rome-vatican.blogs.la-croix.com, Sébastien Maillard, 2016-07-07
Trang blog này chuẩn bị đi nghỉ hè và người viết blog thì chuẩn bị khăn gói về lại Paris sau ba năm theo Đức Thánh Cha. Bây giờ là lúc «Nhìn từ Rôma» 360 độ. Từ toàn cảnh, sẽ tách ra được gì? Triều giáo hoàng thì còn quá ngắn để đưa ra một bản tổng kết, còn giáo hoàng thì có quá nhiều điều ngạc nhiên để dám liều nói đến các phối cảnh. Nhưng đi gần như liên tục theo các sự kiện, các cử chỉ của Đức Phanxicô, ở Vatican cũng như trong các chuyến đi, thì không thể không thấy gì tách ra.
Nếu xem lại trọn cuốn phim triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, thì vào thời điểm này, các đoạn phim dài nhất, lặp đi lặp lại nhiều nhất, nhưng cũng thống thiết nhất – theo nghĩa đen của nó – sẽ là tất cả những cảnh Đức Phanxicô bắt tay, cái này tiếp cái kia, nụ cười nở rộng, với những vuốt ve và ôm choàng. Một tiếp xúc cá nhân, bình đẳng, dù thoáng qua, nhưng đã là bắt đầu cho một cuộc gặp gỡ.
«Tôi muốn gõ cửa từng nhà, nói một lời chào, xin một ly nước mát, uống một tách cà phê», Jorge Bergoglio nói trong một khu phố nghèo ở Rio cách đây ba năm, ngài lấy làm tiếc «không tự tay gõ tất cả các cánh cửa». Dù vậy, mỗi ngày trong triều giáo hoàng của ngài, ngài đã có thể gõ. Sau các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư ở Quảng trường Thánh Phêrô; bên cạnh những người khuyết tật hay các cặp vợ chồng mới cưới; bên cạnh các em bé bệnh ở Axixi hay ở Mêhicô; bên cạnh các tù nhân ở mọi vĩ tuyến; với mỗi người trong 892 người tị nạn của một trung tâm gần Rôma vào một Thứ Năm Tuần Thánh; hay chỉ đơn giản, tại Vatican, bắt tay một Cận vệ Thụy Sĩ, tạm ngưng một chút tư thế bất động đứng gác của anh. Mỗi lần, ước muốn truyền giáo «gõ tất cả các cánh cửa» này bung ra là với cả một tấm lòng trìu mến. Ngài làm chứng cho quả tim mục tử của một giáo hoàng, mà chữ anh em không phải chỉ là một khái niệm quảng đại, nhưng diễn tả một mối dây, có thật, mối dây làm mình sống.
Đức Phanxicô là giáo hoàng của những mối dây. Người muốn tái tạo lại quan hệ cá nhân, quan hệ đích thực. Ngài hãi sợ lối sống cá nhân chủ nghĩa, quan hệ ảo, liên kết xa xa, những mối quan hệ khô héo. Trong ba năm qua, cuộc đấu tranh của ngài là cuộc đấu tranh chống sự «chai cứng tâm hồn». Đức Bênêđictô XVI gắng sức chứng tỏ, đức tin và lý tính không ngược nhau. Còn Đức Phanxicô, ngài làm chứng rằng đức tin và quả tim nuôi dưỡng nhau. Nói cách khác, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, xấu hổ, nước mắt, trìu mến và yêu thương đều có chỗ trong đời sống thiêng liêng. Người ta còn nhớ ngài hỗ trợ việc chống khí hậu nóng lên, đáng kể trước cuộc họp COP21 ở Paris (Thông điệp Chúc tụng Chúa), nhưng công trình rộng lớn triều giáo hoàng của ngài là cuộc đấu tranh chống sự lạnh giá tâm hồn con người, thể hiện qua Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đặc biệt chống sự dửng dưng đối với người nghèo. Thực chất, Đức Phanxicô không nghĩ mình có công thức kỳ diệu để biến đổi một «nền kinh tế giết người», theo lời tố cáo nổi tiếng của ngài trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Ưu tiên hàng đầu của ngài là: báo động, gây ý thức, thúc đẩy thay đổi, đưa ra vấn đề, để, người nghèo không phải là những con số hay một thực tế xa xuôi, nhưng số phận của họ dính với số phận của chúng ta, và chỗ đứng của họ phải được chỉnh đốn lại cụ thể. Các cơ sở nhằm giúp người vô gia cư, người nghèo chung quanh Vatican là một dấu hiệu. Sự đón nhận người tị nạn của Vatican cũng là một dấu hiệu. «Tầm mức cao lớn của một xã hội là ở cách xã hội đối xử với những người thiếu thốn nhất», «giáo hoàng của người nghèo» đã nói như trên ở khu phố nghèo ở Rio, Ba Tây cách đây ba năm. «Tầm cao cả» triều giáo hoàng của ngài chắc chắn cũng sẽ được đo với sự việc này.
Và cũng được mến chuộng một cách rộng lớn, qua các mối dây khơi ra giữa những người không biết, những người đi tới một cách tách biệt hoặc xa lánh. Đức Phanxicô muốn thắt lại các quan hệ Giáo hội của mình với xã hội. Các quan hệ của các gia đình trong giáo xứ. Các quan hệ của người kitô với các tín ngưỡng khác. Các quan hệ của những cộng đoàn cùng chia sẻ mối quan tâm về công chính xã hội cũng như các «phong trào bình dân» xa Giáo hội. Các quan hệ giữa các thế hệ. Các quan hệ với chính các kẻ thù của mình, mà ngài giữ trong tầm tay của mình.
Toàn cảnh này sẽ không đầy đủ nếu không đề cập đến các mối dây khác, những mối dây căng thẳng, thậm chí rất khó gỡ mà Jorge Bergoglio muốn gỡ. Như trong bức tranh Đức Bà Tháo Gỡ Nút Thắt, Đức Mẹ tháo gỡ cuộn dây rối rắm, ngài cũng dùng ba năm này để tháo gỡ các tình trạng xung đột.
Giữa các quốc gia kẻ thù. Ngài đã giúp để Cuba và Mỹ xích lại gần nhau. Ngài cũng làm như vậy trong vùng Caucase giữa Armênia và các nước láng giềng của mình. Trong tương lai, cũng có thể ngài sẽ đi Colombia để giúp đỡ các cuộc đàm phán hoặc đi Bắc Ai Len. Vấn đề thời sự Âu châu bây giờ buộc ngài phải quan tâm đến các nút thắt bị kẹt trong chương trình thống nhất.
Nhưng trước tiên là trong Giáo hội, có rất nhiều nút thắt phải gỡ. Ở Ý, ngài tìm cách để cắt sợi dây giữa Vatican và quyền lực chính trị. Và cũng với mafia. Giữa Rôma và các Giáo hội trên khắp thế giới, ngài chủ trương «giải khỏi trung tâm», các mối dây có thể ít bị bắt buộc hơn, nhưng vẫn giữ nền tảng của sự làm việc chung. Ngài giải tán sự tây phương hóa chính Giáo hội hoàn vũ của mình. Với Maxcơva và Bắc Kinh, ngài mong san bằng được các tranh chấp.
Tuy nhiên các nút thắt vẫn còn mong chờ được giải nhất vẫn là nút thắt liên hệ đến giáo triều. Trong vòng ba năm, sự uyển chuyển trong dây chuyền quản trị, sự chia đều các tài năng và sự phối hợp trong guồng máy vẫn còn là một chương trình lớn, mà kỳ hạn lên công việc, sự thiếu hoàn thành, không kể đến các vụ rò rỉ (Vatileaks 2) đã làm cho Vatican ở trong tình trạng lưỡng lự khó chịu.
Nút thắt hay mối dây, công việc còn dài và phức tạp. Đòi hỏi phải thẳng thắn, kiên nhẫn và kiên trì. Jorge Bergoglio đã 79 tuổi, ngài luôn sẵn sàng. Ngài là người của công việc, người không nghỉ ngơi. Triều giáo hoàng của ngài, ngoại trừ có sự cố thì chưa gần xong.
Blog này cũng vậy. «Nhìn từ Rôma» sẽ được Nicolas Senèze tiếp nối. Trong tức thì bây giờ, xin chúc cho tất cả có một mùa hè đẹp, đặc biệt với những người đã kết một mối dây trung thành với trang viết này.
Marta An Nguyễn chuyển dịch