“Các người tị nạn của Đức Phanxicô” đã sống như thế nào một tháng sau khi họ theo Đức Phanxicô về Rôma?

307

cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-05-27

Nour và Hassan 31 tuổi cùng với con trai Riad 2 tuổi ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 25 tháng 4-2016
Nour và Hassan 31 tuổi cùng với con trai Riad 2 tuổi ở Quảng trường Thánh Phêrô ngày 25 tháng 4-2016

“Thế giới cười với chúng tôi”, cô Suhila tin chắc, cô thuộc nhóm 12 người tị nạn được Đức Phanxicô đem về từ đảo Lesbos, Hy Lạp vào tháng tư vừa qua. Dù họ biết ơn và được yên lòng, nhưng một tháng sau khi đến Rôma, họ vẫn còn lo lắng cho tương lai của mình, nhật báo Anh The Guardian đã gặp họ và cho biết như trên.

Hiện nay ba gia đình hồi giáo tạm trú ở nhà của tổ chức công giáo  Sant’Egidio ở Rôma. Phần lớn thì giờ của họ dành ra để học tiếng Ý ở trường của tổ chức Sant’Egidio này. Các điều kiện cư trú thích hợp với họ. Họ có thể ăn thức ăn đông phương, họ có nhà nguyện hồi giáo để cầu nguyện và con cái của họ được đi đến trường. “Bầu khí thì cũng giống như bầu khí ở nước chúng tôi”, cô Suhila vui vẻ nói, con gái Quds của cô là bạn với con gái của một thiện nguyện viên của tổ chức Sant’Egidio. “Chúng tôi bắt đầu thích ứng. Thế giới cười với chúng tôi”, bà mẹ gia đình khẳng định.

Còn cái khuôn làm bánh falafel

Ramy, chồng của cô nhấn mạnh đến niềm vui được nếm thế nào là an ninh. “Chúng tôi chỉ muốn một chút ổn định để xây dựng lại cuộc sống của mình”, ông khẳng định. “Năm năm nay, chúng tôi không thể sống một cách bình thường, Ở Syria, chúng tôi không thể nào đứng ở cửa sổ, lại không thể nhìn ra ngoài vì một viên đạn có thể bắn trúng chúng tôi bất cứ lúc nào”, người cha của ba đứa con kể.

Ramy và Suhila kịp mang theo một vài đồ vật của mình ở Syria, nhất là cái khuôn làm bánh falafel, cái khuôn đã tạo một sự cố cho ban an ninh ở Hy Lạp. Các nhà cầm quyền Lesbos không muốn chúng tôi lên máy bay của Đức Giáo hoàng với một dụng cụ bằng kim khí. Cuối cùng nhờ sự can thiệp của Vatican nên họ được mang dụng cụ làm bếp này đi, một vật dụng mang giá trị tình cảm vô biên đối với họ.

Xây dựng lại cuộc đời

Nour và Hassan, cha mẹ của một gia đình khác được Đức Giáo hoàng đem đi đã không có được loại kỷ niệm này. Họ phải gấp rút ra đi sau khi Hassan bị kêu gọi phải lên đường chiến đấu. Họ chỉ kịp đem theo áo quần.

Ở Syria, Nour là sinh viên ngành vi sinh học, Hassan là nhân viên làm vườn cây cảnh. Họ hy vọng tìm được việc làm trong lãnh vực này. Được tổ chức Sant’Egidio giúp đỡ, họ làm đơn xin quy chế tị nạn và nếu họ được chấp nhận, họ sẽ cố gắng tìm việc làm trong vài tháng tới.

Báo The Guardian ghi nhận, dù họ được cho là những “người tị nạn của Đức Giáo hoàng” nhưng điều này không giải quyết hết mọi vấn đề của họ. Họ phải đối đầu với vấn đề phải xây dựng cuộc sống lại từ con số không. Họ mong đầu óc họ được thanh thản nhưng đầu óc họ đầy cả những kỷ niệm khủng khiếp và họ lo lắng cho tương lai. Bây giờ, họ chỉ mong sao quản lý được đời sống hàng ngày của mình và thích ứng với một xã hội rất khác với xã hội họ đã sống. Theo nhật báo Anh thì Vatican trợ cấp nhu cầu căn bản của họ vào khoảng 30 ơrô mỗi ngày.

Đức Giáo hoàng “đối xử tốt hơn là các lãnh đạo Ả Rập”

Từ khi đến Rôma, cô Nour chưa gặp lại Đức Giáo hoàng, nhưng cô mong có ngày cô sẽ được gặp lại ngài. cô còn muốn cám ơn ngài lại, như cô đã nồg nhiệt làm mỗi lần cô gặp. “Ngài tươi cười, ngài chúc lành cho con trai tôi”, cô kể. “Đó là một người dễ thương, ngài rất nhân bản”, cô tin chắc. Cô nghe giáo hoàng trả lời các ký giả khi họ hỏi vì sao ngài cứu họ, họ là người hồi giáo. Đức Giáo hoàng trả lời: “Vì họ cũng là con người, họ đau khổ và họ phải được cứu”.

Nour, Hassan, Ramy và Suhila đã biết nhiều về Đức Giáo hoàng trước khi họ rời Syria. Năm 2013, họ theo dõi cuộc bầu chọn ngài ở trên đài truyền hình. Họ cho biết, họ rất cởi mở với các tôn giáo khác. Ở thủ đô Damas của Syria, họ sống bên cạnh những người thuộc các tín ngưỡng khác. “Tôi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho chúng tôi”, cô Nour nói. “Ngài đối xử tốt hơn các nhà lãnh đạo Ả Rập, họ chẳng làm một hành động nào cho chúng tôi, trong khi chúng tôi cùng một đạo với họ”. Cô cho biết, hành vi của giáo hoàng là “phép lạ”. Cô tin chắc hành động của giáo hoàng đã “củng cố đức tin của tôi vào Chúa và vào số phận”.

11Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch