Jean Mercier: “Các linh mục không phải là những con dao Thụy Sĩ!”

710

Jean Mercier: “Các linh mục không phải là những con dao Thụy Sĩ!”

famillechretienne.fr, Benjamin Coste, 2016-09-23

Tác giả Jean Mercier (1964 – 2018) là phó chủ biên tuần báo La Vie. Ông đã thành công ngay sau quyển tiểu thuyết đầu tiên Ông cha xứ đang khủng hoảng. Một quyển sách giả tưởng hài hước kể những chuyện nho nhỏ ngược đời trong giáo xứ, cũng như các thay đổi lớn mà giáo xứ phải làm ngay.

Ông có ý định viết câu chuyện này như thế nào? 

Jean Mercier: Cách đây gần 15 năm, tôi bị đánh động bởi vụ tự tử của một linh mục trẻ, cha xuất sắc nhưng cha không chịu được áp lực. Quyển sách này là thành quả của tất cả các cuộc gặp gỡ tôi có thể thực hiện được nhờ nghề ký giả. Tôi hy vọng nó vượt lên các vấn đề liên quan đến hàng giáo sĩ và giáo dân để nói về tất cả những người này, đến một lúc nào đó trong cuộc đời họ đã sụm: cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, làm việc kiệt sức, vv. Quyển sách của tôi cũng muốn nói đến vết thương của hội chứng tự mê mình, sự thiếu lòng biết ơn, đôi khi đã làm cho một người nào đó, đến một thời điểm nào đó đã bị ngã.

Tại sao ông chọn giọng văn nhẹ nhàng, thường là hài hước để nêu lên tất cả các thực tế này?

Chắc chắn là tôi cũng muốn đùa! Hình thức tiểu thuyết giúp thoát ra các đòi hỏi nhất thiết phải tuyệt đối ở trong thực tế. Vấn đề của cuộc điều tra cổ điển theo kiểu ký giả là nó buộc phải ở trong các giới hạn triệt để, không có chỗ cho hài hước.

Tôi muốn viết một “chuyện cổ tích thần học”, một chuyện giả tưởng cho phép đưa ra khả năng Chúa đi tìm chúng ta trong những khép kín của chúng ta như trong những lúc buồn bã, giận hờn, ghen tương…

Với quyển sách này, ông có bực mình khi thấy các giáo dân luôn bất mãn hay các linh mục hoặc quá “chính trị”, hoặc chưa đủ “thần nghiệm” không?

Dù mình là linh mục hay là người làm cha, làm mẹ thì thách thức nền tảng vẫn phải là trung thành với ơn gọi sâu xa của mình, không được đi trệch điều chính yếu. Đối với các linh mục, tôi nhận thấy, họ bị áp lực lớn, liên quan trước hết đến số lượng ít oi của họ. Mặt khác, môi trường hoạt động của họ quá lớn, họ phải lo từ hệ thống sưởi nhà xứ cho đến chuẩn bị bài giảng ngày chúa nhật. Họ phải thích ứng với tất cả đòi hỏi mà giáo dân yêu cầu. Cách đây 50 năm, mọi người đều chôn cất, đều làm đám cưới cùng một cách. Bây giờ, đôi khi linh mục phải đứng trước yêu cầu rửa tội cho con của một cặp đồng tính. Phải hoàn hảo trên mọi mặt trận thì đôi khi cũng kiệt sức! Thêm nữa, thường thường họ không được biết ơn cho những công việc này.

Mỗi người đã được rửa tội đều phải hiểu họ có một sứ mệnh trong lòng Giáo hội, phụ vào với sứ mệnh của linh mục

Trong quyển sách của ông, ông mô tả một giám mục ‘giả tưởng’ rất thương cha Benjamin nhưng không biết làm sao tháp tùng cha.

Đương nhiên các giám mục có thiện chí, nhưng không phải lúc nào các giám mục và các giáo phận cũng đảm bảo rằng mình tháp tùng các linh mục của mình. Dù hiến thân cho chức thánh, nhưng các linh mục cũng cần được biết ơn về tài năng, về giá trị thật của mình.

Theo tôi, một giám mục phải nói được với linh mục của mình: “Anh có tài năng này, tài năng kia. Anh phải xử dụng nó. Ngược lại, tôi xin anh đừng làm chuyện này, đừng làm chuyện kia nữa.” Các linh mục không phải là những con dao Thụy Sĩ (con dao nổi tiếng đa dụng)! Họ không phải là người việc gì cũng biết làm! Cũng vậy, tôi nghĩ, mỗi người đã được rửa tội đều phải hiểu họ có một sứ mệnh trong lòng Giáo hội, phụ vào với sứ mệnh của linh mục.

Theo tôi, đúng ra các giáo xứ của chúng ta không nên tiếp tục bằng mọi giá muốn lấp tròn các ô. Nhưng đúng hơn là phải nhận định xem đâu là các nén bạc của mình. Không phải vì trong giáo xứ có một nhân viên ngân hàng mà chúng ta buộc phải giao hết tay hòm chìa khóa giáo xứ cho họ. Có thể người đó muốn thành lập một ca đoàn hát nhạc đạo! Các khuôn mẫu giáo xứ của chúng ta đã lỗi thời vì chúng ta chạy theo hình ảnh lý tưởng với những gì chúng ta làm ngày xưa nhưng hồi đó với một lực lượng khác. Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần cảm hứng thay vì liên tục tái sản xuất các mẫu mã cũ rồi cầu nguyện xin Ngài ban phép lành!

Thực chất, đâu là vấn đề của nhân vật Benjamin?

Trong quyển sách của tôi, cha Benjamin đau khổ vì bị phân tán. Vì không còn tập trung vào Chúa Kitô nên cha đánh mất ý nghĩa trong các việc làm hàng ngày của mình. Khi cha quyết tâm về ngồi trong tịnh cốc ở cuối góc vườn, cha sẽ tái tập trung lại sứ vụ linh mục, nhất là qua việc xưng tội. Về vấn đề này, tôi để ý thấy các linh mục hạnh phúc thường là các vị thường xuyên đi xưng tội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch