la-croix.com, Mélinée Le Priol et Pierre Wolf-Mandroux, 2016-03-02
Các thành viên của phong trào Hồng Ngư (Poissons roses), một phong trào kitô hữu cánh tả và của nhóm Tinh thần Dân sự đã được Đức Phanxicô tiếp kiến vào ngày thứ ba 1 tháng 3-2016.
Một giờ rưỡi trò chuyện, Đức Phanxicô nói về cái nhìn đối với Âu Châu và nhấn mạnh đến đối thoại liên tôn.
“Những người nhỏ tìm tòi gặp một người lớn”: trong tinh thần này họ gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng sáng thứ ba 1 tháng 3-2016. Họ là thành viên của nhóm Hồng Ngư, một phong trào kitô hữu cánh tả và nhóm Tinh thần Dân sự, một nhóm có ưu tư về chính trị. Buổi gặp gỡ diễn ra trong bầu khí thân mật ở Nhà trọ Thánh Mácta trong vòng một giờ rưỡi… một giờ nhiều hơn dự trù.
Đức Phanxicô “người khổng lồ về mặt thiêng liêng và chính trị”
Vừa vào phòng, Đức Phanxicô đã nói đùa về thời khóa biểu bận rộn của mình: “Quý vị dành ra bao nhiêu thì giờ cho cuộc gặp này?”, ngài nói với phái đoàn. “Trọng kính Đức Thánh Cha, ba giờ”, họ trả lời ngài. Đức Phanxicô nói đùa: “Tôi không biết vì sao quý vị muốn gặp tôi”.
“Chúng tôi căng thẳng trước khi gặp ngài, câu nói đùa thật kinh ngạc, ông Dominique Potier còn cười, ông là dân biểu hạt Meurthe-et-Moselle (Đảng Xã hội) và thành viên của Tinh thần Dân sự. Chính tính khiêm tốn và đơn giản đã làm cho Đức Phanxicô là người khổng lồ về mặt thiêng liêng và chính trị.” Đức Phanxicô nói cho họ biết, ngài gặp họ vì Đức Hồng y Philippe Barbarin, Tổng Giám mục địa phận Lyon và là “bạn của ngài” xin ngài gặp.
“Đâu rồi một Schuman hay một Adenauer”
Trong suốt buổi gặp, khách nói tiếng Pháp, Đức Giáo hoàng nói mình hiểu họ với điều kiện họ nói chậm, ngài trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha. Câu chuyện thảo luận về tình trạng thế tục (không tôn giáo) ở Pháp và cũng nói về sự co cụm về căn tính đã là mối đe dọa cho một xã hội Pháp bị thử thách.
Vấn đề Âu Châu, cách riêng, đặc biệt quan trọng đối với Đức Phanxicô. Đứng trước các chính trị gia hiện diện, Đức Phanxicô tự hỏi “đâu rồi một Schuman hay một Adenauer, các nhà sáng lập lớn của Liên hiệp Âu Châu”. “Châu lục duy nhất có thể mang lại một đơn vị hiệp nhất nào đó cho thế giới, đó là Âu Châu”, ngài khẳng định, theo lời ghi lại của ông Philippe Segretain, thành viên của nhóm Tinh thần Dân sự.
Sự quan trọng của việc đối thoại giữa người hồi giáo và kitô giáo
“Bây giờ, người ta có thể nói có một sự xâm lấn Ả Rập. Đó là một sự kiện xã hội”, ngài ghi nhận, trước khi ngài nói ngay để tránh mọi hiểu lầm, rằng Âu Châu “luôn biết vượt lên chính mình, để đi đến đàng trước, để sau đó lớn lên qua sự trao đổi với các nền văn hóa.”
Trong cùng đường hướng đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến sự quan trọng trong việc đối thoại giữa người hồi giáo và kitô giáo, sau khi bà Karima Berger, chủ tịch hiệp hội Sách Thánh và Linh đạo (trước là hội Các Tín hữu Văn sĩ), phụ nữ hồi giáo duy nhất có mặt phát biểu ý kiến. Khi đó, Đức Phanxicô nhắc lại chuyến đi Trung Phi tháng 11-2015 của mình, ngài ghi nhận người hồi giáo và kitô giáo có thể đồng ý với nhau. “Mỗi tôn giáo đều có phần cực đoan của mình. Các thoái hóa ý thức hệ của tôn giáo là nguồn gốc của chiến tranh”, ngài nhận định.
Lòng thương xót, cầu nối giữa hồi giáo và kitô giáo
Nhân dịp này Đức Phanxicô cho biết ngài đang chuẩn bị một cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo hồi giáo của trường Đại học danh tiếng Al-Azhar ở Ai Cập. “Phải đối thoại, đối thoại nữa”, ngài dằn mạnh, ngài nhắc đến ba nhà tư tưởng Pháp, Emmanuel Mounier (Công giáo), Emmanuel Levinas (Do thái giáo) và Paul Ricoeur (Tin lành).
Trước đó một lúc, bà Karima Berger cám ơn ngài đã chọn lòng thương xót là chủ đề cho Năm Thánh. “Tôi nói với ngài, chọn lựa này là một chọn lựa tốt cho thế giới hồi giáo, bây giờ hồi giáo đang trải qua giai đoạn thử thách đau đớn, bà văn sĩ kể. Lòng thương xót rất thân thiết với người hồi giáo, với họ, Thiên Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót. Đó là chữ đã làm cầu nối cho hồi giáo và kitô giáo.”
Các câu nói đùa và thân mật
Theo bà Berger, Đức Phanxicô tỏ ra rất xúc động khi nghe bà cám ơn. “Tôi thấy ngài thật cực kỳ nhân bản, bà cho biết. Ngài không ra lệnh. Ngài chỉ nói các ý kiến của mình, nhận định cá nhân của mình, đôi khi ngài tỏ ra không chắc.”
Cuối buổi nói chuyện, một vài thành viên tặng sách cho ngài, ngài tặng họ các tràng chuỗi nhỏ, khi đó ngài nói đùa (dân biểu Dominique Potier ghi lại): “Tôi không muốn việc tặng chuỗi sẽ đụng đến tinh thần thế tục của quý vị”.
Những người công giáo cánh tả
Phái đoàn người Pháp gồm ba mươi người, trong đó có các thành viên của phong trào Hồng Ngư, ông Philippe de Roux là người sáng lập phong trào chính trị cánh tả, thân với Đảng Xã hội này.
Được thành lập năm 2011 bởi một nhóm người công giáo cánh tả, các thành viên phong trào Hồng Ngư có hơn một ngàn cảm tình viên. Họ ủng hộ Đảng Xã hội, cho đến bây giờ đảng chỉ có 8% số phiếu của các người công giáo giữ đạo.
Các dân biểu của nhóm Tinh thần Dân sự, một nhóm có ưu tư chính trị, cũng hiện diện trong buổi gặp gỡ này: ông Dominique Potier, dân biểu hạt Meurthe-et-Moselle (Đảng Xã hội), ông Bruno-Nestor Azérot, dân biểu của Martinique (Cánh tả Dân chủ và Cộng hòa), bà Monique Rabin, dân biểu Loire Atlantique (Đảng Xã hội). Nhóm này được thành lập năm 2013 và gần với tư tưởng xã hội của kitô giáo.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch