JMJ. Tôi, Ả Rập, kitô hữu, tôi đến từ đất của Chúa Giêsu

189

aleteia.org, Konrad Sawicki, 2016-08-04

Phỏng vấn một sư huynh Palestina

Aleteia: Làm thế nào mà một nhóm Palestina lại đến được Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Ba Lan?

Sư huynh Daoud (David) Kassabry: Chúng tôi thành lập một nhóm các bạn trẻ của trường chúng tôi và cơ quan từ thiện của chúng tôi để khám phá đức tin của người Ba Lan và để củng cố đức tin của chúng tôi. Là một Viện của các Sư huynh Trường Kitô giáo, chúng tôi phối hợp với tổ chức đi hành hương của Tòa Thượng phụ la tinh Giêrusalem. Tổng cộng, chúng tôi đi tất cả 180 người.

Sư huynh chuẩn bị ngày JMJ như thế nào?

Trong vòng tám tháng, chúng tôi chuẩn bị các buổi họp hàng tuần. Qua cuộc đi hành hương này, mục đích của chúng tôi là hiểu Chúa Giêsu hơn. Chúng tôi may mắn là đến từ đất sinh trưởng của Chúa Giêsu, chúng tôi cần những sự kiện như ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới để phục hồi đức tin của chúng tôi.

Như thế mục đích của sư huynh là thuần túy tôn giáo?

Không hẳn thế. Chính quyền Palestina và các kitô hữu người Ả Rập hiểu tình trạng chính trị phức tạp, tất cả chúng tôi đều kiệt sức. Chúng tôi không có một cánh cửa nào để thoát ra khỏi vấn đề. Vì thế, đối với chúng tôi, các ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới là một dịp may để chúng tôi tìm lại hy vọng và niềm vui sống.

Các cảm nhận đầu tiên của sư huynh về Ba Lan là những cảm nhận nào?

Người Ba Lan có tinh thần hiếu khách ngoại thường. Chúng tôi là những người đối diện với nghi ngờ mỗi ngày, điều này làm chúng tôi rất xúc động. Còn về mặt tôn giáo, chúng tôi rất ấn tượng về con số người trẻ trong các nhà thờ, qua sự hiểu biết và thông hiểu của người Ba Lan về đức tin và về Chúa Giêsu, hơn hẳn chúng tôi, vậy mà chúng tôi là những người đến từ Đất của Chúa Giêsu Kitô.

Nghe sư huynh nói «Chúng tôi đến từ đất của Chúa Giêsu Kitô», đối với chúng tôi thì thật không thể tưởng tượng.

Thậm chí tôi có thể nói chúng tôi sống trong tình trạng của Chúa Giêsu, thực tế của chúng tôi là đau khổ hàng ngày. Và Chúa Giêsu tuyên xưng một sứ điệp hòa bình, chúng tôi cũng vậy.

Tình trạng của sư huynh thì khá phức tạp. Cộng đoàn sư huynh sống giữa những người Ả Rập hồi giáo, lại là đa số người Palestina và Do Thái ở Israel.

Chúng tôi có khoảng 100 000 người, ở rải rác mỗi nơi một ít trên khắp nước. Nhưng chúng tôi không thật sự thuộc vào các cộng đoàn này. Chúng tôi là người Ả Rập, Palestina nhưng lại là kitô hữu. Không may, tiến trình chính thống hóa triệt để của Hồi giáo cũng đã lan đến Palestina. Chúng tôi không phải là những người bị bách hại trực tiếp, nhưng bây giờ người dân nhìn chúng tôi, nói chuyện với chúng tôi và đối xử với chúng tôi một cách khác. Không ai tỏ ra nâng đỡ các tín hữu kitô đang đau khổ. Chúng tôi bắt đầu sợ cho tương lai của mình.

Tóm tắt lại, chúng tôi là người Palestina và Ả Rập, nhưng vì đức tin kitô giáo của chúng tôi, người Palestina xem chúng tôi không thật sự là người giống họ. Chúng tôi là kitô hữu, như thế đức tin của chúng tôi liên hệ mạnh với Do Thái giáo, nhưng người Do Thái cũng không ở với chúng tôi, vì chúng tôi là người Ả Rập và Palestina.

Các tín hữu kitô người Palestina nghĩ gì về Đức Phanxicô?

Ngài là hy vọng của Giáo hội. Chúng tôi rất xúc động về tính giản dị của ngài. Đức Phanxicô có khả năng nắm mọi vấn đề một cách đơn giản và trực tiếp. Ngài cũng biết để mọi sự trong bối cảnh của nó. Chúng tôi thật sự cần một chứng tá như thế và giảng dạy như thế cho ngày nay.

Tầm nhìn về Giáo hội của ngài thì nguyên thực, nó phù với tầm nhìn mà Chúa Giêsu muốn. Đức Giáo hoàng đích thực mang một sứ điệp Phúc Âm với cuộc đời của ngài, với sự giản dị và cởi mở với người khác, cũng như với sự quan tâm của ngài đối với người nghèo và với các dân tộc đang đau khổ.

Marta An Nguyễn chuyển dịch

A Rap

Sư huynh Daoud (David) Kassabry, thuộc Dòng Sư huynh Công giáo Trường Đạo (Dòng La San), điều khiển bốn trường trung học và một trường đại học Kitô giáo ở Đất Thánh.