hữu là khí cụ sống động trao truyền Lời Chúa.
13. Giải tội
Bí tích hòa giải phải có chỗ đứng trọng tâm trong đời sống kitô hữu. Chính vì thế tôi đòi hỏi các linh mục phải là “thừa tác viên của giải hòa” (2 Co 5,18) để không một hối nhân chân thành nào không đến được với tình thương của Người Cha, Đấng chờ con mình trở về và để sức mạnh của lòng tha thứ đến với tất cả mọi người.
14. Thừa sai lòng thương xót
Tôi nhắc lại cho các linh mục về việc chuẩn bị kỹ bí tích Hòa giải, đây đúng là sứ vụ của chức thánh đích thực. Tôi hết lòng biết ơn công việc của các linh mục, tôi xin các linh mục đón nhận tất cả mọi người, chứng nhân của tình yêu mến phụ tử dù cho tội có nặng như thế nào, sẵn sàng giúp để suy nghĩ về tội đã phạm, rõ ràng trong các nguyên tắc luân lý, luôn tháp tùng các tín hữu trên con đường ăn năn, kiên nhẫn theo sát tiến trình của họ, sáng suốt nhận định trong từng trường hợp, quảng đại trong việc ban ơn tha thứ của Chúa. Như Chúa Giêsu thinh lặng trước người đàn bà ngoại tình, cứu bà khỏi bị án tử hình, người linh mục trong tòa giải tội, với quả tim bao dung ý thức rằng, mọi hối nhân đều làm cho mình phải nghĩ về tình trạng riêng của mình: là kẻ có tội nhưng lại là thừa tác viên của lòng thương xót.
15. An ủi
Chúng ta cần được an ủi vì không một ai trong chúng ta mà không đau khổ, không cảm thấy mình không được hiểu. Bao nhiêu đau khổ đã làm cho mình thốt lên những lời hận thù, hậu quả của lòng ham muốn, ghen tương và giận dữ! Bao nhiêu đau khổ đã kéo theo hận thù, hung bạo, bỏ rơi! Bao nhiêu cay đắng khi đứng trước cái chết của người thân! Tuy nhiên Chúa không bao giờ ở xa chúng ta trong những giây phút đau khổ như thế này. Một lời sưởi ấm tâm hồn, một vòng tay ôm thông cảm, một vuốt ve trìu mến để chứng tỏ tình yêu, một lời cầu nguyện để mạnh hơn trong sự gần gũi với Chúa qua sự an ủi của người anh em.
16. Thinh lặng
Đôi khi thinh lặng là nguồn trợ giúp lớn. Bởi vì đôi khi không có lời để trả lời cho những câu hỏi của người đang đau khổ. Tuy nhiên, lòng trắc ẩn của người đang có mặt, đang gần gũi, đang yêu thương và đưa bàn tay ra có thể thay thế cho sự vắng mặt của lời. Thinh lặng không phải là dấu hiệu của sự bất lực. Ngược lại, đó là giây phút của mạnh mẽ và của tình yêu. Thinh lặng cũng là ngôn ngữ của an ủi, bởi vì nó biến đổi sự chia sẻ và tham dự vào nỗi đau của người anh em một cách cụ thể.
17. Cái chết
Giây phút lâm chung là giây phút quan trọng đặc biệt. Giáo hội luôn sống giai đoạn bi thương này theo ánh sáng của sự Sống lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mở con đường xác tín của đời sống trong tương lai. Đó là một thách thức lớn chúng ta phải vươn lên, đặc biệt trong nền văn hóa hiện nay, một nền văn hóa có khuynh hướng xem cái chết là chuyện bình thường, đến mức còn làm cho cái chết thành chuyện giả tưởng hoặc phải giấu đi. Ngược lại, cái chết phải được đối diện, được chuẩn bị như một tiến trình đau đón và không tránh được nhưng giàu ý nghĩa: là hành vi yêu thương cuối cùng đối với những người ở lại và với Chúa, Đấng mình sẽ đến. Chia sẻ giây phút này với một linh mục là việc đồng hành rất quan trọng, bởi vì mình được sống gần gũi với cộng đoàn kitô trong giây phút yếu đuối, cô quạnh, khóc lóc và bất an.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch