Linh mục Ludovic Frère: “Tình dịu dàng là mức độ trưởng thành tối thượng của loài người”
fr.aleteia.org, Camille Tronc, 2016-02-09
Năm 2016 là năm lòng thương xót, Viện trưởng Đền thánh Đức Mẹ Laus mời gọi sống cuộc cách mạng của tình dịu dàng của Chúa Kitô.
Linh mục Ludovic Frère là Viện trưởng Đền thánh Đức Mẹ Laus và là linh mục tổng đại diện địa phận Gap và Embrun, Pháp. Trong quyển sách nhẹ nhàng, vui tươi, cha nhắc lại, qua lòng dịu dàng, Chúa Kitô đã thể hiện nơi loài người cả một sự trân trọng khi Ngài trao ban tình yêu của mình.
Aleteia: Tình dịu dàng là một nhu cầu căn bản của con người. Nhưng khi nhận tình yêu này lại làm chúng ta sợ. Cha có nghĩ nơi con người có một khuynh hướng hất bỏ tình dịu dàng không?
Linh mục Ludovic Frère: Có, vì cũng như trong tất cả các lãnh vực khác, con đường trung dung là một cái gì rất khó. Người ta thấy rõ, tình dịu dàng có thể bị cho là hung hăng nếu nó không trao một cách đúng đắn. Cũng như khi nhận tình dịu dàng: phải để cho người khác dịu dàng với mình. Phải có một hành vi thỏa thuận về phía người nhận. Đó là điều quan trọng trong đời sống của linh mục: vị trí trung dung và mức độ trung dung của tình dịu dàng. Nó phải được thích ứng để tôn trọng con người và bản chất của quan hệ.
Cha nói trong xã hội chúng ta, dù với tín hữu kitô, tình dịu dàng bị cho là yếu đuối. Vì sao lại như vậy?
Cũng phải ghi nhận, tình dịu dàng đôi khi bị cho là hơi ủy mị, với ý tưởng thái độ dịu dàng chỉ tốt với trẻ con, qua một tuổi khác thì phải qua một chuyện khác. Và đó là điều cần đổi ngược lại: tình dịu dàng là mức độ tối thượng của sự trưởng thành của con người, chứ không phải là mức độ người ta phải vượt qua khi đã lớn.
Nhưng cuối cùng, tôi có cảm nhận có một cái gì đang thay đổi, ngày nay tôi nghĩ có một cái gì khác với những gì tôi đã viết trong quyển sách. Ngày 27 tháng 11, ngày tưởng niệm các nạn nhân sau các vụ tấn công, có hai bài hát đã đánh động tôi: Khi người ta chỉ có tình yêu của nhạc sĩ Jacques Brel (Quand on a que l’amour) và Perlimpinpin của nữ ca sĩ Barbara, bài hát kết thúc bằng câu “sống không chiếm hữu, sống dịu dàng”. Trong một sự kiện như sự kiện tưởng niệm có tầm mức quốc gia, tôi thấy chọn lựa này rất ấn tượng. Cuối cùng, còn lại gì sau trạng huống sợ và mong manh? Chỉ còn một cách là kêu gọi đến tình dịu dàng.
Chấp nhận hay từ chối tình dịu dàng của Chúa là một chọn lựa. Làm thế nào để giúp đỡ những người loại bỏ chọn lựa này để họ đến với tình yêu?
Đó là một trong những câu hỏi khó nhất. Là cha giải tội, tôi gặp rất nhiều người chờ tình dịu dàng của vợ hay chồng mình, mà người kia không cách nào làm được theo yêu cầu này. Là cha giải tội, đó là điều tôi thấy nhiều nhất: rất nhiều người đi bên cạnh tình dịu dàng, dù nó ở trong tầm tay của họ.
Để chữa bệnh này, người ta có thể dùng chẳng hạn như ngôn ngữ của tình yêu để hiểu những gì người kia cần. Nhưng điều tốt nhất trước hết vẫn là tìm hiểu nguồn gốc của sự kẹt lối cho tình dịu dàng này. Điều này tùy từng thời, đối với thế hệ 60 tuổi trở lên, rõ ràng giáo dục có ảnh hưởng đến vấn đề này rất nhiều. Những người trẻ hơn có thể ít bị “kẹt” khi diễn tả tình dịu dàng.
Nếu cha phải cho vài lời khuyên cho những người khó nhận tình dịu dàng, cha sẽ khuyên như thế nào?
Điều luôn thiếu trong mọi trường hợp là lắng nghe và hiểu. Có một sự chận đứng ở mức độ nhận thức, rằng mình có những nhu cầu và không phải vì mình phủ nhận nó mà mình thật sự giải quyết được. Điều này trước hết ở khả năng mình đồng ý với chính mình: rất nhiều người từ chối không lắng nghe những gì ở trong sâu lắng lòng mình, nhất là các đam mê của mình. Những đam mê này khộng thât sự xấu bởi vì nó không có một trách nhiệm nào ở đó. Tôi trách nhiệm với những gì tôi làm, chứ không trách nhiệm ở việc tôi có.
Như vậy quan trọng là phải hiểu các nhu cầu của mình, để sau đó nói lên cho người khác biết. Có những cặp vợ chồng không nói những gì sâu lắng trong lòng mình, vậy mà khi nói lên được thì mình mới có thể tiến tới đàng trước, nếu không sẽ bị kẹt, không thể làm được vì người kia không hiểu. Đứng trước một người không cách nào dịu dàng được, mình phải nói lên cho họ hiểu, điều đó làm mình bị tổn thương. Chính vì tôi yêu người phối ngẫu của mình, nên cái gì nơi người kia thiếu cũng đè nặng trên tôi.
Lòng dịu dàng là biểu tỏ tình yêu của Chúa. Dù những người vô thần, họ cũng cần lòng dịu dàng. Có thể nào nơi họ cũng có một cuộc đi tìm điều siêu việt?
Đương nhiên. Tất cả cảm nghiệm sâu đậm về chân lý, công chính, hòa bình, hạnh phúc ở trong lòng con người đều đã được Chúa đặt vào và chính Chúa Thánh Thần tác động trong lòng chúng ta để cho chúng ta ước muốn đem nó ra hành động. Chính vì vậy mà Giáo hội luôn có sứ điệp cho một lời kêu gọi hoàn vũ. Chúng ta là kitô hữu, chúng ta được gọi để nối kết với người khác trong những gì họ có trong lòng, vì cũng cùng chung cốt tủy có trong tất cả chúng ta.
Lòng dịu dàng của Chúa ở trong từng trang Tân Ước. Ngược lại, đôi khi khó thấy được lòng dịu dàng trong Cựu Ước.
Lôgic của Chúa hung bạo trong Cựu Ước khác với lôgic Chúa nhân hậu trong Tân Ước không phải là thực tế của các bản văn, dù rõ ràng chúng ta thấy có những hành vi hung bạo trong Cựu Ước mà không thấy trong Tân Ước. Sự mạc khải là dần dần và vì vậy, chúng ta không chờ tiên tri Giêrêmia nói cùng một chuyện với Chúa Giêsu. Nhân loại thật sự chưa sẵn sàng. Thánh Kinh là một tiến trình, chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng đang trên tiến trình tìm hiểu Chúa.
Chẳng hạn, tiên tri Êlia tin mình nhận sứ mạng chứng minh Chúa của ông là đúng. Tiên tri đã có một cuộc chiến với các tiên tri Baal để chứng tỏ họ sai. Và như thế là ở trong một nhận thức sai lầm Chúa là ai. Sau đó, tiên tri Êlia đi vào sa mạc, nơi ông được mạc khải Chúa “không ở trong cuồng phong, cũng không ở trong bão tố mà ở trong cơn gió nhẹ.” Cũng như tất cả mọi tín hữu, tiên tri Êlia cũng có một tiến trình trong việc đi tìm Chúa.
Chương trình hoạch định của Chúa là trong sự trung thành, không nhất thiết trong những hành động của dân Chúa. Các sự kiện người dân sống cũng được chú giải lại theo tâm thức của thời đó. Tôi không phủ nhận sự hung bạo của một vài trang trong Thánh Kinh, nhưng phải đọc nó với một tinh thần lịch sử-phê phán và phải thảo luận nội dung để gần với thực tế của Chúa. Nếu cấm việc đọc lại trong tinh thần lịch sử-phê phán, thì chúng ta ta rơi vào trong trào lưu chính thống.
Đôi khi chúng ta cũng nghi ngờ Tình yêu của Chúa. Làm thế nào để những dấu hiệu của lòng dịu dàng ở thế giới này có thể giúp chúng ta có được đức tin vào lòng dịu dàng của Chúa không?
Đôi khi tôi cũng có nghi ngờ về sự hiện hữu của Chúa, nhưng không bao giờ về Tình yêu của Ngài. Nghi theo kiểu của tôi là hiểu Ngài, đúng, là một khi đứng trước Ngài, tôi nhận ra tôi đã nói không đúng về Ngài, vì tôi hiểu không đúng một phần trong sứ điệp của Ngài. Nhưng cùng lúc, vì tôi chỉ là người, tôi thử để nói về một Tình yêu vô tận thì bắt buộc là phải không đủ. Tôi nói với những lời của loài người cho đầu óc của loài người.
Như thế tôi không nghi ngờ về Tình yêu của Chúa. Nhưng khi đứng trước người nào nghi ngờ, tôi nói họ nên suy nghĩ về những gì có trong lòng họ. Khi gặp những người thấy Chúa nghiêm khắc, tôi cũng cố gắng nhắc họ nghĩ lại những gì sâu lắng trong lòng họ. Chúng ta được tạo theo hình ảnh của Chúa và giống Chúa, những gì ở sâu thẳm nhất trong lòng chúng ta, là những gì phản ảnh thật nhất về Chúa. Và cái gì sâu thẳm nhất trong lòng chúng ta, trừ khi chúng ta đã bị tổn thương sâu đậm vì cuộc sống riêng của mình, là nhận thức chúng ta được tạo dựng để yêu thương và muốn điều tốt cho người khác. Đối với tôi, đó là dấu vết của Chúa có trong lòng chúng ta. Một tác giả do thái chết ở Auschwitz mô tả kinh nghiệm của các trại tập trung, ông nói, dù cho phải gặp kinh hoàng, chỉ cần tìm ra một người có cách đối xử của một con người là đủ để tin vào nhân loại.
Marta An Nguyễn chuyển dịch