Đức Phanxicô nhận Giải Charlemagne danh giá vì những công việc vì hòa bình

482

NCR | Joshua J. McElwee  |  23-12-2015

 Đức Phanxicô - nghi viện châu Âu

Đức Giáo hoàng Phanxicô được trao Giải Charlemagne Âu châu năm 2016, công nhận các nỗ lực của ngài trong việc tạo dựng hòa bình toàn cầu và sự thông hiểu liên văn hóa. Ngài là giáo hoàng thứ hai nhận giải thưởng thường niên danh giá này của thành phố Aachen, nước Đức.

Giải được công bố vào trưa ngày thứ tư, theo giờ Đức, và được phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi xác nhận là Đức Phanxicô quyết định sẽ nhận giải thưởng này như một sự khích lệ cho những người đang làm việc vì hòa bình trên khắp toàn cầu.

Trong bản tuyên bố lý do chọn Đức Phanxicô, ủy ban trao giải đã trích lại bài nói chuyện của Đức Giáo hoàng với Nghị viện châu Âu tại Strasbourg, Pháp, vào tháng 11, 2014.

Họ đã trích lại phần cuối của bài diễn văn, trong đó Đức Phanxicô kêu gọi các nghị sỹ hãy ‘bỏ đi ý niệm về một châu Âu sợ hãi và tự quy, để phục hưng và thúc đẩy một châu Âu có tinh thần lãnh đạo, trở thành người bảo trợ cho khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị nhân văn và đức tin.’

Theo ủy ban trao giải, bài diễn văn này cho thấy sự thấu hiểu và hành động của Đức Giáo hoàng vì những lý tưởng của các bậc tổ tiên châu , và vì tiềm năng lớn lao của lục địa này.

Giải Charlemagne đã được thành phố Aachen trao kể từ năm 1950, để vinh danh ‘đóng góp giá trị nhất phục vụ cho nhận thức và hành động của Tây Âu cho cộng đồng.’

Trong số những người từng nhận giải thưởng này, có thủ tướng Anh Winston Churchill vào năm 1956, vua Juan Carlos I của Tây Ban Nha vào năm 1982, và những nhân vật Mỹ như George Marshall, Henry Kissinger, và Bill Clinton vào các năm 1959, 1987, và 2000.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận giải này vào năm 2004.

Cha Lombardi cho biết, Đức Phanxicô sẽ không đến Đức để nhận giải, nhưng ủy ban trao giải sẽ cử người đến Roma để trao giải trang trọng. Phát ngôn viên Tòa thánh nói rằng, Đức Giáo hoàng không muốn nhận giải, nhưng đã chấp nhận vì muốn đây là một dấu chỉ biểu tưởng để thúc đẩy các nỗ lực vì hòa bình.

Cha Lombardi cũng chỉ ra một ý nghĩa lớn trong giải này, là việc một người đến từ bên ngoài châu lục, lại nhận giải với tư cách một lãnh đạo châu Âu.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch