Đức Phanxicô đến nâng đỡ 300 tín hữu công giáo ở Azerbaibjan

954

famillechretienne.fr, Jean-Marie Dumont, Bakou, 2016-09-28

Theo Đức ông Vladimir Fekete, giám quản giáo phận Azerbaibjan, đạo công giáo gợi lên lòng hiếu kỳ muốn tìm hiểu nơi người Azeris.

Xin cha cho chúng tôi biết, cha đón nhận tin chuyến đi của Đức Phanxicô như thế nào?

Chúng tôi rất ngạc nhiên! Chúng tôi quá thiểu số! Đức Giáo hoàng tuyên bố ngài muốn đến để nâng đỡ người công giáo ở trong vùng đất cấy rễ Kitô giáo rất xưa này, dù hiện nay người công giáo là một cộng đồng thiểu số. Ngài nói ngài muốn “khuyến khích đàn chiên nhỏ này”.

Chúng ta có thể nói tình trạng người công giáo ở Azerbaibjan không ngừng được cải thiện, đúng không?

Nếu xét qua 7 năm tôi sống ở đây thì đúng. Trước đây, nhà cầm quyền xem chúng tôi như một tà phái. Đất nước này đã trải qua bảy mươi năm dưới chế độ cộng sản, trong thời gian này, tất cả các nhà thờ đều bị phá hủy, tất cả các linh mục bị giết. Một sự thay đổi lớn khi Đức Gioan-Phaolô II đến thăm năm 2002. Lúc đó đạo công giáo mới được công nhận là đạo đã được giữ một cách truyền thống ở đất nước này. Và Giáo hội công giáo đã được phát triển. Mới đầu chúng tôi chỉ có một hoặc hai linh mục. Bây giờ chúng tôi có bảy linh mục, ba giáo dân, năm nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa và hai nữ tu Dòng Salê.

Cộng đoàn công giáo có được tăng trưởng ở Azerbaibjan không?

Tôi có thể nói cộng đoàn được ổn định vào khoảng 300 người. Cộng đoàn chúng tôi phần lớn là những người ngoại quốc làm việc ở đây (trong ngành dầu hỏa, ngoại giao). Một phần những người này được phát triển sau đó, theo công việc của họ ở những xứ khác như Âu châu hay Canada. Chúng tôi có những gia đình địa phương, thường là pha trộn, có nghĩa một trong hai người là người công giáo. Ít có gia đình nào hoàn toàn là người Azeri.

Có người hồi giáo Azerbaibjan theo đạo công giáo không?

Phải hiểu, một người Azeri được xem là biểu tượng của người hồi giáo. Và người Azeri đã sống 70 năm dưới chế độ cộng sản, một chế độ hủy hết tất cả mọi chiều kích tôn giáo. Như thế những người quan tâm đến Giáo hội là những người Azeri hồi giáo hậu xô viết. Và trong chiều hướng này thì họ rất quan tâm để khám phá Kitô giáo. Vì thế chúng tôi ở đây là để cho người công giáo và cho tất cả những ai muốn đi tìm chân lý. Một vài người Azeri học giáo lý và xin rửa tội. Điểm thuận lợi của đất nước này là các công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên họ có thể được rửa tội mà không bị theo dõi.                                                                                                   

Điều gì có thể góp phần vào để cải thiện tình trạng của người công giáo ở đây?

Chúng tôi cần có các trung tâm tôn giáo. Vì không thể nào cổ động bên ngoài các cơ sở tôn giáo nên người dân không biết đến chúng tôi. Với hai hoặc ba trung tâm khác, nơi chúng tôi có thể hội họp với nhau thì sẽ dễ hơn.

Bây giờ mọi sinh hoạt tôn giáo đều phải ở trong khuôn viên nhà thờ?

Chẳng hạn chúng tôi không được rước kiệu. Đó là biện pháp áp dụng cho tất cả mọi nhóm tôn giáo, nhất là nhằm giới hạn các hoạt động của các nhóm chính thống. Nhưng nó cũng áp dụng cả cho chúng tôi. Điều này không có nghĩa là chúng tôi không được nói về đức tin của mình. Trong 7 năm ở đây, tôi chưa bao giờ được báo chí phỏng vấn nhiều như vậy. Người dân rất quan tâm đến đạo công giáo.

Các nhà chức trách của đất nước đặc biệt nhấn mạnh đến sự sống chung giữa các tôn giáo khác nhau là điều có thể làm được.

Đây là một nước thế tục có chính sách chứng tỏ cho thế giới biết, tất cả mọi tôn giáo có thể sống chung hòa bình. Đó là đường lối chính trị chính thức. Mục đích là làm gương, chứng tỏ sự sống chung này là điều có thể làm được dù có khác biệt tôn giáo.

Bây giờ tôn giáo đã quay trở về?

Sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ, rất nhiều nhà truyền giáo người sunnit, người chiit đến đây. Lúc đó nước Azerbaibjan có khoảng mười lăm nguyện đường hồi giáo, bây giờ có khoảng hai ngàn. Trước đây chỉ có vài ba bà lớn tuổi đến nguyện đường. Bây giờ người hồi giáo giữ đạo cũng như người công giáo ở các nước phương tây… Chủ nghĩa theo vật chất và vô thần vẫn còn, nhất là ở các thành phố. Bakou là thành phố của người tứ phương nên có khuynh hướng theo chủ nghĩa phóng khoáng và vô thần. Nhưng ngượng lại, ở các làng quê, người dân giữ đạo nhiều hơn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch