Tahar: “Tôi không bận tâm mình là người Pháp hay người Algeria, tôi là công dân của Nước Trời”

427

fr.aleteia.org, Marie-Ève Bourgois, 2015-12-07

Tahar

Phỏng vấn một người cha gia đình hồi giáo, con của một giáo chủ hồi giáo, trở lại đạo kitô giáo từ khi 20 tuổi.

Ông Tahar là tài xế lái xe đường trường, ông sinh năm 1963 ở Bourgoin-Jallieu, Isère. Ông là con của một giáo chủ hồi giáo, lập gia đình với một phụ nữ giữ đạo hồi và cha của bốn người con. Năm 1982 ông trở lại kitô giáo.

Aleteia: Tại sao ông là kitô hữu?

Tahar: Trong những năm 1980, tôi có về Algeria vài tháng, tôi bắt đầu theo đạo Hồi. Khi tôi đọc câu số 9 của kinh Coran kêu gọi thánh chiến: “Anh chị em hãy dẹp tan những người ngoại đạo ở gần anh chị em; họ sẽ phải chịu cay nghiệt dưới tay anh chị em”. Lúc đó tôi hiểu đạo hồi không phù với tinh thần hòa bình và tình thương mà tôi gặp nơi một số người Algeria trở lại kitô giáo. Tôi được ơn nhìn thấy sự thật.

Tại sao là tôi? Tôi không biết, nhưng tôi cám ơn Chúa. Cha tôi là một giáo chủ hồi giáo, ông chưa bao giờ có dịp được biết đến Phúc Âm. Khi tôi trở lại năm 1982, tôi bắt đầu rao giảng Phúc Âm ở Algeria; tôi lúc nào cũng là người lên xe buýt cuối cùng, tôi sợ bị đâm sau lưng. Nhưng một khi tôi có Chúa Giêsu trong cuộc đời, ngày đêm tôi cám ơn Chúa. Mình không tốt hơn người khác, nhưng Chúa ban ơn cho mình. Hôm nay, tôi không bận tâm mình là người Pháp hay người Algeria, tôi là công dân của Nước Trời.

Ông rao giảng Tin Mừng như thế nào?

Sáng nay, trong giờ nghỉ của tôi, tôi đi phát lịch kitô giáo. Trong khi làm việc, tôi dán câu “Tôi yêu Chúa Giêsu, I love Jesus” sau áo lân quang của tôi. Một vài người nhạo tôi, mình không thể nói về Chúa Giêsu với tất cả mọi người. Nhưng phải làm cho tình yêu của Chúa thực hiện cách này cách khác, dù đôi khi người ta xem tôi như người điên. Một ngày nọ, có một người du mục rất cao to nói với tôi, ai cũng sợ anh. Nhưng một khi anh trở lại thì không còn ai sợ anh nữa. Mọi người nói: “Nhìn Antôn kìa, anh đã thay đổi!”. Đức tin làm cải thiện tâm hồn. Nhưng không được quyền buộc người khác phải theo đạo, phải để họ tự quyết định.

Ông nghĩ gì về các cuộc tấn công khủng bố vừa qua ở Paris?

Cũng còn phải chờ xem. Qua các cuộc khủng bố này, người ta thấy rõ bộ mặt thật của hồi giáo. Không phải lỗi của những người này nhưng do sự giảng dạy của kinh Coran. Một vài người cho rằng đó là những người điên, những người cuồng tín nhưng họ chỉ áp dụng hồi giáo theo nghĩa đen. Ai cũng biết, nhưng không ai dám nói sợ đụng chạm đến sự nhạy cảm của người hồi giáo. Người hồi giáo đa số là những người dũng cảm, nhưng họ có một tấm màn che khuất mắt họ. Họ khát vọng một hồi giáo sự thật và hòa bình, nhưng điều này không thế nào có. Chẳng hạn trong hồi giáo, nếu tôi không tha thứ cho bạn khi bạn tấn công tôi thì Allah không thể tha thứ cho bạn. Vì thế, một người hồi giáo không nghĩ mình ngang với Chúa, họ nghĩ họ vượt cao hơn Chúa.

Làm sao tìm được một bầu khí hòa bình và hy vọng?

Tôi mong cho tất cả người hồi giáo biết được Phúc Âm, bởi vì không phải chỉ có cầu nguyện hoặc giữ chay tháng ramadan mà được cứu, nhưng phải biết Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Chuộc. Người hồi giáo sống trong hoang mang. “Inch’Allah” có nghĩa là “Nếu Chúa muốn”. Và nếu Chúa không muốn? Hòa bình sẽ có được khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang của Ngài. Ngài là hy vọng duy nhất. Nhưng tôi biết, Chúa thương yêu tất cả người hồi giáo, tôi tin chắc! Gần đây ở Algeria, tôi gặp một cụ già 80 tuổi, cụ vừa đi hành hương ở thánh địa La Mecque. Khi đến đó, cụ thấy Chúa Giêsu nói với cụ: “Con hãy trở về nơi ở của con”. Cụ về lại Algeria và cụ trở lại đạo ở tuổi 80. Vậy, vẫn còn có hy vọng!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch