aleteia.org, Salvador Aragones, 2016-07-12
Họ khám phá thấy Chúa là tình yêu và chân lý và thấy đó là «cách mạng»
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, hàng ngàn người tị nạn hồi giáo đến Âu châu đã trở lại đạo kitô giáo ở nhiều nước định cư khác nhau. Khi đến được các nước Âu châu, nhiều người hồi giáo Syria, Irak, Iran và Afghanistan khám phá trong kitô giáo, «Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu của lòng thương xót», có thể tha thứ đến vô tận cho những người ăn năn hối cải và họ thấy đây là «cách mạng”, ký giả người Liban Camille Eid, tùy viên của báo Ý Tempi ở Trung Đông cho biết như trên.
Khám phá Thiên Chúa của Phúc Âm
Trong một phỏng vấn gần đây của báo Ý Tempi, ký giả Eid đã triển khai quan điểm của ông: cách đây mười mấy năm, rất nhiều người hồi giáo sống chung với người kitô giáo ở xứ của họ, nhưng họ không đọc Thánh Kinh. Với việc khám phá Tin Mừng, họ tìm được câu trả lời ở nơi khác chứ không ở một hồi giáo càng ngày càng trấn áp. Được hỏi về nghịch lý, vì sao ở Phương Tây lại có những vụ trở lại hồi giáo, trong khi thống kê cho biết, có hàng ngàn người hồi giáo trở lại kitô giáo (công giáo và các giáo hội kitô khác), ông Camille Eid trả lời:
«Đó là nghịch lý của hai chuyện: người Phương Tây bị lôi cuốn bởi ý thức hệ của sự chết, đến mức bỏ tất cả để đi chiến đấu bên cạnh những người hồi giáo cực đoan của nhóm Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, trong khi những người chịu đựng sự hung bạo của trào lưu chính thống hồi giáo và sự phục tùng mù quáng theo luật lệ của kinh Coran, thì lại thay đổi khi họ khám phá các điều răn của tình yêu. Nhưng chính xác là có rất nhiều người trở lại khởi đi từ kinh Coran. Quả vậy, khi nhận ra Giêsu không phải chỉ là một nhà tiên tri và được thúc đẩy bởi mong muốn tìm tòi học hỏi, họ khám phá ra “Chúa của Tin Mừng”. »
Những con số
Như thế, ở địa phận Hambourg, nước Đức, vào dịp lễ Phục Sinh có 196 người rửa tội, ở Áo có 46. Ở Pháp, theo Hội đồng Giám mục cho biết, 4% số người lớn được rửa tội (trong số 5 000 người mỗi năm) là người hồi giáo.
Cha Pierre Humblot, linh mục truyền giáo người Pháp ở Iran từ 45 năm nay khẳng định, dù có lệnh cấm đoán, có 300 000 người trở lại ở nước này. «Một hiện tượng không thể tưởng tượng!», cha vui mừng nói. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo (Interdisciplinary Journal of Research on Religion) cho biết, chỉ riêng ở Mỹ, hàng năm có khoảng 20 000 người hồi giáo rửa tội, họ tin vào Chúa Kitô. «Trong Hồi giáo, chúng tôi luôn sống trong hãi sợ: sợ Chúa, sợ tội, sợ hình phạt. Nhưng Chúa Kitô là Chúa của tình yêu», một cặp vợ chồng trẻ người Đức cho biết.
Điều đáng nhấn mạnh, trong tất cả các nước có người tị nạn và di dân đến từ các nước có đa số người dân là hồi giáo, thì đều có các cuộc trở lại. Các nước Bắc Âu có truyền thống tôn giáo Luther cũng có hàng trăm vụ rửa tội. Theo báo Tribune de Genève cho biết, vào cuối năm ngoái, có cả trăm người Iran đã rửa tội ở Đan Mạch, ngoài ra có từ 250 đến 300 người chờ học xong giáo lý để được rửa tội. Còn ở Phần Lan, từ tháng 10 năm ngoái, có 235 người được rửa tội trong các giáo hội Luther và Hiện xuống….
Cuối cùng được tự do chọn kitô giáo
Rất nhiều người hồi giáo đến Pháp mong muốn biết kitô giáo, họ gần như hoàn toàn không biết gì về kitô giáo, vì ở nước họ, chỉ có duy nhất và độc nhất một đạo là đạo Hồi, vì thế họ không thể nào ra khỏi đạo… Một mục sư người Phần Lan lo cho người tị nạn cho biết, người hồi giáo đã quá ngán đạo Hồi. Bây giờ họ được ra nước ngoài, họ được tự do theo kitô giáo. Nhưng mục sư nói thêm, nếu có một vài gia đình chấp nhận việc trở lại của người thân trong gia đình, thì cũng có những gia đình ruồng bỏ người thân rửa tội của họ.
Người ta không thể đưa ra hết tất cả các con số ở các nước khác: Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Malta, Đảo Chypre, Roumania, Hongria, Bulgaria, Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, vv. Các con số thống kê thường thường thiếu, vì các vụ rửa tội không nói «xuất xứ» tôn giáo của các tân tòng, hoặc vì các vụ rửa tội này không được ghi sổ. Trường hợp ở Đức và Áo, các nhà cầm quyền tôn giáo thường cẩn thận trước các vụ trở lại của người hồi giáo, vì những người này phải chứng thật họ thật lòng, chứ không phải một cách để họ hội nhập vào đất nước.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch