cath.ch, Maurice Page, 2016-03-22
“Rõ ràng Đức Phanxicô muốn để chúng tôi sống và tiếp tục sống.”
Qua sự khẳng định mạnh mẽ này mà Giám mục Bernard Fellay, bề trên tổng quyền Huynh đoàn Thánh Piô X biện minh cho đường lối xích lại gần Rôma của mình.
Từ một vài tuần nay có tin đồn Rôma sẽ công nhận Huynh đoàn Thánh Piô X về mặt giáo luật. Trong một buổi phỏng vấn dài trên trang Internet DICI ngày 22 tháng 3-2016, Giám mục Bernard Fellay phân tích thái độ hiện nay của Vatican đối với Huynh đoàn.
“Tôi nghĩ chúng ta đi tới thật sự”
Theo Giám mục Fellay thì từ năm 2000 đến nay, các quan hệ với Rôma chưa bao giờ bị cắt đứt, dù tần số và cường độ có biến đổi. Năm 2009, sau khi Đức Bênêđictô XVI hủy việc dứt phép thông công các giám mục do Huynh đoàn Thánh Piô X phong, đã có một thời gian hai năm có những cuộc thảo luận sâu đậm về tín lý. Sau đó có một đề nghị gồm hai giải pháp với một tuyên bố tín lý và một quy chế giáo luật đã được làm. Nhưng tiến trình này không đi đến cùng.
Từ đó đã có lại các cuộc thảo luận với hình thức uyển chuyển hơn “không hoàn toàn chính thức, nhưng còn hơn chính thức vì đó là các giám mục được Rôma gởi đến. Tôi nghĩ, đó là đã đáng kể”, giám mục chủ trương bảo toàn cho biết. Tháng 7 năm 2015, một lời mời gọi mới đã được đưa ra để nghiên cứu xem làm sao có thể đưa đến sự hợp thức hóa về mặt giáo luật. “Chúng ta có thật sự đi tới không? Tôi nghĩ là có, nhưng chắc chắn là rất chậm”.
“Chúng tôi như thế nào được chấp nhận như thế ấy”
Sau đó Giám mục Fellay khẳng định để tuyệt đối tránh mọi hiểu lầm. “Dĩ nhiên điều này làm cho chúng tôi cứng nhắc (…), đó là điều khó khăn nhất nhưng không có giải pháp dễ dàng cho chúng tôi.” Đối với bề trên tổng quyền huynh đoàn, từ nay vấn đề căn bản là “tầm rộng lớn nào, tự do nào chúng tôi được phép (…) trong trường hợp được hợp thức hóa? (…) và chính xác là được biết, chúng tôi như thế nào thì được chấp nhận như thế ấy.”
Cũng nhân cơ hội này, Giám mục Fellay bênh vực cho các chuyến đi của nhiều phái đoàn Rôma ở nhiều tổ chức khác nhau của Huynh đoàn Thánh Piô X. “Đương nhiên, với một số người nhiều như vậy đến các cơ sở chúng tôi, thì chúng tôi có một chút ngờ vực nào đó: ‘Các giám mục này đến đây để làm gì?’ Dù vậy, đây không phải là phối cảnh của tôi. Sáng kiến là từ Rôma, có thể là sau một ý tưởng mà tôi đã nói với họ: “Quý vị không biết chúng tôi; chúng ta thảo luận ở đây, trong văn phòng của Rôma, xin quý vị đến xem tại chỗ; quý vị chỉ có thể biết chúng tôi khi nhìn chúng tôi’.”
Một lòng khoan dung nghịch nhau của các giáo hoàng đối với Huynh đoàn Thánh Piô X
Đối với bề trên của Huynh đoàn, lòng khoan dung của Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô có một cái gì ngược nhau. “Cái nghịch lý của một ý chí muốn đi tới đàng trước, cái mà gần như người ta có thể nói là ‘Công đồng Vatican III’, trong nghĩa xấu nhất của cách nói này, và mặt khác là ý chí muốn nói với Huynh đoàn: ‘quý vị là những người được đón nhận’. Đúng là một nghịch lý, gần như đây là một quyết tâm phối hợp các chuyện ngược nhau.”
Nơi Đức Bênêđictô XVI, Giám mục Fellay thấy “khía cạnh bảo thủ, thích phụng vụ cổ điển, tôn trọng một kỷ luật trước đây của Giáo hội”.
“Nơi Đức Phanxicô, người ta không thấy sự gắn bó về phụng vụ cổ điển cũng như kỷ luật trước đây, người ta có thể nói: ngay cả ngược lại. (…) Một trong những giải thích cho điểm này là cái nhìn của Đức Phanxicô về tất cả những gì là bên lề, cái mà ngài gọi là các ‘ngoại vi hiện sinh’. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngài xem chúng tôi như một trong các phần ngoại vi này, những phần tử trong ưu tiên của ngài.”
Giám mục Fellay cũng thấy nơi Đức Phanxicô có một sự lên án khá thường xuyên về một Giáo hội thành nếp, (…) biến Giáo hội ở trong tình trạng tự đủ, không còn đi tìm con chiên lạc. (…) Người ta thấy rất rõ khi Đức Phanxicô nói đến sự “nghèo nàn”, ngài bao gồm cả nghèo nàn thiêng liêng, những tâm hồn ở trong tội và phải đưa họ đi ra, hướng dẫn họ về với Chúa Nhân lành”. “Và trong cái nhìn này, ngài thầy ở Huynh đoàn Thánh Piô X là một xã hội rất tích cực, – nhất khi so sánh họ với tình trạng của thể chế.” Theo Giám mục Fellay, Đức Phanxicô đã đọc tiểu sử của cố Giám mục Lefebvre hai lần, tiểu sử này do Giám mục Tissier de Mallerais của Huynh đoàn viết. “Tôi nghĩ ngài đã rất thích”.
“Sự Quan phòng của Chúa xoay xở để đặt những ý nghĩ tốt trong đầu Đức Giáo hoàng, người mà trên nhiều điểm đã làm chúng tôi kinh sợ vô cùng. (…) Cách này thật lạ lùng, bởi vì rõ ràng, Đức Phanxicô muốn để chúng tôi sống và tiếp tục sống.”
Vatican II: một công đồng có hình học tính biến đổi
Giám mục nói nhiều đến việc chấp nhận Công đồng Vatican II. Theo giám mục, các vấn đề cũ mà hai bên vấp phải như tự do tôn giáo, tính đồng đội, đại kết, tân thánh lễ hay các nghi thức mới của các bí tích đều là những vấn đề mở. “Cho đến bây giờ, chúng tôi luôn nhấn mạnh để nói: Quý vị phải chấp nhận Công đồng.” Mà “các tài liệu của công đồng thì hoàn toàn không ngang nhau, và sự chấp nhận của họ được làm theo một tiêu chuẩn tiến dần, một barem bắt buộc. (…) Những người, mà một cách hoàn toàn sai lầm, cho rằng công đồng này là không thể sai lầm, những người đó buộc phải tuân mình hoàn toàn cho công đồng. Nếu ‘chấp nhận Công đồng’ trong nghĩa này thì chúng tôi không chấp nhận Công đồng. Bởi vì chính xác, chúng tôi phủ nhận tính không thể sai lầm của nó.”
Hội nhập = rã nhập
Giám mục Fellay biện hộ cho sự ngờ vực lẫn nhau. “Sự ngờ vực này chắc chắn là phía chúng tôi có. Và tôi nghĩ, chúng tôi cũng có thể nói, phía Rôma cũng có đối với chúng tôi. (…) Phải đi đến một sự tin tưởng nhau tối thiểu, một bầu khí bình tâm để loại đi các kết án tiên khởi. (…) Điều này đòi hỏi những hành vi thể hiện thiện tâm, chứ không phải để hủy bỏ chúng tôi. Nơi chúng tôi luôn có tư tưởng này, (…) lan truyền một cách khá phổ biến; ‘rằng nếu họ quan tâm đến là để bóp nghẹt chúng ta, để hủy chúng ta, để hợp nhất chúng ta hoàn toàn, đó là sự rã ra! Dĩ nhiên khi còn tư tưởng này chế ngự thì chúng ta không mong chờ được gì,” giám mục chủ trương bảo toàn kết luận.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch