Người Trung Quốc ở Madagascar, sức sống của một cộng đoàn công giáo

407

 aleteia.org, Thibault Autric, 2016-04-01

Madagascar

Dưới chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông, hàng ngàn người Trung Quốc đã trốn ra khỏi Trung Hoa lục địa với các nhà thừa sai của mình, đa số họ là người công giáo.

Ai đi trên đảo Madagascar gặp những người Trung Quốc này đều ngạc nhiên, số người Trung Quốc nhiều ít tùy theo vùng, nhưng không phải là không nhiều, họ thường là tín hữu kitô. Vấn đề là, làm sao ở vùng tận cùng trái đất này, cách hàng ngàn cây số vùng biển Á Châu, lại có một dân số Trung Quốc nhiều như vậy ở đây? Câu trả lời tiếc thay lại quen thuộc, nó nằm trong giòng lịch sử địa chính trị và tôn giáo của thế kỷ 20.

Đa số người Trung Quốc ở đảo Madagascar là người công giáo. Sự hiện diện của họ ở đây ngày hôm nay là do lịch sử chao đảo, nhiều biến động của Trung Quốc trong thế kỷ 20. Giữa chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông và sự giải phóng khỏi chế độ thực dân, nhiều tín hữu kitô, nhiều nhà truyền giáo Trung Quốc đã rời đất nước họ để đến một xứ sở an bình hơn, họ tự nguyện đi hoặc bị cưỡng bức, nhiều linh mục còn sống đã làm chứng cho việc này.

Từ lâu Madagascar là cứ điểm tạm dừng chân trên con đường truyền giáo để đến các vùng đất đông phương, một trong các nhà sáng lập Thừa sai Nước ngoài Paris (Missions Étrangères de Paris, MEP), Đức ông Pallu còn ở đó một thời gian, nhưng sau đó Madagascar không còn là cứ điểm tạm dừng mà nhường chỗ cho đảo Maurice bên cạnh, dân chúng, thiên nhiên, khí hậu ở đây an bình hơn.

Bị đuổi khỏi Trung Quốc cộng sản, các nhà thừa sai của hội Thừa sai Nước ngoài Paris tìm chổ trú ẩn ở đảo Madagascar

Sau Thế Chiến Thứ Hai, lịch sử biến động của cộng sản Trung Quốc dưới thời chủ tịch họ Mao đã dẫn một làn sóng người Trung Hoa đi Madagascar, phần lớn họ ra đi vì lý do tôn giáo. Và thế là Madagascar trở thành đất biệt xứ của cộng đồng người Hoa công giáo nhỏ bé này, ở đây họ tái xây dựng cộng đoàn, tiến bộ và khó khăn, trong một xã hội địa phương mang nặng dấu ấn của một vài thành kiến xã hội và sắc tộc. Dưới áp lực của Cách mạng Trung Quốc, rất nhiều nhà truyền giáo, kể cả các nhà thừa sai của tổ chức MEP cũng phải theo các người Trung Quốc này đi đến Madagascar, đảo đã giúp cho họ có phương tiện tiếp tục làm việc tông đồ và phục vụ cho Giáo hội.

Chẳng hạn trường hợp của Linh mục Henri Cotto (1908-1988), cha là linh mục đầu tiên của hội Thừa sai Nước ngoài Paris đến Madagascar năm 1953. Trước đó cha là quản trị viên của địa phận Pakhoi, ở bờ biển miền Nam Trung Quốc, năm 1952 cha bị trục xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo lời yêu cầu của Giáo hội Madagascar và cũng theo ưu tiên ở đây, cha lo cho cộng đoàn người Trung Quốc di dân này. 10.000 người Trung Quốc ở đảo nói tiếng quan thoại sẽ là con chiên của cha, người mục tử đi theo đàn chiên của mình.

Từ năm mươi năm nay, cộng đoàn người Hoa ở Madagascar tập trung chính yếu trên hai chương trình: thành lập Trung tâm Công giáo Trung hoa và đi khắp nơi để gặp tín hữu Trung Quốc sống tản mác trên đảo. Vai trò của trung tâm này rất to lớn, nhất là đối với Tamatave và vùng của nó, chính yếu trong lãnh vực giáo dục, vì mười năm sau ngày thành lập, năm 1963, Trung tâm Công giáo Trung hoa đã nổi tiếng trong ngành giáo dục, đó là trường học lớn nhất vùng, với gần 360 học sinh Trung hoa. Trường nội trú này dành cho tất cả trẻ em Trung hoa, mà cha mẹ là các tiểu thương ở bờ biển phía đông và ở trung tâm Madagascar. Một thành công không chối cãi được.

“Thần Khí muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3, 8) và sứ mệnh thích ứng theo đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch