pelerin.com, Dominique Lang, 2018-08-05
Trong những ngày này, khi quý độc giả nhìn hàng trăm sao băng trên trời thì các chuyên gia thiên văn học dự trù có một đêm, cứ 30 giây có một ngôi sao băng!
Phỏng vấn linh mục Dòng Tên Guy Consolmagno, tân giám đốc Đài quan sát Thành Đô giáo hoàng, cha cho chúng ta biết về niềm say mê trong thiên chức thiên văn, nghề của cha.
Các bạn nhìn bầu trời Vatican có gì lạ? Dù vậy công việc của tân giám đốc Viện quan sát thành đô giáo hoàng rất đặc biệt. Linh mục Dòng Tên người Mỹ Guy Consolmagno biết rõ điều này. Cha là chuyên gia về các thiên thạch, các tiểu hành tinh, các vật thể của ngôi sao, cha dùng kính viễn vọng mà đường kính của tấm gương dài 2 mét đặt ở vùng Arizona nước Mỹ để hiểu cấu trúc và thành phần của nó. Nghiên cứu gia cũng là nhà giáo và vừa xuất bản một quyển sách gần đây: “Bạn rửa tội cho một người ở ngoài hành tinh không?”
Thưa cha, làm sao cha vừa là nhà thiên văn vừa là linh mục Dòng Tên? Có phải là một ơn gọi không?
Guy Consolmagno: Nhưng, thực chất ơn gọi là gì? Ơn gọi là khi công việc của bạn nhiều hơn là một công việc bình thường. Khi ơn gọi giống như câu trả lời cho một tiếng gọi. Khi có một cái gì đó bạn muốn làm, dù bạn không được trả công để làm. Trong nghĩa này, ngành thiên văn thật sự là một ơn gọi đối với tôi. Hơn nữa, không có nhiều người được trả lương để làm nhà thiên văn học và như thế, tôi là người có rất nhiều may mắn. Ngược lại, rất nhiều người trong chúng tôi cảm nhận có một tiếng gọi để ban đêm ngước mắt lên trời nhìn những điều kỳ diệu của ngôi sao. Để hiểu những gì có thể làm trên Vũ trụ. Điều này thì giống như một tiếng gọi tôn giáo.
Và tôi cũng có một cảm nhận như thế, khi tôi nghe tiếng gọi thúc đẩy tôi vào Dòng Tên và tiếng gọi trở thành nhà thiên văn. Trong cả hai trường hợp, thết là cả một ngạc nhiên: tôi nghĩ tôi sẽ lập gia đình, có con, có thể làm luật sư hay ký giả. Làm nhà thiên văn thì thật là buồn cười. Tuy nhiên, trong cả hai ơn gọi, tôi cảm nhận tiếng gọi vang lên vượt quá các nhu cầu đơn giản và ý chí của tôi. Không ai giàu hay có quyền lực khi làm nhà thiên văn. Nhưng tôi thật sự sẽ không là tôi nếu tôi không làm việc này hoặc không sống đam mê này.
Khi làm linh mục Dòng Tên, tôi khấn từ bỏ tiện nghi và quyền lực, và điều này đã là một hoàn tựu đối với tôi. Mỗi người có một ơn gọi khác nhau. Điều này thường không dính gì đến việc kiếm nhiều tiền hay không. Tìm được ơn gọi cũng hấp dẫn như khi tìm người để mình có thể lập gia đình. Trong cả hai trường hợp, đó cũng là một cách rơi vào lưới tình.
Đâu là chủ đề chính xác cho các nghiên cứu của cha?
Tôi cố gắng tìm hiểu các thiên thạch, các cục đá từ vành đai của các tiểu hành tinh mà đôi khi chúng rơi xuống Quả đất. Tôi tìm để biết, chúng được tạo thành như thế nào, và chúng giống các tiểu hành tinh nơi chúng xuất thân như thế nào. Trong phòng thí nghiệm của tôi, cùng với các đồng nghiệp, tôi đo độ dày, độ xốp, các tính chất nhiệt học của chúng, đó là các chìa khóa cho các câu hỏi của chúng tôi. Đúng ra, công việc của chúng tôi bao gồm các vấn đề, cách nào mà hệ thống mặt trời được tạo thành và nó đã tiến hóa như thế nào trong 4,5 tỷ năm qua.
Xin cha cho biết, thế nào là ngồi hàng giờ xem viễn vọng kính…
Từ khi tôi làm giám đốc Viện này thì tôi có ít thì giờ xem viễn vọng kính. Nhưng tôi cũng còn xem viễn vọng kính của tôi ở Arizona, để đo những vật thể nhỏ mà chúng tôi nghĩ đó là từ các thiên thạch. Nhưng đừng hiểu sai: để làm công việc này, chúng tôi ngồi êm ấm trước màn hình, điều khiển viễn vọng kính ở ngoài trời trên núi, dưới vòm mở của đài quan sát. Với các phương tiện kỹ thuật mới, tôi quan sát xa hàng ngàn cây số chiếc viễn vọng kính mà tôi dùng.
Cha có niềm vui nào khi thức sáng đêm để nhìn trời?
Trước hết là rất thích thú. Tôi thích các thủ thuật và các chuẩn bị chúng tôi phải làm, biết rằng mình sẽ chạm được một cách nào đó khoảng không gian ở ngoài Quả đất. Thỉng thoảng cũng kích thích khi mình thực hiện một cái gì mới. Dù là rất nhỏ, biết một chút bí mật trước mọi người – và thích thú được kể trước cho bạn bè trong ngành khoa học của mình -, thì đó cũng đã là phi thường. Và làm việc ban đêm với một hoặc hai đồng nghiệp cũng rất vui.
Sau vài phút làm việc nhọc để điều chỉnh kính viễn vọng, kế tiếp là chờ thêm 10-15 phút để đến đúng điểm xem. Và cứ lặp lại như vậy suốt đêm. Vì thế chúng tôi có thì giờ nói chuyện với nhau và hiểu nhau hơn. Tôi có những tình bạn đẹp cho cuộc đời. Cách đây hai mươi năm, tôi có dịp làm việc ở vùng Nam Cực (Antarctique) để gom các thiên thạch với một nhóm nhân viên Cơ quan Vũ trụ Hàng Không Mỹ NASA. Rất nhiều đồng nghiệp đã thành bạn thân. Một trong các đồng nghiệp đã nhờ tôi đỡ đầu cho con của họ.
Vậy thì các đêm làm việc của cha cũng đẹp như ban ngày?
Đúng ra phần lớn công việc của tôi là ban ngày. Dù sao, chúng tôi không thể dùng một dụng cụ phức tạp như kính viễn vọng vài ngày liên tiếp. Sau đó là nhiều tháng làm việc trên máy tính để có những chỉ dẫn thu lượm được từ những hình ảnh thu được trong vài ngày. Nhưng khi quan sát ban đêm, một khi vượt qua cái mệt của đầu giờ thì phần còn lại là một kinh nghiệm thích thú, cho đến giây phút kỳ diệu, khoảng ba giờ sáng, khi mình đã quen được nhịp làm việc, mọi chuyện tốt đẹp, lúc đó tôi cảm nhận mình có bình an nội tâm rất lớn.
Tiếp đó là lúc mặt trời mọc. Chúng tôi để kính viễn vọng ở thì khởi đầu, chúng tôi đóng vòm lại, tắt máy móc và máy vi tính. Biết là mình đã có một đêm làm việc tốt đẹp và bây giờ được nghỉ ngơi.
Đôi khi ngoài giờ làm việc, ban đêm tôi ra ngoài trời ngắm sao. Tôi có một chiếc kính viễn vọng tài tử, tôi quan sát các vật thể mờ mờ của ngôi sao, các ngôi sao đúp. Nó giúp tôi đi ra khỏi cuộc sống bình nhật, và nhắc tôi nhớ cái đẹp của Vũ trụ mà không một tội ác ghê gớm nào của chúng ta ở Quả đất này đến đó được.
Điều này đặt lại tất cả mọi sự vào bối cảnh của nó. Sự tồn tại của Vũ trụ đưa tôi đến một hình thức chiêm niệm có tính triết lý: sau tất cả những chuyện này, tại sao lại có một cái gì, thay vì chẳng có gì?
Nó cũng nhắc tôi, dù tôi ở bất cứ đâu trên hành tinh này, tôi cũng luôn ở dưới các ngôi sao. Ngay cả dưới các ngôi sao tôi được học từ khi còn nhỏ. Không hoài niệm về căn nhà, nhưng dưới các ngôi sao. “Các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng. Người gọi chúng, chúng thưa: “Chúng con đây!”, và hân hoan chiếu sáng mừng Đấng tạo nên mình.” (Br 3, 34-35). Trong các câu nói về ngôi sao trong Thánh Kinh, tôi rất thích câu này của tiên tri Baruch.
Và nếu không có viễn vọng kính, làm sao có thể chiêm niệm về ngôi sao tốt hơn?
Bạn tìm một nơi yên tỉnh, một lúc an bình để nhìn. Ít nhất là mười phút và nên nằm dài, chỉ cần nhìn. Bạn làm quen với các ngôi sao mà bạn nhìn. Bạn nhớ lại hình dáng của nó. Sau đó, bạn xem sách để biết tên theo hình dáng này. Nhưng bạn nhớ, cách tốt nhất để biết các ngôi sao là nhìn chứ không phải xem sách.
Marta An Nguyễn chuyển dịch