Bậc thầy quảng bá hình ảnh đằng sau vị giáo hoàng lôi cuốn cả thế giới

514

 

Dailymail,  Katie Engelhart, 21-11-2013

Greg Burke 2Vào ngày thứ tư, giáo hoàng Phanxicô đã dừng lại buổi triều kiến của ngài ở Quảng trường thánh Phêrô để hôn và chúc lành cho một người bị dị tật nặng. Những bức ảnh chụp sau đó – với đôi mắt ngài nhắm chặt khi cầu nguyện, và đôi tay ôm lấy khuôn mặt méo mó của người đàn ông – đã lan ra với tốc độ chóng mặt. Tờ Wasington Post viết rằng, “Nhiều người thấy lại nơi đó hình ảnh Chúa Giêsu chữa lành cho người bị bệnh phong cùi”.

Đó là một cử chỉ tế nhị khác nữa của Đức Phanxicô. Trong vài tháng gần đây, Đức Phanxicô đã xuất hiện trên nhiều tựa báo, lập các đội thể thao của Vatican, pha trò với chiếc mũi đỏ của chú hề (và cả chiếc mũ của lính cứu hỏa), cho phép một em bé ôm ngài trong lúc ngài nói chuyện với những người đi hành hương, và hứa đích thân rửa tội cho một phụ nữ đã từ chối phá thai dù bị cha mẹ thúc ép. Tách mình khỏi các cộng sự cứng rắn, mới đây Đức Phanxicô vừa lên tiếng rằng “ngay cả người vô thần” cũng có thể được cứu rỗi – và quả quyết rằng ngài hoàn toàn không phán xét những người Công giáo đồng tính. Tháng vừa rồi, giáo hoàng Phanxicô đạt mốc trên 10 triệu người theo dõi trên Twitter, và như thế chỉ còn đứng sau Kanye West.

Đâu đâu cũng thấy các quan sát viên nói về “Ảnh hưởng Phanxicô”.

Nhưng ngày nay tất cả những người được ái mộ qua hệ thống truyền thông đều cần một bộ máy Quan hệ công chúng (PR-Public Relations), và giáo hoàng Phanxicô không phải là ngoại lệ. Greg Burke, thông tín viên 53 tuổi của đài Fox News đã chuyển sang làm việc cho Tòa Thánh (chức danh chính thức là Cố vấn truyền thông cấp cao cho Phủ Quốc Vụ Khanh Vatican), một con người lặng lẽ đổi đường lối làm việc ở Vatican.

Một vài người cho rằng Burke không phù hợp với vai trò cố vấn hình ảnh cho giáo hoàng. Ông là một giáo dân không có kinh nghiệm Quan hệ công chúng: một người Mỹ hoạt bát có tài năng bình luận thể thao. Ông cũng là thành viên của hội Công giáo đầy tranh cãi là dòng Opus Dei: một người độc thân theo chủ nghĩa truyền thống và như được biết thì trong lối sống thiêng liêng của mình, ông có dùng đến cả việc đánh tội nữa. Nhưng sau một năm rưỡi làm việc, Burke được công nhận là đã giúp cởi mở và làm tươi mới Tòa Thánh. Tất nhiên, Burke sẽ nói điều này hoàn toàn nhờ vào việc làm của Đức Phanxicô. Trong một bài nói chuyện gần đây ở Luân Đôn, ông giải thích, “Bạn biết chứ, tôi đang đá quả bóng sang cho Đức giáo hoàng. Ngài sẽ ghi bàn thắng cho chúng ta. Tất cả mọi chuyện là như vậy.”

Chúng ta trở lại một năm trước với triều giáo hoàng Bênêđictô XVI: Giáo gội Công giáo ngụp lặn trong tai tiếng. Năm 2006, Đức Bênêđictô công bố “diễn văn Ragensburg”, mà bây giờ bị cho là rất đáng hổ thẹn khi ngài trích dẫn một đoạn phê phán cay nghiệt Hồi giáo và động chạm đến người Hồi giáo trên khắp thế giới. Ba năm sau, ngài khiến nhiều người thất kinh khi quyết định rút lại việc cắt phép thông công vị giám mục phủ nhận thảm kịch diệt chủng người Do Thái. Năm 2010, Giáo hội hứng một cái tát rất mạnh với vấn nạn ấu dâm, và sau đó là vụ ngân hàng Vatican, rồi thêm vụ “Vatileaks”. Trên tất cả, thêm vào đó, người dân dường như không thích giáo hoàng Bênêđictô cho lắm. “Bênêđictô không cười,” một phụ nữ trẻ người Ý làm việc ở một cửa hàng tại Quảng trường thánh Phêrô vừa nói với tôi như vậy. “Ngài quá đậm chất Đức!”

Tháng 6 năm 2012, Vatican tìm đến Greg Burke- lúc đó là thông tín viên của Fox News tại Rôma. Một viên chức Vatican cho biết công việc của Burke là quản lý “các vấn đề truyền thông” và hỗ trợ cho nhiều cơ quan truyền thông của Vatican. Bản thân Burke cho biết ông được tuyển dụng để “trình bày các thông điệp cho rõ ràng và cố gắng làm cho mọi người tiếp tục theo dõi thông điệp đó”.

Burke cho biết, “Tôi biết các nhà báo đang tìm kiếm điều gì và đang cần điều gì, và tôi biết cách thức của truyền thông.”

Vatican cổ kính bắt đầu lạc quan. David Gibson, một nhà báo thuộc Religion News Service, và là một người quen của của Burke, vừa mới kể với tôi rằng, “Tất cả mọi người nghĩ Vatican như Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) hay Cục Tình báo Hoa Kỳ (CIA) hay một cơ quan nào đại loại như thế. Họ nghĩ đây là một nơi được điều hành tốt và hiệu quả. Nhưng về căn bản thì đây là một ngôi làng Ý [với] đặc tính riêng biệt của mình… Vatican là một hệ thống gắn chặt với truyền thống cực kỳ cứng ngắc, và rất khó để xem đó là một hệ thống được. Tôi nghĩ một người như Greg có thể giúp đươc.”

[Burke đã từ chối lời mời phỏng vấn mà tôi đã fax đến Tòa Thánh hồi tháng trước: “Tôi không thể trả lời phỏng vấn, vì công việc của tôi chủ yếu là ẩn mình phía sau, và tôi đang cố giữ như thế.”]

Greg Burke sinh trưởng ở  St Louis, Missouri, và là một “người Công giáo có căn bản”, con của một bác sĩ nhi khoa và là con thứ trong một gia đình có 6 người con. Hình ảnh Giáo hội rất thân quen trong gia đình Burke, và Giáo hội đóng vai trò lớn trong quá trình đào tạo ông. Vào trường Trung học St. Louis, nơi “ảnh hưởng của Dòng Tên rất mạnh”, Burke nghĩ ơn gọi của mình là làm linh mục, “nhưng rồi “tôi đã không thấy có động lực”.

Sau khi ra trường, Burke học tại trường Báo chí danh tiếng thuộc Đại học Columbia. Rồi, ông đảm nhiệm mục tin cảnh sát cho một tờ báo nhỏ ở Port Chester, New York, tiếp theo là làm nhà báo thời tiết ở Chicago. Năm 1988, ông chuyển đến Roma và bắt đầu viết bài cho National Catholic Register. Sau đó, ông có được một thời gian ngắn làm việc ở TIME, và rồi mười năm sau, ông làm việc truyền thông cho Fox. Burke viết cho Vatican, nhưng cũng đi công tác khắp Âu châu và Trung Đông.

Trên cương vị phóng viên, Burke có một hiểu biết sắc sảo về quan điểm chính trị của giáo hoàng, cho dù đôi khi ông không nắm bắt được điểm nhấn chính. Không lâu trước khi hồng y Josef Ratzinger được bầu làm giáo hoàng, Burke đã bình luận cho rằng hồng y Ratzinger không nằm trong danh sách ứng viên giáo hoàng. “Ngài bị xem là quá bảo thủ,” Burke giải thích và nhấn mạnh Ratzinger bị gọi là “hồng y thiết giáp” vì ngài công kích người ta quá nhiều.

Ngày nay, dù là một trong những người của công chúng ở Vatican, Burke vẫn giữ tất cả liên lạc của ông ở Mỹ. Và ông cũng thường xuyên viết trên Twitter.

Ông có tài nhận xét đùa. Trong một buổi họp báo năm nay, ông đã nói, “Tôi thực sự nghĩ mình nên rời Fox để làm việc cho một câu lạc bộ bóng đá. Rồi cuối cùng tôi đến Vatican. Dù không có vé miễn phí xem các trận bóng, nhưng bù lại tôi có chỗ ngồi rất tốt trong các lễ Giáng Sinh và Phục Sinh.” [rồi ông dừng lại để cười]

Phong cách hóm hỉnh nói đùa này là vỏ bên ngoài của một đức tin sâu sắc. Năm 18 tuổi, Burke gia nhập Opus Dei, một tổ chức đầy tranh cãi – và về sau trở thành một “thành viên thế tục” của Opus Dei: tuyên thệ sống độc thân và đơn thân, thậm chí ông còn dọn về sống trong một trung tâm của dòng. Theo truyền thống, các thành viên thế tục của Opus Dei vẫn làm việc như người bình thường, nhưng cống hiến phần lớn lợi tức của mình cho hội. Năm 2012, Burke trầm ngâm cho biết, “Tôi được tuyển vì tôi ở trong Opus Dei, có lẽ thế.”

Thật vậy, người ta cho rằng Opus Dei đang tạo ảnh hưởng trên Vatican. Những người không Công giáo có lẽ biết rõ nhất về điều này qua tiểu thuyết Mật mã Da Vinci của Dan Brown, với những tình tiết mô tả phong trào Opus Dei là một nhóm tối tăm và bất chính. Nhưng tổ chức này trong đời thực, được thành lập trong tranh cãi vào thập niên 1920, để nhằm thúc đẩy quan niệm rằng tất cả mọi người (chứ không chỉ các linh mục) đều được kêu gọi nên thánh và đều có thể “tìm thấy Chúa trong đời sống hằng ngày”. Phải mất nhiều thập kỷ để tổ chức này được Giáo hội Công giáo chấp nhận, nhưng đến bây giờ Opus Dei là một “phủ giám chức” (nơi của những thành viên cấp cao) chính thức của Giáo hội Công giáo, và có con số 90,000 thành viên.

 “Opus Dei có tài năng rất lớn về mặt truyền thông”, David Gibson thuộc Cơ quan Religion News Service cho biết, và người phát ngôn thâm niên của giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng là thành viên của Opus Dei. “Họ đã làm việc rất giỏi trong suốt thời gian xảy ra chuyện Mật mã Da Vinci.”

Mọi thứ ở Vatican đã dần thay đổi từ khi Burke ngồi vào ghế điều hành các công việc Quan hệ công chúng. Người ta thấy Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cởi mở hơn. Bây giờ đã có báo tiếng Anh cho các nhà báo, và những người đại diện cũng bình luận trên truyền thông nhiều hơn. Dù Văn phòng Báo chí Tòa Thánh vẫn thường đóng cửa lúc 3 giờ chiều, nhưng Burke đang mơ về một Vatican với cơ cấu của một Hợp chủng quốc, với trang web có danh sách các đại diện ở khắp mọi châu lục và số điện thoại di động của họ, để bạn dễ dàng gọi khi cần phỏng vấn hay cần các đoạn video miễn phí”.

Vatican cũng tiến thêm một bước trong chiến lược số hóa truyền thông: Một vài tháng trước khi Burke đến làm việc, Đức Bênêđictô XVI viết vài dòng đầu tiên của mình trên Twitter. Khi tài khoản của Đức Bênêđictô XVI bắt đầu phổ biến, Burke nói “Ngài sẽ viết những gì ngài muốn viết. Nhưng giáo hoàng không muốn kè kè bên mình chiếc Blackberry hay chiếc Ipad đâu”.

Với Vatican, sự chuyển mình theo chiều hướng hiện đại này đã phải mất một thời gian dài. Đầu năm 2002, Ủy ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội bắt đầu đưa ra những văn bản về cách sử dụng Internet theo truyền thống Công giáo. Năm 2009, giáo hoàng Bênêđictô XVI thúc giục tín hữu Công giáo đi vào “lục địa số” và theo dõi kênh Vatican Youtube. Một năm sau, Tại Đại hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, giám mục Louisiana, Ronald Herzog đã trình bày với các bạn về việc sử dụng phương thức truyền thông mới. Một hồng y hiện diện ở đó cho biết, “Ngài bắt đầu bằng cách chứng minh rằng Tân Truyền Thông là một nguồn lực mạnh mẽ, chứ không phải là trò thị hiếu vớ vẩn”. Không lâu sau, giáo hoàng Phanxicô đã có bài diễn văn đầu tiên bằng tiếng Anh, tuyên bố rằng “Người ta biết đến Chúa Giêsu trong thế giới chính trị, kinh doanh, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, và truyền thông xã hội”.

Dưới sự hướng dẫn của Burke, Vatican cũng đã có những cuộc phản kích về mặt Quan hệ công chúng: bằng cách tung ra những tin tích cực thay vì ngồi chờ cho đến khi các vụ tai tiếng đi vào tầm kiểm soát. Trong vài tháng gần đây, Burke đã có thể kết hợp giáo lý với kiểu tường thuật giống như của trang Buzzfeed. Tháng trước, bài “10 điều cần biết về giáo hoàng Phanxicô” đã lan rộng trên truyền thông. Burke hăng hái cho biết, “Hình ảnh của giáo hoàng Phanxicô nên có một trong những cái mác cảnh báo như thế này: “Nguy hiểm: Người này có thể thay đổi cuộc đời bạn.”

Khi có Burke, bậc thầy quan hệ công chúng giỏi nhất này, thật khó để nói rằng bao nhiêu phần trăm thành quả là do chính con người của giáo hoàng Phanxicô (“ảnh hưởng Phanxicô”) và bao nhiêu là nhờ quan hệ công chúng. “Tôi sẽ không cho rằng Giáo hoàng Phanxicô là một người giao thiệp tuyệt vời,” Burke cho biết. “Tôi nghĩ chữ người giao thiệp không hay mấy… Thật lòng, tôi muốn gọi ngài là một Kitô hữu tuyệt vời”.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch