Giải Sakharov được trao cho hai phụ nữ Yêziđi thoát khỏi ách Nhà nước Hồi giáo Tự xưng

196

la-croix.com, 2016-10-27

Nadia Murad và Lamia Haji Bachar, hai phụ nữ trẻ Yêziđi được Giải Sakharov 2016. Họ đã chịu khổ hình trong tay của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng (IS), họ là nô lệ tình dục trước khi thành biểu tượng cho cộng đoàn Yêziđi bị đe dọa «diệt chủng» của họ.

Nadia Murad, 23 tuổi, người mảnh khảnh, giọng nhẹ nhàng, năm 2014 cô bị bắt cóc ra khỏi làng Kocho gần Sinjar ở miền Bắc Irak. Sau đó cô bị cưỡng bách đến Mossoul, địa bàn của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng và bây giờ nơi này là mục tiêu của liên minh quốc tế.

Đó là bước đầu của những khổ hình cô phải chịu trong nhiều tháng: tra tấn, hiếp dâm tập thể không biết bao nhiêu lần trước khi bị bán làm nô lệ tình dục cũng không biết bao nhiêu lần.

Cô buộc phải bỏ đạo Yêziđi của mình, một tôn giáo tổ tiên bị nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng khinh thường, tôn giáo này có hơn nửa triệu người Kurde-Irak theo.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài tháng với hãng tin AFP, cô Nadia cho biết: «Việc đầu tiên là họ bắt chúng tôi vào đạo hồi giáo. Sau đó thì họ muốn làm gì họ làm».

Trong một bài diễn văn đọc trước Hội đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc ở New York, cô nhắc đến «hôn nhân» với một trong những người bắt mình: người này đánh cô, bắt cô phải trang điểm và mặc áo quần bó.

Khổ hình của hai cô gái trẻ

Cô Nadia cho biết, «vì không thể nào chịu đựng quá nhiều vụ hiếp dâm và bạo lực nên tôi quyết định trốn». Nhờ sự giúp đỡ của một gia đình hồi giáo ở Mossoul nơi cô tá túc, Nadia có căn cước để đến vùng người Kurde-Irak. Sau khi trốn thoát, cô đến được trại tị nạn Kurde và cô liên lạc với một tổ chức giúp người Yêziđi. Tổ chức này đã giúp cô đến với chị mình ở Đức. Trong vụ xung đột này, cô mất mẹ và sáu anh em trai.

Cô Lamia Haji Bachar cũng là người làng Kocho, cô bị bắt cóc lúc 16 tuổi và khổ hình của cô cũng giống của Nadia.

Trong 20 tháng bị bắt giữ, cô muốn trốn nhiều lần. Cuối cùng khi trốn được, cô lại rơi vào tay của một ông giám đốc bệnh viện Irak, ông này cũng lợi dụng cô. Thêm một lần nữa, cô lại trốn cùng với nhiều đồng bạn của mình. nhưng khi họ đi qua một cánh đồng đầy mìn, một trong các cô bạn của cô bị dẫm mìn chết, cô bị thương na, bà Mirza Dinnayi giải thích, bà là nhà sáng lập tổ chức Đức-Irak Air Bridge Iraq, tổ chức đã lo cho cô từ khi cô đến Đức vào năm nay.

Gương mặt của Lamia còn mang nhiều vết sẹo của vụ nổ mìn, da cô bị phỏng và cô bị mất một con mắt phải.

«Đó là một phụ nữ mạnh phi thường, cô đã chịu đựng những chuyện mà không ai muốn cho người khác phải chịu», bác sĩ tâm thần người Đức Jan Kizilhan, người săn sóc cho cô Lamia tuyên bố với hãng tin AFP như trên. «Rất nhiều thân nhân của cô bị nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng giết trước mặt cô».

Một thời gian ngắn sau khi đến Đức, cô Nadia Mourad quyết định đấu tranh cho cộng đồng của mình: theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, hiện nay nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đang cầm tù khoảng 3200 người Yêziđi, đa số họ ở Syria. Con gái thì trở thành nô lệ tình dục, con trai bị nhồi sọ và gởi ra chiến trường.

Cô đấu tranh để những bách hại năm 2014 của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đối với cộng đoàn của cô được xem là một hành động diệt chủng.

Lamia làm lại cuộc đời ở Đức, nơi cô đang sống

Trong các bài diễn văn và các cuộc phỏng vấn, cô cho biết mình phẫn nộ khi thấy cộng đồng quốc tế bỏ rơi sắc tộc của mình. Các cường quốc đã «không thành công để cứu chúng tôi khỏi nạn diệt chủng», cô khẳng định như trên vào tháng 6 vừa qua, sau đó trước Hội đồng Nhân quyền ở Liên Hiệp Quốc, cô tuyên bố: “Phải công nhận là có diệt chủng và phải đưa các người phạm tội ra tòa».

Từ tháng 9 vừa qua, Nadia là đại sứ của thiện chí tốt của Liên Hiệp Quốc, cô làm việc để mọi người biết đến số phận các nạn nhân của các vụ buôn người.

Ít ra trước công chúng hơn, cô Lamia sống với chị mình ở miền Nam nước Đức, nơi cô xây dựng lại cuộc đời sau khi chịu khổ hình do nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng gây ra. Cô muốn thành cô giáo và ở lại nước tiếp cư của mình.

«Đó là một người rất sinh động, rất vui tính, cô thích có nhiều bạn», bác sĩ Jan Kizilhan giải thích. «Cô không đánh mất lòng can đảm của mình cũng như không đánh mất sức sống».

nadia-murad-a-ottawa-au-canada-le-25-octobre-2016Nadia Murad ở Ottawa, Canada ngày 25 tháng 10-2016. Chris Wattie / Reuters

Marta An Nguyễn chuyển dịch