Radio Vatican, 2015-12-31
“Thắng sự dửng dưng và mang lại hòa bình!”: Đó là chủ đề của Ngày Thế giới Hòa bình 1 tháng 1-2016. Ngày 15 tháng 12-2015, ở Phòng Báo chí Tòa Thánh, Đức Phanxicô đã đưa ra sứ điệp cho năm 2016. Ngài tố cáo một sự dửng dưng toàn bộ đối với Chúa và đối với con người, sự dửng dưng đe dọa cho sự ổn định của hành tinh, ngài mời gọi chúng ta giữ hy vọng để phát triển tình tương trợ và lòng thương xót.
“Các cuộc chiến tranh, các hành động khủng bố, các vụ bắt cóc, các vụ bách hại vì lý do sắc dân thiểu số hoặc tôn giáo” đã không thiếu trong năm 2015, Đức Giáo hoàng ghi nhận, nhưng ngoài ra cũng có những sự kiện khác làm cho chúng ta hy vọng như cuộc họp COP21 về khí hậu nóng lên gần đây, các nhà chức trách của nhiều nước đã tìm nhiều con đường khác nhau để gìn giữ căn nhà chung. Đức Phanxicô nhấn mạnh, năm 2015 là năm đặc biệt của Giáo hội, với tài liệu có từ 50 năm nay của Công đồng Vatican II, thông điệp Đối thoại với các Tôn giáo (Nostra Aetate) và thông điệp Vui Mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes), các thông điệp này luôn mang tính thời sự vì nó chứng tỏ cho thấy đối thoại mà Giáo hội luôn đi tìm đã thấm nhập vào lòng nhân loại.
Đức Phanxicô nhấn mạnh, chúng ta “có nhiều lý do để tin vào khả năng cùng hành động chung của nhân loại”, ngài nêu lên “thái độ trách nhiệm tương trợ chung và đó là nguồn gốc căn bản cho thiện hướng của tình huynh đệ và của đời sống chung”.
Sự dửng dưng đối với Thiên Chúa
Trong sứ điệp này, Đức Phanxicô đã nêu ra các hình thức dửng dưng đã gặm nhắm thế giới hiện nay, đầu tiên hết là đối với Thiên Chúa, bắt nguồn từ sự dửng dưng với tha nhân và với công trình tạo dựng. Đây là một trong những hậu quả trầm trọng của một chủ nghĩa vị nhân đạo sai lầm, phối họp với loại tư tưởng tương đối hóa và đôi khi đi kèm với thuyết hư vô. Đức Phanxicô kê ra nhiều câu trích của Đức Bênêđictô XVI, ngài nhấn mạnh có một sự “liên kết mật thiết giữa vinh danh Chúa và hòa bình cho loài người ở trên thế gian này”, và hòa bình bị đe dọa bởi sự dửng dưng hóa toàn cầu.
Đức Phanxicô cũng mãnh liệt tố cáo sự dửng dưng với tha nhân, với phẩm cách và các quyền căn bản của tha nhân, đôi khi ở mức thể chế và còn được biện minh qua các hành động chính trị: kết cục là tạo nên sự đe dọa cho nền hòa bình. Ngài còn lên án các “dự án kinh tế và chính trị nhằm mục đích chinh phục hoặc duy trì quyền lực, tài nguyên để rồi trả giá bằng cách chà đạp lên các quyền và các đòi hỏi căn bản của người khác”.
Vì thế Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta từ bỏ thái độ dửng dưng để mặc lấy lòng thương xót, qua sự cải hoán tâm hồn. Thiên Chúa không bao giờ dửng dưng trước tiếng kêu khóc của con cái Ngài, Ngài dạy chúng ta phải có lòng thương xót. Lòng thương xót này là “quả tim của Chúa, và đó phải là quả tim của tất cả những ai nhận biết mình thuộc về một gia đình lớn là gia đình con cái của Chúa, vì thế”, Đức Phanxicô viết, “dứt khoát đối với Giáo hội và đối với uy tín của mình, Giáo hội phải sống và làm chứng cho chính lòng thương xót này”.
Tình yêu, cả một chương trình để sống
“Chúng ta được gọi để tình yêu, lòng trắc ẩn, lòng thương xót, tình tương trợ là một chương trình sống”, ngài nói tiếp: “Tình tương trợ là một thái độ đạo đức, một thay đổi mang tính xã hội, nhằm đáp ứng tốt nhất để chúng ta nhận thức được các vết thương của thời buổi này”.
Trong công việc này, Đức Phanxicô ca ngợi công việc làm của nhiều nhân vật dấn thân cho hòa bình, như các tổ chức Phi Chính Phủ hoặc nhiều nhóm từ thiện ở trong và ở ngoài Giáo hội, các nhóm ở giáo xứ và cộng đoàn nhà tu, đặc biệt ngài cám ơn những người cứu trợ các người tị nạn.
Trong năm lòng thương xót này, “mỗi người chúng ta nhìn lại sự dửng dưng đã có mặt trong chính đời sống của mình như thế nào”. Đức Phanxicô đưa ra các hành động cụ thể trong Năm Thánh này đối với những người gặp khó khăn như các “tù nhân, người di dân, người thất nghiệp hay người bệnh”, cùng với trách nhiệm của các Quốc gia: trách nhiệm của họ là không được kéo dân chúng vào trong các cuộc xung đột hay chiến tranh làm hủy hoại không những tài nguyên vật chất, văn hóa, xã hội mà còn hủy hoại lâu dài cho sự toàn vẹn đạo đức và thiêng liêng”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch