Đức Phanxicô, “chính trị gia khôn khéo” được kể qua phim ảnh

1837

information.tv5monde.com, Franck Iovene, 2016-09-23

Ai thật sự là Jorge Bergoglio trở thành giáo hoàng năm 2013? Một “mục tử” nhưng cũng là một “chính trị gia khôn khéo”, nữ ký giả Argentina Elisabetta Piqué nhấn mạnh như trên, bà là tác giả quyển sách cảm hứng cho cuốn phim “Giáo hoàng Phanxicô”, được trình chiếu ở các rạp ngày thứ tư 28 tháng 9-2016.

Cuốn phim của nhà đạo diễn Tây Ban Nha Beda Docampo Feijóo thực hiện về Đức Giáo hoàng thứ nhì sau cuốn “Xin gọi tôi là Phanxicô” của nhà đạo diễn người Ý Daniele Luchetti, kể lại quá trình của tân giáo hoàng, từ tuổi vị thành niên đến ngày 13 tháng 3-2013, ngày ngài trở thành giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên trong lịch sử. Vai giáo hoàng do diễn viên người Argentina Dario Grandinetti đảm nhiệm.

Tựa quyển sách của bà là “Phanxicô: cuộc đời và cách mạng” nói lên cuộc cách mạng mà Đức Giáo hoàng muốn thực hiện ở Vatican. Vậy nó đã đi đến đâu?

“Trước hết Phanxicô đang thực hiện cuộc cách mạng trong các tâm hồn, một cuộc cách mạng tinh thần và văn hóa trong Giáo hội và trong giáo triều La mã. Nhưng cũng là một cuộc cách mạng trong chính cơ cấu của Vatican. Người ta thấy sự thay đổi tận căn trong ngành tài chính, trong truyền thông, trong việc gom lại nhiều dịch vụ khác nhau trong giáo triều vào một bộ phát triển nhân bản. Một cuộc cách mạng trong cách mà Giáo hội nói đến về vấn đề thay đổi khí hậu, gia đình hay các cặp ly dị tái hôn.”

Một đoạn trong phim nói đến những năm tháng dưới chế độ độc tài ở Argentina, một giai đoạn gây tranh cãi trong cuộc đời của Jorge Bergoglio. Xin bà cho biết ý kiến của bà về giai đoạn này.

“Đây là một giai đoạn khó khăn cho đất nước và cho Giáo hội, nhưng bây giờ chúng tôi biết các việc làm kín đáo và lớn lao mà Bergoglio đã làm trong những năm này, đã cứu rất nhiều người khỏi bị tù, khỏi bị tra tấn và bị giết chết. Đó là những gì tôi kể trong quyển sách với lời chứng trực tiếp mà khán giả có thể thấy trong phim”.

Bà cũng có kể một nhóm hồng y chống đối Jorge Bergoglio từ nhiều năm nay. Bây giờ sự chống đối này như thế nào?

“Điều đáng ngạc nhiên là những người chống đối Tổng Giám mục Bergoglio đã ‘tái hồi, đã hoán cải’ và bây giờ họ là những người ủng hộ ngài rất mạnh. Điều đó muốn nói, từ đầu triều giáo hoàng của ngài đã có sự chống đối cải cách, nhưng đây chỉ là một sự tranh cãi bình thường. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 2014, chính ngài đã nói với tôi, ngài lo nếu không có các quan điểm hay các ý kiến khác nhau ở Vatican. Và cũng phải biết, ngài có một khả năng đánh hơi rất mạnh về mặt chính trị. Nếu trước hết ngài là một mục tử quan tâm đến giáo dân và các khó khăn của họ, thì ngài cũng là một chính trị gia khôn khéo, chẳng hạn, ngài đã có thể thấy mình giữ một địa vị quan trọng trong việc nước Mỹ và Cuba xích lại gần nhau.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

 

Hình: Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 28 tháng 9-2016